1. Đáng tự hào: Linh mục khoa học gia Công Giáo bào chế vắc xin COVID-19 cho người nghèo

“Mọi người nên tiêm phòng để bảo vệ chính mình và những người thân yêu của họ,” Cha Nicanor Robles Austriaco nói với Aleteia.

Cha Nicanor Robles Austriaco là một nhà khoa học, nhà vi sinh vật học và giáo sư người Mỹ gốc Phi Luật Tân, đồng thời là một linh mục dòng Đa Minh. Dự án của ngài có tên là Pagasa, là tiếng Phi Luật Tân có nghĩa là Hy vọng. Nếu vắc-xin này thành công, nó sẽ là niềm hy vọng lớn cho hàng triệu người nghèo trên thế giới và người dân nói chung. Ngài đưa ra lập trường trên trong cuộc phỏng vấn độc quyền với trang web Aleteia, nghĩa là “Chân lý tỏ tường”.

Thưa cha, cha đến từ đâu?

Tôi là một linh mục người Phi Luật Tân thuộc dòng Đa Minh. Tôi cũng là một nhà sinh học phân tử, và đã sử dụng các tế bào nấm men trong 20 năm qua để nghiên cứu cơ sở phân tử của bệnh ung thư.

Ơn gọi đầu tiên mà cha cảm thấy là gì: đến với chức tư tế hay trở thành một nhà nghiên cứu? Tại sao cha lại trở thành một linh mục khoa học gia? Nó có vẻ như là một sự kết hợp bất thường đối với nhiều người.

Tôi đã gặp Chúa khi đang hoàn thành chương trình Tiến sĩ Sinh học tại MIT, Hoa Kỳ, vì vậy tôi là một khoa học gia trước khi được thụ phong linh mục. Nó không bình thường, nhưng nó không nhất thiết là không thể. Như Thánh Gioan Phaolô II đã nhắc nhở Giáo hội, đức tin và lý trí đều là ân sủng của Thiên Chúa.

Cha sẽ mô tả COVID như thế nào? Đó có phải là một lời nguyền, một dấu hiệu của thời cánh chung? Virus này có phải là virus ngày tận thế không thưa cha?

COVID-19 là một bệnh đường hô hấp do một loại coronavirus mới gây ra, đã đạt đến mức độ đại dịch. Thế giới đã từng trải qua những trận đại dịch trước đây và sẽ lại trải nghiệm chúng. Đại dịch là một phần của lịch sử. Theo quan điểm thần học, chúng có thể vừa là thời kỳ trừng phạt vừa là thời kỳ đổi mới.

Các loại vắc xin đang được phát triển có an toàn không? Tiêm vắc xin có an toàn không, và người Công Giáo có nên tiêm phòng không?

Các vắc xin thường là an toàn nếu nó trải qua quá trình thử nghiệm lâm sàng cẩn thận. Mọi người nên tiêm phòng để bảo vệ chính mình và những người thân yêu.

Chúa đã ban cho các nhà khoa học khả năng tạo ra vắc xin COVID-19 trong thời gian kỷ lục. Bây giờ chúng ta nên sử dụng các loại vắc xin này để bảo vệ người già và những người dễ bị bệnh nhất để chấm dứt đại dịch. Điều này đang được thực hiện bởi nhiều chính phủ trên thế giới. Nếu không có vắc-xin, mọi người sẽ tiếp tục bị bệnh và một số sẽ tiếp tục tử vong, đặc biệt là người già.

Theo cha nghĩ, có khả thi và có thể phát triển một loại vắc-xin cho người nghèo không?

Người nghèo được Chúa yêu quý. Chúng ta nên cung cấp miễn phí vắc xin COVID-19 cho họ. Đây vừa là điều phải làm về phương diện đạo lý, bởi vì chúng ta nên cung cấp cho những người có nhu cầu. Đồng thời điều phải làm về phương diện khoa học, bởi vì người nghèo thường sống ở những khu vực đông dân cư có xu hướng chứa vi rút. Nếu chúng ta muốn diệt trừ vi rút thì chúng ta phải tiêm phòng cho tất cả mọi người, đặc biệt là những người dễ bị bệnh nhất.

