MÌNH MÁU THÁNH CHÚA GIÊ-SU KI-TÔ A

CHÚA GIÊSU THÁNH THỂ, LƯƠNG THỰC LÀM NO THỎA MỌI KHÁT VỌNG (Ga 6, 51-58)

Thưa quý vị,

Phúc âm thánh lễ hôm nay thuật lại cuộc bàn tán của các thính giả Do thái khi nghe Chúa Giê-su tuyên bố thịt Ngài là của ăn, máu Ngài là của uống (c. 55). Họ nói : “Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt của ông ta được ?” Theo kinh nghiệm dân gian, điều thắc mắc xem ra có lý. Chính vì vậy, thánh Gioan kể tiếp : Nhiều môn đệ rút lui, không theo Ngài nữa. Vài kẻ khác phàn nàn : “Lời này chướng tai quá ! Ai mà nghe nổi ?” Sự bất đồng thực ra không chấm dứt vào cuối thế kỷ I trong cộng đoàn thánh Gioan, mà còn kéo dài mãi cho tới ngày nay. Gần đây tôi được một linh mục bạn kể cho nghe câu chuyện về chính ông. Một giáo dân xông vào nhà xứ nhạo cười đức tin của ông. Hắn nói : “Làm thế nào bánh và rượu có thể biến thành Mình và Máu Chúa Ki-tô mà linh mục tuyên bố hằng ngày ? Có lường gạt không đấy !” Bạn tôi trả lời : “Tôi không bao giờ lường gạt. Chuyện đó có thể và dễ thôi, ngày ngày ông bạn chẳng ăn vào bụng cơm gạo, rau đậu, thịt cá và chúng ta đã trở nên da thịt của ông bạn đó sao ?” Người giáo dân say rượu không chịu thua : “Vậy cái xác to béo của Chúa Giê-su làm sao ở trong tấm bánh nhỏ xíu được ?” Cha xứ trả lời : “Khó gì đâu ! Cả một phong cảnh rộng lớn trước mắt ông bạn chẳng lọt vào tròng mắt nhỏ bé như viên bi của chúng ta sao ?” Người giáo dân ương gàn tiếp : “Thế làm sao một Giê-su lại có thể hiện diện khắp các nhà thờ trong cùng thời gian được ?” “Dễ ợt ! như vậy này !” Linh mục cầm một tấm gương soi giơ lên trước mặt đỏ gay của người thanh niên để hắn nhìn vào, rồi mém tấm gương xuống sàn gạch, tấm gương vỡ tan thành trăm mảnh. Linh mục bảo người tín hữu cúi xuống nhìn xem trăm mảnh vỡ, nói : “Mặt bạn chỉ có một nhưng bây giờ bạn thấy bao nhiêu ?” Người vô tín cúi mặt bỏ đi. Câu chuyện như vậy xem ra không hiếm trong thời đại chúng ta ! Nhất là nơi những thanh niên thiếu nữ va chạm với các môi trường thiếu niềm tin tôn giáo, như trường học, nhà máy, xí nghiệp, công trường, …

Người Do thái tuy ăn bánh vật chất Chúa cung cấp, nhưng lại thấy giáo lý của Ngài quá đáng, khó có thể chấp nhận (dù đó là sự thật). Họ ăn bánh nhưng không có khả năng thâm nhập ý nghĩa mầu nhiệm Chúa gởi gắm vào những tấm bánh đó. Ngay cả chúng ta ngày nay, mặc dù tốn biết bao giấy mực giải thích, vẫn chưa thật lòng tin vào lời Chúa Giê-su. Nếu tin, chắc hẳn chúng ta đã thay đổi nếp sống. Theo dòng lịch sử, vẫn thường nổi lên ý kiến cho rằng Ngài phát biểu như vậy là theo nghĩa biểu tượng, tức hình bóng mà thôi. “Bánh bởi trời” là ngôn ngữ văn chương của nhiều truyền thống thời Chúa Giê-su. Ngài mượn để nhấn mạnh người ta phải hấp thụ sự khôn ngoan mà Ngài đang giảng dạy. Lại còn số người khác thông thạo tiếng Hy lạp cho rằng theo ngôn ngữ thì phải thực sự ăn thịt và uống máu Ngài một cách thể lý chứ không theo kiểu bí tích như Hội thánh xưa nay vẫn chủ trương.

