Nhớ Cha Micael Nguyễn Hữu Phú DCCT (1929-2021)

Ngài cao to, không béo không gầy, vẻ mặt điềm đạm phúc hậu, giọng nói trầm ấm ngọt ngào, nói năng từ tốn, trò chuyện ân cần, ăn mặc giản dị và lịch sự, nhưng giảng dạy thì rất say mê và hùng biện.

Một cách tổng quan, trên mọi phương diện, tôi thấy hiếm có cha nào tôi gặp trong cuộc đời có đời sống quân bình hơn ngài và tu đắc đạo hơn ngài.

NGÀI SỐNG GIẢN DỊ VÀ NGHÈO KHÓ

Ngài không có người giúp việc hay nấu ăn. Nhà xứ ngài ở chỉ là căn nhà cấp 4 lợp tôn có một gác nhỏ nóng nực chật chội. Bàn ghế, giường tủ, xe pháo, quần áo, giầy dép, máy móc… mọi vật dụng đều ở mức tối thiểu và miễn sao có để dùng được.

Nội thất của ngài tôi nghĩ chỉ có cái bàn bureau của quân đội Mỹ ngày xưa còn lại là quý nhất, thì năm 1991 ngài đã đồng ý đổi cho cha Nguyễn Ngọc Bích để làm bàn giáo sư ở phòng học Dự tập DCCT Sài Gòn.

Làm chính xứ Bình Thọ 26 năm, nhưng cho đến lúc rời khỏi giáo xứ, vật dụng của ngài chỉ là một ít sách vở bằng tiếng Pháp, tiếng Latin và tiếng Hy Lạp. Một cái xe cup 70 mầu tro cũ kỹ và cái máy cassette cổ lỗ sĩ và vài bộ áo quần mà có cái vải đã xơ ra rồi.

NGÀI LÀ NGƯỜI CÓ ĐỜI SỐNG KHIẾT TỊNH MẪU MỰC

Ngài sống rất có tình cảm. Tuy nhiên, ngài giao tiếp với mọi người rất chuẩn mực. Không ai có thể thấy nơi ngài điều gì tổn hại đến đời sống khiết tịnh.

Ngay cả trong lời nói cũng vậy. Không bao giờ ngài có một lời thô thiển ám chỉ đến phái tính chứ đừng nói là quan hệ nam nữ.

Tôi vẫn tự hỏi tại sao ngài có thể vượt qua cám dỗ phái tính, làm sao ngài có sức khỏe tốt như vậy, làm sao ngài có thể sống quân bình và thanh thản như vậy?

Tôi nghĩ bí quyết có lẽ là ngài đam mê lời Chúa, ngài suy gẫm, ngài cầu nguyện, ngài ăn ở điều độ, ngài tập thể dục, ngài giao tiếp thân ái với mọi người và ngài đắm mình trong công việc nghiên cứu và dịch thuật Kinh Thánh và Phụng Vụ.

NGÀI LUÔN MAU MẮN V NG LỜI CÁC ĐẤNG BỀ TRÊN

Hồi năm 1978 cộng sản bỏ vạ cáo gian đồng loạt đánh cướp 5 tu viện của 5 Dòng ở Thủ Đức trong đó có Học viện DCCT do ngài làm Giám đốc. Đúng lúc đó, Đức TGM Nguyễn Văn Bình xin ngài về giúp Giáo xứ Bình Thọ gần ngã tư Thủ Đức, ngài đã nhận lời.

Năm 2001 Cha Phó Tổng quyền và sau đó là Tổng quyền sang kinh lược Việt Nam. Các ngài nhắc anh em đang coi giáo xứ không phải của Nhà Dòng thì nên tìm cách trở về tu viện cho có đời sống cộng đoàn. Ngài lập tức xin Đức TGM Sài Gòn liệu tìm cha xứ mới cho Bình Thọ để ngài có thể sớm về lại Nhà Dòng.

Năm 2004 ngài về ở trong Tu viện DCCT Mai Thôn. Có lần tôi thấy các anh em trung niên muốn được thong dong để làm việc mình thích, không chịu đảm nhận chức vụ Bề trên Tu viện, thế là Cha Giám Tỉnh đã xin ngài và ngài khiêm tốn nhận lời.

