Một năm sau khi Đức Thánh Cha viếng thăm 2 quốc gia này, tình hình Giáo Hội tại những nơi này ra sao?

Trước hết là tại Thái Lan, năm 2015, viện Gallup hợp tác với tổ hợp thăm dò dư luận WIN đã phỏng vấn 64,000 người trên thế giới về quan điểm tôn giáo và việc thực hành niềm tin tôn giáo của họ. Kết luận được đưa ra cho thấy Thái Lan, nơi Phật Giáo chiếm đa số; và Armenia nơi Kitô Giáo chiếm đa số là hai quốc gia sùng đạo nhất.

93.6% trong tổng số 67.8 triệu dân Thái theo Phật giáo Nam Tông. Trong khi đó, trong 3 triệu người Armenia, 98% là các tín hữu Kitô, đông nhất là các tín hữu thuộc Giáo Hội Armenia Tông Truyền với 92.6%.

Trong tổng số 67.8 triệu người Thái, chỉ có 380,000 người theo đạo Công Giáo. Giáo Hội Công Giáo tại Thái gồm hai giáo tỉnh là Giáo tỉnh Bangkok với Tổng giáo phận Bangkok và 5 giáo phận là các Giáo phận Chanthaburi, Chiang Mai, Nakhon Sawan, Ratchaburi, Surat Thani; Giáo tỉnh Thare – Nonseng với Tổng giáo phận Thare – Nonseng, và 3 giáo phận là Nakhon Ratchasima, Ubon Ratchathani và Udon Thani.

Theo Thai Catholic, cơ quan thông tin của Hội Đồng Giám Mục Thái, ngay sau chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha từ 20 đến 23 tháng 11 năm ngoái 2019, lễ Giáng Sinh năm ngoái được kể là tưng bừng nhất. Các thánh đường đều đông chật, cả người Công Giáo lẫn anh chị em Phật tử.

Ở Thái, mọi người đàn ông bắt buộc phải sống trong chùa trong một khoảng thời gian là 3 tháng trước khi đến tuổi 20. Mặc dù thời gian dự kiến là ba tháng, một số chỉ ở một hoặc hai ngày là biến mất. Hầu hết ở lại trong ít nhất là một vài tuần. Kỷ luật này có thể là một cản trở đối với công việc truyền giáo. Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất vẫn là cuộc sống bận rộn ở thành phố không khuyến khích người ta tìm đến với ánh sáng Tin Mừng. Bù lại, người Thái tỏ ra hiền hòa, cởi mở với tôn giáo. Các vụ tấn công đốt phá các thánh đường rất họa hiếm.

Trong bối cảnh xã hội như thế, Giáng Sinh là một dịp tốt để truyền giáo. Trong số 436 giáo xứ tại Thái lan, giáo xứ nào cũng chăng đèn kết hoa làm hang đá như những hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy đây.

Cho đến nay, tử vong tại Thái Lan vì COVID-19 là 60 người, trong số 5,716 trường hợp nhiễm coronavirus. Tuy vậy, Thái Lan vẫn chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch coronavirus. Nguồn lợi du lịch ngày nay gần như không còn. Nhiều người sống trong tình trạng nghèo đói cùng cực.

Chính vì thế, trong mùa Giáng Sinh năm nay, Caritas Thái đã tung ra một chiến dịch cứu trợ theo phương châm lá rách đùm lá nát.

Thái Lan theo chế độ quân chủ lập hiến từ năm 1932. Vua Thái được coi là Nguyên thủ quốc gia, Thống soái Lực lượng Vũ trang Hoàng gia, là người bảo hộ Phật giáo và người đứng đầu các tôn giáo.

Thái có một luật đặc biệt cấm không ai được phê bình nhà vua hay hoàng tộc. Luật này gọi là lèse-majesté, hay luật “khi quân”. Ai vướng vào tội này có thể bị tù tội rất nặng.