Cha đang phát triển một loại vắc xin. Công việc đang tiến triển thế nào? Xin Cha chia sẻ vài nét về những tiến bộ cha đã đạt được với chúng con.

Tôi là một nhà sinh học phân tử nấm men. Tôi đang cố gắng phát triển một hệ thống phân phối vắc xin từ men cho COVID-19. Nó sẽ rẻ hơn và dễ thực hiện hơn các loại vắc xin tiêu chuẩn hiện có. Đó là một ý tưởng táo bạo, nhưng có rất nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy rằng một hệ thống phân phối vắc xin nấm men như vậy có thể hoạt động. Tôi đặt phòng thí nghiệm của mình vào dự án này sau khi biết về những thách thức mà người dân Phi Luật Tân sẽ gặp phải trong việc mua và triển khai các loại vắc xin được phát triển trên thế giới. Chúng tôi đã bắt đầu phát triển vắc xin và sẽ mất nhiều tháng để xác định xem nó có hiệu quả trong các mẫu động vật hay không.

Ai đang tài trợ cho nghiên cứu của cha? Loại vắc xin cha đang phát triển sẽ có giá bao nhiêu? Cha đã có nhà tài trợ hoặc những đóng góp nào chưa?

Tôi có một khoản trợ cấp nhỏ từ trường Cao đẳng Chúa Quan Phòng để hỗ trợ các giai đoạn tiền lâm sàng trong kế hoạch phát triển vắc xin của chúng tôi. Hiện tại, mục tiêu chính của chúng tôi là phát triển hệ thống và sau đó thử nghiệm hệ thống trên chuột để xem nó có hoạt động hay không. Nếu vắc-xin hoạt động trên động vật, thì tôi sẽ phải khám phá các bước tiếp theo. Tôi hiện không có nhà tài trợ hoặc các mạnh thường quân và tôi không tìm kiếm họ vào lúc này. Chúa đã cung cấp cho chúng tôi đủ tiền để bắt đầu công việc. Tôi biết Ngài sẽ cung cấp những gì chúng tôi cần sau này nếu điều này có hiệu quả. Chúng tôi không có tên cho vắc-xin vì chúng tôi vẫn đang phát triển nó. Dự án được gọi là Dự án Pagasa, có nghĩa là “ hy vọng” theo tiếng Tagalog.

Cuối cùng, Cha coi điều gì là liều thuốc tốt nhất cho tâm hồn, khi đối mặt với sự chán nản, buồn bã và tuyệt vọng?

Một tình bạn cá nhân và thân thiết với Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Rỗi của thế giới!


Source:Aleteia

2. Báo động: Linh mục bác sĩ kêu gọi điều tra về vụ bệnh nhân virút Tầu thiểu năng bị bỏ cho chết

Hôm Chúa Nhật 14 tháng Hai, một bác sĩ và cũng là một linh mục đã lên tiếng kêu gọi chính phủ Anh mở một cuộc điều tra độc lập trước báo cáo cho rằng các bệnh nhân COVID-19 thiểu năng trí tuệ đã được thông báo rằng họ sẽ “không được cứu sống” nếu nhiễm coronavirus trong đợt lây nhiễm thứ hai ở Anh

Cha Patrick Pullicino, một nhà thần kinh học đã được thụ phong linh mục vào năm 2019, đã lên tiếng sau khi tờ Guardian đưa tin vào ngày 13 tháng 2 rằng những người thiểu năng trí tuệ đã được thông báo rằng họ sẽ “không được cứu sống”, bất chấp những phản đối kịch liệt về việc làm này vào năm ngoái khiến chính phủ đã phải mở một cuộc điều tra khẩn cấp.

