1. Các pháp sư người Peru được dùng để vận động cho ông Joe Biden

Ngày 6 tháng Giêng tới đây, một phiên khoáng đại của lưỡng viện Quốc Hội Hoa Kỳ do phó tổng thống Mike Pence chủ tọa sẽ nhóm họp để thông qua hay bác bỏ kết quả cuộc bầu cử ngày 3 tháng 11 vừa qua.

Thượng nghị sĩ Ted Cruz nói rằng ông sẽ dẫn đầu một nhóm các Dân biểu và Thượng nghị sĩ thách thức kết quả bầu cử trên cơ sở có quá nhiều gian lận.

Cho đến nay, Tổng thống Trump vẫn không công nhận kết quả cuộc bầu cử hôm 3 tháng 11.

Các phương tiện truyền thông phò đảng Dân Chủ đã phản ứng lại bằng nhiều cách khác nhau. Nhẹ thì cho rằng đó chỉ là một chuyện vô ích, hay một chuyện có tính biểu tượng không đi đến đâu. Nặng hơn thì tấn công cá nhân Thượng nghị sĩ Cruz. Một cách khác là tung ra câu chuyện những dự đoán của các shamans, hay các pháp sư, người Peru rằng ông Joe Biden sẽ là tổng thống và tình hình trong năm 2021 sẽ tốt hơn nhiều so với năm 2000.

Họ nói rằng tại Lima, Peru, nhóm pháp sư của ông Jairo Osco tuyên bố rằng năm mới tình trạng sức khỏe trên thế giới sẽ tốt hơn, đại dịch coronavirus sẽ chấm dứt, các lệnh khóa cửa sẽ được dỡ bỏ.

Họ cũng dự đoán những điều lớn lao sẽ xảy ra ở một quốc gia Nam Mỹ khác là Venezuela.

Pháp sư Jairo Osco nói như một chính trị gia: “Chúng tôi đã dự đoán những thay đổi lớn ở Venezuela trong năm nay, năm 2021. Chúng tôi đang trừng phạt Tổng thống Maduro, người đang gây ra rất nhiều thiệt hại cho các anh chị em Venezuela của chúng tôi. Vì vậy, chúng tôi đang đấu tranh chống lại những quyết định tồi tệ của anh ấy “.

Nhóm còn thổi khói và vẫy hoa gửi “những rung động tốt đẹp” tới ông Joe Biden mà họ gọi là tổng thống đắc cử của Hoa Kỳ.


Source:Reuters

2. Từ khởi thủy Thiên Chúa đã muốn giao tiếp với chúng ta. Huấn đức của Đức Thánh Cha ngày 3/1

Tại nhiều nơi trên thế giới, Chúa nhật 3 tháng Giêng là Chúa Nhật Lễ Hiển Linh hay còn gọi là Lễ Ba Vua. Tuy nhiên, tại Ý và nhiều nơi khác có truyền thống mừng lễ Hiển Linh vào đúng ngày chính lễ 6 tháng Giêng, thì Chúa nhật 3 tháng Giêng là Chúa Nhật thứ Hai sau lễ Giáng Sinh.

Bài Tin Mừng theo Thánh Gioan có chủ đề là “Ngôi Lời đã hoá thành nhục thể, và Người đã cư ngụ giữa chúng ta”.

Bắt đầu Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời, và Ngôi Lời vẫn ở với Thiên Chúa, và Ngôi Lời vẫn là Thiên Chúa. Người vẫn ở với Thiên Chúa ngay từ nguyên thủy.

Mọi vật đều do Người làm nên, và không có Người, thì chẳng vật chi đã được tác thành trong mọi cái đã được tác thành. Ở nơi Người vẫn có sự sống, và sự sống là sự sáng của nhân loại; sự sáng chiếu soi trong u tối, và u tối đã không tiếp nhận sự sáng.

Có một người được Thiên Chúa sai đến, tên là Gioan. Ông đã đến nhằm việc chứng minh, để ông chứng minh về sự sáng, hầu cho mọi người nhờ ông mà tin. Chính ông không phải là sự sáng, nhưng đến để chứng minh về sự sáng.

