Đức Ông Georg Ratzinger, bào huynh duy nhất của Đức Bênêđictô XVI đã qua đời ngày 1 tháng 7 vừa qua, và thánh lễ an táng ngài sẽ được cử hành ngày 8 tháng này tại nhà thờ chính tòa Thánh Phêrô ở Regensburg. Nhân dịp này, Tiến sĩ Michael Hesemann, một tác giả, sử gia Đức, và là người bạn của gia đình Ratzinger, có một số chi tiết về Đức Ông Ratzinger để kể cho Zenit News. Thiển nghĩ không ai biết rõ về Đức Ông bằng tiến sĩ Hesemann vì ông vốn là đồng tác giả của cuốn “Em trai tôi làm Giáo Hoàng” với Đức Ông.

Tiến sĩ cho rằng Đức Ông Ratzinger “là một người giấu sự lỗi lạc và vĩ đại của ngài sau đức khiêm nhường còn vĩ đại hơn nữa. Với một linh hồn nhân hậu, một chính nhân quân tử thực sự, hết sức ấm áp và thân thiện với mọi người, với một óc hài hước tuyệt diệu, duyên dáng, tinh nghịch một cách hết sức Bavaria...”



Năm 2009, lúc Đức Benêđictô XVI bắt đầu bị người ta công kích, Tiến sĩ Hesemann là người đã thành lập một hiệp hội gọi là “Nước Đức Bênh vực Đức Thánh Cha” để bảo vệ ngài. Đại diện của hiệp hội tại Regensburg giới thiệu Tiến sĩ với Đức Ông Ratzinger hồi tháng 12 năm 2010. Tiến sĩ cho hay: “có thể nói tôi yêu mến ngài ngay từ khoảnh khắc đầu tiên: ngài là chính nhân quân tử khôn ngoan, hiền hậu, hài hước mà tất cả chúng ta đều muốn làm quen. Tôi mang đến cho ngài một số sách của tôi, ngài hỏi ý kiến em trai và sau cùng hoàn toàn tin tưởng ở tôi. Khi tôi hiểu rõ trí nhớ ngài hết sức chói sáng và tâm tính ngài hết sức tốt lành khi kể lại các câu truyện trong đời ngài, tôi tự nhủ: đây là điều chúng ta phải duy trì cho thế giới, cho tương lai. Đó là lý do ra đời cuốn sách chung của chúng tôi “Em Trai Tôi Làm Giáo Hoàng”. Lúc ấy ngài đã 86 tuổi, nhưng vẫn khỏe mạnh và tinh thần minh mẫn”.

Tiến sĩ Hesemann cũng cho rằng Đức Ông rất tự nhiên và hướng ngoại nhiều hơn người em trai hơi e thẹn của ngài. Ngài thích có người vây quanh, nhà ngài lúc nào cũng như một tổ ong, với khách khứa cả sáng lẫn chiều. Nhiều cựu ca viên của Ca Đoàn Nhà Thờ Chính Tòa Regensburg giữ liên lạc với ngài nhiều thập niên, thường xuyên viếng thăm ngài như thể ngài đã trở thành thành viên của gia đình họ và sẵn sàng đến trợ giúp ngài khi ngài gần như mù loà và khó đi lại. Họ đọc sách cho ngài nghe, họ viết thư cho ngài hay đến để chuyện vãn hay cùng uống một ly cà phê, một mẩu bánh ngọt người ta luôn mang đến tặng ngài. Ngài thực sự thay đổi đời họ và trở nên một nguồn cảm hứng đối với nhiều người.



Đối với tiến sĩ Hesemann, mặc dù gần như mù, Đức Ông được thông tri đầy đủ các sách và ấn phẩm mới vì ngài có nhiều người tình nguyện đọc cho ngài nghe và vì ngài có một trí nhớ tuyệt diệu. Bạn co thể nói với ngài về bất cứ điều gì, từ các vấn đề của Giáo Hội liên quan đến chính sách tới môn túc cầu. Nhưng lẻ dĩ nhiên, ngài yêu mến âm nhạc hơn hết. Tiến sĩ cho biết “tôi nghĩ món quà sinh nhật đẹp nhất tôi từng tặng ngài là khi tôi mời một người bạn thân, nhà dương cầm nổi tiếng thế giới, là Anastassiya Dranchuk, trình tấu cho ngài. Chúng tôi lặp lại việc này vào sinh nhật sau đó và vào sinh nhật cuối cùng của ngài. Yếu điểm của ngài là thích ngọt và tôi luôn mang tặng ngài bánh bích quy và bánh ngọt, nhưng ngài thích nhất các bích quy Giáng sinh. Nói chung, Giáng sinh rất quan trọng đối với ngài và có lần, trong một diễn từ dịp ngài mừng sinh nhật thứ 90 tại Vatican, tôi gọi ngài là 'người ưa giáng sinh'”.

