Những Rào Cản Trong Sứ Vụ Loan Báo Tin Mừng

Đã có rất nhiều bài viết của nhiều tác giả về cách thức loan báo Tin mừng, làm sao để loan báo Tin mừng, những mặt tốt, mặt thuận lợi của việc loan báo Tin mừng,…nhưng hôm nay, bản thân người viết muốn thử cùng mọi người nói lên đâu là những rào cản, những mặt trái của việc loan báo Tin mừng? Cá nhân không có ý chỉ trích hay lên án một ai cả nhưng với cái nhìn chủ quan qua kinh nghiệm bản thân sau thời gian làm việc truyền giáo tại vùng miền sơn cước của Giáo phận, cũng như đã được chứng kiến trực tiếp hoặc nghe và nhìn thấy rõ ràng tại một số giáo xứ để rút những mặt trái, những ‘bức tường’ làm ngăn cản công việc loan báo Tin mừng tại Giáo phận nhà nói riêng cũng như một số nơi khác.

Như chúng ta đã biết, Đức Giê-su trước khi về trời, Ngài đã mời gọi mọi người: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.” (Mc 16,15). Như vậy, trách nhiệm loan báo Tin mừng là trách nhiệm chung của mỗi chúng ta. Đã lãnh nhận Bí tích Rửa tội rồi, tất cả mọi người đón nhận sứ vụ loan báo Tin mừng trong môi trường sống của mình, mà không được ngưng nghỉ hay từ chối. Như vậy, theo Công Đồng Vatican II: “Giáo Hội tự bản chất có sứ vụ truyền giáo” (x. AG,2). Từ nay, ai thuộc về Giáo hội qua bí tích Thanh Tẩy, người đó có bổn phận phải lên đường làm chứng nhân cho Chúa nơi môi trường sống trong bậc sống của mình. Ý thức được vai trò quan trọng đó, nhiều người đã không ngần ngại lên đường loan báo Tin mừng. Họ đã hăng say, nhiệt huyết, thậm chí dùng cả tính mạng để miễn sao Tin mừng được rao giảng.

Tuy nhiên, bên cạnh nhiều người với nhiều cách thức qua cách sống của bản thân để thu hút được nhiều người nhận biết Đức Giê-su và tin theo Ngài, thì cũng không thiếu nhiều người vì lối sống ích kỷ hoặc chưa dám dấn thân ra đi loan báo Tin mừng. Không những vậy, qua lối sống của mình, họ còn trở nên ‘vật cản hay bức tường” ngăn cách người khác đến gặp gỡ Chúa. Như vậy, đâu là những ‘mặt trái hay bức tường’làm ngưng trễ hay không muốn nói là ngăn chặn việc loan báo Tin mừng của chúng ta ngày hôm nay?

