Vào ngày 27 tháng 7 vừa qua, phiên tòa lịch sử xét xử “Tòa nhà London” đã bắt đầu, một phiên điều trần ngắn trong đó 10 người - bao gồm cả Hồng Y Angelo Becciu - bị buộc tội với các tội tài chính nghiêm trọng. Sau kỳ nghỉ hè, phiên tòa đã tiếp tục vào ngày 5 tháng 10 và dự kiến sẽ chiếm lĩnh các tin tức hàng đầu liên quan đến Vatican trong vài tháng tới.

Phiên tòa này là một vấn đề nghiêm trọng và có nhiều khả năng có những xuyên tạc làm ngã lòng các tín hữu. Chính vì thế, tờ Aleteia, nghĩa là Chân Lý Tỏ Tường, đã tóm tắt và đưa ra 5 điểm chính sau đây:

Vấn đề thứ nhất: Thiệt hại đối với tài chính của Tòa thánh

Vào năm 2019, sau một báo cáo nội bộ, các quan chức tư pháp Vatican đã mở một cuộc điều tra về các điều kiện mua lại một tòa nhà ở London, tọa lạc tại số 60 Đại lộ Sloane, bởi Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh - là cơ quan hành chính trung ương của Tòa thánh. Khoản đầu tư, bắt đầu vào năm 2013, được tài trợ bằng tiền từ Quỹ Đồng Điền Thánh Phêrô, tức là tiền quyên góp của các tín hữu. Hoạt động này được giao phó cho một chủ ngân hàng người Anh gốc Ý, tên là Raffaele Mincione, và dường như đã bị chuyển hướng khỏi mục đích ban đầu.

Sau một cuộc điều tra kéo dài, các quan chức của văn phòng Chưởng Lý của Vatican tin rằng từ 76 đến 166 triệu euro đã được tính như là chi phí bổ sung mà Tòa Thánh phải gánh chịu. Mười người đã được tòa án quốc gia thành phố Vatican triệu tập để trả lời về hành động của họ.

Vấn đề thứ hai: Lần đầu tiên một Hồng Y bị xét xử bởi các giáo dân

Khởi nguồn của khoản đầu tư là Hồng Y Angelo Becciu, lúc bấy giờ là Tổng Giám Mục Phụ Tá Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh (nhân vật “số 3” của Giáo triều Rôma), trước khi được tấn phong Hồng Y và trở thành Tổng trưởng Bộ Tuyên Thánh vào năm 2018. Hồng Y Angelo Becciu, người Ý, quê ở Sardinia đã bị Đức Giáo Hoàng Phanxicô cách chức vào tháng 9 năm 2020, hiện bị buộc tội tham ô, lạm dụng chức vụ và hối lộ.

Trước tiên, Hồng Y Becciu sẽ phải giải thích những điều kiện mà ngài đã cho phép thực hiện hoạt động tài chính này. Ngoài ra còn có vấn đề tuyển dụng Cecilia Marogna, một chuyên gia trong lĩnh vực “ngoại giao không chính thức,” đặt ra nhiều câu hỏi, cũng như khả năng chuyển hướng quỹ sang Sardinia. Mặc dù ngày nay chưa rõ sự liên quan chính xác của vị Hồng Y bị phế truất, nhưng chính bản cáo trạng của ngài đã là một sự kiện lịch sử. Theo kết quả của cuộc cải cách gần đây của Đức Thánh Cha Phanxicô, ngài thực sự là vị Hồng Y đầu tiên bị tòa án dân sự xét xử, đây là một dấu hiệu mạnh mẽ cho thấy quá trình cải cách hệ thống tư pháp của Vatican do Đức Giáo Hoàng khởi động.

Vấn đề thứ ba: Sự phơi bày của một hệ thống tham nhũng ở trung tâm của Vatican

Ngoài trường hợp của Đức Hồng Y Becciu, phiên tòa sẽ là một cơ hội để xem xét “Phân Bộ Thường Vụ” hay “Phân bộ thứ nhất” rất kín đáo của Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh mà ngài đã đứng đầu trong một thời gian dài. Mauro Carlino và Fabrizio Tirabassi, các thành viên của bộ máy quản trị trung ương tế nhị này, đang bị điều tra. Mối liên hệ của họ với giới kinh doanh Ý, Thụy Sĩ và Anh, cũng như với các cơ quan tài chính của Tòa Thánh, chẳng hạn như Cơ quan Giám sát và Thông tin Tài chính, gọi tắt là ASIF, sẽ được điều tra.

