“HÃY NHÂN DANH NGƯỜI MÀ RAO GIẢNG”
LỄ THĂNG THIÊN – CHÚA NHẬT VII PHỤC SINH NĂM C
Chính thánh Luca, đã từng ghi lại thao thức của Chúa Giêsu về sứ mạng truyền giáo, khi đề nghị các môn đệ: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin Chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về" (Lc 10, 2).
Năm 2004, Thánh Gioan Phaolô II chọn chính lời của Chúa Giêsu làm chủ đề Sứ điệp Ơn gọi của mình, để xin mọi người cầu nguyện cho việc truyền giáo, cách riêng cho những người sống ơn gọi tu trì: “Luôn trung thành với ơn gọi của mình và đạt tới mức cao độ nhất của sự hoàn thiện Phúc Âm” (Sứ điệp Ơn gọi 2004, số 3).
Đến lúc Chúa về trời, một lần nữa, thánh Luca đã không bỏ qua chi tiết quan trọng trong di chúc của Chúa: “Hãy nhân danh Người mà rao giảng việc sám hối và ơn tha tội trong mọi dân, bắt đầu từ Giêrusalem” (Lc 24, 47). Những lời ấy được trao ban chỉ ít phút trước khi Chúa “lên trời, ngự bên hữu Thiên Chúa”, trở thành lẽ sống, thành hướng nhắm để đi tới, thành mục tiêu để theo đuổi và là hoạt động không ngơi nghỉ của Hội Thánh.
Bởi từ ngày Chúa rời trần gian, bất cứ làm gì, dù chiêm niệm, cầu nguyện, sinh hoạt thường nhật của đời sống, làm công tác xã hội và từ thiện… Hãy suy nghĩ gì, cử hành mầu nhiệm và bí tích nào, tổ chức phong trào nào… Hội Thánh cũng chỉ quy về một việc duy nhất: giới thiệu Chúa Kitô cho con người, và thánh hóa lòng người. Hội Thánh làm như thế vì, hơn ai hết, Hội Thánh hiểu rõ: truyền giáo là sự sống của mình.
Riêng quê hương Việt Nam, vào năm 1533, Hội Thánh Việt Nam đã bắt đầu phôi thai với sự hiện diện của giáo sĩ Inikhu, người đến làng Ninh Cường, và Trà Lũ, thuộc giáo phận Bùi Chu ngày nay…
Nhờ những bước chân mở mang truyền giáo ấy, Tin Mừng đã bắt đầu. Hạt giống Lời Chúa đã gieo, vẫn âm ỉ, để khi có điều kiện, sẽ nảy nở và trổ sinh trong lòng người. Tất nhiên, điều đó cần ơn Chúa và nỗ lực truyền giáo của người Kitô hữu, có khi rất gian truân, đòi hỏi công sức, hy sinh, kể cả mồ hôi, nước mắt và đổ máu.
500 năm, dù không thể sánh cùng nhiều Hội Thánh địa phương khác, càng không thể sánh cùng Hội Thánh hoàn vũ đã mấy ngàn năm, Hội Thánh Việt Nam vẫn tự hào vẽ thêm một đường lịch sử không bao giờ mệt mỏi, không bao giờ dừng lại trên trang sử đức tin.
Ý thức truyền giáo của Hội Thánh Việt Nam phải vượt nhiều thử thách, do lòng người đố kỵ, thù ghét, cả lo sợ sự phát triển và ảnh hưởng của Hội Thánh, nên chưa khi nào Hội Thánh Việt Nam sống trong bình yên thực sự, chưa bao giờ được tôn trọng đúng mức.
Thật lạ lùng, càng khó khăn, Hội Thánh Việt Nam càng thắm thiết với đức tin. Ơn gọi tu trì của Hội Thánh Việt Nam không thiếu, nơi nào có người Việt sinh sống, dù quê nhà, hay quê người, vẫn có người Công Giáo Việt hiến dâng cuộc đời cho Chúa. Các nhà thờ bao giờ cũng đông đảo. Các lớp giáo lý, các nhóm chia sẻ Lời Chúa, các hội đoàn, phong trào đạo đức, các tổ chức làm công tác xã hội… vẫn không ngừng phát triển.
Nhưng những gì Hội Thánh Việt Nam đã làm, chưa là tất cả của công tác truyền giáo. Nhiệm vụ của Hội Thánh Việt Nam chưa bao giờ kết thúc. Sau gần 500 năm, hình như đó chỉ là cánh cửa vừa mở ra. Trách nhiệm của từng người Công Giáo Việt Nam hôm nay phải luôn luôn ra đi theo lối mở ấy của tiền nhân để nhân danh Thiên Chúa và làm chứng cho Ngài bằng cuộc sống chứng tá của mình ngay trong hoàn cảnh hiện tại.