Vị vua hiện tại của Thái Lan là ông Vajiralongkorn (hoặc Rama X) lên ngôi kể từ tháng 10 năm 2016. Khi xảy ra đại dịch coronavirus, ông trốn sang Đức và điều hành mọi sự từ bên Đức. Nhiều cuộc biểu tình đã nổ ra phản đối chế độ quân chủ lập hiến. Cho đến nay, hàng chục người, tất cả đều là những người trẻ đã bị bắt và có những lo ngại rằng họ sẽ bị kết án rất nặng dựa theo luật “khi quân”.

Tại Nhật Bản, tình hình đại dịch coronavirus xem ra bi đát hơn. Cho đến khi chúng tôi thực hiện chương trình này tử vong tại Nhật Bản đã lên đến 2,944 người chết, trong số 200,658 trường hợp nhiễm coronavirus. Trong 24 giờ của ngày thứ Ba 22 tháng 12, có 2,135 trường hợp nhiễm coronavirus được xác nhận. Số người chết vì tự tử do mất công ăn việc làm, hục hặc trong gia đình trong thời gian bị cô lập vì COVID-19 gấp 5 lần con số những người chết vì virus Tầu độc địa này.

Vị linh mục quý vị và anh chị em đang xem thấy trong đoạn video này là cha Michael Yamamoto là cha sở nhà thờ Kogun (小郡),quận Ogori, thuộc tỉnh Fukuoka cách thành phố Nagasaki 126km về phía Đông Bắc. Tên ngôi nhà thờ này có nghĩa là “Dân được Chúa gọi”. Ngôi nhà thờ được khánh thành vào năm 1962, và nhận Thánh Phanxicô Xavier làm quan thầy, lễ mừng vào ngày 3 tháng 12 hàng năm.

Nagasaki, nơi Đức Thánh Cha viếng thăm ngày 23 tháng 11 năm ngoái, là Tổng giáo phận lớn thứ hai tại Nhật với 62,265 người Công Giáo trong tổng số 1.3 triệu dân. Tức là chiếm 4.5% dân số. Fukuoka là giáo phận thuộc về giáo tỉnh Nagasaki.

Theo cha Yamamoto, địa phương của ngài may mắn không bị thiệt hại nghiêm trọng trong thời gian đại dịch coronavirus. Mọi việc đã trở lại bình thường như những hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy đây.

Giáng Sinh, theo cha Yamamoto là một cơ hội tốt để truyền giáo. Nhiều người, kể cả những người không có đạo cũng đến nhà thờ tham dự các buổi ca hát thánh ca bằng tiếng Anh và tiếng Nhật.

Nhật Bản là đất nước đã có đến 434 vị tử đạo đã được tuyên phong, và hàng trăm ngàn các vị tử đạo chưa được biết đến; nhưng giờ đây 99% dân số là vô thần. Sau thế chiến thứ hai, đứng trước những tàn phá kinh hoàng của chiến tranh, chủ nghĩa hiện sinh phát triển rất mạnh.

Trong các nước trên thế giới, Nhật Bản được kể là quốc gia nơi chủ nghĩa thế tục được coi là khủng khiếp nhất. Đa số người dân Nhật không có bất cứ một niềm tin tôn giáo nào. Theo tin tưởng chung, xã hội Nhật có thể coi là một xã hội duy vật chất thậm chí nói được là vô đạo.

Cuộc điều tra của viện Gallop vào năm 2006 cho thấy 70% dân số Nhật không có một niềm tin tôn giáo nào. Trong 30% còn lại, 15% xưng mình theo Thần Đạo (Shinto), 75% xưng mình là tín hữu Phật Giáo nhưng trong thực tế niềm tin tôn giáo không có mấy ảnh hưởng đến các quyết định trong cuộc sống hàng ngày. Điều này thể hiện rõ trong xu hướng tự tử tăng mạnh trong thanh niên và những người già cả, phá thai được dùng như cách thức kiểm soát sinh sản, và một tình trạng tổng quát của một cuộc sống không chút hy vọng.