Xem hình ảnh

Tựa: Phóng sự viết cuối năm 2012 và đã đăng 2 kỳ trên VietCatholic, nhưng năm 2013 bị hackers xâm nhập mạng VietCatholic xoá bỏ mất. Chúng tôi xin viết lại thành 1 bài để tưởng niệm Cha Cố Giám Đốc vừa từ trần.

Lý do của một chuyến đi.
Theo qủang cáo của nhiều hãng du lịch thì đảo Santa Catalina của California (gọi tắt là Catalina) là một 'bí mật được giữ kín nhất' (the best kept secret).

Chúng tôi đã thăm đảo Catalina cách đây 10 năm, đi từ sáng sớm và trở về trên chuyến tàu tốc hành muộn nhất. Hình ảnh trời xanh mây trắng nước trong của vịnh Avalon, một cái vịnh nho nhỏ xinh xinh hình bán nguyệt, làm cho tôi chợt nghĩ tới câu ca dao:

Trên trời có đám mây xanh,
Ở giữa mây trắng chung quanh mây vàng
Ước gì anh lấy được nàng,
Để anh mua gạch Bát Tràng về xây
Xây dọc rồi lại xây ngang,
Xây hồ bán nguyệt cho nàng rửa chân.

...
Mà vì sau khi đã về hưu, biết rằng mình không còn khả năng xây hồ bán nguyệt cho bà xã rửa chân nữa, tôi tự nhủ sẽ đưa nàng qua Avalon một lần nữa.

Cái quyến rũ của Catalina trở thành thúc bách hơn khi đươc tin cha Trần Công Nghị, giám đốc của VietCatholic đang làm chánh xứ bên đó.

Tôi đã cộng tác với VietCatholic khá lâu nhưng chưa gặp ngài lần nào. Vậy thì nhân một chuyến 'du hành trong ngày', sẽ ghé thăm 'xã giao' ngài, một cách ngắn ngủi thôi, để không gây phiền tóai cho một vị linh mục bận rộn.

Không ngờ cái ý định 'xã giao' ấy đã trở thành 3 ngày sống trong 'nhà Chúa' đầy ắp kỷ niệm, tràn trề niềm vui học hỏi, dạt dào tình cảm cha con trong bầu không khí gia đình thân mật.

Ngài đã dọn phòng cho chúng tôi và hai 'cháu ngọai' ở căn nhà khách cạnh nhà xứ, và vì chúng tôi vướng mắc các 'cháu nhỏ' không hẹn đúng giờ được, cho nên mỗi khi có tầu cập bến là ngài lại đứng đợi để tìm 'những khuôn mặt Việt Nam' chưa hề gặp...

Chúng tôi đến chuyến thứ ba, ngài kiên nhẫn chịu hụt 2 chuyến tàu.

Nhà cha giám đốc.

Giáo xứ Saint Catherine of Alexandria nằm ở góc trái của thành phố Avalon, cách bến tàu khỏang 10 phút đi bộ, 3 phút lái xe. Đây là xứ đạo Công Giáo duy nhất của đảo Catalina.

Thánh nữ Catarina thành Alexandria (Tiếng Anh là Catherine, tiếng Tây Ban Nha là Catalina) là một thánh nữ đồng trinh tử đạo vào thế kỷ thứ 4, danh tiếng lẫy lừng ở cả hai bên Công Giáo và Chính Thống Giáo. Suốt thời Trung Cổ, ngài được coi là một trong 14 vị thánh hay làm phép lạ nhất, danh tiếng và số đền thờ kính ngài chỉ thua Đức Mẹ. Ngài là đấng cầu bầu cho những kẻ lâm nạn bất đắc kỳ tử và vì Ngài từng dùng tài hùng biện để lôi kéo nhiều bậc khoa bảng theo đạo cho nên ngài cũng là bổn mạng của các nhà thuyết giảng và của giới truyền thông. Đối với phái nữ ngài là gương mẫu cho giới nữ sinh và các người đồng trinh. Ngày lễ của ngài từng là một lễ trọng cử hành hằng năm vào ngày 25 tháng 11.