Vẫn có sự sáng thực, sự sáng soi tỏ cho hết mọi người sinh vào thế gian này. Người vẫn ở trong thế gian, và thế gian đã do Người tác tạo, và thế gian đã không nhận biết Người. Người đã đến nhà các gia nhân Người, và các gia nhân Người đã không tiếp nhận Người. Nhưng phàm bao nhiêu kẻ đã tiếp nhận Người, thì Người cho họ được quyền trở nên con Thiên Chúa, tức là cho những ai tin vào danh Người. Những người này không do khí huyết, không do ý muốn xác thịt, cũng không do ý muốn của đàn ông, nhưng do Thiên Chúa mà sinh ra.

Và Ngôi Lời đã hoá thành nhục thể, và Người đã cư ngụ giữa chúng tôi, và chúng tôi đã nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang Người nhận được bởi Chúa Cha, như của người Con Một đầy ân sủng và chân lý.

Gioan làm chứng về Người khi tuyên xưng rằng: “Ðây là Ðấng tôi tiên báo. Người đến sau tôi, nhưng xuất hiện trước tôi, vì Người có trước tôi”.

Chính do sự sung mãn Người mà chúng ta hết thảy tiếp nhận ơn này tới ơn khác. Bởi vì Chúa ban Lề luật qua Môsê, nhưng ơn thánh và chân lý thì ban qua Ðức Giêsu Kitô. Không ai nhìn thấy Thiên Chúa, nhưng chính Con Một Chúa, Ðấng ngự trong Chúa Cha, sẽ mạc khải cho chúng ta.

Trong bài huấn dụ ngắn từ Thư Viện của Dinh Tông Tòa, trước khi đọc kinh Truyền Tin, trong khi ngoài trời mưa tầm tã, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Vào Chúa nhật thứ hai sau lễ Giáng sinh, Lời Chúa không cung cấp cho chúng ta một đoạn trong cuộc đời của Chúa Giêsu, nhưng nói với chúng ta về thời điểm trước khi Ngài giáng sinh. Trình thuật này đưa chúng ta ngược dòng thời gian, để mạc khải nhiều điều về Chúa Giêsu trước khi Ngài đến giữa chúng ta. Phần mở đầu của Tin Mừng Gioan bắt đầu như thế này: “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời” (Ga 1: 1). Lúc khởi đầu: đây là những lời đầu tiên của Kinh thánh, cũng giống như lời tường thuật về sự sáng tạo bắt đầu như sau: “Lúc khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo trời đất” (St 1:1). Tin Mừng hôm nay nói rằng Đấng mà chúng ta đã chiêm ngưỡng trong lễ Giáng Sinh, như một hài nhi, Chúa Giêsu ấy đã hiện hữu trước: trước khi vạn vật khởi đầu, trước cả vũ trụ. Người có trước không gian và thời gian. “Ở nơi Người vẫn có sự sống” (Ga 1:4) trước khi sự sống xuất hiện.

Thánh Gioan gọi Người là Ngôi Lời. Thánh nhân muốn nói với chúng ta điều gì? Thưa: Lời được sử dụng để giao tiếp: anh chị em không nói một mình, anh chị em nói với ai đó. Chúng ta luôn nói chuyện với ai đó. Khi thấy một người đi trên đường lẩm bẩm nói chuyện với chính mình, chúng ta nói: “Người này lạ chưa, có chuyện gì đó đang xảy ra với cô ấy…” Chúng ta không lẩm bẩm với chính mình nhưng luôn nói chuyện với ai đó. Sự kiện là Chúa Giêsu là Ngôi Lời ngay từ đầu có nghĩa là ngay từ đầu Thiên Chúa muốn giao tiếp với chúng ta, Ngài muốn nói chuyện với chúng ta. Con một của Chúa Cha (x. câu 14) muốn nói với chúng ta về vẻ đẹp của việc được làm con cái Thiên Chúa; Người là “ánh sáng thật” (c. 9) và muốn ngăn cách chúng ta khỏi bóng tối của sự dữ; Người là “sự sống” (c. 4), Người biết cuộc sống của chúng ta và muốn nói với chúng ta rằng Người luôn yêu thương chúng ta. Chúa yêu mến tất cả chúng ta. Đây là thông điệp tuyệt vời của ngày hôm nay: Chúa Giêsu là Lời, Lời vĩnh cửu của Thiên Chúa, Đấng luôn nghĩ đến chúng ta và muốn giao tiếp với chúng ta.

