1. Đức Cha Rodolf Voderholzer Giám Mục Regensburg bày tỏ lo âu vì căng thẳng trong Giáo hội tại Ðức.

Sau Ðức Hồng Y Rainer Maria Woelki, Tổng giám mục giáo phận Koeln, đến lượt Ðức Cha Rodolf Voderholzer, giám mục giáo phận Regensburg, ở miền nam Ðức, bày tỏ lo âu trước những căng thẳng và rạn nứt trong Giáo Hội Công Giáo tại Ðức, mà “Tiến trình Công nghị” có thể gây ra.

Tiến trình này khởi sự từ ngày 1 tháng 12 năm 2019 và dự kiến sẽ kết thúc vào năm 2021, với sự tham dự của 280 đại biểu, tiến hành qua bốn diễn đàn về bốn lãnh vực khác nhau, như: quyền bính trong Giáo hội, đời sống linh mục, luân lý tính dục và phụ nữ với các thừa tác vụ.

Tuyên bố hôm 29 tháng 9 năm 2020, trong cuộc phỏng vấn dành cho đài phát thanh Kitô “Radio Horeb”, Ðức Cha Vorderholzer nói: “Một loạt những đòi hỏi mà các thành viên Tiến trình Công nghị nêu lên và được báo chí nhấn mạnh thêm, tạo nên những mong đợi lớn trong dư luận. Nhưng hiển nhiên là, những đòi hỏi đó trái ngược với Giáo huấn của Giáo hội, vì thế chúng có nguy cơ dẫn tới chia rẽ và rạn nứt.”

Như một ví dụ, Ðức giám mục giáo phận Regensburg nói đến đòi hỏi truyền chức linh mục cho phụ nữ, trái ngược với phán quyết chung kết của Giáo hội về vấn đề này, qua Tông thư “Ordinatio sacerdotalis”, Truyền chức linh mục, do Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II ban hành, trong đó ngài khẳng định rằng “Giáo hội không có quyền thay đổi điều mà Chúa Giêsu đã làm”.

Hiện nay, có một trào lưu mạnh mẽ tại Ðức đòi truyền chức cho phụ nữ để vượt thắng tình trạng họ gọi là “không tôn trọng sự bình đẳng nam nữ.”

Hồi trung tuần tháng Chín năm 2020, Ðức Hồng Y Woelki cũng cảnh giác chống lại viễn tượng nảy sinh một Giáo Hội Công Giáo quốc gia Ðức, và nói rằng: “Ðiều tệ hại nhất, là nếu Tiến trình Công nghị dẫn tới sự ly khai khỏi Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ và trở thành một Giáo hội quốc gia”.

Trong cuộc phỏng vấn, Ðức Cha Vorderholzer phê bình những phe nhóm trong Giáo hội tại Ðức, không muốn Giáo hội là “muối đất”, và ngài nói rằng “Trong tư cách là Giáo hội, chúng ta không được mời gọi trở thành “đường ngọt”, chiều theo mọi hình thức của thời đại, trái lại chúng ta phải đi ngược dòng xã hội trong ánh sáng mạc khải của Thiên Chúa, tuy rằng trong Giáo hội luôn luôn cần sự cải tổ, vì mỗi người, trong trọn cuộc sống, đều phải đáp lại lời mời gọi hoán cải của Chúa Giêsu”.


Source:Catholic News Agency

2. Các giám mục Công Giáo Hoa Kỳ công bố các ứng cử viên chủ tịch các ủy ban

Hội Đồng Giám Mục Công Giáo, gọi tắt là USCCB, đã công bố danh sách các ứng viên cho 8 ghế chủ tịch các ủy ban.

Do đại dịch coronavirus đang diễn ra, phiên khoáng đại của Hội Đồng Giám mục Hoa Kỳ sẽ được tổ chức trực tuyến. Không giống như trong các phiên họp trước đây, khi các cuộc bầu cử được thực hiện tại chỗ thông qua các lá phiếu điện tử, các giám mục sẽ bỏ phiếu qua đường bưu điện với một lá phiếu giấy. Những người chiến thắng trong cuộc bầu cử sẽ được công bố trong cuộc họp.

