Đức Thánh Cha kêu gọi những nỗ lực chung trên con đường hướng tới một xã hội "chúng ta" ngày càng rộng lớn hơn

Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hòa nhập và tình huynh đệ trong Thông điệp năm 2021 của Ngài nhân Ngày Thế giới Di dân và Tị nạn, ĐTC nhấn mạnh rằng ý niệm “chúng ta” rộng lớn hơn bao giờ hết, giúp đổi mới gia đình nhân loại, xây dựng một tương lai công bằng và hòa bình, và đảm bảo không một ai bị loại bỏ...

(Tin Vatican - Benedict Mayaki, SJ)

Trong bối cảnh thông điệp Ngày Thế giới Di dân và Tị nạn lần thứ 107, Đức Thánh Cha Phanxicô giải thích trong Thông điệp “Mọi người là anh chị em” (Fratelli tutti), ngài bày tỏ mối quan tâm và hy vọng một khi cuộc khủng hoảng đại dịch qua đi, “chúng ta sẽ không còn phải bận tâm về: 'những người đó', mà phải là 'chúng ta'."

Vì lý do này, Đức Thánh Cha nói: “Tôi muốn dành Thông điệp về Ngày Thế giới Di dân và Tị nạn năm nay với chủ đề hướng tới một ý niệm “Chúng ta” rộng rãi hơn, để nhìn về một chân trời rõ nét cho cuộc hành trình chung của chúng ta trong lĩnh vực này.”

Hàng năm, Ngày Thế giới dành cho Người di dân và Tị nạn là Chủ nhật cuối cùng của tháng Chín. Đó là một ngày dành riêng để bày tỏ sự quan tâm và thể hiện tình đoàn kết đối với những người khốn khổ đang di tản; cầu nguyện cho họ khi họ đang phải đối diện với nhiều thử thách và nâng cao ý thức về nhu cầu của người di cư cần đến. Năm nay, ngày di dân và di cư rơi vào ngày 26 tháng 9.

Ý niệm "Chúng ta"

ĐTC Phanxicô, nhìn vào lịch sử của ý niệm “chúng ta”, Ngài lưu ý rằng ý niệm này “đã hiện diện trong kế hoạch sáng tạo của Thiên Chúa,” bởi vì Thiên Chúa tạo dựng loài người - có nam, có nữ - theo hình ảnh của Ngài, đã ban phước cho họ, và phán, “Hãy sinh sôi nảy nở cho nhiều” (Sáng 1: 27 - 28). Vì vậy, “Thiên Chúa đã tạo dựng nên chúng ta là nam và nữ, khác nhau nhưng bổ sung cho nhau, để tạo thành một 'chúng ta' mà sinh sôi nảy nở qua các thế hệ. Thiên Chúa đã tạo dựng nên chúng ta theo hình ảnh của Ngài, theo hình ảnh của bản thể ba ngôi của chính Ngài, một sự hiệp thông trong sự đa dạng”.

Tuy nhiên, khi chúng ta bất tuân, quay lưng lại với Đấng Sáng tạo, thì Chúa đã thương ban cho chúng ta một con đường hòa giải “không phải với tư cách cá nhân mà là một dân tộc, một “chúng ta”, nghĩa là bao trùm toàn thể gia đình nhân loại, không loại trừ ai.”

Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Lịch sử cứu độ có “chúng ta” lúc khởi đầu và có “chúng ta” lúc cùng tận, và trung tâm của thực tại này là mầu nhiệm Chúa Kitô, Đấng đã chết và sống lại để liên kết tất cả nên một”.

"Chúng ta cùng hội cùng thuyền

Sau đó, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng trong thời điểm hiện tại này, theo ý muốn của Chúa, là nối kết những “tan vỡ và phân rẽ, bi thương và biến dạng,” đang xảy ra trong cơn khủng hoảng đại dịch Covid-19 này.

Ý niệm “Chúng ta”, trong thế giới rộng lớn và trong Giáo hội - Đức Thánh Cha nhấn mạnh nó “đang bị sụp đổ và rạn nứt do các hình thức chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa cá nhân cấp tiến vị kỷ và tham lam”, làm cho chúng ta phải trả giá, coi nhau như “những người ngoại lai”, như người di cư, những người bị thiệt thòi và bị loại ra vùng ngoại vi hiện sinh.

Để khắc phục điều này, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh rằng “tất cả chúng ta đều ở trên một con thuyền và được kêu gọi làm việc cùng nhau, không còn những bức tường ngăn cách, không còn là những người khác, mà chỉ là một “chúng ta” duy nhất, bao trùm toàn thể nhân loại.” Do đó, ngài kêu gọi các tín hữu Công Giáo, và tất cả mọi người nam nữ trên thế giới hãy “cùng nhau tiến tới một ‘chúng ta’ ngày càng rộng lớn hơn”.

Một Giáo Hội "Công Giáo" rộng lớn hơn

Tiếp tục đề cập đến tất cả các thành viên của Giáo Hội Công Giáo, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh tới cam kết “ngày càng trung thành hơn với việc chúng ta là “người Công Giáo”, ĐTC lưu ý như Thánh Phaolô đã nhắc nhở cộng đồng ở Ê-phê-sô rằng “có một thân thể và một Thần Khí, cũng như anh em được kêu gọi với niềm hy vọng duy nhất chỉ có một Chúa, một đức tin, một phép rửa” (Ep 4, 4 - 5).