Thuyền trưởng Sebastian Vizcaino, người Tây Ban Nha, tìm ra đảo này vào chiều áp lể thánh Catarina (24 tháng 11) cho nên ông đặt tên đảo là Catalina để vinh danh ngài.

Theo tục lệ thám hiểm, mỗi khi đổ bộ lên một đảo mới, người ta dựng lên một cây thánh giá. Cây thánh giá của đảo đã bị hư hại theo thời gian, vết tích không còn nữa. Năm ngóai (2011), cha giám đốc VietCatholic đã vận động thành phố cho phép xây dựng lại. Ngày nay những du khách đi thưởng ngọan quanh vịnh Avalon sẽ nhìn thấy một cây thánh giá trắng cao, đứng sừng sững trên mỏm núi, giang tay che chở cho cả hai eo biển Catalina và thành phố Avalon.

Thành phố Avalon là một chốn tí hon rộng khỏang 2 dặm vuông. Thống kê 2010 cho biết dân số chỉ có 3728 người, nhưng các tờ bướm quảng cáo của đảo thì ghi chép một con số cao hơn, khỏang 6000. Avalon là nơi qui tụ hầu hết dân đảo, còn những nơi định cư khác cộng lại chưa được 500 người.

Và dĩ nhiên giáo xứ Saint Catherine of Alexandria ở Avalon cũng là một giáo xứ tí hon, với một nhà thờ xinh xắn sơn màu pastel trông tựa như một bức tranh vẽ, một vườn hoa yên tĩnh nằm ở giữa, một nhà xứ khiêm nhượng nằm ngang phía sau, và một dãy nhà dọc đối diện với nhà thờ dùng làm nơi sinh họat. Giáo dân một nửa là Mỹ trắng chủ nhân của địa ốc và cơ sở thương mại, nửa khác là người Mễ công nhân. Ở đây thương vụ chính là du lịch, hằng tuần có 2 chuyến tàu Cruiseships hạ neo, đổ lên đảo hàng ngàn người. Riêng mùa hè thì ngành du lịch rầm rộ hơn, với nhiều chuyến tàu tốc hành từ Long Beach đưa dân 'tây ba lô' đến. Dân số làm việc mùa hè cũng tăng lên gấp bội. Số tạm cư ấy rủ nhau về Mễ mỗi khi mùa đông đến.

Người Mễ là những 'công dân hạng hai' ở đây. Ngay cả những người định cư vĩnh viễn lâu năm cũng không có khả năng mua nhà. Cha giám đốc kể rằng khi mới tới, ngài có ý định sẽ đi thăm tất cả mọi gia đình trong xứ đạo, và yêu cầu vị đại diện cộng đòan Mễ lập một danh sách với thời gian thuận tiện nhất cho ngài. Sau nhiều tháng không nhận được danh sách, ngài mới tìm hiểu và khám phá ra rằng người Mễ sống chen chúc nhau trong những căn hộ một phòng nhỏ bé, họ không có chỗ để tiếp ngài.

Cái nghèo lại dẫn tới cái eo. Đảo hạn chế xe hơi, chỉ cho lưu hành các lọai xe golf 'chạy điện'. Những người nghèo cần có xe để làm việc không thể mua xe hơi được vì không có nhà, mà mua xe điện thì không xong vì nhà cho thuê không có 'chấu để xạc bình'.

Nhưng dù thế họ vẫn bám víu vào cuộc sống trên đảo, vì con cái của họ được sống an bình, tránh xa các tệ nạn xã hội.

