1. Một linh mục bị đấm trong Thánh lễ Chúa Nhật ở Berlin

Một kẻ tấn công không rõ danh tính đã đấm một linh mục trong Thánh lễ Chúa Nhật ở Berlin, Đức. Vụ tấn công xảy ra trong Thánh Lễ Chúa Nhật ngày 30 tháng 8 tại Nhà thờ Thánh Giuse ở quận Wedding. Đó là một ngôi nhà thờ rất lớn ở một khu vực trung tâm, trên đường Müllerstraße ở Berlin-Mitte.

Nhà thờ chính tòa Thánh Hedwig của tổng giáo phận Berlin đang đóng cửa để tu sửa. Do đó, tất cả các cử hành Phụng Vụ chính của tổng giáo phận đang diễn ra tại nhà thờ Thánh Giuse. Đức Tổng Giám Mục Heiner Koch thường đến dâng các thánh lễ tại đây, đặc biệt là các thánh lễ trực tuyến trong thời gian không có các thánh lễ dành cho công chúng tham dự.

Theo lời kể của các nhân chứng, vào khoảng 10:30 sáng, một người đàn ông đã “ngồi lặng lẽ trong Thánh lễ, đột nhiên đứng dậy và nhổ xuống đất. Hắn ta bước một cách hùng hổ về phía cung thánh của nhà thờ, trong khi tuôn ra những lời lẽ phỉ báng tôn giáo, đặc biệt là phỉ báng Đức Mẹ. Hắn đấm vào Cha Andrzej Doetsch 61 tuổi, khiến ngài ngã nhào xuống đất.”

Cảnh sát Berlin cho biết: “Ngay sau đó, kẻ lạ mặt đã lấy cuốn Kinh thánh và xé ra vài trang. Em trai của vị linh mục, là anh Holger Doetsch, năm nay 56 tuổi, đã chạy đến can thiệp. Kẻ tấn công đã đánh gục anh ta bằng cuốn Kinh thánh và bỏ trốn khỏi nhà thờ. Đến nay kẻ tấn công vẫn chưa bị bắt. Vị linh mục bị đánh gục và bị thương nhẹ và em ngài, cũng chỉ bị thương nhẹ, đã được cấp cứu tại chỗ.”

Anh Holger Doetsch nói với tờ Tagespost rằng tên tấn công còn trẻ khoảng 20 đến 25 tuổi có vẻ như nóng giận trước bài giảng của cha Andrzej Doetsch. Trong bài giảng ngài nói về Hegel và sinh quán của ông ta ở Stuttgart, và nhấn mạnh rằng cảm xúc không liên quan đến luận lý.

Phòng điều tra tội phạm về chính trị của phân bộ Cảnh sát Hình sự Berlin đã thụ lý vụ này.

Cách đó một tuần, một vụ tấn công tương tự đã diễn ra tại Hoa Kỳ. Một người phụ nữ da đen đã đấm vào mặt người đọc Sách Thánh trong một thánh lễ tại nhà thờ chính tòa hai Thánh Phêrô và Thánh Phaolô của tổng giáo phận Philadelphia. Hành động bạo lực đáng lo ngại diễn ra ngay sát cung thánh trong khi buổi lễ 11 giờ sáng Chúa Nhật 23 tháng 8 đang được phát trực tiếp. Đến nay thủ phạm vẫn chưa bị bắt.

Một người phụ nữ da đen mặc đồ xanh đã đứng chờ ngay sát cung thánh khi hai người phụ nữ vừa đọc Sách Thánh xong đang quay xuống. Cô ta đã đấm vào mặt người đọc Sách Thánh đi gần bên mình hai lần trước khi ung dung bỏ ra khỏi nhà thờ. Ra khỏi nhà thờ y thị mới bỏ chạy để khỏi bị bắt.

Cảnh sát Philadelphia kêu gọi mọi người ai có thông tin dẫn đến việc bắt giữ người phụ nữ da đen Xin báo cáo cho cảnh sát qua số 215-686-8477.


