2. Cuộc đời của Dante Alighieri: một mô hình về thân phận con người



Với Tông thư này, tôi cũng muốn xem xét cuộc đời và tác phẩm của nhà thơ vĩ đại và khám phá sự “cộng hưởng” của nó bằng kinh nghiệm của chính chúng ta. Tôi cũng muốn khẳng định lại tính hợp thời và tầm quan trọng muôn thuở của nó, đồng thời đánh giá cao những cảnh báo và thông sáng lâu đời mà nó vốn chứa đựng cho nhân loại nói chung, chứ không chỉ cho các tín hữu mà thôi. Công trình của Dante là một phần tạo nên nền văn hóa của chúng ta, đưa chúng ta trở về cội nguồn Kitô giáo của châu Âu và phương Tây. Nó hiện thân di sản gồm nhiều lý tưởng và giá trị mà Giáo hội và xã hội dân sự tiếp tục đề nghị làm nền tảng cho một trật tự xã hội nhân đạo, trong đó tất cả mọi người đều có thể và phải coi người khác như anh chị em. Không đi sâu vào các khía cạnh cá nhân, chính trị và tư pháp phức tạp trong tiểu sử của Dante, tôi muốn đề cập ngắn gọn một số biến cố trong cuộc đời của ông khiến ông gần gũi một cách đáng kể đối với nhiều người cùng thời với chúng ta và điều này mãi luôn thiết yếu để hiểu công trình của ông.

Dante sinh năm 1265 tại Florence và kết hôn với Gemma Donati, người đã sinh cho ông 4 người con. Ông luôn gắn bó sâu sắc với thành phố quê hương của mình, bất chấp các tranh chấp chính trị mà thời đó khiến ông ra lạc lõng với nó. Cho đến cuối đời, ông vẫn muốn trở lại Florence, không những vì tình âu yếm liên tục dành cho nơi sinh của mình, mà trên hết là để ông có thể được tôn xưng là thi nhân tại chính nơi ông đã lãnh nhận phép rửa và hồng ân đức tin (xem Đoạn XXV, 1-9). Trong tựa đề một số Thư từ của ông (III, V, VI và VII), Dante tự gọi mình là "florentinus et exul inmeritus" (người Florence bi đầy ải bất công), trong khi trong thư gửi Cangrande della Scala (XIII), ông tự gọi mình là "florentinus natione non moribus" (Người Florence do sinh ra chứ không do lối sống).

Là một người Guelph da trắng, Dante thấy mình bị cuốn vào cuộc xung đột giữa người Guelphs và người Ghibellines, và giữa người Guelph da trắng và người Guelph da đen. Ông đã nắm giữ các chức vụ công quan trọng, gồm cả một nhiệm kỳ làm Giáo Trưởng (prior), nhưng năm 1302, do tình hình chính trị bất ổn, ông bị lưu đày trong hai năm, bị cấm đảm nhiệm các chức vụ công và bị phạt tiền. Dante bác bỏ quyết định này, cho là không công bằng, điều này chỉ làm hình phạt của ông thêm nghiêm khắc hơn: đày ải vĩnh viễn, tịch thu của cải và án tử hình nếu trở lại Florence. Đó là khởi đầu cho cuộc lưu đày đau đớn của Dante và những nỗ lực không có kết quả của ông để trở về thành phố quê hương, điều mà ông đã chiến đấu hăng say.

Do đó, ông trở thành một kẻ lưu đày, một “người hành hương trầm ngâm” bị giản lược vào tình huống “nghèo khổ cùng cực” (Convivio, I, III, 5). Điều này khiến Ông phải tìm nơi ẩn náu và bảo vệ nơi nhiều gia đình quý tộc khác nhau, trong đó, có các gia đình Scaligers ở Verona và Malaspina ở Lunigiana. Lời lẽ của Cacciaguida, tổ tiên của nhà thơ, nói lên phần nào sự cay đắng và tuyệt vọng trong hoàn cảnh mới của ông:

“Ngươi sẽ từ bỏ mọi thứ yêu dấu
Tha thiết nhất, và mũi tên
Mà chiếc cung đầu tiên bắn là trục xuất.
Ngươi phải nếm muối mặn ra sao
Bánh của người khác, và đường đi khó khăn như thế nào
Lên xuống cầu thang của người khác” (Đoạn XVII, 55-60).