Tổ chức bác ái Mencap cho biết họ đã biết vào tháng trước rằng những người bị thiểu năng trí tuệ đã được thông báo rằng họ sẽ không được chăm sóc y tế nếu họ bị nhiễm coronavirus.

Ủy ban Phẩm Chất Chăm sóc, cơ quan giám sát việc chăm sóc y tế của Vương quốc Anh, đã kết luận vào tháng 12 rằng các thông báo “không được cứu sống” tim phổi đã gây ra những ca tử vong có thể tránh được vào năm 2020 khi COVID-19 lần đầu tiên xuất hiện tại quốc gia này.

Năm ngoái, Cha Pullicino đã kêu gọi một cuộc điều tra công khai về lý do tại sao rất nhiều người già chết trong các viện dưỡng lão ở Anh trong đợt coronavirus đầu tiên.

Vương quốc Anh, quốc gia có dân số 67 triệu người, có số người chết do COVID-19 được ghi nhận cao thứ năm trên thế giới sau Hoa Kỳ, Brazil, Mễ Tây Cơ và Ấn Độ.

“Cuộc tấn công đại trà này đầu tiên nhắm vào người già và bây giờ là người thiểu năng trí tuệ đòi hỏi phải có một cuộc điều tra hoàn toàn độc lập”, Cha Pullicino nói với Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, vào ngày 14 tháng 2.

“Tại sao những người dễ bị tổn thương lại bị nhắm đến khi lẽ ra họ cần được bảo vệ?”

Cha Pullicino là cựu chủ nhiệm Khoa Thần kinh và Khoa học Thần kinh tại Trường Đại Học Y Khoa New Jersey. Vào năm 2012, ngài đã lên tiếng cảnh báo về chương trình Liverpool Care Pathway, nghĩa là Lộ Trình Chăm Sóc Liverpool, gọi tắt là LCP. Chương trình LCP dựa trên một ý thức hệ cực đoan gọi là “Quality of Life”, nghĩa là “Phẩm Chất Cuộc Sống”. Nó cho rằng người già và những người mắc phải các chứng nan y là những người có phẩm chất cuộc sống thấp kém. Chẳng hạn, như họ không thể đi du lịch, không thể ăn những món ngon theo ý thích, cuộc sống phải phụ thuộc vào người khác… Ý thức hệ cực đoan “Quality of Life” cho rằng cho những người có phẩm chất cuộc sống thấp chết sớm là làm phước cho họ.

Chương trình LCP đã bị bãi bỏ sau một cuộc điều tra do chính phủ Vương quốc Anh thực hiện. Tuy nhiên, theo Cha Pullicino, ý thức hệ cực đoan “Quality of Life” vẫn bao trùm Dịch vụ Y tế Quốc gia.
Source:Catholic News Agency

3. Đức Hồng Y Chales Bo nói chuyện với The Pillar về cuộc đảo chính ở Miến Điện

Kể từ khi quân đội nắm quyền sau cuộc bầu cử, Đức Hồng Y đã nói về cú sốc mà nhiều người ở Miến Điện cảm thấy. Người dân Miến Điện đã phản ứng như thế nào trong 10 ngày qua? Phản ứng tâm linh thích đáng cho các Kitô hữu trong nước ra sao?

Người dân của chúng tôi bị xáo trộn sâu xa. Con đường chữa lành họ cần phải bắt đầu bằng sự cầu nguyện và khẩn nài. Chúng tôi đã dành ra một Chúa nhật để cầu nguyện và ăn chay. Đất nước này bị tổn thương sâu xa, về mặt tinh thần và xúc cảm. Đây là đất nước nổi tiếng với nguồn suối tâm linh tinh khôi. Nó nên bắt đầu uống từ đó.