Tôi có kinh nghiệm với ngài là bất cứ việc gì các đấng bề trên nhân danh Nhà Dòng giao cho ngài thì ngài mau mắn vâng lời và làm đến nơi đến chốn, làm với tất cả lòng yêu mến và nhiệt thành.

NGÀI LÀ NGƯỜI YÊU MẾN NHÀ DÒNG

Ngài kể lúc nhỏ các cha DCCT Gia Nã Đại đến Bình Cang quê ngài giảng đại phúc. Ông bà cố và ngài thấy các cha dễ thương nên đã xin cho ngài vào đệ tử Huế.

Tôi thấy ngài coi Nhà Dòng là cái gì thiêng liêng và cụ thể, là cái gì máu thịt mà ngài quý có lẽ còn hơn chính bản thân mình. Ngài luôn hết lòng vun đắp cho Nhà Dòng.

Một cách cụ thể bằng sự hiện diện và chu toàn bổn phận, bằng việc kính trọng các thế hệ cha anh và nhiệt thành nâng đỡ các thế hệ đàn em.

HIỆN DIỆN VÀ CHU TOÀN BỔN PHẬN

Tuy ngài ở Giáo xứ Bình Thọ, Thủ Đức, nhưng chẳng mấy tuần mà ngài không có mặt ở Kỳ Đồng ít là một hai ngày.

Ngài cũng hiện diện trong mọi biến cố vui buồn của Nhà Dòng và của anh em ít là ở Sài Gòn và vùng phụ cận.

Không phải chỉ vì dạy học hay họp hành. Nhiều khi ngài đến chỉ để thăm các anh em, ăn với anh em bữa cơm và trò chuyện với các anh em già trẻ.

Yêu mến bằng việc làm cụ thể chứ không phải nơi đầu môi chót lưỡi. Bất cứ điều gì bề trên ngỏ ý với ngài, ngài đều khiêm tốn nhận lời và mau mắn chu toàn.

Tôi có 7 năm làm Chánh văn phòng Tỉnh Dòng và nhiều lần phải liên lạc với ngài theo lệnh Cha Giám Tỉnh nên tôi thấy vậy.

Ngài bảo trong Nhà Dòng có những anh không làm gì mà việc gì cũng xen vào: không làm việc cộng đoàn giao phó, nhưng lại đi chê bai và chỉ trích người khác. Mình không nên vậy. Mình cứ làm thôi!

KÍNH TRỌNG VÀ ĐỀ CAO CÔNG ĐỨC CÁC THẾ HỆ ĐÀN ANH

Tôi hiếm thấy có cha nào kính trọng các cha già và các bậc tiền nhân trong Dòng như ngài.

Tôi biết ngài từ khi ngài 60 tuổi, nhưng tôi thấy mỗi khi ngài gặp các cha già thì ngài ân cần hỏi thăm, trò chuyện bằng một thái độ rất cung kính.

Mỗi khi giảng dạy cho anh em trong Dòng ngài hay đưa gương các cha già và các cha đã qua đời ra làm gương mẫu cho chúng tôi.

Hiếm thấy có cha nào hay nhắc đến các thế hệ trên mình, ghi nhớ và ghi nhận công đức của các bậc tiền nhân như ngài.

Ngài bảo các cha Gia Nã Đại, các cha già như cha Bích, cha Thanh, cha Lành, cha Tín... là những gốc rễ của DCCT và của từng anh em DCCT chúng ta bây giờ.

Ngài bảo các anh em đã cha chết vì tay cộng sản như thầy Văn, thầy Đạt, cha Thuấn, cha Điềm, thầy Đàn… là những hạt giống tốt của DCCT, là “Lời” đã được gieo trên đất nước Việt Nam này.

Ngài nói nhiều chuyện hay lắm. Tiếc là tôi không nhớ được. Tôi chỉ nhớ là khi giảng dạy cũng như khi họp hành, hai thứ mà ngài hay dùng để làm căn cứ giảng dạy nhất là Lời Chúa và việc làm của các thế hệ đi trước.