Source:Catholic News Agency

2. Lính biên phòng ngăn không cho Đức Tổng Giám Mục Tadeusz Kondrusiewicz trở lại Belarus

Đức Tổng Giám Mục Tadeusz Kondrusiewicz đã đến Ba Lan để thi hành một công vụ nhưng khi ngài quay trở lại Belarus vào hôm thứ Hai 31 tháng 8, lực lượng biên phòng đã chặn không cho ngài nhập cảnh vào Belarus.

Sáng thứ Ba 1 tháng 9, tổng thống Lukaschenko cáo buộc Đức Tổng Giám Mục Kondrusiewicz sang Ba Lan để nhận chỉ thị nhằm hướng dẫn các cuộc biểu tình chống lại ông ta. Đây là một cáo buộc ngu xuẩn. Trong thời Internet ngày nay, không ai phải làm như thế cả.

Đây là diễn biến mới nhất trong sự căng thẳng giữa chế độ độc tài Lukaschenko và Ðức Tổng Giám Mục Tadeusz Kondrusiewicz, diễn ra sau cuộc bầu cử gian lận hôm Chúa Nhật 9 tháng 8.

Biểu tình đã nổ ra sau cuộc bầu cử gian lận này và tên độc tài Lukaschenko đã ra tay đàn áp thẳng tay.

Làn sóng phản đối tổng thống Lukaschenko tại Belarus vẫn còn tiếp tục diễn ra, với các cuộc biểu tình cả hơn 200, 000 người tham dự, tại thủ đô Minsk để đòi tự do, vì dân chúng tin rằng đã có sự gian lận trong cuộc bỏ phiếu để ông đắc cử tổng thống lần thứ sáu, với hơn 80% số phiếu.

Ðức Tổng Giám Mục Tadeusz Kondrusiewicz, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Công Giáo Belarus, đã xin gặp Bộ trưởng nội vụ Belarus, ông Yuri Karaev, để nói chuyện về vấn đề những người biểu tình bị bắt trong những ngày qua.

Ðức Tổng Giám Mục cũng xin chính phủ nước này cho các linh mục Công Giáo được viếng thăm những người bị giam giữ vì biểu tình, sau cuộc bầu cử tổng thống Lukaschenko, và trợ giúp họ nhất là về phương diện tinh thần. Ðức Tổng Giám Mục xin chính quyền trả tự ngay cho họ.

Trong khi chờ đợi chính quyền Belarus đáp ứng các yêu cầu của ngài, Đức Tổng Giám Mục đứng lặng lẽ trước các nhà tù lần chuỗi cầu nguyện cho những người bị bắt.

Trong thánh lễ Chúa nhật 16 tháng 8 năm 2020, tại giáo phận Wizebsk ở miền bắc Belarus, Ðức Tổng Giám Mục Kondrusiewicz nói về “đại dịch gian dối” đất nước này đang trải qua và nói: “Tự do của chúng ta đang bị đe dọa, đất nước chúng ta bị phân rẽ. Chúng ta muốn một nước Belarus mới, một nước dựa trên các giá trị Kitô”.

3. Nga có thể liên quan đến thủ đoạn không cho Đức Tổng Giám Mục Kondrusiewicz nhập cảnh vào Belarus

Đức Tổng Giám Mục Tadeusz Kondrusiewicz là người gốc Ba Lan nhưng gia đình đã sinh sống tại thành phố Odelsk của Belarus, và ngài đã chào đời tại đây ngày 3 tháng Giêng, 1946. Chính vì thế, ngài có quyền công dân Belarus.

Đức Tổng Giám Mục Tadeusz Kondrusiewicz đã từng được Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II bổ nhiệm làm Giám Quản Tông Tòa tổng giáo phận Minsk của Belarus vào năm 1989.