Ngài sinh ngày 15 tháng Giêng, vẫn còn trong mùa Giáng sinh và như chúng ta vốn biết, Giáng sinh là ngày sinh không những của Chúa Kitô, mà còn của âm nhạc Giáo Hội nữa: vì đó là dịp các thiên thần hát khúc “Allêluia” tại Bêlem. Thành thử, “tinh thần Giáng sinh” ảnh hưởng tới đời ngài, tới việc làm và ơn gọi của ngài và không hề là một tình cờ khi cuốn CD thành công nhất của ngài với Ca Đoàn Nhà Thờ Chính Tòa Regensburg là cuốn CD về các Thánh Ca Giáng Sinh của Đức; hầu như mọi gia đình Đức đều có một cuốn. Điều này cũng phản ảnh việc dưỡng dục ngài trong một gia đình rất đạo hạnh, luôn cử hành các ngày lễ của Giáo Hội một cách hết sức long trọng: cùng đọc kinh mân côi với nhau hàng ngày, qùy trên nền bếp cứng và nhờ cùng cầu nguyện với nhau nên họ đã luôn gắn bó với nhau trong mọi lúc vui buồn.

Tiến sĩ Hesemann cho biết: tình anh em của Đức Ông rất thắm thiết. Gia đình Ratzinger là một gia đình luôn luôn gần gũi, yêu thương, săn sóc lẫn nhau mật thiết. Con cái càng gần gũi nhau hơn khi cha mẹ qua đời vào thập niên 1960; chị gái Maria trở thành quản gia, thư ký và phụ tá của Joseph Ratzinger, còn Georg Ratzinger thì làm giám đốc âm nhạc cho Ca Đoàn Nhà Thờ Chính Tòa Regensburg. Nhưng họ thường xuyên gặp nhau, cử hành các ngày lễ với nhau và viếng mộ cha mẹ. Năm 1969, khi Joseph Ratzinger được mời về làm giáo sư tại Regensburg và từ đó giảng dạy thần học tín lý ở đây, thời gian đẹp nhất bắt đầu cho cuộc sống trưởng thành của họ vì cả 3 anh chị em được đoàn tụ. Chẳng may, Chúa có chương trình khác. Năm 1977, Joseph Ratzinger trở thành Tổng Giám Mục của Munich và Freising và do đó phải di chuyển, và năm 1983, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II triệu ngài về Rôma làm bộ trưởng Giáo Lý Đức Tin. Năm 1991, Maria qua đời, một điều càng thắt chặt dây nối kết giữa hai anh em còn lại. Họ trông chờ đến ngày được đoàn tụ trở lại sau khi Đức Hồng Y Joseph Ratzinger nghỉ hưu. Đức Hồng Y giữ ngôi nhà của ngài tại Regensburg cho những năm tháng nghỉ hưu này, đến đó nghỉ hè, gặp anh trai và có nơi cư ngụ sau khi rời Rôma. Nhưng một lần nữa, Chúa lại có kế hoạch khác.



Tiến sĩ Hesemann cho biết “tin tôi đi, đối với Georg Ratzinger, việc bầu Đức Bênêđíctô XVI là một cú sốc. Mọi kế hoạch chung mà họ trông mong đã bị đập tan một lần mãi mãi. Trọn cả một ngày, ngài không nhấc điện thoại, thật là thất vọng. Cảm ơn Chúa, họ đã tìm được cách ở gần nhau. Họ nói chuyện gần như mỗi ngày qua điện thoại và Georg đã đến thăm em trai ở Rôma khoảng bốn lần một năm, lần cuối cùng vào tháng 1 năm 2020. Ngài muốn trở lại vào cuối tháng 3 năm 2020, nhưng cuộc khủng hoảng Corona đã ngăn chặn điều này. Vì vậy, quả là một ơn lành khi ít nhất Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô đã có thể đến và nói lời từ biệt, cách nay hai tuần.

Nói về các giai thoại, Tiến sĩ Michael Hesemann cho biết: Đức Ông Ratzinger rất xuất sắc khi kể chúng, luôn phản ánh tính hài hước ấm áp của ngài. Và có hàng trăm bức ảnh về những chuyến vãng cảnh đây đó mà họ đã thực hiện với nhau. Điều này có cả một truyền thống lâu dài đối với họ. Vào giữa Thế chiến II, tức năm 1941, khi, vì Chiến tranh không có khán giả quốc tế nào đến Lễ hội âm nhạc cổ điển nổi tiếng thế giới tại Salzburg, ngài đã lo liệu mua được một số vé giá rẻ và cả hai anh em đã thực hiện chuyến đi bằng xe đạp, qua đêm trong một khách sạn nhỏ. Lúc đó Georg mới 17 tuổi, Joseph mới 14 tuổi! Chuyến đi này đã trở nên có tính quan phòng. Joseph phát hiện ra tình yêu của mình dành cho Mozart và trở thành “Mozart của Thần học”. Lần đầu tiên, Georg đã nhìn thấy Ca đoàn Regensburg đầy huyền thoại và đem lòng mộ mến. Hai mươi ba năm sau, ngài trở thành giám đốc âm nhạc của nó!