1. Rào cản từ những người giáo dân?

Quả thật, nhiều người lương dân đã nhận xét thế này: ‘chúng tôi có thể tin Chúa Giê-su, thích đạo Công Giáo, tin ông cha, thích ông linh mục lắm nhưng chúng tôi chẳng ưa gì các ông bà giáo dân chút nào.’ Được hỏi vì sao vậy, họ trả lời: chúng tôi thấy giáo dân cũng buôn gian bán lẫn, cũng trộm cắp, cũng đập vợ đánh con, cũng cướp chồng/ vợ của người khác, cũng lươn lẹo, cũng tham lam, ích kỷ, cũng rượu chè – cờ bạc tối ngày,…như vậy, họ đâu có khác gì chúng tôi đâu. Qua lối sống đó, người lương dân không ngần ngại dùng từ ‘giáo gian thay vì giáo dân’. Họ đối diện với lối sống tiêu cực của người Công Giáo như thế thì làm sao họ có thể dễ dàng đón nhận một Tin mừng yêu thương và tốt đẹp được? Cũng vì thế, mà rất nhiều gia đình Công Giáo ở bên cạnh rất nhiều nhà lương dân nhưng chưa bao giờ cảm hoá được họ hoặc không thể giới thiệu Tin mừng Giê-su cho họ. Cả mấy chục năm trời sống chung giữa lương với giáo, nhưng xem ra chúng ta vẫn không thể loan báo Tin mừng cho họ được, là vì cách sống đạo ngoài đời của chúng ta chưa thực sự tốt không muốn nói là rất phản cảm. Chúng ta phải thú nhận rằng chúng ta mới sống đạo nhà thờ thôi, mà chưa thực hành đạo được bao nhiêu ở ngoài đời sống xã hội. Chúng ta đã tự chia cắt đời sống nhà thờ với đời sống xã hội. Trong nhà thờ, mọi người đọc kinh rất to, cầu nguyện xem ra rất sốt sắng, tham dự thánh lễ đều đặn nhưng khi ra khỏi nhà thờ, chúng ta lại sống như người chưa bao giờ biết Mười Điều răn, Tám Mối Phúc Thật và Cải Tội Bảy mối,…Đúng như thánh Giacobe Tông đồ đã khẳng định: “Đức tin không việc làm là đức tin chết.” (Gc 2, 26). Quả thật, chúng ta nói tin vào Chúa, chúng ta nói yêu Chúa nhưng chúng ta lại không thực hành Lời Chúa nơi môi trường sống của chúng ta thì đời sống đạo của chúng ta sẽ khô héo không muốn nói là giả tạo. Lối sống như thế làm sao chúng ta có thể trở nên chứng nhân loan báo Tin mừng cho thời đại hôm nay được? Vì thời đại hôm nay cần chứng nhân hơn là thầy dạy. Chứng nhân mà tầm bậy thì trở thành chứng gian, chứng mù, chứng xấu.

2. Rào cản từ những Tu sĩ - Linh mục?

2.1. Rào cản từ Tu sĩ?

Ngoài ra, có thể nói ngay rằng việc loan báo Tin mừng còn được giao trách nhiệm cho một số người được tuyển chọn như là hàng giáo phẩm, tu sĩ nam nữ. Đây là những thành phần ưu tú được kêu gọi để làm công việc chuyên môn hơn trong sứ vụ loan báo Tin mừng. Thế nhưng, biết bao hội Dòng được thành lập có thể nói đa số đang lo việc kiếm sống như làm kinh tế qua việc mở các trường dạy trẻ, buôn bán đồ thánh, bán thuốc đủ loại,…dẫn đến ít có thời gian nhiều cho việc loan báo Tin mừng. Vì thế, rất nhiều hội dòng được mọc lên chung quanh các làng, các gia đình lương dân nhưng họ vẫn không biết về Đạo Công Giáo, biết về Đức Giê-su. Các tu sĩ không muốn đi ra và gặp gỡ người khác thì làm sao họ có thể biết về Tu sĩ, đạo của Tu sĩ và Chúa của Tu sĩ. Hơn nữa, nhiều khi chúng ta còn tạo khoảng cách và phân biệt lương với giáo nữa. Đôi khi còn có những tu sĩ sống kênh kiệu, tự cao tự đại, gây gương mù gương xấu ngang qua lối sống bê tha, rượu chè hoặc chơi trội, thể hiện, vì thế, sứ vụ loan báo Tin mừng dẫn đến chậm trễ không muốn nói là không phát triển nổi. Như vậy, làm sao chúng ta có thể trách người giáo dân bên ngoài được, trong khi chúng ta là những người được chọn gọi, được huấn luyện nhưng chưa chịu ra đi loan báo Tin mừng, chưa sống chứng tá bằng cuộc sống của mình.

