Đức Thánh Cha ca ngợi 'tinh thần phục vụ' của cố Hồng Y Sim của Brunei vừa tạ thế

Đức Thánh Cha Phanxicô gửi lời chia buồn trước cái chết của Đức Hồng Y Cornelius Sim, là linh mục, giám mục và Hồng Y đầu tiên của nước Brunei. Đức Thánh Cha mới tôn phong ngài lên hàng Hồng Y 6 tháng trước đây vào ngày 28 tháng 11 năm 2020.

(Tin Vatican - Robin Gomes)

Đức Hồng Y Cornelius Sim, vị Hồng Y đầu tiên của Brunei, một quốc gia Đông Nam Á nhỏ bé, nằm gọn trong đảo Borneo, đã qua đời tại Đài Loan vào thứ Bảy, ngày 29 tháng Năm.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi lời chia buồn đến tất cả các tín hữu của Giáo hội tại Brunei trong cùng ngày.

Đức Thánh Cha nói: "Với lòng biết ơn về chứng nhân trung thành của Đức Hồng Y Sim đối với Tin Mừng, sự phục vụ nhiệt thành của ngài đối với Giáo hội ở Brunei và Tòa thánh, tôi cùng các tín hữu khắp nơi cầu nguyện cho sự ra đi về cõi vĩnh hằng của ngài".

Sức khỏe yếu kém

Cha Robert Leong, Tổng Đại diện của Giáo phận Tông Tòa Brunei Darussalam, đã thông báo về cái chết của Đức Hồng Y Sim trong một tuyên bố hôm thứ Bảy.

ĐHY 69 tuổi, người Brunei đã qua đời vào khoảng 8:28 sáng tại Bệnh viện Chang Gung (CGMH), thành phố Đào Viên, Đài Loan. Sau khi nhập viện vào ngày 8 tháng 5, vị Hồng Y phải trải qua một cuộc cách ly theo quy định trước khi điều trị bằng liệu pháp...

Cha Leong cho hay: “Mọi người đã quan tâm đến tình trạng sức khỏe của ĐHY, nhưng tiếc là mọi sự như không hiệu quả. ĐHY cứ dần yếu đi và mất hết sinh lực. Thật đáng buồn, ngài đã qua đời vào sáng nay 29/5/2021” Cha Leong cho hay tang lễ sẽ được công bố, ngài kêu gọi tất cả hãy cầu nguyện cho linh hồn Đức cố Hồng Y và cho Giáo phận của Ngài.

Hội đồng Giám mục Công Giáo Malaysia, Singapore và Brunei, có trụ sở tại Kuala Lumpur, Malaysia, cũng thông báo về cái chết của cố Hồng Y và cho hay Ngài qua đời vì "tim".

Tuần báo Công Giáo, Herald Malaysia, cho biết ĐHY qua đời khi ngài đang điều trị ung thư.

Kỹ sư trở thành mục tử

ĐHY Sim sinh ngày 16 tháng 9 năm 1951, là con cả trong một gia đình có 6 người con. Ngài là Kỹ sư điện ra trường tại Đại học Kuala Lumpur, Malaysia, vào năm 1971, sau đó ngài lấy bằng B.Sc. bằng kỹ sư điện tại Đại học Dundee, Vương quốc Anh, năm 1978.

Sau 10 năm thành công trong sự nghiệp trong công ty dầu khí Shell đa quốc gia Anh - Hà Lan ở Brunei và Châu Âu, chàng đã quyết định giã từ tất cả để theo đuổi thiên chức linh mục, trái với mong muốn của mẹ ngài. Ngài đã hoàn tất bằng thạc sĩ thần học tại Đại học thánh Phanxicô Steubenville, Ohio, vào năm 1988.

Sau khi trở lại Brunei vào năm 1988, ngài làm quản trị viên cai sóc Nhà thờ Thánh Gioan ở Kuala Belait cho đến khi được phong chức phó tế vào ngày 28 tháng 5 năm 1989.

Giáo sĩ bản xứ đầu tiên của Brunei

Khi được thụ phong linh mục vào ngày 26 tháng 11 năm 1989, Cha Cornelius Sim là linh mục bản xứ đầu tiên của Brunei.

Năm 1995, ngài được bổ nhiệm làm Tổng Đại diện của Giáo phận Miri-Brunei, và khi Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II tách Brunei khỏi Giáo phận Miri-Brunei và thành lập Tông Tòa Brunei vào năm 1998, ĐTC đã bổ nhiệm Cha Sim làm Đại diện Tông Tòa của Giáo phận này vào ngày 20 tháng 10 năm 2004.

Vào ngày 21 tháng 1 năm 2005, ngài được phong làm Giám mục, trở thành vị giám mục bản xứ đầu tiên của Brunei. Vào ngày 28 tháng 11 năm 2020, ngài được tôn vinh trong số 13 ứng viên được Đức Thánh Cha Phanxicô vinh thăng lên hàng Hồng Y.

Tuy nhiên, vì lý do sức khỏe và đại dịch Covid-19, Ngài không thể về Rome, nên Đức Thánh Cha đã gửi mũ đỏ và nhẫn Hồng Y về Brunei cho ngài.

Vào ngày 16 tháng 12 năm 2020, ngài được bổ nhiệm là thành viên của Bộ Giáo sĩ. ĐHY Sim làm Hồng Y được đúng 6 tháng.

Mục tử của cộng đồng Công Giáo một xứ xa lạ


Giáo phận của ngài chỉ có 3 linh mục, Hồng Y Sim đứng đầu một cộng đồng Công Giáo nhỏ bé của Brunei, chủ yếu là 20.000 công nhân nước ngoài đến làm việc tại Brunei.

Quốc gia giàu có về dầu hỏa và khí đốt này có dân số khoảng 500.000 người, hơn 70% dân số là người Hồi giáo.

Trong một cuộc phỏng vấn với Đài Vatican, cố Hồng Y cho hay nhiệm vụ chính của Giáo hội Brunei là “cung cấp một mái ấm cho những người xa nhà”, là một cộng đồng Công Giáo mà phần lớn là những người di dân lao động.

Vì vậy, Giáo Hội cố gắng hết sức để hỗ trợ họ, đặc biệt trong những lúc khó khăn như bệnh tật hoặc qua đời. Giáo phận cũng giúp họ về mặt tài chính và các chương trình hỗ trợ lương thực.

Sau cái chết của Hồng Y Sim, số lượng Hồng Y trên toàn thế giới hiện là 222 vị, đến từ 87 quốc gia. Trong số này, 125 vị dưới 80 tuổi và đủ điều kiện để được bầu Đức Thánh Cha trong trường hợp mật nghị được triệu tập. 97 vị còn lại là những người đã quá tuổi được phép bỏ phiếu bầu.