Theo John L. Allen Jr. của tạp chí Crux, trong một động thái lịch sử đầu tiên, Tòa Thánh đã viện dẫn tư thế chủ quyền dưới hiệp ước năm 1929 với Ý để phản đối một dự luật của Ý được soạn thảo nhằm chống lại việc kỳ thị người đồng tính, vì cho rằng nó có thể hạn chế quyền tự do tôn giáo được bảo đảm cho Giáo Hội theo hiệp ước đó.



Mối quan tâm của Tòa Thánh đã được phát biểu bằng một nota verbale, nghĩa là một công hàm ngoại giao chính thức, do Đức Tổng Giám Mục người Anh Paul Gallagher, bộ trưởng ngoại giao của Tòa Thánh, gửi cho Đại sứ Ý tại Tòa Thánh, Pietro Sebastiani, vào giữa tháng 6. Đó không phải là một bức thư cá nhân của Đức Tổng Giám Mục Gallagher, mà là một tuyên bố định chế của Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh.

Nội dung của công hàm này đầu tiên được tờ báo Ý Corriere della Sera tường trình, và được một viên chức Tòa Thánh thông thạo về vấn đề này xác nhận với Crux.

Trong khi Hiệp ước Lateran, là hiệp ước thiết lập ra Thị Quốc Vatican sau khi mất các Lãnh tổ Giáo hoàng trong bối cảnh thống nhất nước Ý vào thế kỷ 19, dành cho cho Tòa Thánh cơ hội để khẳng định các quyền của mình đối với chính phủ Ý, điều này đánh dấu lần đầu tiên Tòa Thánh sử dụng dự liệu đó để phản đối một dự luật trước khi nó được thông qua.

Trong số nhiều điểm khác, các nhà phê bình cho rằng biện pháp chống kỳ thị người đồng tính hiện đang được Thượng viện Ý xem xét có thể yêu cầu các trường tư Công Giáo điều chỉnh chương trình giảng dạy để áp dụng các bài học bắt buộc của chính phủ về lòng khoan dung và phái tính, đồng thời nó cũng có thể kết tội hình một số biểu thức công khai của giáo lý Công Giáo về tình dục và hôn nhân.

Không rõ đâu là tác động tức thời của cuộc phản đối của Tòa Thánh, mặc dù lãnh đạo của đảng trung tả chính của Ý, người đề xuất chính của dự luật, hôm thứ Ba cho biết mặc dù “thiết kế” của nó nên được duy trì, đảng của ông sẵn sàng “đối thoại” về “các vấn đề pháp lý”.

Theo lý thuyết, nếu đề xuất, được gọi là "dự luật Zan" ở Ý theo tên của Alessandro Zan, một nhà lập pháp công khai đồng tính, người đã đề xuất nó, được thông qua mà không đáp ứng mối quan tâm của Tòa Thánh, Hiệp ước Lateran dự kiến việc thành lập một ủy ban chung giữa Ý và Tòa Thánh để giải quyết cuộc tranh chấp.

Mặc dù Đức Giáo Hoàng Phanxicô được tiếng có lập trường chấp nhận tổng quát đối với các vấn đề đồng tính nam và đồng tính nữ, cuộc phản đối mới của Tòa Thánh xem ra vẫn nhất quán với việc ngài phản đối đi phản đối lại điều ngài gọi là “lý thuyết phái tính”, coi nó như trường hợp hàng đầu của điều ngài vốn mô tả là “thực dân hóa ý thức hệ”.

Một phát biểu gần đây về quan điểm đó là trong một cuốn sách phỏng vấn giữa Đức Giáo Hoàng và một linh mục người Ý được phát hành vào năm ngoái, trong đó vị linh mục hỏi Đức Phanxicô rằng ngày nay ngài thấy đâu là điều ác đang hoành hành.

Đức Giáo Hoàng trả lời rằng : “Một chỗ là ‘lý thuyết phái tính’”, đồng thời nói thêm rằng ngài không nói về các cố gắng nhằm chống lại sự kỳ thị dựa trên khuynh hướng tình dục.

Đức Phanxicô nói, lý thuyết phái tính, thay vào đó, có một mục đích văn hóa “nguy hiểm” là xóa bỏ mọi sự phân biệt giữa nam và nữ, điều này sẽ “phá hủy tận gốc” kế hoạch của Thiên Chúa dành cho con người: “Sự đa dạng, sự phân biệt. Nó sẽ làm cho mọi thứ đồng nhất, trung lập. Đó là một cuộc tấn công vào sự khác biệt, vào tính sáng tạo của Thiên Chúa và vào người đàn ông và người đàn bà”.

Năm 2019, Bộ Giáo dục Công Giáo của Tòa Thánh đã ban hành một tài liệu chỉ trích lý thuyết phái tính có tiêu đề “Người dựng nên họ có nam có nữ”, bao gồm “các lời kêu gọi công chúng công nhận quyền lựa chọn phái tính của người ta và nhiều loại hình kết hợp mới, trực tiếp mâu thuẫn với mô hình hôn nhân giữa một người đàn ông và một người đàn bà, vốn bị mô tả như một vết tích của các xã hội tổ phụ”.

Cuộc phản đối ngoại giao của Tòa Thánh cũng xây dựng trên các phản đối dự luật Zan do Hội đồng Giám mục Ý, CEI, phát biểu vào tháng 6 năm ngoái và gần đây nhất là vào tháng 4 vừa qua, khi Đức Hồng Y Gualtiero Bassetti, chủ tịch hội đồng, nói rằng “một đạo luật nhằm chống lại việc kỳ thị không thể, và không được, theo đuổi mục tiêu đó một cách bất khoan dung".

Mặc dù các cuộc thăm dò có khác nhau, hầu hết cho thấy đâu đó từ một nửa đến hai phần ba người Ý nói rằng họ ủng hộ dự luật Zan. Nó được hỗ trợ bởi liên minh cầm quyền hiện tại nhưng bị phản đối bởi các đảng trung hữu, đặc biệt là đảng dân túy Lega do cựu Phó Thủ tướng Matteo Salvini lãnh đạo.

Dự luật đã được Hạ viện Ý thông qua hồi tháng 11 năm ngoái và hiện đang ở trước Ủy ban Tư pháp của Thượng viện Ý.

Theo bản cập nhật năm 1984 của Hiệp ước Lateran 1929, Giáo Hội Công Giáo ở Ý phải được bảo đảm “quyền tự do tổ chức, thực hiện việc thờ phượng công cộng, thực thi huấn quyền và thừa tác vụ giám mục”, cũng như “quyền tự do hoàn toàn cho người Công Giáo. và các hiệp hội và tổ chức của họ được hội họp và bày tỏ tư tưởng của họ bằng lời nói, bằng văn bản và mọi phương tiện truyền thông khác".