2.2. Rào cản từ các Linh mục?

Đối với các linh mục quản xứ hay các cha tu dòng, vai trò loan báo Tin mừng nơi ngài hết sức cần thiết và vô cùng quan trọng. Vì ngài là người Thiên Chúa tuyển chọn để làm trung gian giữa Thiên Chúa và loài người. Ngài có trách nhiệm phải giảng dạy, cử hành các bí tích và thăm viếng hết thảy mọi người nơi vùng miền được sai đến. Ngài là người đầu tàu trong mọi hoạt động của cộng đoàn giáo xứ. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại nhiều vị, nhiều đấng đã quan niệm rằng hoàn thành thánh lễ và cử hành các bí tích là đã truyền giáo rồi. Các ngài đang đóng khung trong công việc mục vụ bảo tồn mà chưa thực sự mở ra và đi đến với vùng ngoại biên. Hơn nữa, có nhiều vị đã chạy theo thế tục, chạy theo lối sống đua đòi, mua sắm hàng hiệu, chạy theo ‘mốt’ thời trang, thích thể hiện chính mình,…Về xây dựng, nhiều vị đã sẵn sàng đập đi những ngôi nhà phòng, nhà thờ đang còn đẹp/ đang còn sử dụng tốt để xây lại những ngôi nhà mới theo ý của mình. Khi xây dựng thì không thể không cần đến bà con giáo dân. Nếu ngài đến với những giáo xứ có kinh tế thì tốt cho ngài, nhưng nếu gặp lấy giáo xứ nghèo thì bà con đóng tiền cũng kiệt quệ. Do đó, nhiều giáo dân đã phàn nàn, kêu ca khi phải đóng tiền liên tục. Có người đã thốt lên là sẽ ‘bỏ đạo’, bỏ lễ, bỏ nhà thờ vì đỡ tốn tiền cho nhiều khoản. Như vậy, phải chăng đây là một trong những ‘rào cản hay bức tường’ làm nên sự ngưng trệ của công cuộc loan báo Tin mừng?

Mặt khác, nhiều đấng bậc đã có lối hành xử chưa được tốt qua việc giảng dạy. Thay vì giảng Lời Chúa, có một số vị đã dùng toà giảng để ‘mạt sát, nạt nộ, chửi mắng, la rầy’ bà con giáo dân, thậm chí có những cá nhân bị ‘chửi’ đích danh để dân thấy mà thương. Tạo nên bầu khí nặng nề và thiếu yêu thương trong cộng đoàn giáo xứ, dẫn đến nhiều giáo dân đã bỏ lễ, bỏ xưng tội rước lễ, bỏ đạo luôn. Ngay cả người lương dân cũng thấy khó chịu khi nghe linh mục ‘chửi’ bà con giáo dân. Đây là rào cản, là mặt trái của việc loan báo Tin mừng.

Vả lại, nhiều người đã không thể tiếp xúc với linh mục, vì ngài quá khó tiếp cận, khó gần, không thân thiện, không cởi mở. Ai muốn gặp ngài đôi khi phải chờ đợi cả tiếng đồng hồ. Ai muốn gặp ngài thì phải bấm chuông, sau đó bắt đầu ngồi chờ. Vào xin lễ thay vì hỏi thăm sức khoẻ, tình hình gia đình hoặc đối thoại với giáo dân, thì nhiều vị đã mau chóng vào phòng ngay sau khi nhận bổng lễ. Phải chăng đây cũng là mặt trái của việc loan báo Tin mừng?

Bên cạnh đó, nhiều vị tại một số giáo xứ đã ra quy định phạt tiền đối với giáo dân khi không tham gia đi làm công việc xây dựng trong giáo xứ. Ai chưa nộp hoặc không nộp cũng sẽ bị công bố tên ra trước cộng đoàn. Ai chưa hoàn thành chương trình giáo lý phổ thông mà trình hôn nhân, thì phải đóng lệ phí cho thầy trưởng ban giáo lý từ 2 triệu trở lên, mới được cung cấp tờ giấy chứng nhận. Còn các lớp hôn nhân, trước khi lễ cưới, một số vị quy định rằng mỗi đôi phải đóng lệ phí từ 2 triệu đến 5 triệu. Số tiền này xung vào quỹ của giáo xứ hay làm việc gì đó? Nhiều người đã rất bực mình và khó chịu khi bị thu tiền như vậy. Họ đã không muốn đến nhà thờ và với Giáo hội nữa. Phải chăng đây cũng là mặt trái của việc loan báo Tin mừng?

‘Rào cản và bức tường’ của sứ vụ loan báo Tin mừng khi nhiều vị đã quy định tiền xin lễ phải bỏ phong bì ít nhất là 500k, nếu không thì không dâng lễ. Như vậy, nhiều người nghèo sẽ không bao giờ họ xin lễ được vì họ không có tiền. Phản cảm quá đi! Làm sao loan báo Tin mừng được đây!

