Lúc 9 giờ sáng theo giờ địa phương Yangon, cái gọi là “Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng Miến Điện” đã chính thức nhìn nhận cuộc binh biến vào rạng sáng thứ Hai mùng một tháng Hai là một cuộc đảo chính.

Truyền hình quân đội Miến Điện cho biết quân đội đã nắm quyền kiểm soát đất nước, và sẽ cai trị quốc gia này trong một năm. Trong khi các báo cáo cho biết nhiều chính trị gia cao cấp của nước này bao gồm cả bà Aung San Suu Kyi đã bị bắt giữ.

Một người dẫn chương trình trên Myawaddy TV thuộc sở hữu của quân đội đã đưa ra thông báo và trích dẫn một phần của hiến pháp do quân đội soạn thảo cho phép quân đội nắm quyền kiểm soát trong thời gian khẩn cấp quốc gia. Ông cho biết lý do quân đội làm đảo chính một phần là do chính phủ không hành động trước những cáo buộc của quân đội về gian lận bầu cử trong cuộc bầu cử tháng 11 năm ngoái và việc họ không thể hoãn cuộc bầu cử vì cuộc khủng hoảng coronavirus.

Thông báo này diễn ra sau nhiều ngày lo ngại về mối đe dọa của một cuộc đảo chính quân sự - và những lời phủ nhận từ giới quân nhân.

Việc giam giữ các chính trị gia và cắt giảm các dịch vụ thông tin liên lạc vào sáng sớm thứ Hai là những tín hiệu đầu tiên cho thấy kế hoạch cướp chính quyền đã bắt đầu. Điện thoại và truy cập Internet tới Naypyitaw bị mất và không thể liên lạc được với đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ, gọi tắt là NLD, của bà Suu Kyi. Tuy nhiên, trước đó những dấu hiệu đảo chính đã có thể thấy rõ trong cuộc biểu tình của giới Phật Giáo thân quân đội tại chùa Shwedagon.

Bà Suu Kyi, cố vấn nhà nước là lãnh đạo cấp cao nhất của quốc gia, và tổng thống Win Myint đều đã bị giam giữ trước bình minh. Các thành viên Ban Chấp hành Trung ương của đảng NLD, các nhà lập pháp và các thành viên Nội các khu vực cũng đã bị tạm giữ.

Bộ trưởng Ngoại giao Úc Marise Payne kêu gọi trả tự do tức khắc cho bà Suu Kyi và những người đang bị giam giữ khác. Bà nói: “Chúng tôi ủng hộ mạnh mẽ việc triệu tập lại Quốc hội một cách hòa bình, phù hợp với kết quả của cuộc tổng tuyển cử vào tháng 11 năm 2020”.

Các nhà lập pháp Miến Điện theo dự trù lẽ ra sẽ tập trung hôm thứ Hai tại thủ đô Naypyitaw cho phiên họp đầu tiên của Quốc hội kể từ cuộc bầu cử năm ngoái. Tuy nhiên, hầu hết các thành viên Quốc Hội đã bị bắt.

Bà Suu Kyi, 75 tuổi, cho đến nay là chính trị gia thống trị nhất đất nước và trở thành nhà lãnh đạo đất nước sau khi lãnh đạo một cuộc đấu tranh bất bạo động kéo dài hàng thập kỷ chống lại sự cai trị của quân đội theo đường lối cộng sản Mao Trạch Đông.

Tính chung các ghế tại Hạ Viện và Thượng Viện, sau cuộc bầu cử tháng 11, Đảng của bà Suu Kyi đã chiếm được 396 trong số 476. Tuy nhiên, quân đội Miến Điện nắm giữ 25% tổng số ghế không cần bầu theo hiến pháp do quân đội soạn thảo năm 2008 và một số vị trí bộ trưởng chủ chốt cũng được dành cho quân đội.

Quân đội, được gọi là Tatmadaw, đã buộc tội rằng đã có gian lận bỏ phiếu lớn trong cuộc bầu cử, mặc dù họ đã không đưa ra được bằng chứng. Ủy ban Bầu cử Miến Điện tuần trước đã bác bỏ cáo buộc của họ.

Quân đội Miến Điện do tướng Ne Win lãnh đạo đã làm đảo chính vào ngày 2 tháng Ba, 1962 để đưa quốc gia theo con đường xã hội chủ nghĩa. Tháng 5,1990 giới quân nhân cho tuyển cử tự do và đảng NLD giành được 392 trong tổng số 492 ghế. Tuy nhiên, giới quân nhân bác bỏ kết quả này và tiếp tục cai trị đất nước.