Như Martin Luther King Jr đã nói, bóng tối không thể xua tan bóng tối, chỉ có ánh sáng mới có thể xua tan bóng tối, hận thù không thể xua tan hận thù, chỉ có tình yêu. Cho đến nay, Tôi vẫn lạc quan một cách thận trọng rằng nguyên tắc này sẽ được duy trì chặt chẽ. Nhưng tương lai có thể khó nắm vững. Chúng tôi sống với lời cầu nguyện trên môi và hy vọng trong trái tim của chúng tôi.

The Pillar: Kể từ khi quân đội nắm quyền sau cuộc bầu cử, Đức Hồng Y đã nói về cú sốc mà nhiều người ở Miến Điện cảm thấy. Người dân Miến Điện đã phản ứng như thế nào trong 10 ngày qua? Phản ứng tâm linh thích đáng cho các Kitô hữu trong nước ra sao?

Đức Hồng Y Bo: Người dân của chúng tôi bị xáo trộn sâu xa. Con đường chữa lành họ cần phải bắt đầu bằng sự cầu nguyện và khẩn nài. Chúng tôi đã dành ra một Chúa nhật để cầu nguyện và ăn chay. Đất nước này bị tổn thương sâu xa, về mặt tinh thần và xúc cảm. Đây là đất nước nổi tiếng với nguồn suối tâm linh tinh khôi. Nó nên bắt đầu uống từ đó.

Như Martin Luther King Jr đã nói, bóng tối không thể xua tan bóng tối, chỉ có ánh sáng mới có thể xua tan bóng tối, hận thù không thể xua tan hận thù, chỉ có tình yêu. Cho đến nay, Tôi vẫn lạc quan một cách thận trọng [rằng] nguyên tắc này [sẽ] được duy trì chặt chẽ. Nhưng tương lai có thể khó nắm vững. Chúng tôi sống với lời cầu nguyện trên môi và hy vọng trong trái tim của chúng tôi.

The Pillar: Điều gì là mối quan tâm mục vụ cấp thiết nhất của Đức Hồng Y đối với người dân của đất nước Đức Hồng Y nói chung, và đối với những người Công Giáo nói riêng, kể từ cuộc đảo chính ngày 1 tháng 2?

Đức Hồng Y Bo: “Về mặt mục vụ, chúng tôi quan tâm sâu xa đến sự an toàn của người dân. Lịch sử của chúng tôi là một lịch sử bị thương với biết bao nước mắt và đổ máu. Cái ác tự khẳng định trong lịch sử bằng sự tàn bạo vô nhân đạo. Đối mặt với điều đó cần có năng lực tinh thần và cảm thức bình tĩnh và phản kháng dựa trên tình yêu đối với cả kẻ thù.

Chúa Kitô đã phải đối đầu với những thử thách y hệt và cuối cùng từ Thập giá, Người vẫn có thể nói: 'Hãy tha thứ cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm'. Nói thì dễ, nhưng khi thấy hàng ngàn thanh niên diễn hành mỗi ngày, chúng tôi lo ngại rằng cơn sóng thần tuyệt vọng không nên kết thúc bằng sự tự hủy hoại và mất hy vọng.

Chúng tôi hy vọng những người Công Giáo tham gia vào tất cả [các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ] với tình yêu thương dành cho tất cả mọi người. Hận thù sẽ kết thúc bằng bạo lực tàn bạo. Quả có quyền lực trong ‘hai bàn tay trắng’, như [khi] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô đối đầu với chủ nghĩa Cộng sản Ba Lan, hoặc khi Mahatma Gandhi làm tan rã chủ nghĩa đế quốc Anh bằng một nắm muối.

Cuộc đấu tranh của chúng tôi là tự trang bị cho mình bộ áo giáp đạo đức chứ không phải cơn tức giận tự đánh bại mình. Cuộc đấu tranh còn lâu dài.

The Pillar: Làm thế nào để Giáo hội, và đặc biệt là ngài với tư cách một Hồng Y, có thể góp phần ngăn chặn bạo lực và tạo ra đối thoại?