Và để làm như vậy, Người đã vượt ra ngoài lời nói. Thực thế, ở trọng tâm của bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta được biết rằng Ngôi Lời “đã hoá thành nhục thể, và Người đã cư ngụ giữa chúng ta” (c. 14). Ngài đã trở thành nhục thể: tại sao Thánh Gioan lại sử dụng cách nói này, “nhục thể”? Thánh Gioan không thể nói một cách thanh lịch hơn rằng Người đã trở thành một người đàn ông sao? Thưa: Không, thánh nhân dùng từ nhục thể vì nó biểu thị tình trạng con người chúng ta trong tất cả sự yếu đuối của nó, trong tất cả sự mong manh của nó. Từ ngữ ấy cho chúng ta biết rằng Thiên Chúa đã tự tạo ra sự yếu đuối dường ấy để chạm vào sự yếu đuối của chúng ta. Vì vậy, kể từ khi Chúa trở thành phàm nhân, không có gì trong cuộc sống của chúng ta là xa lạ đối với Ngài. Không có gì mà Ngài khinh thường, chúng ta có thể chia sẻ mọi điều với Ngài, mọi thứ.

Anh chị em thân mến,

Thiên Chúa đã hóa thành nhục thể để nói với chúng ta, để nói với anh chị em rằng Ngài yêu anh chị em ngay tại đó, rằng Ngài yêu chúng ta ngay trong tình trạng của chúng ta, trong sự yếu đuối của chúng ta, trong sự yếu đuối của anh chị em; ngay đó, nơi chúng ta xấu hổ nhất, nơi anh chị em xấu hổ nhất. Điều này thật táo bạo, quyết định của Thiên Chúa thật táo bạo: Ngài đã trở thành phàm nhân ngay tại nơi chúng ta thường xấu hổ; Người bước vào sự xấu hổ của chúng ta, để trở thành anh em với chúng ta, để chia sẻ hành trình cuộc sống.

Người đã trở thành nhục thể và một đi không trở lại. Ngài không coi nhân loại của chúng ta như một tấm áo mặc vào và cởi ra. Không, Người chưa bao giờ tách mình ra khỏi xác thịt của chúng ta. Và Người sẽ không bao giờ rời khỏi nó: bây giờ và mãi mãi Người ở trên trời cùng với nhân tính. Người đã mãi mãi kết hợp với nhân loại của chúng ta, chúng ta có thể nói rằng Người đã “kết hôn” với nhân loại chúng ta. Tôi thích nghĩ rằng khi Chúa cầu nguyện với Chúa Cha cho chúng ta, Ngài không chỉ nói với Chúa Cha, nhưng Ngài còn chỉ cho Chúa Cha thấy những vết thương của xác thịt, Ngài cho Chúa Cha thấy những vết thương mà Ngài đã chịu vì chúng ta. Đây là Chúa Giêsu: bằng xác thịt của nhân loại, Người là Đấng chuyển cầu, Người cũng muốn mang những dấu chỉ đau khổ. Chúa Giêsu, với xác thịt của mình ở trước mặt Chúa Cha. Trên thực tế, Tin Mừng nói rằng Người đến ở giữa chúng ta. Người không đến thăm chúng ta và sau đó bỏ đi, Người đến sống với chúng ta, ở lại với chúng ta.