Hồ sơ dầy cộm kèm theo lệnh triệu tập của Chưởng Lý đề cập đến một “hệ thống” tham nhũng thực sự ở trung tâm của quốc gia nhỏ nhất thế giới, cho thấy sự kém cỏi nhất định ở cấp cao nhất. Mặc dù chương trình cải cách tài chính Vatican của Đức Giáo Hoàng Phanxicô dường như đã tiên báo phiên tòa này — Ví dụ, Phân bộ thứ nhất đã bị tước bỏ mọi quyền lực kinh tế vào tháng 12 năm ngoái — phiên tòa này dẫu sao cũng sẽ là phiên tòa xét xử phương thức hoạt động của cơ quan quản lý cấp cao này.

Vấn đề thứ tư: Sự trở lại của những con quỷ cũ

Trong khi triều đại của Giáo hoàng Phanxicô được một số người mô tả là một phong trào hiện đại hóa và đổi mới đối Giáo Hội Công Giáo, thì vụ việc liên quan đến tòa nhà ở London nhắc nhở chúng ta về một truyền thống đáng tiếc ở Vatican: đó là các vụ bê bối tài chính. Chúng là một tội ác thường xuyên trong gần 40 năm, từ vụ bê bối ngân hàng Ambrosiano - bị mafia lợi dụng - cho đến việc chủ tịch Viện Giáo Vụ, tức là ngân hàng Vatican, bị kết tội vào tháng Giêng năm ngoái. Những sự việc tưởng chừng đã bị lãng quên này lại tái hiện một cách đột ngột sau bản cáo trạng của Cecilia Marogna. Cuốn sổ địa chỉ của bà cố vấn Cecilia Marogna này, được người Ý gọi một cách tinh quái là “Phu nhân Hồng Y”, chứa tên của những nhân vật khét tiếng, đặc biệt là một số thành viên của nhóm “Nhà nghỉ P2” khét tiếng trong vụ tai tiếng Ambrosiano, và các tay súng của nhóm mafia Cosa Nostra.

Vấn đề thứ năm: Uy tín của Vatican đang bị đe dọa

Phiên tòa hầu chắc sẽ là một thời khắc quyết định đối với uy tín của Giáo Hội Công Giáo và triều đại của Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Trước hết, về mặt tài chính: ngoài những thiệt hại trực tiếp, gây bất lợi cho hoạt động đúng đắn của Tòa thánh đang gặp khó khăn về tài chính, việc sử dụng tiền của các tín hữu vào hoạt động — sau này được Tòa thánh hoàn trả lại— là một tình tiết gia trọng. Vatican sợ rằng giáo dân, do một số vụ bê bối, sẽ ngừng tài trợ cho Tòa thánh… Và trên thực tế, việc giảm các khoản quyên góp đã có thể quan sát được.

Từ một góc độ khác, số phận của Hồng Y Becciu, một người bạn cá nhân của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, đặt ra nguy cơ đáng kể cho hành động của ngài trong nỗ lực chống lại “tai ương” của chủ nghĩa giáo sĩ trị, sự cứng nhắc của hàng giáo phẩm trong Giáo hội mà Đức Giáo Hoàng đã không ngừng chống lại.

Sự tín nhiệm đối với việc quản trị Giáo Hội của ngài cũng được đưa ra xem xét rộng rãi, đặc biệt là khi việc ban hành hiến pháp mới để cải cách các phương pháp làm việc của Giáo triều Rôma. Nhưng một cách biểu tượng hơn nữa, và trên hết là uy tín luân lý của Giáo Hội Công Giáo đang bị đe dọa ở đây. Sự mâu thuẫn lớn giữa những lời hô hào của Đức Thánh Cha Phanxicô chống lại nền tài chính toàn cầu hóa và tình huống giống như mafia được quan sát thấy gần với Ngai Tòa Thánh Phêrô dường như khó có thể dung hòa.
Source:Aleteia