Việc hôn nhân tại Canada giờ chỉ được xem là một mối quan hệ về dục tính mà thôi

Ottawa (CNA) - Việc tái định nghĩa lại hôn nhân tại Gia Nã Đại để bao gồm luôn cả những cặp đồng tính luyến ái, đã làm giảm đi ý nghĩa của hôn nhân và xem hôn nhân “chỉ đơn thuần là một mối quan hệ về tính dục mà thôi,” đó là lời nhận xét của Cha Raymond de Souza trong một bài báo xuất bản trên tờ Bưu Điện Quốc Gia (National Post) ngày hôm qua. Vị linh mục tuyên úy tại trường Đại Học Kingston ở thành phố Queen, Canada là cây bút thường xuyên của tờ báo quốc gia này.

Ngài viết: “Về mặt dân sự, hôn nhân tại Canada hiện nay chỉ đơn giản là việc công nhận về mặt pháp lý và những lợi ích riêng của một mối quan hệ vợ chồng mà thôi, chứ về nguyên tắc, chẳng hề có liên quan gì cả đến tính lâu dài, đến việc nối dòng, nối dõi hay lợi ích công cộng.”

Và Ngài nói điều này xảy ra là do việc đổi mới những luật lệ có liên quan tới việc ly dị tại Canada vào năm 1967 dưới thời của Bộ Trưởng Tư Pháp lúc đó là Pierre Trudeau qua Bản Dự Luật gồm nhiều Mục (Omnibus Bill).

Ngài viết thêm:

Dự luật này đã khiến cho việc ly dị được dễ dàng hơn. Thậm chí, chẳng có lỗi gì cả, vẫn có thể ly dị nhau, và điều này đã khiến cho “việc hôn nhân chỉ được xem như là một thỏa ước đơn phương, mà một trong hai bên có thể hủy đi vào bất cứ lúc nào, hay vì bất cứ lý do gì.” Chẳng bao lâu sau đó, những luật lệ có liên quan đến hôn nhân được soạn thảo lại, để cung cấp những lợi ích về hôn nhân, mà hai bên không cần phải cam kết gì cả với nhau trong hôn nhân.

Từ đó, Ngài tuyên bố rằng: “Về mặt dân sự, khi hôn nhân không còn được ràng buộc bởi sự cam kết và tính bền vững lâu dài, thì điều còn lại duy nhất để phân biệt đó là một mối quan hệ hôn nhân so với bất kỳ một mối quan hệ nào khác, chính là chuyện tình dục mà thôi. Tình dục khác giới hay tình dục cùng giới, việc đó không còn là quan trọng nữa. Do đó, nảy sinh ra chuyện hôn nhân đồng giới.”

Cha de Souza thách thức kiểu lý luận đã được đưa ra trong cuộc tranh luận quốc gia rằng: hôn nhân đồng giới sẽ khuyến khích cho chế độ một chồng-một vợ và tính bền vững lâu dài, và có những ảnh hưởng tương tự về mặt dân sự cũng giống như chuyện hôn nhân khác giới vậy.

Cha viết: “Đó chính là một kiểu lý luận phi lý (incongruous) vì lẽ sau năm 1967, chúng ta đã quá bận rộn để xem thường tất cả những gì để làm cho hôn nhân được trở nên bền vững và một vợ-một chồng, chúng ta đã dễ dàng hóa những luật lệ về ly dị, thì lấy đâu ra chuyện mong rằng hôn nhân đồng tính cũng sẽ giúp cổ võ cho chuyện bền vững và một chồng-một vợ?”

Sau đó Cha đề nghị rằng những luật lệ về hôn nhân và ly dị tại Canada cần phải được sửa đổi bao gồm và chú trọng luôn cả về “những ảnh hưởng có liên quan đến nền văn minh” bằng việc chú trọng tới khía cạnh “bền vững, và tính lâu dài” trong hôn nhân.

Ngài đưa ra câu hỏi: “Giờ đây những cặp đồng tính luyến ái được phép làm giấy giá thú về mặt dân sự, và không còn bị kỳ thị nữa, thế tại sao chính phủ lại không đòi hỏi rằng những lợi ích hôn nhân phải được ràng buộc với những cam kết về hôn nhân?”

Ngài đề nghị rằng việc ly dị không nên được dựa trên quyết định đơn phương của người chồng/vợ. Hôn nhân không được phá vỡ hay bẻ gãy “trừ phi cả hai cùng đồng ý phá bỏ mối quan hệ đó.”

Ngài nêu ra câu hỏi: “Tại làm sao mà những giấy giá thú ít nhất ra, phải mạnh mẽ và cứng rắn, như một hợp đồng để nâng cấp một cái nhà bếp, chẳng hạn, để không có bên nào dám đơn phương phá bỏ hợp đồng?”

Ngài cũng ghi nhận rằng những cải cách này không nên dựa trên một lịch trình mang tính chính trị, nhưng nói rằng chúng nên nhận được sự hổ trợ của mọi người, từ cả hai phía trong cuộc tranh luận về chuyện hôn nhân đồng giới.

Nếu không có được sự hổ trợ, Ngài nói: “thì rõ ràng là cuộc tranh luận về vấn đề hôn nhân đồn giới chẳng có liên quan gì cả đến hôn nhân, vì đó chỉ là việc nhà nước đồng ý về chuyện tình dục của hai người đồng giới mà thôi.”