Dù được hiểu thế nào đi nữa, Chúa Giê-su muốn kết hiệp mật thiết với tín hữu, không khoảng cách nào được cho phép. Lấy trên tay, ăn như bánh, uống như rượu và tan biến thành một thực thể. Đám đông Do thái đã ăn bánh vật chất Chúa Giê-su ban thế nào, thì cũng là điều Ngài muốn các tín hữu rước Ngài như vậy vào lòng. Chúng ta phải được nuôi dưỡng bằng chính thân thể Ngài. Ngài chính là bữa tiệc thịnh soạn Thiên Chúa ban cho loài người để được sống muôn đời. Một tác giả người Pháp đã viết : “Le repas des adieux de Jesus va se changer en un festin de présence éternelle” (bữa tiệc ly của Chúa Giê-su đổi thành yến tiệc của sự hiện diện đời đời). Một tư tưởng chân thật và thâm thuý cho những ai yêu mến Thánh thể. Nó chứa đựng tràn trề hy vọng cho những lữ khách trần gian. Ngài là bữa tiệc ban sự sống vĩnh cửu, không phải như những bữa ăn tạm thời nơi trần thế. Ngài ao ước ban Mình Máu Ngài cho chúng ta toàn vẹn và vĩnh cửu. Ngài quá gần gủi với mỗi tâm hồn đến độ trở nên làm một hữu thể, một sự tồn tại. Có lẽ vì thế mà các thính giả cảm thấy lời Ngài là quá đáng chăng ? Bởi lẽ Ngài đã ban tặng như vậy, chúng ta phải làm điều chi đó để đáp trả ?

Giả như Thiên Chúa còn có ý định giữ một khoảng cách nào đó, như các thần linh khác, thì có lẽ Giáo hội được tổ chức khác đi, với nhiều hoạt động hoành tráng hơn, lễ vật thịnh soạn hơn, thịt béo rượu ngon, hương thơm ngào ngạt hơn, như trong Cựu ước. Lúc ấy tín hữu có thể rộng đường hành động, bởi lẽ không nhiều đòi hỏi đáp trả. Nhưng được tiêu hoá Thiên Chúa, tan biến vào Thiên Chúa thì quả là việc vựơt xa trí tưởng tượng của loài người. Rồi phải đáp trả bằng dâng hiến toàn thân làm hy lễ tình yêu cho Thiên Chúa và phục vụ tha nhân hết khả năng, thì đúng loài người không thể làm nổi. Có lẽ vì vậy mà đám đông cằn nhằn sau lưng Chúa Giê-su. Nhưng trong lịch sử Israel, Thiên Chúa đã nuôi sống họ bằng Manna suốt 40 năm trường nơi sa mạc khô cằn và Chúa Giê-su đã nuôi đám đông đói khát bằng hai phép lạ nhân bánh lên nhiều, thì Ngài tặng ban mình làm của ăn, của uống nuôi dưỡng nhân loại trên đường hành hương về Nước trời không phải là vô lý. Tác giả Abbé Paul viết trong cuốn “Les Merveilles de l’amour Miséricordieux” (Phép lạ của tình yêu thương xót) : “Trái tim Chúa Giê-su đã thực hiện một kiệt tác của tình yêu, đó là phép Thánh thể. Phép Thánh thể rút ra từ Thánh Tâm Chúa như giòng sông từ nguồn mạch.”(trang 293). Chúng ta lại gặp một tư tưởng lớn hết sức an ủi. Những người có thói quen suy niệm sẽ nhận ra đây là một kho tàng phong phú cho việc chiêm niệm : Nguồn mạch của bí tích Thánh Thể chính là Thánh Tâm Chúa, Thánh Tâm đã bị đâm thâu vì yêu dấu nhân loại, máu cùng nước tuôn trào để làm phát sinh ơn cứu độ, phát sinh các bí tích, đứng đầu là Thánh thể. Nuôi dưỡng bằng thịt máu Chúa không thể có hiệu quả nào khác ngoài sự sống muôn thuở và ở lại vĩnh viễn trong Ngài.(trừ phi chúng ta cố tình đuổi Ngài đi). Và Ngài ở lại trong chúng ta, không như khách trọ nhưng là người cư trú vĩnh viễn. Thức ăn của uống Ngài ban không bao giờ mai một và làm cho kẻ ăn lại đói. Ngược lại, nó làm no thoả cơn đói nhiều mặt của cuộc sống con người.