Để giúp họ, cha giám đốc cho xử dụng thỏai mái các cơ sở sinh họat của giáo xứ, cổng hội trường luôn luôn mở rộng chứ không còn khóa kín như xưa. Tôi đi dự một buổi sinh họat vào chiều thứ Tư. Có khỏang 4 chục người Mễ lớn bé, nhưng con số tổng cộng có lẽ đông hơn vì người ta lui tới tự do, mãi sau 9g đêm vẫn còn người tới dự. Họ hát thánh ca dựa theo tiếng nhạc của một dàn stereo khá tối tân, âm thanh dồn dập ồn ào (tuy không đến nỗi lọan cào cào như các lọai nhạc Mỹ.) Sau một bài đọc và nhiều lời chia sẻ, đèn hội trường được tắt đi, chỉ còn le lói một ngọn đèn của cây thánh giá. Nhạc stereo được văn nhỏ lại và nhịp điệu trở nên êm đềm hơn, tức thì có nhiều lời nguyện xướng lên trong màn đêm, tiếp nối nhau, thật tha thiết. Càng về khuya, người ta càng xích lại gần nhau và lại gần cây thánh giá...

Cha cho biết đó là một chương trình diễn nguyện hàng tuần của một phong trào Công Giáo Mễ. Ngài không trực tiếp điều khiển chương trình này nhưng đã nhờ một thày Sáu người Mễ kiểm duyệt giùm.

Số thanh niên Mễ lui tới giáo xứ gia tăng, Cha nói hễ có chúng tới thì sẽ có cách lo liệu phần đạo và đời cho chúng sau này.

Việc ngài mở cổng cho người Mễ sinh họat cũng không khỏi đưa đến một vài khó khăn. Một số các bà Mỹ đã than phiền rằng ngài 'cưng chiều' người Mễ thái quá!

Và nếu đêm nào ngài quên đóng cổng thì...những chú nai rừng cũng lẻn đến 'cầu nguyện.' Hình như để ban thưởng cho các 'con chiên ngoan đạo' này, Chúa đã cho phép chúng được hưởng hết mọi hoa mầu trồng trong vườn, kể cả các cây hoa hồng có gai!

Tuy thế cũng có một khu cấm địa vì luôn luôn được rào kín mít: đó là cái vườn rau ở sau nhà xứ.

Vườn rau của cha giám đốc

Gọi là vườn cho nó 'oai,' chứ thực sự đây chỉ là một cái sân nhỏ quây kín bằng 'phên mắt xích' để chứa đồ phế thải. Khi về đây, cha giám đốc dọn lại và trồng một số cây cam, chanh, hồng. Những ngọn cây lớn lên cao, đan vào nhau trong một chu vi nhỏ hẹp giống như một cái lồng. Chung quanh, dưới tàn lá và dưới mái hiên, ngài chia lô để trồng những lọai rau thơm như húng, xả, ớt, bầu bí. Những dây bầu bí chen chúc nhau lây lan trên mặt đất vì không có chỗ dựng dàn...

Hình như hễ ở đâu có tí đất thì ngài sẽ 'canh tác' một cái gì đó mặc cho đó là đất núi cỏ khô chỉ có sương rồng mọc được, ai mang đến cho một lọai rau thơm thì ngài sẽ tìm chỗ trồng lên, trồng cả vào những góc đầy sỏi đá và gạch vụn.

Rõ ràng khu vườn của ngài thiếu hai yếu tố 'thiên thời địa lợi.'

Còn 'nhân hòa' thì sao?

Ngài than rằng anh làm vườn 'mỗi tuần 2 buổi' của giáo xứ không có nhiều 'sáng kiến', chỉ thích làm một việc 'rất tốt' là thổi lá cho đất sạch trơn, lần nào cũng vậy, dù cho đất đã nhẵn bóng...mà việc quan trọng nhấ́t thì anh ta lại quên: việc tưới cây!

Cái lạ là vườn rau vẫn xanh tốt. Cây hồng đã ra trái từ gốc tới ngọn, dây bầu cũng đã đơm hoa.

Chỉ có thể bình luận là ngài có 'green thumb' (có số trồng cây)...