Đức Hồng Y Bo: Chúng tôi không phải là chính trị gia. Chính trị là một trò chơi quyền lực. Các bên liên quan không phải lúc nào cũng được thúc đẩy bởi một la bàn đạo đức. Sức mạnh duy nhất của chúng tôi là làm chứng cho sức mạnh của hy vọng và hòa giải.

Như lịch sử gần đây của đất nước các bạn đã chứng minh, những cái tôi được thổi phồng có thể làm tổn thương cả quốc gia, xé nát sợi chỉ đạo đức của một quốc gia vĩ đại. Cùng những lời cầu nguyện và các hoạt động [mà] Giáo hội [ở Hoa Kỳ] dự kiến cũng giống như [đối với Miến Điện]. Chúng ta cố gắng hết sức mình. Chúng ta có thể được hoặc thua. Nhưng như Môsê đã dạy chúng ta, việc tham gia là điều quan trọng. Chúng tôi có những sáng kiến về đối thoại mà chúng tôi có thể không thảo luận một cách công khai vào thời điểm hiện nay.

The Pillar: Nhiều linh mục, nữ tu và thanh niên Công Giáo đã chia sẻ hình ảnh trên mạng xã hội kêu gọi bất tuân dân sự một cách hòa bình, bất bạo động, và tham gia các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ. Đức Hồng Y có lo lắng cho sự an toàn của họ, và Đức Hồng Y có tin rằng các cuộc biểu tình ôn hòa có thể giúp khôi phục nền dân chủ không?

Đức Hồng Y Bo: Một chỉ thị đã được đưa ra cho họ bởi hội đồng giám mục. Cuộc đề kháng hiện nay được dẫn dắt bởi một thế hệ trẻ lớn lên qua mạng xã hội và [rất hiểu biết] về nhiều vấn đề. Họ hiểu biết thế giới tốt hơn những thế hệ trước.

Giống như mọi gia đình, Giáo hội có một thế hệ trẻ năng động với năng lực lớn và sự khẩn trương muốn nhìn thấy kết quả. Chúng tôi, những người đã trải qua ba cuộc đề kháng lớn - và những thất bại của chúng cũng như những hậu quả đáng buồn tiếp theo đó- chúng tôi muốn [thấy rằng] những ranh giới cần thiết cần được tuân giữ trong mọi phong trào đề kháng. Chúng tôi lo ngại cho sự an toàn và tương lai của họ.

Chúng tôi không ngăn cản bất cứ ai tham gia vào cuộc đấu tranh này. Chúng tôi là những người đầu tiên đưa ra tuyên bố chống lại cuộc đảo chính. Các cuộc biểu tình trên đường phố cần được phối hợp và có chiến lược để giảm thiểu rủi ro cho sự sống. Chúng tôi muốn nói điều này với toàn bộ dân số trẻ, những người ngày này qua ngày khác đứng lên để phản đối.

The Pillar: Nhìn vào tình hình ở Trung Quốc, và bây giờ là sự mất dân chủ ở đất nước của Đức Hồng Y, quan trọng xiết bao việc Giáo hội trở thành nhân chứng tiên tri đối với nhân quyền, và lớn tiếng chống lại những hành vi lạm dụng khi chúng xảy ra?

Đức Hồng Y Bo: Nhân quyền bắt nguồn từ khái niệm Kitô giáo về nhân phẩm được nêu rõ trong các trang đầu tiên của Kinh thánh. Đó là một yếu tố cấu thành để trở thành một Kitô hữu. Toàn bộ tiến trình của Xuất Hành và Tuyên ngôn Galilê của Đức Kitô trong Luca 4: 16-19 là sự trình bày rõ ràng về nhân quyền bằng ngôn ngữ đức tin. Vì vậy chúng tôi không thể tránh việc ủng hộ Nhân quyền.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã biến thành chính dòng hai quyền lợi chính: Quyền kinh tế và Quyền môi trường.