Ngài nói thêm rằng tính phổ quát của Giáo hội phải được đón nhận và thể hiện trong mọi thời đại “theo ý muốn và ân sủng của Thiên Chúa” vì “Chúa Thánh Thần cho phép chúng ta đón nhận mọi người, xây dựng sự hiệp thông trong đa dạng, để thống nhất những khác biệt mà không áp đặt một sự đồng nhất cá biệt nào…” Đồng thời, mỗi tín hữu Công Giáo phải làm việc, mỗi người trong cộng đồng của họ, để làm cho Giáo hội được nhập thế và nhập thể.

ĐTC Phanxicô nói: “Tất cả những người đã được rửa tội, dù họ ở đâu, đều là những thành viên của cả cộng đồng Giáo hội địa phương và của Giáo hội hoàn vũ duy nhất, cư ngụ trong một ngôi nhà và là một phần tử của một gia đình nhân loại.” Chúng ta hãy đón nhận người di cư và người tị nạn, đây là cơ hội phát triển Giáo hội và làm giàu cho nhau. ĐTC cũng nhấn mạnh lời kêu gọi của Giáo hội để đi ra vùng ngoại biên, tới với người di cư, người tị nạn, tới với các nạn nhân của nạn buôn người.

Một thế giới hòa nhập hơn

Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Tôi kêu gọi hãy cùng nhau hành trình về một thực tại “chúng ta” ngày càng rộng lớn hơn cho tất cả mọi người nam nữ, vì mục tiêu đổi mới gia đình nhân loại, cùng nhau xây dựng một tương lai công lý và hòa bình, và đảm bảo rằng không ai bị loại trừ!”

ĐTC nêu ra ngay bây giờ chúng ta phải học cách sống với nhau trong hòa thuận và hòa bình, đặc biệt là làm cho “xã hội chúng ta có một tương lai đầy màu sắc, được phong phú hóa bởi sự đa dạng và giao lưu văn hóa,” giống như khung cảnh ngày Lễ Ngũ Tuần, khi mọi người từ nhiều nơi khác nhau - Người Parthia, người Medes, người Elamite… Người Do Thái và những người tin theo đạo, đã nghe các Tông đồ nói về quyền năng của Chúa bằng chính ngôn ngữ riêng của họ.

ĐTC lưu ý, điều này “là lý tưởng của Gierusalem mới, nơi tất cả các dân tộc được đoàn kết trong hòa bình và hòa hợp, ngợi ca sự tốt lành của Thiên Chúa và những điều kỳ diệu thực hiện nơi các thụ tạo của Ngài”. Tuy nhiên, để đạt được điều này, “chúng ta phải nỗ lực hết sức để phá bỏ những bức tường ngăn cách chúng ta và thừa nhận mối liên kết sâu sắc của chúng ta, hãy xây dựng những cây cầu nối kết một nền văn hóa gặp gỡ”.

Bảo tồn và làm cho sáng tạo đẹp hơn

ĐTC mời mọi người hãy “xử dụng tốt những món quà mà Chúa ban để bảo tồn và làm cho tác phẩm của Ngài trở nên đẹp hơn”, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc nhở tất cả mọi người rằng “Chúa sẽ đòi hỏi chúng ta tường trình về công việc của mình,” trong tư cách là một chứng nhân Tin Mừng như trong Phúc âm thánh Luca, Người sẽ triệu tập các tôi tớ lại và thanh toán về các nén vàng nén bạc Ngài đã trao cho kẻ mười nén, kẻ năm nén và kẻ một nén… khi Người trở lại… (Lc 19, 12-13).

ĐTC nhấn mạnh: “Để chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta một cách tốt đẹp, chúng ta phải trở thành một 'chúng ta' ngày càng rộng lớn hơn và đồng trách nhiệm, với niềm tin sâu sắc rằng bất cứ điều gì tốt đẹp trên thế giới của chúng ta là làm cho các thế hệ hiện tại và tương lai.”

Đức Thánh Cha nói: “Sự cam kết của chúng ta phải là một cam kết cá nhân và tập thể cùng quan tâm đến tất cả các anh chị em chúng ta, những người đau khổ, ngay cả khi chúng ta nỗ lực hướng tới một sự phát triển bền vững, cân bằng và bao trùm hơn, một cam kết không có sự phân biệt giữa người bản xứ và người nước ngoài, giữa người dân và ngoại kiều, vì đây là một kho báu chung mà chúng ta phải gìn giữ, không ai được loại trừ khỏi sự quan tâm và lợi ích chung.”

Cùng mơ một giấc mơ chung

Tóm lại, ĐTC Phanxicô nhắc lại lời tiên đoán của nhà tiên tri Joel rằng tương lai của đấng thiên sai sẽ là thời kỳ của những ước mơ và viễn ảnh được Thần Khí soi dẫn: “Ta sẽ đổ Thần Khí của Ta trên mọi loài; trên các con trai, con gái của các ngươi, chúng sẽ nói tiên tri, những bậc lão thành sẽ có những giấc mơ, và những người trai trẻ các ngươi sẽ thấy các giấc mơ ấy hiện thực…”(Giô-ên 2:28).

Do đó, chúng ta “được kêu gọi để cùng nhau ước mơ, như một gia đình nhân loại duy nhất, như những người bạn đồng hành trên cùng một hành trình, như những người con trên cùng một trái đất, ngôi nhà chung của chúng ta, tất cả đều là anh chị em một nhà”.