Nhưng trong khi cái 'green thumb' của ngài thiếu đất dụng võ thì cái tài 'câu cá' của ngài phải nói là đã 'gặp hội long vân'. (như rồng gặp mây)

Bờ biển bao la đã đành, nhưng còn có một cái hồ lớn ẩn mình trên đỉnh núi.

Hồ nước trên đỉnh núi

Cha giám đốc rủ chúng tôi đi câu cá. Con đường lên núi quanh co. Lên càng cao cảnh núi rừng và biển cả trông càng hùng vĩ. Những khúc sâu đều có những hàng cây bạc hà trồng bên lề làm rào cản. Miền núi của đảo được cai quản bởi cơ quan 'Catalina Island Conservancy' là một tổ chức bất vụ lợi bảo vệ môi trường thiên nhiên. Muốn vào phải xin phép nhưng thể lệ dễ dàng, nghĩa là chỉ cần điền một đơn tại các quầy hàng ở bờ biển là có ngay.

Nhiều hãng du hành quảng bá dịch vụ 'đi chơi trên núi' với những động từ 'đao to búa lớn' như 'khám phá' (exploration) và 'phiêu lưu' (adventures) miền 'hoang dã ' (wild life), cha giám đốc gọi các cách rao hàng đó là 'mê hồn trận'. Mà quả thật, những dịch vụ 'phiêu lưu thám hiểm' đã vớ được khá nhiều du khách ngây thơ... Thực ra giá cả cũng rẻ thôi, khỏang 3 chục bạc một người. Thôi thì, nếu những ai không có cái may là được người địa phương dẫn đi, thì cũng nên bỏ ra vài chục, trước là làm nghĩa (giúp việc làm cho công nhân trên đảo) sau là mua vui đi tìm những con hưu con nai và bò hoang (bison) thả rong trong một khung cảnh đẹp như thiên thai.

Cái hồ chúng tôi tới không nằm trên tuyến đường cuả các hãng du lịch. Nó nằm sau một đỉnh núi trong một khu khóa kín. Ông bạn người Mễ dẫn đường của ngài làm việc trên đây nên có chìa khóa.

Và như thế, cái hồ rộng thênh thang trên đỉnh núi, có làn nước trong veo và phẳng lờ như trong bài thơ 'Thu Điếu' của Nguyễn Khuyến, là cái giang sơn yên tĩnh cho chúng tôi thảnh thơi thư dãn trọn một buổi chiều gió mát.

Hồ có cá 'rô phi' và cá bass (pecca).

Ngài dạy tôi câu cá. Thú thực cả đời tôi đã tập thả câu nhiều lần nhưng thất bại cả. Một lần duy nhất bắt được một chú cá tí hon to bằng hai ngón tay, lóng lánh quẫy đuôi ở cuối đường dây cước, nhưng khi tôi sắp với tới nó thì...nó tuột ra và biến mất trong giòng nước.

Tôi thường nghĩ mình có 'số kỵ với cá', đã cố thử 'đổi số trời' nhiều lần nhưng tới bây giờ thì đã quá muộn không còn muốn giữ ý định đó làm gì nữa. Tuy vậy, theo lời chỉ dạy của ngài, tôi đã thả câu. Và...chỉ vài phút sau, đã có một con cá vùng vẫy tung nước ở cuối đường dây cước.

Tôi hồi hộp thu sợi cước vào, chú cá giẫy mạnh hơn, bọt nước văng tung tóe, tôi có cảm tưởng sợi cước nhỏ quá, sẽ không chịu nổi sức kéo. Tôi sẽ bắt được nó không? tôi vẫn không tin ở mắt mình ngay cả khi con cá đã treo toòng teng trên ngọn cần câu ở một vị trí nằm sâu trên đất cạn.

Đó là một con cá 'rô phi' màu sắc rực rỡ to bằng bàn tay. Ngài biểu diễn cách dùng kìm gỡ nó ra để khỏi bị gai đâm và cho biết lọai cá này có nhiều xương không nên giữ lại làm gì.