Quả thật, có thể nói ngay rằng linh mục là người truyền giáo trước tiên. Ngài được tuyển chọn vì công việc này, là loan báo tình yêu kỳ diệu của Thiên Chúa cho nhân loại. Ngài là phương tiện Chúa dùng để ban phát các bí tích nhằm giúp các linh hồn đón nhận và được hưởng ơn cứu độ. Là người loan báo Tin mừng trước tiên, nên các linh mục có bổn phận phải thổi lửa nhiệt huyết, nhiệt thành cho bà con giáo dân ngang qua cách sống của các ngài. Linh mục phải là hình ảnh phản chiếu tình yêu thương của Đức Giê-su đối vói nhân loại lầm than. Linh mục không thể trách giáo dân không biết truyền giáo, không chịu đi loan báo Tin mừng, nhưng hãy tự trách mình trước tiên. Tiên trách kỷ hậu trách nhân là vậy. Linh mục không chịu ra khỏi phòng ốc được trang bị đầy đủ tiện nghi thì làm sao việc loan báo Tin mừng được thực hiện. Linh mục ‘tục tĩu, độc đoán, độc tài’ làm sao tạo được chiếc cầu nối kết với mọi người, làm sao công tác rao giảng Tin mừng được nhiều người đón nhận. Linh mục ‘keo’, thì cũng khó để giáo xứ có thể phát triển và khó để thu hút các linh hồn. Linh mục không cầu nguyện, khô khan, không thánh thiện, nhưng lại hay nhậu nhẹt, thuốc lá phì phèo, đồ áo xộc xạch, làm sao bà con giáo dân sống đạo tốt được, đừng hỏi tại sao việc loan báo Tin mừng lại dừng tại chỗ chưa muốn nói là mất mát rất nhiều?

Chính vì thế, để công việc loan báo Tin mừng ngày càng phát triển và để nhiều người tin theo Chúa, thì cung cách cư xử hiền lành cũng như đời sống tốt lành nơi mỗi người phải luôn luôn tồn tại và thực hành liên lỉ trong mọi hoàn cảnh ở khắp mọi nơi. Chúa Giê-su cũng đã nhắc nhở: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người,. còn tất cả những thứ kia Người sẽ thêm cho.” (Mt 6, 33). Tin tưởng vào điều đó, mỗi người được mời gọi sống thánh thiện qua việc siêng năng tham dự thánh lễ và các việc đạo đức khác. Qua đó, mỗi người sẽ ý thức hơn trong lời ăn, tiếng nói và cung cách hành động của bản thân nhằm tạo nên chiếc cầu hy vọng và nối kết tất cả mọi người, nhất là những ai chưa nhận biết Chúa. Ngoài ra, mỗi người có thể ra đi và dấn thân đến với người nghèo để giúp đỡ và cho họ ăn cũng như chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền trong đời sống thể lý và tâm hồn. Thật vậy, với lối sống đúng đắn như Thầy Giê-su thì chắc chắn rằng nhiều người sẽ được thu phục và mau mắn đón nhận được ơn cứu độ của Thiên Chúa. Với lối sống giống như Chúa Giê-su, thì việc loan báo Tin mừng của chúng ta sẽ mau chóng được tiếp nhận bởi nhiều người, nhất là những ai chưa thật sự biết về Giê-su, biết về đạo Công Giáo. Thật vậy, tôi đang sống lối sống như thế nào để loan báo Tin Mừng cho con người hôm nay? Tôi có thực sự trở nên chiếc cầu nối kết ngang qua cách thực hành đức tin của tôi không? Hay tôi đang trở nên ‘vật cản, bức tường’ ngăn cách nhiều người nhận biết về Tin mừng và Chúa Giê-su? Nếu vậy, tôi phải thay đổi cách sống như thế nào để giúp nhiều người trở về với Chúa? Mọi người hãy tự trả lời để thay vì trở nên vật cản, bức tường ngăn cách, hãy trở nên khí cụ, phương tiện bình an của Chúa đến cho nhân loại.

Linh mục Phaolô Phạm Trọng Phương