SINH RA – HIỆN HỮU – THỰC THI SỨ MẠNG

Chia sẻ ngày lễ Sinh nhật Thánh Gioan Tẩy Giả

Hôm nay toàn thể Giáo hội mừng trọng thể lễ Sinh Nhật Thánh Gioan Tẩy Giả, một sinh nhật đem lại nhiều lợi ích cho nhân loại. Vì muốn có người làm chứng và giới thiệu Chúa Giê-su cho dân Do thái nói riêng và cho nhân loại nói chung, Thiên Chúa đã chọn gọi Gioan từ trong lòng mẹ để Gioan trở nên chứng nhân cho Chúa. Như vậy, để trở nên chứng nhân thì phải được sinh ra, sinh ra thì phải hiện hữu, hiện hữu thì phải thực thi sứ mạng, Thánh Gioan Tẩy Giả là người hội đủ những sự kiện đó.

Ngay nơi Bài đọc 1, tác giả Isaia (49, 1-6) nói đến bài ca tôi trung như muốn nói đến con người Gioan Tẩy Giả sau này. “Đức Chúa đã gọi tôi khi tôi còn trong lòng mẹ,…Người đã cất nhắc đến tên tôi.” Quả thật, Chúa có chương trình, hoạch định mà con người tự sức không thể hiểu thấu. Ngài muốn chọn ai để thực thi sứ mạng làm chứng cho Ngài ở trần gian thì Ngài sẽ chọn từ trong thai mẫu. Như vậy, Thiên Chúa đã nhào nặn nên chúng ta, nghĩa là Ngài là Thợ Gốm nặn nên chúng ta là những cục đất sét để trở nên dụng cụ có ích như Ngài muốn. Ngài muốn chúng ta là những tôi trung của Ngài; Ngài muốn chúng ta là những phương tiện quy tụ mọi người về với Ngài; Ngài muốn chúng ta là ánh sáng muôn dân để chiếu sáng, để lan tỏa, để đem ơn cứu độ của Chúa đến tận cùng trái đất. Chính Gioan Tẩy Giả được sinh ra là vì mục đích đó.

Qua bài Tin mừng, chúng ta nhận ra rằng Thiên Chúa là Cha giàu lòng xót thương ngang qua Đức Giê-su Ki-tô. Ngài đến để cho chiên được sống và sống dồi dào. Ngài yêu tất cả mọi người, nhất là những ai đang gặp khó khăn, thử thách. Chính Thánh Gioan đã được sinh ra trong hoàn cảnh đó. Bố mẹ Ngài đã mang tiếng là hiếm muộn, son sẻ, nhưng Thiên Chúa có những cách làm của Ngài mà con người chưa nhận chân được, nên Ngài đã cho bà Isave có thai, tức là Gioan Tẩy Giả để từ nay “Hài Nhi Hỡi Con sẽ mang tước hiệu, là ngôn sứ của Đấng Tối Cao, Con sẽ đi trước Chúa, mở lối cho Người. Bảo cho dân Chúa biết: Người sẽ cứu độ, là tha cho họ hết mọi tội khiên; Thiên Chúa ta đầy lòng trắc ẩn, cho Vâng Đồng từ chốn cao vời viếng thăm ta,…”(Lc 1, 76-79tt)