"Anh sẽ còn bắt được nhiều cá khác mà, đợi có cá bass ngon thì hãy giữ lại"

Tôi cũng đã thỏa mãn khi biết rằng mình 'đổi được số trời' rồi...và đã thả chú cá 'đầu tiên trong đời' về lại hồ nước sau khi chụp một tấm hình kỷ niệm.

Tôi nói đùa, ngày xưa Chúa biến đổi các 'người bắt cá' trở thành những 'kẻ bắt người' thì ngày nay đến phiên Cha thay mặt Chuá, đổi một người bất tài như tôi trở thành một 'kẻ bắt cá'. Đây chỉ là bước đầu thôi, nhưng có vẻ là một bước đầu tốt.

Nghĩ lại, câu nói đùa đó lại hợp để mô tả công việc của ngài. Qua việc kết nạp một đội ngũ biên tập khá đông toàn cầu để tổ chức hệ thống truyền thông Công Giáo VietCatholic, ngài đã tạo ra nhiều 'người bắt cá', dùng ngòi bút để qui tụ người ta. Đó là một sự bắt đầu trong công việc mục vụ cuả Chuá.

VietCatholic

Chỉ vài thập niên trước, một tổ chức như Vietcatholic sẽ không tồn tại được. Là một tờ báo không in báo, không bán tin, không đăng quảng cáo, không nhân viên, không cơ sở.

Số 800 Beacon Street ở Avalon là địa chỉ của nhà thờ Saint Catherine of Alexandria nơi cha giám đốc cư ngụ. VietCatholic là một tổ chức bất vụ lợi dưới luật lệ Hoa Kỳ cho nên phải dùng chỗ Cha ở để đăng ký một địa chỉ.

"Nhiều cha tới chơi đòi xem cơ sở cuả VietCatholic, các ngài ngạc nhiên sao không thấy hàng chục nhân viên hoặc là một dàn máy computer vĩ đại", Cha cho biết.

Ngày nay không có cơ sở nào còn mua thiết bị (hardware, 'phần cứng') làm gì nữa, vừa tốn tiền, vừa phải lo bảo trì, và máy móc lại lỗi thời mỗi 6 tháng. Với sự phát triển cuả Internet và giải pháp 'mây phủ' (Cloud computing solution), người ta có thể hợp đồng với hãng chuyên môn để cung cấp các kho trữ liệu (storage) và máy chủ (server.)

Cho nên 'Văn phòng' chỉ là phòng đọc sách nhỏ cuả nhà xứ với 2 máy PC, một để dùng, một để phòng hờ.

Về 'nhân viên', cô thư ký 'bán thời gian' cuả giáo xứ không làm việc cho VietCatholic. Cha cho biết ngài phân biệt rõ ràng 2 công việc, chỉ dùng giờ rảnh cho VietCatholic. Do đó mà không ai (Điạ phận) có thể phê phán gì trong suốt những năm qua.

VietCatholic là một tổ chức trên Mạng, ở trong không gian ảo. Các 'nhân viên' là hằng trăm 'nhân chứng sống' tại mỗi địa phương viết bài gửi lên. Tất cả đều làm việc thiện nguyện. Giống như một ban nhạc đại hoà tấu loại "tài tử", các nghệ sĩ đến với ban nhạc khi thuân tiện để biểu diễn tài năng, và cha giám đốc là nhạc trưởng.

Tùy theo cái nhìn của mỗi cá nhân, người đọc và người viết có thể coi VietCatholic như là một diễn đàn hay là một blogsphere (bích báo ảo), là một trang văn nghệ hay một album nghệ thuật, là audio hay video.

Theo đà phát triển cuả Mạng, nó luôn được tăng cường để cung cấp những kỹ năng mới.