Ngày 13 tháng Tư, 1991, sau khi Liên Sô sụp đổ, vị Thánh Giáo Hoàng Ba Lan đã thành lập 2 miền Giám Quản Tông Tòa Nga Âu và Siberia tại Nga. Đức Cha Tadeusz Kondrusiewicz được bổ nhiệm làm Giám Quản Tông Tòa Nga Âu.

Ngày 11 tháng Hai, 2002, Đức Gioan Phaolô II chia hai miền Giám Quản Tông Tòa này thành 4 giáo phận. Đức Cha Tadeusz Kondrusiewicz được bổ nhiệm làm Tổng Giám Mục tổng giáo phận Mẹ Thiên Chúa tại Mạc Tư Khoa. Đức Tổng Giám Mục Tadeusz Kondrusiewicz đã làm chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Nga trong hai nhiệm kỳ từ 1999 đến 2005.

Trong một chuyến trở về từ Ba Lan, Nga đã không cho ngài nhập cảnh vào nước này vào năm 2005. Sau một thời gian giằng co, trong đó Nga nhất định không gia hạn thị thực nhập cảnh, ngày 21 tháng 9, 2007, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đành phải bổ nhiệm ngài làm Tổng Giám Mục Minsk-Mohilev của Belarus.

Chiêu không cho nhập cảnh này của Belarus chắc do Nga chỉ bảo nhưng nó vô lý vì ngài là công dân của Belarus.

Đức Cha Yuri Kasabutsky, một Giám Mục Phụ Tá tại tổng giáo phận Minsk-Mohilev, nói rằng Đức Tổng Giám Mục Kondrusiewicz đang trở về sau một chuyến công tác thì bị ngăn cản khi ngài tìm cách vào Belarus tại ngã tư giữa làng Kuźnica của Ba Lan và làng Bruzgi của Belarus.

“Bộ đội biên của Cộng hòa Belarus từ chối không cho người đứng đầu hàng giáo phẩm Công Giáo Belarus trở lại đất nước mà không giải thích gì cả, ” Đức Cha Kasabutsky nói.

Người Công Giáo là cộng đồng tôn giáo lớn thứ hai ở Belarus sau Chính thống giáo, và chiếm khoảng 15% dân số.

Trong một tuyên bố được đưa ra sau đó vào hôm thứ Hai, Đức Cha Kasabutsky kêu gọi người Công Giáo Belarus cầu nguyện cho Đức Tổng Giám Mục Kondrusiewicz.

Ngài yêu cầu các linh mục cử hành thánh lễ cho Belarus, Giáo hội và vị tổng Giám Mục. Ngài mời gọi giáo dân tham dự Thánh lễ và chầu Mình Thánh Chúa, cũng như lần hạt Mân Côi và làm các việc kính Lòng Chúa Thương Xót.


Source:Catholic News Agency

4. Các Giám Mục Hoa Kỳ bày tỏ sự thất vọng đối với lập trường quyết liệt phò phá thai của bà Nancy Pelosi

Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đã khẳng định rằng lệnh cấm dùng quỹ liên bang tài trợ cho việc phá thai sẽ bị loại trừ khỏi các dự luật chi tiêu vào năm tới nếu đảng Dân chủ giữ được đa số trong Hạ viện. Tuyên bố của bà ta có ý nghĩa là sự chấm dứt thỏa thuận lưỡng đảng kéo dài trong 44 năm qua về vấn đề phá thai trong các dự luật chi tiêu.

Tờ Los Angeles Times đưa tin hôm thứ Sáu rằng Chủ tịch Hạ Viện Pelosi, Dân biểu Dân Chủ đơn vị California, gần đây đã nói với một số đảng viên Dân chủ Hạ viện rằng các dự luật tài trợ vào năm tới sẽ bãi bỏ Tu chính án Hyde.