Quả thật, tên Gioan nghĩa là Thiên Chúa thi ân. Tên đi với người, tên đi với sứ vụ, sứ mạng. Chính Thiên Chúa đã chọn, gọi, và sai Gioan Tẩy Giả ra đi. Ngài là ngôn sứ. Ngôn sứ là người nói Lời của Chúa/ là người giới thiệu Chúa cho người khác, chứ không phải giới thiệu về mình. Từ nay, Gioan sẽ là chứng nhân, là người trung gian để giúp người ta biết về Chúa Giê-su ngang qua cách sống và lời giảng của ông. Ông sinh ra là để hiện hữu. Hiện hữu là để trao ban và làm chứng. Hiện hữu có ích, có đích. Hiện hữu mang lại nguồn ơn cứu độ. Hiện hữu để gặp gỡ và nối kết tình Chúa, tình người. Hiện hữu của Gioan Tẩy giả nơi gia đình Gia-ca-ri-a và làng Nazaret là niềm vui, là sự bình và mở ra. Tin mừng trình thuật: “Khi con trẻ được tám ngày, họ đến làm phép cắt bì, và tính lấy tên cha là Da-ca-ri-a mà đặt cho em. Nhưng bà mẹ lên tiếng nói : “Không được ! Phải đặt tên cháu là Gio-an.” Họ bảo bà : “Trong họ hàng của bà, chẳng ai có tên như vậy cả.” Rồi họ làm hiệu hỏi người cha, xem ông muốn đặt tên cho em là gì. Ông xin một tấm bảng nhỏ và viết : “Tên cháu là Gio-an.” Ai nấy đều bỡ ngỡ. Ngay lúc ấy, miệng lưỡi ông lại mở ra, ông nói được, và chúc tụng Thiên Chúa. Láng giềng ai nấy đều kinh sợ. Và các sự việc ấy được đồn ra khắp miền núi Giu-đê. Ai nghe cũng để tâm suy nghĩ và tự hỏi : “Đứa trẻ này rồi ra sẽ thế nào đây?” Và quả thật, có bàn tay Chúa phù hộ em.” (Lc 1, 59-66)

Thật vậy, Gioan, ngôn sứ vĩ đại đã xuất hiện để thực thi sứ mạng là dọn đường để Chúa đến, là giới thiệu Chúa cho muôn người. Ngang qua thái độ và lối sống của một con người khiêm tốn:“Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại”(Ga 3,30). Nơi khác, Gioan đã thú nhận rằng: “Tôi không xứng đáng cúi xuống, cởi quai dép cho Ngài”. (Ga 1, 27). Gioan không màng tới danh dự và uy quyền cho mình, nhưng trong mọi sự luôn hướng tới Đức Giê-su, Đấng cứu độ duy nhất ngang qua việc giới thiệu Chúa Giê-su cho các môn đệ của mình: “Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian” (Ga 1, 29). Hơn nữa, Gioan sống đơn sơ, dân dã và chất phác tại hoang địa với việc ăn uống cũng như ăn mặc bình dân dẫu là con nhà giàu có. Lối sống đặc biệt này đã tạo nên một Gioan của Tin mừng: Tin mừng của người nghèo, Tin mừng của sự thanh thoát, Tin mừng của niềm vui và yêu thương. Đặc biệt, vì được sinh ra là để hiện hữu. Hiện hữu để làm chứng nên Gioan đã rất can đảm trong cung cách sống của mình. Từ lời giảng dạy, lời mời gọi và nhất là bằng chính cái chết của mình, Gioan đã mạnh mẽ làm chứng cho Chúa và cho sự thật. Vì Chúa, vì chân lý, vì ơn cứu độ cho mình và cho tha nhân, Gioan đã không sợ hãi bắt bớ, thậm chí ngay cả cái chết. Hình ảnh này cũng là hình ảnh của Đức Giê-su, Ngôi Lời nhập thể. Vì yêu thương nhân loại tội lỗi, Ngài đã tự nguyện chịu đánh đòn, chịu chết và sống lại hiển vinh.

Về phần chúng ta, những người đã được sinh ra làm người, làm con Chúa qua bí tích Rửa tội. Chúng ta cũng được mời gọi ý thức về sự sinh ra, hiện hữu của chính mình. Quả thật, mỗi chúng ta đều phải mang sứ mệnh quan trọng cho việc loan báo Tin mừng. Vì như Gioan Tẩy giả, sự sinh ra và có mặt trên trần gian này của chúng ta không nằm ngoài ý muốn của Thiên Chúa. Ngài đã đặt để nơi mỗi chúng ta trách nhiệm, bổn phận, cái sứ mạng để làm chứng, để giới thiệu Chúa cho anh chị em đồng loại trong bậc sống của mình. Vì thế, không ai được phép tự cho mình nằm ngoài sứ mạng cao quý đó. Nhưng trong từng giây phút của cuộc đời ngang qua lời nói và hành vi cử chỉ, chúng ta trở nên dấu chỉ loan báo Tin mừng yêu thương, tin Mừng cứu độ cho mọi người ở khắp mọi nơi.

Linh mục Phaolô Phạm Trọng Phương