Cái khó là làm sao giữ vững 'trang nhà' chống lại các đánh phá ở trên Mạng. Một 'kỹ thuật gia' ở bên Úc đã thực hiện được một kỳ công là giữ cho VietCatholic đứng vững chống lại hẳng chục âm mưu xâm nhập mỗi ngày.

Một cái độc đáo nữa là phẩm chất bài vở được duy trì từ năm này qua năm nọ. Cho nên mức tín nhiệm đã đạt được tầm cỡ quốc tế. Đó là công lao cuả một nhóm 'đắc lực' ở Mỹ và ở Úc chuyên lo vấn đề biên tập.

Nhưng sự việc có nhiều người cộng tác cũng có nghĩa là có nhiều khuynh hướng. Cha cho biết đã rất tế nhị để tìm một sự cân bằng. Người này thì phóng khoáng quá, người kia thì bảo thủ quá, lại có người còn 'bảo hoàng hơn vua'.

-Con có 'bảo hoàng hơn vua' không, thưa cha? tôi hỏi ngài khi thấy ánh mắt cuả ngài dừng lại nơi tôi.

-Có đấy!

-Cha chưa gặp con bao giờ mà sao cha biết?

-'Văn là người', đọc bài là biết ngay. Vấn đề 'phá thai' và 'hội đồng giám mục' là hai vấn đề.

Rõ ràng, ngài đã bỏ thì giờ đọc bài cuả tôi và phân tích.

-Nhưng thưa cha, chính Chuá đã có lời cảnh báo rằng 'Chúng sẽ đánh chủ chăn để cho đoàn chiên tan tác'...

Tôi còn định lập luận thêm là khi quỷ vương Luciphe nổi loạn, đã có lúc thế lực cuả Sự Dữ lấn lướt đến nỗi chính Thiên Chuá phải ẩn mặt đi, thì Tổng Lãnh Thiên Thần Micae đã hô lên khẩu hiệu rằng 'Không ai bằng Thiên Chuá', và nhờ đó cuộc chiến trên Trời đã xoay chiều. Vậy thì, vai trò cuả những giáo dân hăng hái bảo vệ thẩm quyền cho Hội Thánh là rất đáng khuyến khích...

Nhưng ngài đã có sẵn một lời khuyên:

-Chúng ta cũng có phận sự phải nhắc nhở những điều hay lẽ phải cho các Đấng các Bậc một cách khéo léo.

Từ giã

Mọi cuộc gặp gỡ rồi cũng phải có lúc chia tay. Tối hôm trước ngài lo lắng hỏi nhiều lần giờ nào thì chúng tôi về, ngài gợi ý rằng chúng tôi nên về chuyến tầu muộn, để khỏi bị kẹt xe ở Los Angeles, và để cho các cháu nhỏ có thêm thời gian chơi các trò chơi chúng thích.

Chúng tôi quyết định đi chuyến 4g chiều. Buổi sáng cho các cháu tắm biển coi cá. Biển Catalina tháng 7 còn lạnh, cần thuê áo wetsuit, nhưng sóng êm, bãi sỏi trơn tru, nước trong vắt. Những con cá vàng mầu cam, đầy dẫy, kiếm ăn sát tận bờ. Loại cá có tên là Garibaldi là loại đặc biệt chỉ ở vùng này mới có nên được bảo vệ kỹ.

Đi bộ 10 phút từ phố Avalon đến Love Cove mà tắm có cái lợi là khỏi phải mất tiền thuê tàu đi coi cá, những tầu có đáy bằng kiếng (glass bottom) cũng chỉ bơi vòng quanh chổ chúng tôi tắm rồi lại quay về bến.

Trước khi chở chúng tôi ra bến, cha giám đốc còn muốn giới thiệu cho chúng tôi một bãi biển đắc ý cuả ngài.

Đi xa hơn một chút về phiá Nam tới ven núi, nơi không còn có các cơ sở du lịch, là một bãi vắng được dân địa phương ưa chuộng. Tại sao tôi biết là dân địa phương? bởi vì họ mang theo ghế bố và dẫn chó đi theo.