Lễ trọng hôm nay về của ăn thức uống, đương nhiên cũng về kẻ đói người khát. Thức ăn của uống là để thoả mãn các cơn đói khát của chúng ta. Nhưng thế giới ngày nay tạo nên nhiều kiểu đói khát mà chúng ta chẳng hề hay. Các quảng cáo, các nhà hàng, các tiếp thị, các hãng xưởng liên tục đưa ra xã hội khát vọng mua sắm : Kiểu xe hơi mới nhất với đầy đủ tiện nghi sang trọng, chiếc truyền hình màn phẳng siêu mỏng rỏ nét nhất, điện thoại di động đa chức năng, máy vi tính “Laptop”siêu tốc, quần nhung áo lụa Trung quốc hàng hiệu. Trăm ngàn thứ cám dỗ làm khuynh đảo lòng người, nhất là thanh niên thiếu nữ mới lớn, chưa có kinh nghiệm về cạm bẫy xã hội. Những thuốc “lắc” liều lượng Viagra, dược phẩm có tác dụng trẻ hoá mười năm, hai mươi năm đầy tràn thị trường, … Nhưng khi tiêu xài, thoả mãn rồi, thì lại nảy sinh khao khát khác. Tình trạng kể như vô tận, bởi dục vọng loài người xem ra không hạn định, càng được thoả mãn nó càng đòi hỏi. Tuy nhiên, Thiên Chúa luôn quan tâm đến những nhu cầu của chúng ta, không phải thứ đói khát vừa được liệt kê ở trên, chúng giả tạo nhưng là thứ đói khát căn bản hơn. Tận đáy linh hồn chúng ta có những khát vọng chân thật như tự do, công bằng, yêu và được yêu, hạnh phúc, tín ngưỡng, nhất là được sống mãi mãi. Tác giả Jim Wallace đề nghị nêu lên những điểm sau đây :

Thứ nhất: khao khát thánh thiện hay nói theo kiểu phổ thông là nhân phẩm vẹn toàn. Nó nằm ở tận đáy chiều sâu của con người, Chúa Giê-su đã từng kêu gọi chúng ta thoả mãn khát vọng này : “Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em ở trên trời là Đấng hoàn thiện.”(Mt 5, 48). Chúng ta hãy nhìn kỹ hơn vào khát vọng này dưới ánh sáng của Tin mừng hôm nay. Chúa Giê-su ban tặng bản thân Ngài cho chúng ta làm của ăn thức uống chủ yếu để thoả mãn ước ao vẹn toàn nhân cách của nhân loại. Các phân tích xã hội đồng ý chỉ ra rằng con người tân thời bị vụn vỡ rất nhiều. Họ phân chia linh hồn trong nhiều lãnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, nghệ thuật, bè phái, ý thức hệ. Họ ít còn khả năng sống cho chính mình, vì vậy liên tục tìm kiếm ý nghĩa vẹn toàn cho sự tồn tại của mình. Thực tế, các nhà tâm lý học gọi người thời nay tâm thần phân liệt, nghĩa là yếu đuối, mỏng giòn, dễ tan ra từng mảng vụn, không dễ nhất quán trong công ăn việc làm, quan điểm và nhân cách. Cho nên, thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta : “Chén chúng ta chia sẻ là dự phần vào Máu thánh Chúa Ki-tô, và bánh chúng ta bẻ ra không phải là tham dự vào Thân thể Người sao ?” Trong bữa ăn này, chúng ta hiệp nhất với Chúa và liên kết với nhau trong sự thánh thiện chung hay nói cách khác, trong sự toàn vẹn của nhân phẩm loài người, triệt tiêu mọi sự chia rẽ do tội lỗi gây ra. Đức giáo hoàng Phaolô VI nói ở Orvieto ngày 11- 08-1964 rằng : “Con người thời nay, cũng như con người hôm qua luôn cần đến Chúa Ki-tô để thoả mãn khát vọng tự do, trưởng thành và tiến bộ xã hội, hoà bình thế giới và mở rộng các ước mơ của mình. Họ cần Chúa Ki-tô, bởi vì chỉ mình Ngài mới có thể hoà hợp chúng với chân lý và cuộc sống”. Qua bí tích Thánh thể, điều mà quá khứ Chúa thực hiện cho các giáo dân thì bây giờ Ngài vẫn làm thành hiện tại và sống động nơi mỗi linh hồn chúng ta. Đó là ơn cứu rỗi, sự thánh thiện và tính vẹn toàn nhân phẩm của chúng ta. Khát vọng thứ nhất của nhân loại đã được thoả mãn.