Chúa Giêsu muốn gì ở chúng ta? Thưa: Ngài mong muốn sự thân mật tuyệt vời. Người muốn chúng ta chia sẻ với Người niềm vui và nỗi buồn, mong muốn và sợ hãi, hy vọng và nỗi buồn, mọi người và mọi tình huống. Anh chị em hãy làm điều đó, với sự tự tin: chúng ta hãy mở lòng ra với Ngài, hãy nói với Ngài tất cả mọi thứ. Chúng ta hãy dừng lại trong thinh lặng trước máng cỏ để cảm nhận sự dịu dàng của Thiên Chúa đã hóa thành nhục thể để gần gũi với chúng ta. Và đừng sợ, chúng ta hãy mời Người đến với chúng ta, về nhà của chúng ta, về gia đình của chúng ta. Mọi người đều biết rõ điều này là chúng ta hãy mời Người đến với những yếu đuối của chúng ta. Chúng ta hãy mời Người đến, để Người nhìn thấy vết thương của chúng ta. Ngài sẽ đến và cuộc sống sẽ thay đổi.

Xin Mẹ Thánh của Thiên Chúa, Đấng đã trở thành Ngôi Lời, giúp chúng ta chào đón Chúa Giêsu, là Đấng đang gõ cửa trái tim chúng ta để sống với chúng ta.

Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến,

Tôi xin gửi đến anh chị em những lời chúc tốt đẹp nhất của tôi cho một năm mới vừa bắt đầu. Là các tín hữu Kitô, chúng ta tránh xa những suy nghĩ theo thuyết định mệnh hoặc ma thuật: chúng ta biết rằng mọi thứ sẽ trở nên tốt đẹp hơn khi với sự giúp đỡ của Thiên Chúa, chúng ta cùng nhau làm việc vì thiện ích chung, đặt những người yếu nhất và thiệt thòi nhất làm trung tâm. Chúng ta không biết những gì chào đón chúng ta trong năm 2021 này, nhưng những gì mỗi chúng ta và tất cả chúng ta cùng nhau có thể làm là cam kết chăm sóc lẫn nhau và thiên nhiên, là ngôi nhà chung của chúng ta nhiều hơn một chút.

Đúng là, có sự cám dỗ chỉ quan tâm đến lợi ích của bản thân, tiếp tục gây chiến, chẳng hạn, chỉ tập trung vào thành tích kinh tế, sống theo chủ nghĩa khoái lạc, tức là chỉ cố gắng thỏa mãn thú vui của chính mình… Có, vâng có những cám dỗ như thế. Tôi đọc một mẩu tin trên báo làm tôi buồn: ở một đất nước, tôi không nhớ là nước nào, để thoát khỏi sự cô lập và có thể có một kỳ nghỉ tốt, hơn 40 máy bay đã cất cánh bay đi vào chiều hôm đó. Nhưng những người đó, những người có thể là tốt, đã không đoái hoài gì đến những người ở nhà, những vấn đề kinh tế của bao nhiêu người mà cái lệnh khóa cửa ném xuống đất, và những người bệnh sẽ ra sao? Chỉ cần đi nghỉ và tận hưởng niềm vui của riêng họ. Điều này làm tôi đau đớn rất nhiều.

Tôi gửi lời chào đặc biệt tới những người đang bắt đầu một năm mới với nhiều khó khăn hơn, những người bệnh tật, những người thất nghiệp, những người đang sống trong hoàn cảnh bị áp bức hoặc bóc lột. Và với lòng yêu mến, tôi muốn gửi lời chào đến tất cả các gia đình, đặc biệt là những gia đình có con nhỏ hoặc những người đang mong chờ sinh nở, là điều luôn luôn là một lời hứa của hy vọng. Tôi gần gũi với những gia đình này: Xin Chúa phù hộ cho anh chị em!

Chúc tất cả anh chị em một ngày Chúa Nhật vui vẻ, và hãy luôn nghĩ đến Chúa Giêsu, Đấng đã hóa thành nhục thể để luôn sống với chúng ta, luôn luôn, giữa những điều tốt và những điều xấu của chúng ta. Xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc một bữa trưa ngon miệng và xin tạm biệt!


Source:Holy See Press Office