Các giám mục sẽ bỏ phiếu bầu chủ tịch của bảy ủy ban: Các Ưu tiên và Kế hoạch, Giáo dục Công Giáo, Truyền thông, Đa Văn hóa trong Giáo hội, Giáo lý, Quyên góp Quốc gia và Các Hoạt động Phò sinh.

Những người chiến thắng trong các cuộc bầu cử này sẽ phục vụ một năm với tư cách “chủ tịch được chỉ định” trước khi các ngài đảm nhận chức chủ tịch tại Đại hội đồng mùa thu năm 2021. Sau khi được nâng lên làm chủ tịch, các giám mục sẽ phục vụ trong chức vụ đó trong nhiệm kỳ ba năm.

Các giám mục cũng sẽ bỏ phiếu bầu chủ tịch Ủy ban Tự do Tôn giáo, hiện được Đức Tổng Giám Mục Thomas Wenski của Miami lãnh đạo.

Tại Đại hội đồng Mùa thu 2019, Đức Tổng Giám Mục Wenski có cùng số phiếu với Đức Giám Mục George Murry của Youngstown sau khi Đức Tổng Giám Mục Joseph Kurtz của Louisville từ chức vì lý do sức khoẻ. Đức Cha Murry lớn tuổi hơn Đức Tổng Giám Mục Wenski, nên ngài được tuyên bố là người chiến thắng trong cuộc bầu cử đó.

Tuy nhiên, chức chủ tịch lại bị bỏ trống sau cái chết của Đức Cha Murray vào ngày 5 tháng 6 vừa qua sau khi bệnh bạch cầu tái phát. Đức Tổng Giám Mục Wenski đồng ý đảm nhận chức vụ này một cách tạm thời.

Đức Tổng Giám Mục Wenski đang tranh cử với Đức Hồng Y Timothy Dolan của New York trong nhiệm kỳ ba năm đầy đủ với tư cách là chủ tịch của ủy ban.

Đức Tổng Giám Mục Timothy Broglio của Tổng Giáo phận Quân Đội Hoa Kỳ, thư ký hiện tại của USCCB, đã được đề cử cùng với Đức Giám Mục Daniel Thomas của Toledo cho chức chủ tịch Ủy ban Ưu tiên và Kế hoạch.

Đức Giám Mục Thomas Daly của Spokane và Đức Tổng Giám Mục Gregory Hartmayer của Atlanta đều được đề cử lãnh đạo Ủy ban Giáo dục Công Giáo.

Đức Giám Mục Christopher Coyne của Burlington và Giám mục Robert Reed, Giám Mục Phụ Tá của Tổng giáo phận Boston - được đề cử lãnh đạo Ủy ban Truyền thông.

Đức Cha Arturo Cepada, Giám Mục Phụ Tá của Tổng giáo phận Detroit, và Đức Cha Jorge Rodriguez-Novelo, Giám Mục Phụ Tá của Tổng giáo phận Denver, đã tự đề nghị lãnh đạo Ủy ban Đa văn hóa trong Giáo hội.

Đức Cha Brendan Cahill của Victoria, Texas và Đức Cha Daniel Flores của Brownsville đều được đề cử lãnh đạo Ủy ban Giáo lý.

Ủy ban Quyên góp Quốc gia sẽ do Đức Cha Shawn McKnight của Thành phố Jefferson hoặc Đức Cha James Wall của Gallup lãnh đạo.

Đức Tổng Giám Mục Samuel Aquila của Denver và Đức Tổng Giám Mục William Lori của Baltimore đều được đề cử lãnh đạo Ủy ban về các Hoạt động Phò sinh.


Source:Catholic News Agency

3. Các Hiệp Sĩ Thánh Mộ Giêrusalem giữa đại dịch Covid-19.

Hội Hiệp sĩ Thánh Mộ Giêrusalem đang nỗ lực giúp đỡ các gia đình Kitô tại Thánh Ðịa gặp những khó khăn lớn vì đại dịch, bị mất công ăn việc làm vì tình trạng giới nghiêm ngặt nghèo, và không có du khách và tín hữu hành hương đến Thánh Ðịa.