Năm 1315, sau khi từ chối chấp nhận các điều kiện ân xá nhục nhã có thể cho phép Ông trở lại Florence, Dante một lần nữa bị kết án tử hình, lần này cùng với những đứa con đang tuổi vị thành niên của Ông. Nơi lưu đày cuối cùng của ông là Ravenna, nơi ông được Guido Novello da Polenta tiếp đón một cách trọng thị. Tại đây, ông qua đời vào đêm ngày 13 và ngày 14 tháng 9 năm 1321, ở tuổi năm mươi sáu, khi trở về sau một sứ mệnh ở Venice. Ngôi mộ của ông ban đầu được đặt ở bức tường bên ngoài của tu viện dòng Phanxicô cũ của Nhà Thờ Thánh Phêrô Cả, sau đó, vào năm 1865, được dời đến ngôi đền thế kỷ mười tám liền kề, nơi thậm chí ngày nay vẫn là mục tiêu của vô số du khách và những người ngưỡng mộ nhà thơ vĩ đại, cha đẻ của ngôn ngữ và văn học Ý.

Trong cuộc sống lưu vong, tình yêu của Dante dành cho Florence, bị phản bội bởi “lũ Florentine gian ác” (Thư VI, 1), đã biến thành nỗi hoài nhớ buồn vui lẫn lộn. Sự thất vọng sâu xa về sự sụp đổ các lý tưởng chính trị và dân sự của ông, cùng với những chuyến lang thang thê lương từ thành phố này sang thành phố khác để tìm kiếm nơi nương tựa và hỗ trợ không hề vắng mặt trong tác phẩm văn học và thi ca của ông; thực vậy, chúng tạo thành nguồn gốc và nguồn cảm hứng của nó. Khi Dante mô tả những người hành hương lên đường thăm các thánh địa, ông có ý nói đến trạng thái tâm trí và cảm xúc sâu thẳm của chính mình: “Hỡi những người hành hương, những người đang đi sâu vào tâm tư của các bạn…” (Vita Nuova, 29 [XL (XLI), 9 ], câu 1). Chủ đề quán xuyến này lặp lại thường xuyên, như trong câu thơ ở phần Purgatorio:

“Theo cùng cách mà những người hành hương suy tư quen làm,
Những người, vô danh trên đường tiến bước,
Tự quay mình lại với họ, và không dừng lại ”(XXIII, 16-18).

Chúng ta cũng có thể thấy niềm u hoài nhói tim của Dante kẻ hành hương và lưu vong trong những câu thơ nổi tiếng của khổ thơ thứ tám trong Purgatorio:

“Nay là giờ mong muốn quay trở lại
Nơi những người chèo thuyền trên biển, và làm trái tim mủi lòng,
Ngày họ nói lời từ biệt với những người bạn thân thương”(1-3).

Dante, khi gẫm suy đời lưu vong của mình, những bất trắc triệt để, sự mong manh và liên tục di chuyển từ nơi này sang nơi khác, đã thăng hoa và biến đổi kinh nghiệm bản thân của ông, biến nó thành một mô hình về thân phận con người, được xem như một cuộc hành trình - tinh thần và thể chất - tiếp tục cho đến khi đạt được mục tiêu. Ở đây, hai chủ đề căn bản trong toàn bộ công trình của Dante được đặt lên hàng đầu, đó là mọi cuộc hành trình hiện sinh, bắt đầu từ một ước muốn bẩm sinh trong trái tim con người và ước muốn này đạt được sự thành toàn của nó trong hạnh phúc được việc diện kiến Tình yêu vốn là chính Thiên Chúa đem đến.

Đối với tất cả những biến cố bi thảm, đau buồn và làm lo âu xao xuyến mà ông đã trải qua, nhà thơ vĩ đại không bao giờ đầu hàng hay khuất phục. Ông nhất định không chịu đè nén niềm khao khát của trái tim ông được nên trọn vẹn và hạnh phúc hoặc cam chịu trước sự bất công, đạo đức giả, sự cao ngạo của kẻ quyền thế hoặc lòng vị kỷ vốn biến thế giới của chúng ta thành “sân đạp lúa khiến chúng ta kiêu căng” (Đoạn XXII, 151 ).

Kỳ sau: 3. Sứ mệnh Nhà Thơ làm nhà tiên tri hy vọng