Tổng tuyển cử được tổ chức vào ngày 8 tháng 11 năm 2015. Đây là cuộc bầu cử có tranh đua công khai đầu tiên được tổ chức ở Miến Điện kể từ năm 1990. Kết quả mang lại cho NLD đa số ghế tuyệt đối trong cả hai viện của quốc hội, đủ để đảm bảo rằng ứng cử viên của họ sẽ trở thành tổng thống, mặc dù giới quân nhân cấm bà Aung San Suu Kyi đảm nhiệm chức vụ tổng thống. Quốc hội mới được triệu tập vào ngày 1 tháng 2 năm 2016, và vào ngày 15 tháng 3 năm 2016, ông Htin Kyaw được bầu làm tổng thống dân sự đầu tiên kể từ cuộc đảo chính quân sự năm 1962. Vào ngày 6 tháng 4 năm 2016, bà Aung San Suu Kyi đảm nhận vai trò cố vấn nhà nước mới được thành lập, một vai trò giống như thủ tướng.

Đức Hồng Y Charles Maung Bo, Tổng Giám Mục Yangon, chủ tịch Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu là một người nổi tiếng ủng hộ bà Aung San Suu Kyi và đảng NLD vì ngài tin họ có thể đem lại một nền dân chủ và tự do cho Miến Điện. Ngài cũng thường xuyên cảnh giác về ý thức hệ cộng sản Mao trong giới quân nhân.

Hôm 28 tháng Giêng, 2019, Đức Hồng Y kêu gọi chính quyền dừng ngay lại dự án cho Trung Quốc xây nhà máy thủy điện tại Miến Điện. Ngài nhấn mạnh rằng có quá nhiều vấn đề gây tranh cãi xung quanh dự án này và lưu ý rằng dòng sông Irrawaddy là biểu tượng thiêng liêng nhất của đất nước. Sông Irrawaddy là “mẹ của chúng ta” và có nguy cơ bị mất đi “trước sự tham lam của một siêu cường”, Đức Hồng Y nói.

Khi đại dịch Vũ Hán tràn lan trên thế giới, tháng Tư, 2020, Đức Hồng Y ra tuyên bố khẳng định:

“Chế độ của đảng Cộng sản Trung Quốc phải chịu trách nhiệm trước thế giới đối với đại dịch coronavirus. Những gì chế độ này đã làm đã và đang hủy hoại sự sống trên toàn thế giới và người dân Trung Quốc là nạn nhân đầu tiên của coronavirus, như họ từng là nạn nhân đầu tiên của cái chế độ tàn bạo này”.

Đây là lời buộc tội thẳng thắn, trực tiếp và mạnh mẽ mà Đức Hồng Y Charles Bo, Tổng Giám mục Yangon, nhà lãnh đạo của Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu, đưa ra trong một tuyên bố công khai được công bố lúc 10:18 phút tối mùng 2 tháng Tư, năm ngoái 2020 trên trang web của tổng giáo phận. Đây là lần đầu tiên kể từ khi bắt đầu đại dịch coronavirus, bắt nguồn từ Vũ Hán, một nhân vật cao cấp trong Giáo Hội đã công khai chỉ thẳng vào mặt chế độ cộng sản Trung Quốc, buộc họ phải chịu trách nhiệm về sinh mạng và kinh tế mà đại dịch này đang gây ra trên toàn thế giới.

Đức Hồng Y Charles Bo nhắc cho mọi người nhớ rằng chế độ cộng sản đặt vào tay Tập Cận Bình quá nhiều quyền hành đã bịt miệng các bác sĩ, các nhà báo và những trí thức khác, là những người đã gióng lên hồi chuông báo động vào tháng 12. Bọn cầm quyền đã để virus lây lan rộng khắp đến ngày 23 tháng Giêng mới cô lập Vũ Hán và Hồ Bắc. Trích dẫn một báo cáo của trường Đại Học Southampton, Đức Hồng Y nói rằng “nếu Trung Quốc đã hành động một cách có trách nhiệm một tuần trước đó thôi thì số người nhiễm virus sẽ thấp hơn 66%, nếu hai tuần sớm hơn số người nhiễm virus sẽ thấp hơn 86%, và ba tuần trước đó, thì giảm được đến 95%”

“Nhân danh những người phải đau khổ trực tiếp và gián tiếp bởi đại dịch này tôi yêu cầu nhà cầm quyền Trung Quốc xin lỗi và bồi thường vì sự hủy diệt mà họ gây ra”.

Trong một tuyên bố đưa ra vào đầu tháng 8 năm ngoái, Đức Hồng Y nói rằng, “Ở Trung Quốc, người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ đang phải đối mặt những điều có thể coi là những tội ác tập thể tồi tệ nhất trong thế giới đương đại và tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế hãy điều tra.”

“Với tư cách là các nhà lãnh đạo tôn giáo và lãnh đạo các cộng đồng dựa trên tín ngưỡng, chúng tôi cùng nhau khẳng định phẩm giá con người cho tất cả mọi người bằng cách nêu bật một trong những thảm kịch nghiêm trọng nhất của con người kể từ Holocaust: đó là cuộc diệt chủng tiềm tàng của người Duy Ngô Nhĩ và những người Hồi giáo khác ở Trung Quốc”.

Đức Hồng Y có một lập trường chống Trung Quốc mạnh như thế, nên nhiều người lo ngại về an nguy của ngài trong những ngày sóng gió này.


Source:CBS News