Cha chỉ cho chúng tôi những hòn sỏi. Sóng biển mài duã những mảnh đá vụn từ núi lở xuống thành những viên sỏi trơn tru. Hòn thì dẹp, hòn thì tròn, nhiều hòn đạt tới độ nhẵn nhụi gần như tuyệt hảo, đầy một bãi biển dài. Quả là một kỳ công cuả Tạo Hoá.

Các cháu ngoại cuả tôi say mê sưu tập đá cuội. Cái giỏ đựng đồ ăn cuả bà xã, mang theo nước mắm và 'gà đi bộ' để làm cơm đãi ngài, tưởng sẽ mang về trống trơn thì nay trở thành một giỏ đá nặng chĩu.

Trên đường về, chúng tôi dừng lại 'hòn' Cathedral, một cồn đá nhô ra biển có phân chim phủ trắng xoá. Nơi đây qui tụ nhiều loại chim biển như hải âu, bồ nông (pelican) và chim cốc (cormorant).

Ngài kể chuyện người Tàu dùng chim cốc săn cá, họ bắt chúng nhịn ăn, đeo một cái vòng vào cổ và thả chúng ra, những con chim gầy và đen này lao xuống nước mà bắt cá (*), nhưng chúng nuốt không trôi vì có cái vòng chẹn ở cổ, cho nên chúng phải bay về thuyền để cho anh ngư phủ moi lấy mồi.(**)

Ngài cũng kể về việc chim bồ nông đã từng là hình ảnh cuả Chuá Giêsu. Người ta đồn rằng trong khi đói kém, chim bồ nông mổ họng cho máu chảy ra để nuôi con. Vì thế các nhà thờ ngày xưa thường trang hoàng bằng những hình ảnh chim bồ nông tự cắn cổ mình.

Rõ ràng ngài rất thoải mái và sống kề cận với Thiên Chuá qua cảnh trí thiên nhiên ở trên đảo, tuy thế tôi cũng không khỏi chạnh lòng khi nghĩ đến tình cảnh cô đơn cách xa thân thuộc ở một nơi xứ lạ quê người, tôi bất giác đưa ra câu hỏi.

-Ở đây, cha có buồn không?

-Đó cũng là câu hỏi cuả tôi với cha chánh xứ cũ. Ngài trả lời.

Ngài cho biết đã hỏi như vậy khi tới đây để tìm hiểu trước khi nộp đơn xin đổi qua đảo.

Cha chánh xứ cũ nói rằng nếu buồn thì ngài đã không ở lại tới 17 năm.

Riêng về phần cha giám đốc, ngài cho biết là rất vui ở đây vì có nhiều thì giờ dành cho VietCatholic.

Tôi làm một bài tính nhẩm, tuổi về hưu cuả một linh mục là 79, vậy thì còn 12 năm nữa ngài mới hết nhiệm kỳ ở đây

Và như vậy thì tôi sẽ còn có dịp ra đảo thăm ngài một lần nữa...Cái duyên nợ với đảo Catalina vẫn còn chưa dứt...

TB: Cha Giám Đốc đã về hưu sớm và mất ngày 22 tháng 4 năm 2021.

(*) National Geographic đã thu video một bằng chứng mới vào đầu tháng 8 này, là chim cốc không chỉ tìm cá từ trên mặt nước mà thôi, chúng còn lặn sâu tới 150 ft (45m) xuống tận đáy biển và bơi là là đây đó để tìm cá. ( xin xem )

(**) Các ngư phủ hoàng gia Nhật bắt cá trên sông Nagara (tỉnh Gifu) và các ngư phủ cuả nước Macedonia ở hồ Dojran cũng dùng chim cốc để bắt cá. Đặc biệt ở bên Nhật có sự việc đốt đuốc bắt cá ban đêm, mỗi lần thả ra, một con chim cốc có thể mang về tới 6 con cá trong cổ họng.