Trong chính trị Hoa Kỳ, Tu chính án Hyde là một đạo luật cấm việc sử dụng quỹ liên bang để chi trả cho việc phá thai ngoại trừ để cứu mạng sống của người phụ nữ, hoặc nếu cái thai phát sinh do loạn luân hoặc cưỡng hiếp. Trước khi Tu chính án Hyde có hiệu lực, ước tính có khoảng 300, 000 ca phá thai được thực hiện hàng năm bằng tiền đóng thuế của dân.

Hạ viện thông qua Tu chính án Hyde vào ngày 30 tháng 9 năm 1976 với tỷ lệ bỏ phiếu 312 trên 93. Tu chính án này có tên là Hyde vì do Dân biểu Cộng hòa Henry Hyde của Illinois đề xuất. Tu chính án thể hiện một trong những thành tựu lập pháp lớn nhất và đầu tiên nhất của phong trào ủng hộ sự sống tại Hoa Kỳ, đặc biệt là các phong trào phò sinh của Công Giáo và Ủy ban Quốc gia về Tu chính án Cuộc sống Con người do nhà vận động hành lang Mark Gallagher đứng đầu.

Theo một nghiên cứu do Viện ủng hộ cuộc sống Charlotte Lozier công bố và được cập nhật gần đây, chính sách này ước tính giúp giảm khoảng 60, 000 ca phá thai mỗi năm, hoặc khoảng một trong số chín trường hợp phụ nữ mang thai được hưởng trợ cấp Medicaid. Viện tuyên bố rằng chính sách này đã cứu hơn 2.4 triệu sinh mạng kể từ khi nó được thiết lập vào năm 1976.

Tuy nhiên, nghị quyết của Đảng Dân chủ năm 2016 đã kêu gọi bãi bỏ tu chính án Hyde và tất cả các ứng cử viên tổng thống của đảng này vào năm 2020 đều ủng hộ việc bãi bỏ chính sách này.

Joe Biden đã đảo ngược sự ủng hộ của mình đối với Tu chính án Hyde vào năm ngoái, sau khi ông ta vấp phải sự chỉ trích từ những người ủng hộ phá thai - bao gồm cả ứng cử viên phó tổng thống tương lai Kamala Harris.

Tổng thống Trump đã ủng hộ Tu chính án Hyde, nhưng một dự luật để luật hóa nó - Đạo luật No Taxpayer Funding for Abortion – nghiã là Không Dùng Tiền Thuế Dân Tài Trợ Cho Phá Thai - đã không nhận được 60 phiếu bầu cần thiết tại Thượng viện, vào năm 2019.

Một số thành viên Đảng Dân chủ Hạ viện bao gồm Barbara Lee, Dân biểu Dân Chủ đơn vị California; Jan Schakowsky, Dân biểu Dân Chủ đơn vị Illinois; và Ayanna Pressley, Dân biểu Dân Chủ đơn vị Massachusetts, đã cố gắng bãi bỏ tu chính án này vào năm 2019 và một lần nữa vào năm 2020, thông qua việc ban hành luật để làm như vậy hoặc bằng cách cố gắng gây áp lực vào phút cuối khi thông qua các dự chi ngân sách.

Đức Tổng Giám Mục Joseph Naumann của Kansas City, nói với CNA vào năm ngoái rằng “đã có sự đồng thuận rộng rãi trong lịch sử” về việc ủng hộ tu chính án này từ các thành viên của cả hai đảng chính trị lớn.

Do đó, ngài cho biết “Thật thất vọng khi thấy chủ nghĩa cực đoan hiện đang tấn công điều mà hầu hết người Mỹ coi là nguyên tắc rất quan trọng. Khi người ta hủy hoại cuộc sống của một con người, thì đó không phải là chăm sóc sức khỏe.”

Chúa Giêsu nói với các môn đệ rằng:

“Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: ‘Lạy Chúa! lạy Chúa!’ là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi.” (Mt 7:21).

Bà Nancy Pelosi, một mặt cứ xưng mình là người Công Giáo, nhưng mặt khác lại quá sôi máu phò phá thai!


Source:Catholic News Agency