THƯƠNG YÊU VÀ N NG ĐỠ CÁC THẾ HỆ ĐÀN EM

Ai cũng biết hồi sau 1975, các học viện và chủng viện bị nhà cầm quyền giải tán, kiếm được một giáo xứ hay một tu viện cưu mang để có thể tiếp tục chí hướng tu trì thì khó khăn và may mắn chừng nào.

Biết vậy nên khi ngài làm chính xứ, ngài đã mời hai cha khi ấy còn đang làm thầy là cha Phiên và cha Thành đến sống chung với ngài tại ngôi nhà xứ chật chội trước cửa nhà thờ Bình Thọ.

Khi tôi mới từ Hà Nội vào Sài Gòn, ngài dạy các thầy ở tầng 3 nơi tôi phụ trách quét dọn vệ sinh, gặp tôi ngài ân cần hỏi han và cổ vũ tôi tu học.

Khi tôi hỏi ngài cái gì thì ngài không chỉ giải thích khi ấy mà sau đó về nhà ngài còn nghiên cứu cẩn thận hơn và viết lại ra giấy với những chú thích và cước chú rất cẩn thận rồi gửi lại cho tôi.

Ngài mời chúng tôi khi nào có thể cứ đến chỗ ngài chơi. Nhưng ngài báo trước không có chỗ ngủ, nếu buổi trưa nghỉ tạm ra nằm ở ghế nhà thờ.

Ngài dạy học chúng tôi ở Học viện Liên Dòng và ở Học viện DCCT. Ngài tỏ ra thông cảm với chúng tôi, khuyến khích và nâng đỡ chúng tôi nhiều.

Ngài không bao giờ có ý làm khó dễ sinh viên chúng tôi bằng khối lượng ôn thi khổng lồ hay bằng các đề thi kiểu “hũ nút.”

Ai trình bày ý tưởng gì với ngài thì ngài chăm chú lắng nghe, góp ý và cổ vũ nhiệt thành.

Tôi thấy cái thứ phụng vụ ngài dạy chúng tôi là thứ phụng vụ dựa trên Kinh Thánh, trên truyền thống sống động của Giáo Hội và trên thực tế đời sống của con người hiện tại, chứ không phải là thứ phung vụ hình thức hoặc cải lương.

NGÀI ĐAM MÊ LỜI CHÚA TRÊN HẾT MỌI SỰ

Ngài học về Phụng vụ nhưng có lẽ ngài nghiên cứu và dịch thuật Kinh Thánh và sách chú giải Kinh Thánh nhiều hơn là nghiên cứu Phụng vụ thuần túy.

Khi giảng tĩnh tâm, ngài trích dẫn lời Chúa nhiều hơn là trích dẫn tư tưởng của các thần học hoặc trình bày là ý kiến riêng của ngài mà ngài thường gọi đấy là kiểu “nói theo tình tư dục.”

Suy tư cá nhân của ngài, nếu có thể gọi như vậy, thì đấy cũng là các tư tưởng của Kinh Thánh, là chính các lời Kinh Thánh. Ngài dùng Kinh Thánh để giải thích Kinh Thánh.

Một câu lời Chúa ngài giảng gọi lên bao nhiêu câu chữ khác mà ngài trích dẫn trong Kinh Thánh để giúp anh em hiểu xem thực sự ý Chúa muốn nói trong cái lời kia là gì.

Ngài giảng lời Chúa cách say mê đến nỗi có cảm tưởng rằng có mặt hay không có mặt thính giả thì đối với ngài lúc đấy cũng vậy.

Mỗi khi trích dẫn một câu Kinh Thánh thì môi miệng ngài thường thốt lên “Hay lắm! Hay không thể tưởng tượng được!”

Vì hay như vậy nên ngài thường dùng lời Chúa để đặt các bài hát phụng vụ. Nhưng nếu các nhạc sĩ khác thường cắt cúp lời Chúa cho phù hợp với giai điệu thì ngài làm ngược lại: giai điệu phải theo lời Chúa, ngài không bỏ một ý một lời nào của bản văn phụng vụ.