Thực vậy, từ tháng 5 năm 2020 và cả hiện nay, với sự đóng góp của 30 ngàn hiệp sĩ nam nữ thuộc Hội hiệp sĩ Thánh Mộ Giêrusalem, hơn 2,400 gia đình thuộc trên 30 giáo xứ trong lãnh thổ Tòa Thượng Phụ Công Giáo la tinh ở Giêrusalem được nâng đỡ.

Ông Sami El-Yousef, Giám đốc hành chánh của Tòa Thượng Phụ ở Giêrusalem, cho biết tài trợ của các Hiệp sĩ Thánh Mộ nhắm nâng đỡ các nhu cầu thiết yếu của các gia đình gặp khó khăn, như giúp các phiếu để mua thực phẩm, các vật dụng vệ sinh, thuốc men cho các trẻ em, và trả tiền điện nước, tiền học phí.

Sự phân phối các đồ cứu trợ được thực hiện với sự giúp đỡ của các cha sở, các Hội đồng giáo xứ và cả chính quyền địa phương. Trong số các gia đình nói trên có 1,238 gia đình ở Vương quốc Giordani và 1,180 gia đình ở Palestine. Tình hình tại Thánh Ðịa cũng như tại nhiều nước, vẫn còn nhiều khó khăn. Từ ngày 18 tháng 9 năm 2020, chính phủ Israel ra lệnh tái giới nghiêm ngặt nghèo trong 3 tuần lễ để chặn đứng sự tái lan lây mạnh của Coronavirus. Hết 3 tuần lễ, Bộ trưởng y tế Israel cho biết sự giới nghiêm có thể được kéo dài.

Trong những tuần lễ tới đây, Hội Hiệp sĩ Thánh Mộ tiếp tục gửi tiền giúp đỡ ngoại thường cho các gia đình. Số tiền trợ giúp cho đến nay vào khoảng 3 triệu Euro, không kể ngân khoản thường lệ hàng tháng giúp Tòa Thượng Phụ Công Giáo La tinh Giêrusalem.

Ðức Tổng Giám Mục Pierbattista Pizzaballa, Giám quản Tông Tòa tòa Thượng Phụ, cho biết các tín hữu Kitô tại Thánh Ðịa cảm thấy được các Hiệp sĩ Thánh Mộ trên thế giới nâng đỡ trong thời kỳ khó khăn hiện nay. Mặc dù hoàn cảnh khó khăn chung trên hoàn cầu, lòng quảng đại của Hội hiệp sĩ Thánh Mộ không bị suy giảm trong những tháng đại dịch này.

Cả Ðức Hồng Y Fernando Filoni, nguyên Tổng trưởng Bộ truyền giáo và từ tháng 12 năm 2019 là Thủ lãnh Hội Hiệp Sĩ Thánh Mộ, cho biết số tiền 3 triệu Euro vừa nói được thêm vào số hơn 120 triệu Euro Hội trợ giúp trong 10 năm qua cho các nhu cầu của Giáo Hội và các tín hữu Kitô tại Thánh Ðịa. Ðức Hồng Y nói: “Nếu chúng ta không giúp đỡ các Kitô hữu tại Thánh địa thì chúng ta có nguy cơ đánh mất họ và biến các nơi Thánh thành một bảo tàng viện hoặc một nơi du lịch. Chúng ta phải làm sao để nuôi dưỡng các cộng đoàn sinh động và hiếu khách, những người thừa kế của Giáo Hội Mẹ tại Giêrusalem mà tất cả chúng ta tùy thuộc”.

Hội Hiệp sĩ Thánh Mộ Giêrusalem được thành lập từ thế kỷ 14 và các sử liệu cho thấy lễ bổ nhiệm các hiệp sĩ đầu tiên diễn ra vào năm 1336 và Hội vẫn luôn được sự quan tâm, nâng đỡ và bảo vệ của các Ðức Giáo Hoàng.