Hãy ghi nhớ: Cách đây 500 năm, quê hương là cả một cánh đồng truyền giáo bao la. Nhưng đã gần 5 thế kỷ đi qua, quê hương vẫn chỉ là một cánh đồng bao la mà chúng ta phải truyền giáo!
Mừng lễ Chúa về trời, ôn lại thao thức truyền giáo của Chúa, lắng nghe lời Chúa dạy: “Hãy nhân danh Người mà rao giảng việc sám hối và ơn tha tội trong mọi dân, bắt đầu từ Giêrusalem” (Lc 24, 47), ta nhận ra nhiệm vụ lớn lao và vinh dự của mỗi người Việt Công Giáo hôm nay. Đó là tiếp nối bước chân truyền giáo của Chúa, noi gương Ngài, cùng lớp lớp cha ông, lên đường mang ơn cứu rổi cho cuộc đời, cho con người.
Có hai cách để chúng ta hoạt động truyền giáo:
1. Cầu nguyện: Chúa Giêsu nhắc nhở: “Hãy xin Chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về” (Lc 10, 2). Cầu nguyện cho việc truyền giáo là bổn phận của chúng ta. Chúng ta cầu xin Chúa cho có nhiều trái tim quảng đại biết cảm thương những cảnh đời bơ vơ không người chăn dắt, đồng thời xin Chúa sai nhiều tâm hồn thiện chí dấn thân ra đi loan báo Tin Mừng.
Chúa Thánh Thần chính là tác nhân của việc rao giảng Tin Mừng. Chúng ta cầu xin Ngài thúc đẩy mỗi người ý thức và hăng say loan báo Tin Mừng. Xin Ngài tác động trong thâm cung tâm hồn để giúp mọi người chấp nhận và hiểu biết Lời cứu độ.
2. Sống chứng tá: Hãy nhớ, trước khi là người loan báo Tin Mừng, bản thân người Công Giáo phải sống Tin Mừng. Vì thế, nêu gương sống lương tâm Công Giáo là việc cấp bách, liên lỉ.
Từng người tín hữu cần nỗ lực cùng đồng bào xây dựng nếp sống lành mạnh trong khu phố, xóm làng, loại trừ mọi tệ đoan, mọi tật xấu. Đặc biệt, họ nêu gương đời sống hiệp nhất yêu thương; nêu gương tôn trọng sự sống và phẩm giá con người, sống theo lương tâm ngay thẳng. Không có lời rao giảng nào có sức thuyết phục bằng sự hiệp nhất yêu thương mà người tín hữu thể hiện từ trong gia đình ra đến xóm làng, giáo xứ và giáo phận...
Chúa Giêsu đã về trời. Biến cố về trời bế mạc giai đoạn hiện diện của Chúa trên trần gian, nhưng khai mạc giai đoạn hiện diện và hoạt động của Hội Thánh cùng với Thánh Thần.
Vì thế, Hội Thánh nói chung và Hội Thánh tại Việt Nam nói riêng, vẫn tiếp tục được mời gọi chia sẻ chức vụ mục tử của Chúa Giêsu, đem ơn thánh hóa, cứu độ mọi người và chính đồng bào Việt Nam của mình.
Nhưng nỗ lực sống lời mời gọi chia sẻ chức vụ của Chúa Giêsu, phải là nỗ lực của từng cá nhân, trong từng ngày sống.
Vậy bản thân chúng ta hãy tiếp nối sứ vụ của Chúa, bằng cách sống những hướng dẫn cụ thể mà Hội Thánh dạy: "Mọi Kitô hữu, dù sống ở đâu, đều phải lấy gương mẫu đời sống và chứng tá lời nói để biểu dương con người mới mà họ đã mặc lấy nhờ phép Rửa, và biểu dương sức mạnh của Chúa Thánh Thần mà họ đã được củng cố nhờ phép Thêm Sức, để những người khác nhìn thấy những việc lành của họ mà ngợi khen Chúa Cha, cùng nhận thức đầy đủ hơn ý nghĩa đích thực của đời sống con người và mối dây liên kết toàn thể cộng đồng nhân loại" (Công Đồng Vatican II - Sắc Lệnh về hoạt động Truyền Giáo của Giáo Hội - số 11).