Ngài nói lời Chúa hay như vậy mà nếu cắt cúp đi cho vừa với cảm hứng cá nhân thì còn gì là lời Chúa nữa! Có ai đẽo chân theo giày bao giờ! Mà làm như vậy thì không đúng và không còn phải là thánh ca phụng vụ nữa!

Do đó, bằng mọi cách phải bảo toàn tính nguyên vẹn của lời Chúa: âm nhạc phải đi theo Lời Chúa. Chính vì vậy các bài phụng ca ngài sáng tác không được réo rắn, uyển chuyển và phong phú, nhưng khi nghe ngài hát hay cả cộng đoàn hát, thì thấy rất sốt sắng.

Một trong những bài ngài làm tôi thấy rất ý nghĩa và cũng dễ hát là 10 đoản khúc về Chúa Thánh Thần. Tôi có giữ bản photo trong tủ Văn khố Tu viện Kỳ Đồng mà không biết giờ có còn không?

Nhưng nói về sự đam mê lời Chúa của ngài thì phải nói đến việc ngài dấn thân nghiên cứu và dịch thuật Kinh Thánh và Phụng vụ.

Ngài là một trong những thành viên kỳ cựu của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ - một nhóm các linh mục tu sĩ chuyên môn nghiên cứu và dịch thuật Kinh Thánh và các bản văn Phụng vụ trong suốt 50 năm qua.

Theo nhận định của tôi, trong Giáo hội Việt Nam, từ xưa đến nay, chưa có nhóm chuyên môn nào của Công Giáo gắn bó với nhau hơn, làm việc khoa học hơn và tạo ra nhiều sản phẩm tri thức có phẩm chất hơn, có ảnh hưởng sâu rộng hơn trong Giáo Hội Việt Nam bằng Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ.

Bộ sách Các Giờ Kinh Phụng vụ và bộ Kinh Thánh tiếng Việt được phổ biến nhất hiện nay, nghi thức Thánh Lễ chúng ta dùng một thời và toàn bộ các lời nguyện Thánh Lễ trong năm - phần dài nhất của Sách Lễ mà chúng ta vẫn đang dùng - và rất nhiều sách chú giải Kinh Thánh là những sản phẩm trí tuệ nổi bật của Nhóm này.

Ngài là một trong những người góp phần quan trọng trong việc tạo ra các bản văn tiếng Việt các sách giá trị trên đây.

Tôi đến thăm Trụ sở làm việc của Nhóm mấy lần và có lần còn ăn cơm ở đấy với các cha các soeurs tôi nghe cha Nguyễn Ngọc Tỉnh nói “chúng tôi là một đội banh” và tôi tin là cha Micae Nguyễn Hữu Phú là một cầu thủ kỳ cựu và xuất sắc trong đội banh hay nhất kia của Giáo Hội Việt Nam.

Tóm lại, cha Micae Nguyễn Hữu Phú là một trong những tu sĩ chân chính của DCCT, một người tràn đầy ơn Chúa Thánh Thần, đã sống ơn gọi và sứ vụ của mình và của Nhà Dòng và Giáo Hội một cách tốt đẹp hết mức có thể trong lúc thuận lợi cũng như lúc khó khăn.

Bằng gương đời sống của mình, bằng việc mục vụ giáo xứ và giảng dạy cho các tu sĩ-chủng sinh, bằng viện nghiên cứu và dịch thuật sách Kinh Thánh và Phụng Vụ, ngài đã đóng góp một phần quan trọng trong việc xây dựng Giáo Hội Việt Nam.

Trong số những linh mục tôi đã gặp trong cuộc đời, ngài là một trong những cha tôi kính phục nhất.

Tôi cám ơn Chúa đã ban ngài cho Giáo hội Việt Nam, cho Nhà Dòng Chúa Cứu Thế và cho bản thân tôi.

Tôi cầu xin cho tôi, cho Nhà Dòng Chúa Cứu Thế, cho Giáo Hội có những tu sĩ-linh mục có trí ý, tâm tình và lối sống chứng nhân như Cha Micael.

Roma 26.05.2021

Lm. Phêrô Nguyễn Văn Khải DCCT