Ngày nay, gia nhập Hội hiệp sĩ Thánh Mộ có nghĩa là cam kết đảm nhận suốt đời việc làm chứng tá đức tin, dấn thân làm việc bác ái liên tục, nâng đỡ tinh thần và cả vật chất cho các cộng đoàn Kitô tại Thánh Ðịa như một nghĩa vụ bác ái của Kitô hữu, đặc biệt hỗ trợ các sáng kiến để duy trì sự hiện diện của Kitô giáo tại Thánh Ðịa. Các vị lãnh đạo chi Hội hiệp sĩ ở địa phương có nhiệm vụ cứu xét các ứng sinh muốn gia nhập, và nếu được nhận họ sẽ qua một thời kỳ huấn luyện dài 12 tháng, và sau đó họ có thể chính thức làm đơn xin gia nhập Hội.


Source:Christian Media Center

4. Chương thứ tư của thông điệp Fratelli Tutti

Tiếp tục giới thiệu thông điệp thứ ba của Đức Thánh Cha Phanxicô có tựa đề “Fratelli Tutti”, nghĩa là “Tất Cả Là Anh Em”, trong chương trình này, Hiền Hòa xin gởi đến quý vị và anh chị em chương thứ tư của thông điệp này.

Toàn bộ chương thứ tư được dành cho chủ đề di dân với tựa đề là “Một trái tim mở lòng ra với toàn thế giới”. Đức Thánh Cha viết rằng: “Khi cuộc sống đang lâm nguy, những người di dân và tị nạn đành phải chạy trốn chiến tranh, bách hại, và các thảm họa thiên nhiên. Họ bị tách khỏi quê hương bản quán và cộng đồng gốc của mình. Họ trở thành mồi ngon cho nạn buôn người. Những người di cư và tị nạn, do đó, phải được chào đón, bảo vệ, hỗ trợ và hội nhập vào xã hội mới.”

Đức Thánh Cha khẳng định cần phải tránh việc di dân không cần thiết bằng cách tạo ra các cơ hội cụ thể để người dân có thể sống đúng phẩm giá ngay tại quê hương bản quán của mình mà không cần phải đi đâu. Nhưng đồng thời, chúng ta cần tôn trọng quyền được tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn ở những nơi khác. Ở các nước tiếp nhận, sự cân bằng hợp lý sẽ là làm sao bảo vệ các quyền chính đáng của công dân địa phương, và đồng thời bảo đảm việc chào đón và hỗ trợ các di dân.

Cách riêng, Đức Thánh Cha chỉ rõ một số “biện pháp không thể thiếu nhằm trợ giúp những người đang chạy trốn các cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng” như tăng cường và đơn giản hóa việc cấp thị thực nhập cảnh; mở các hành lang nhân đạo; bảo đảm chỗ ở, an ninh và các dịch vụ thiết yếu; cung cấp cơ hội làm việc và huấn luyện; tạo điều kiện cho việc đoàn tụ gia đình; bảo vệ trẻ vị thành niên; bảo đảm tự do tôn giáo và cổ vũ việc hòa nhập xã hội.

Đức Thánh Cha cũng kêu gọi thiết lập trong xã hội khái niệm “quyền công dân trọn vẹn”, và bác bỏ việc sử dụng có tính kỳ thị thuật ngữ “các nhóm thiểu số”. Thông điệp Fratelli Tutti viết: “Điều cần thiết trên hết là việc quản trị trên quy mô toàn cầu, một sự hợp tác quốc tế về di dân nhằm thực hiện việc lên kế hoạch dài hạn sao cho các quốc gia có thể nghĩ mình thuộc về một ‘gia đình nhân loại’”.

Đức Phanxicô nhấn mạnh rằng những người khác với chúng ta là một phúc lành và làm giầu cho mọi người, vì những khác biệt tiêu biểu cho một cơ hội để phát triển. Một nền văn hóa lành mạnh là một nền văn hóa biết chào đón, có khả năng mở lòng ra với người khác, mà không từ bỏ chính bản thân mình, nhưng làm giàu một cách chọn lọc với những gì là chân thực.


Source:Vatican News