Sự đói khát thứ hai lôi kéo chúng ta đến bàn tiệc Thánh thể là đói khát ý nghĩa đời sống. Không khoái lạc nào, không việc mua bán nào có thể thoả mãn ước vọng này. Hãy nhìn vào những kinh hoàng, những bạo lực, những chiến tranh, những hình thức khác của tàn phá như khủng bố, giết người, thiên tai chúng ta sẽ phải ngạc nhiên đặt câu hỏi : “Tất cả những điều này có nghĩa làm sao ?” Câu trả lời khó mà tìm thấy giữa những hỗn loạn của thế giới, giữa những ồn ào của xã hội loài người. Nhưng giây phút chia sẻ bánh và rượu đã trở thành Mình và Máu Chúa Giê-su cho chúng ta không gian thực tế để nhận ra ý nghĩa của cõi nhân gian này. Bởi vì Mình và Máu thánh Chúa nối kết chúng ta với cuộc sống, cái chết và sự phục sinh của Chúa Giê-su. Đấy là ý nghĩa của cuộc đời mỗi người. Nó tập hợp chúng ta thành một dân tộc với một tương lai rõ ràng : Thi hành thánh ý Thiên Chúa trên cõi trần gian. Không có lý tưởng nào cao đẹp hơn. Có thể trong cuộc sống chúng ta chẳng tìm được câu trả lời. Nhưng tiếp xúc với Chúa Ki-tô chúng ta được Ngài giúp đỡ để nhìn ra ý nghĩa của niềm vui nỗi khổ của mình qua tối tăm của biển đời trần thế.

Tác giả Wallace còn kể ra một loại đói khát nữa liên hệ với thánh lễ hôm nay, là ước mong được thuộc về cộng đoàn, được liên lạc ấm áp với tha nhân. Ước vọng này cũng nằm sâu thẳm dưới đáy con tim mỗi người. Ai ai cũng sợ nỗi cô đơn, trốn tránh những giây phút lẻ loi. Vì thế, người ta ưa tìm đến các tụ điểm, những chỗ ăn chơi như quán trà, cà phê, tửu điếm và trở nên trác táng. Chúa Giê-su giúp đỡ chúng ta tránh xa sự hoang vắng vô bờ nên đã tuyên bố : “Những ai ăn thịt và uống máu tôi thì ở lại trong tôi và tôi ở lại trong người ấy.” Bữa tiệc thánh chúng ta tham dự hằng ngày nối kết chúng ta, không những với Chúa Giê-su, mà còn với tất cả mọi tín hữu trên thế giới cùng ăn uống hôm nay như chúng ta. Tất cả đều trở thành bạn đồng hành. Tiếng La tinh bạn đồng hành là companio, gồm hai từ ghép lại với nhau : từ com = cum = có nghĩa cùng nhau và panis nghĩa là bánh. Companio là cùng ăn bánh với nhau. Do việc ăn bánh và uống rựơu trên bàn tiệc thánh, Chúa Giê-su dọn cho, chúng ta họp thành một cộng đoàn cùng hành hương về nhà Cha. Chúng ta tuyên bố mình không cô đơn, ngược lại, liên kết với nhau khăng khít như anh em ruột thịt qua phép Rửa tội và Thánh thể. Chúng ta dấn thân phục vụ nhau như thành phần của một thân thể.

Hơn nữa, Mình Máu thánh Chúa còn nối kết chúng ta với những người đã qua đời, những tổ tiên trong đức tin. Họ cũng từng ăn và uống Mình Máu Ngài và hiện đang dự yến tiệc trên thiên quốc. Họ là những đấng thánh. Trong nghĩa này, họ cũng là bạn đồng hành (companio) với chúng ta trên hành trình về quê trời. Họ cầu nguyện cho chúng ta, nêu gương sáng cho mọi người bằng chính đời sống mình. Họ khuyến khích chúng ta bước đi vững chãi trên con đường thánh thiện và cầu mong mọi người đều sum họp. Như thế, mối giây thân ái yêu thương của bí tích Thánh thể ràng buộc chúng ta với Chúa Ki-tô và các tín hữu khác không hề bị bẻ gãy, dù là sự chết. Nó bền vững muôn đời. Tử thần không thể nuốt chửng chúng ta được, đúng như lời Chúa Giê-su tuyên bố : “Ai ăn bánh này thì sẽ sống muôn đời.” Ước mong các tín hữu cảm nghiệm được thông điệp chân thật của Chúa Giê-su trong thánh lễ hôm nay. Amen.