Vấn đề của Trung Quốc là việc họ trở thành nô lệ cho một ý thức hệ đã giết chết hàng triệu người trong quá khứ. Giờ đây, họ bị mắc kẹt vào một sự pha trộn kỳ cục trong đó quyền lực nhà nước kết hợp với chủ nghĩa tư bản liều lĩnh. Nền kinh tế thị trường không được kiểm soát là một con quái vật, và trong cuộc hùn hạp với Con Rồng Trung Quốc, đây là cuộc xung đột tận thế giữa chủ nghĩa duy vật trần trụi và cuộc đấu tranh cho nhân phẩm.

Vì vậy, khi lên tiếng chống lại việc vi phạm nhân quyền, Giáo hội đang phát biểu rõ đức tin của mình trên quảng trường công cộng. Từ 'lòng mẹ đến lòng đất’, con người có nhiều quyền lợi. Công bố điều đó là Tin mừng và là việc truyền bá Tin Mừng. Nó không những có tính tiên tri. Nó còn là bản sắc hiện sinh của chúng tôi.

The Pillar: Đức Hồng Y sẽ yêu cầu điều gì nơi cộng đồng quốc tế vào lúc này? Người Công Giáo ở các nước khác có thể giúp đỡ và thể hiện tình liên đới ra sao với người Công Giáo và những người khác ở Miến Điện?

Đức Hồng Y Bo: “Miến Điện là một triệu chứng. Mỹ với tư cách là một cường quốc đạo đức đã sụp đổ trong thời gian gần đây. Tranh cãi về 'gian lận bầu cử' ở Miến Điện đã nổi lên sau cuộc Bạo loạn ở Capitol của truyền thống dân chủ tôn kính của bạn. Ai đó hắt hơi ở Washington và thế là một chính phủ dân cử bị lật đổ ở Miến Điện. Đây là một cuộc truyền nhiễm của Covid đạo đức.

Mỹ phải chữa lành vết thương nội tạng gây ra cho ý niệm dân chủ và bầu cử. Đó sẽ là bước đầu tiên của tình liên đới.

Người Công Giáo ở mọi quốc gia cần cầu nguyện cho chúng tôi: tương lai của chúng tôi nằm trong tay Chúa và ơn thánh của Người có thể mang lại sự thay đổi cõi lòng con người. Cộng đồng quốc tế không nên vội vàng trừng phạt người dân Miến Điện. Họ cần hiểu lịch sử và nền kinh tế chính trị của chúng tôi trước khi dự tính các biện pháp trừng phạt.

(Hôm thứ Tư, Tổng thống Biden đã công bố các lệnh trừng phạt đối với các nhà lãnh đạo quân sự của Miến Điện, lợi ích kinh doanh và các thành viên gia đình của họ)

The Pillar: Làm thế nào để Giáo hội trên khắp thế giới có thể phục vụ tốt hơn trong tư cách làm nhân chứng tiên tri – một tiếng nói cho nhân phẩm và nhân quyền ở những nơi như Miến Điện và Trung Quốc?

Đức Hồng Y Bo: “Tôi tin rằng Vatican đã thành công đưa ra một phương thức hành động và cách sống cho người Công Giáo Trung Quốc. Tự do tôn giáo đang gặp nguy cơ lớn ở nhiều quốc gia. Kitô hữu đang trở thành nhóm tôn giáo bị đàn áp nhiều nhất trên thế giới.

Giáo hội đang vật lộn với sự lựa chọn trở thành tiên tri và bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất của mình. Các quốc gia giỏi trừng phạt những người dễ bị tổn thương nhất trong các nhóm thiểu số tôn giáo. Các lựa chọn bị giới hạn ở những quốc gia này đối với các Kitô hữu địa phương.

Chỉ một chiến dịch được hoàn cầu nâng đỡ và sự giám sát của Liên hiệp quốc mới có thể làm giảm bớt nước mắt và sự tan vỡ của các Kitô hữu bị đàn áp.