1. Tổng giám mục Pháp lên án vụ tấn công người Công Giáo

Đức Tổng Giám Mục Paris đã lên tiếng than thở về một cuộc tấn công vào người Công Giáo Pháp trong một sự kiện kỷ niệm tôn vinh các vị tử đạo chết dưới tay Công xã Paris vào thế kỷ 19.

Trong thánh lễ kỷ niệm 150 năm các vị tử đạo Công Giáo dưới thời Công xã Paris tại Nhà thờ Notre-Dame-des-Otages, Đức Tổng Giám Mục Michel Aupetit khen ngợi anh chị em giáo dân và các linh mục vẫn giữ bình tĩnh giữa bạo lực.

Ngài nói rằng “theo những báo cáo mà chúng ta đã đọc, những người cầu nguyện chúng ta chưa bao giờ thể hiện sự tức giận khi đối mặt với sự hùng hổ, khi đối mặt với hận thù, mà trái lại chúng ta đã thể hiện là một trái tim ôn hòa và tha thứ”.

Đức Tổng Giám Mục Aupetit đã lên án “sự giận dữ, khinh miệt và bạo lực” nhắm vào đoàn rước của hơn 300 người Công Giáo, bao gồm cả trẻ em và người già.

Đám rước bắt đầu từ quảng trường de la Roquette để kết thúc tại nhà thờ Notre-Dame-des-Otages. Ngôi nhà thờ này được xây dựng để vinh danh những người Công Giáo bị giết vào ngày 26 tháng 5 năm 1871, và nằm ở quận 20 của Paris.

Quyền tự do thờ phượng phải được thực hiện một cách hoàn toàn thanh thản ở nước ta

“Chúng ta đang gặp rắc rối vì những gì chúng ta đang rao giảng. Tôi tự hỏi tại sao việc rao giảng một Thiên Chúa của tình yêu lại có thể khơi dậy quá nhiều hận thù, quá nhiều sự tức giận”, Đức Tổng Giám Mục Aupetit nói.

“Đêm qua, tại đây, đã diễn ra một cuộc biểu tình của sự tức giận, khinh miệt và bạo lực.”

Gérald Darmanin, Bộ trưởng Nội vụ Pháp, cũng nhanh chóng lên án vụ tấn công.

“Hôm qua, tại Paris, những người Công Giáo đã bị tấn công bởi những cá nhân bạo lực bên lề một đám rước. Tự do thờ phượng phải được thực hiện trong sự thanh thản hoàn toàn ở đất nước của chúng ta,” ông Gérald Darmanin đã tweet vào ngày 30 tháng 5.

Một video trên mạng xã hội cho thấy khi đoàn rước đến gần ga tàu điện ngầm Ménilmontant, một nhóm thanh niên cộng sản mặc áo đỏ lên đến 40 tên trong nhóm “Les Amies et Amis de la Commune de Paris 1871”, tức là nhóm “Những người bạn của Công Xã Paris 1871” bắt đầu ném chai lọ về phía những người rước kiệu và sau đó xông vào giật cờ của họ. Những đòn bạo lực được giáng xuống, ít nhất một người hành hương bị đánh chảy máu đầu, cờ và biểu ngữ của giáo xứ bị xé bỏ. Theo tổng giáo phận Paris, có cả hai cụ già bị đá té nhào xuống đất.

Karine Dalle, người phát ngôn của Tổng giáo phận Paris, cho rằng vụ tấn công là “quái gở’

“Đó hoàn toàn là bạo lực vô cớ. Thật đáng buồn khi thấy, 150 năm sau Công xã, một số người vẫn tức giận đối với một buổi cầu nguyện hòa bình đơn sơ, đặc biệt là đám rước này không có chiều hướng phản đối,” Dalle nói.
Source:UCANews

2. Người Công Giáo cầu nguyện khi đại dịch lây lan sợ hãi, hoảng sợ và đau đớn ở Nepal

Tại Nepal, quốc gia nhỏ bé chỉ có 28 triệu dân, tính đến ngày thứ Tư 2 tháng 6, đã có 7,454 người chết trong số 566,587 người nhiễm bệnh.

Trong bối cảnh này, người Công Giáo Nepal đã tham gia cầu nguyện, sám hối và ăn chay với ý chỉ xin cho đại dịch coronavirus sớm chấm dứt, khi thứ virus Tầu độc địa này đang tàn phá khốc liệt quốc gia trong vùng Hi Mã Lạp Sơn.

Hàng ngàn người Công Giáo, bị giam giữ tại nhà do bị cấm cửa nghiêm ngặt, đã tham gia vào buổi truyền hình trực tiếp Thánh lễ từ tòa giám mục, các buổi chầu và Lòng Thương Xót ảo, đọc kinh Mân Côi và chầu Thánh Thể vào ngày 31 tháng Năm.

Lời cầu nguyện và ăn chay kéo dài cả ngày là để đáp lại lời kêu gọi từ Đức Cha Paul Simick, vị đại diện tông tòa của Nepal, vào ngày 18 tháng 5 khi ngài mời gọi các linh mục Công Giáo, nam nữ tu sĩ và giáo dân cầu nguyện mạnh mẽ trong khi tuân theo tất cả các quy định cần thiết liên quan đến các biện pháp phòng ngừa COVID-19.

“Chúng tôi nhận thức rõ về đợt tàn phá thứ hai của đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến toàn thế giới, bao gồm cả Nepal. Trong những tuần gần đây, Nepal đã chứng kiến sự gia tăng đột ngột về số ca nhiễm mới và tử vong”, Đức Cha Simick cho biết trong một lá thư mục vụ.

Ngài nói thêm:

“Trong những khoảnh khắc sợ hãi, đau khổ, hoảng loạn và đau đớn do sự lây lan nhanh chóng của Covid-19, các Kitô Hữu chúng ta hãy hướng về Đấng Chăn Chiên Nhân Lành của mình, Đấng là thành trì và nơi nương tựa của chúng ta: như Thánh Vịnh nói: ‘Lòng nhân hậu và tình thương Chúa ấp ủ tôi suốt cả cuộc đời, và tôi được ở đền Người những ngày tháng, những năm dài triền miên’.” (Tv 23:6)

Đức Cha cũng kêu gọi mỗi cộng đoàn, giáo xứ và hiệp hội tổ chức các buổi cầu nguyện trực tuyến nội bộ để mọi người tham gia.

“Chúng ta hãy cầu xin sự bảo trợ của Đức Mẹ là quan thầy của Nepal, để với sự chuyển cầu mạnh mẽ của Đức Mẹ, chúng ta có thể được giải thoát khỏi thứ vi rút chết người này.”

Nepal có đa số dân theo Ấn Giáo và chỉ có khoảng 8,000 người Công Giáo trong một dân số ước tính là 28 triệu người. Ước tính có từ 3 đến 5 triệu Kitô Hữu theo đạo Tin lành ở nước này.
Source:UCANews