Tiến sĩ Hesemann cho hay: “Một câu chuyện đẹp khác được ngài kể lại trong cuốn sách của chúng tôi là khi chiến tranh kết thúc và ngài trở về từ Trại tù binh Mỹ; Joseph, còn quá trẻ để trở thành một người lính, đã đến nhà cha mẹ của họ trước đó. Vào ngày đó, sau một lời chào rất ngắn gọn, Georg vừa bước vào nhà, ngồi xuống cây đàn piano và bắt đầu trình tấu bài Te Deum. Rồi mọi người bắt đầu khóc và ôm lấy nhau”.

Nhưng bên cạnh những điểm nổi bật trong cuộc đời của họ, có cuộc sống hàng ngày rất bình thường và tự nhiên, bất chấp sự nổi tiếng của họ. Ngay cả khi Joseph Ratzinger đã là Hồng Y và Bộ trưởng Bộ Giáo lý Đức tin và Georg Ratzinger, một thiên tài âm nhạc được cả thế giới tôn vinh, họ vẫn chỉ là hai anh em bình thường khi gặp nhau: Georg thì nấu ăn, Joseph rửa chén sau đó. Một lần nữa, sự vĩ đại ẩn sau sự khiêm nhường! Nên ghi nhớ rằng, chỉ trong 15 năm cuối đời, Georg Ratzinger mới là “người anh của vị Giáo hoàng”. Trong một thời gian dài, ít nhất cho đến năm 1977, Georg được biết đến nhiều hơn. Vào thời điểm này, Joseph Ratzinger thường được người ta gọi là “em trai của giám đốc âm nhạc nổi tiếng”. Ngay cả sau khi Đức Hồng Y Ratzinger trở thành Giáo hoàng, anh trai Georg vẫn thường gọi ngài là “Joseph”. Ngài nói với Tiến sĩ Hesemann: “Bất cứ điều gì khác đều không tự nhiên”... Tóm lại, họ luôn là “một trái tim và một linh hồn”, như người Đức thường nói, và Georg, vì là người lớn tuổi hơn và là người đầu tiên có ơn gọi trở thành linh mục, nên là hình mẫu của em trai Joseph.

Đối với cha mẹ họ, Tiến sĩ Hesemann cho biết: “Điều làm tôi có ấn tượng nhất chính là bí quyết của gia đình Ratzinger. Làm thế nào lại có việc một gia đình khá đơn giản, một cảnh sát viên đồng quê và một đầu bếp khách sạn, đã nuôi dạy hai người con trai đều là thiên tài, mỗi người một kiểu - Georg Ratzinger, là nhạc sĩ, nhà soạn nhạc và nhà lãnh đạo ca đoàn nổi tiếng từng chu du khắp thế giới, và Joseph Ratzinger, nhà thần học vĩ đại nhất của Đức và là người kế vị thứ 265 của Thánh Phêrô? Tiến sĩ Hesemann cho hay: “Cuối cùng, tôi phát hiện ra rằng nguồn cảm hứng của họ là đức tin Công Giáo mãnh liệt và lòng đạo đức mạnh mẽ của gia đình này. Như tôi đã nói trước đây, họ đọc kinh Mân côi với nhau mỗi ngày, quỳ trên sàn bếp; họ đi nhà thờ thường xuyên; họ cử hành các ngày lễ trong năm Giáo hội.



Họ nhận được mọi cảm hứng của họ từ sự phong phú của nền Văn hóa Công Giáo Bavaria, một nền văn hóa đã sinh ra Mozart và rất nhiều thiên tài khác, vì vẻ đẹp và sự phong phú của nó phản ảnh vẻ đẹp và sự tráng lệ của thiên đàng. Đồng thời, lời cầu nguyện và lòng sùng kính chung đã trở thành nguồn cho tình yêu mãnh liệt hợp nhất gia đình này, nguồn mạnh mẽ của họ giúp họ vượt qua các cơn cám dỗ của thời kỳ hỗn loạn này, khiến họ miễn nhiễm đối với ý thức hệ phạm thượng của Đức quốc xã và gợi lên ơn gọi của họ. Điều thú vị là cả hai anh em, mỗi người một cách, đều là sự tổng hợp của cha mẹ họ: Người cảnh sát viên nghiêm khắc, cầu toàn, nhưng cũng có mặt dịu dàng, một tình yêu lớn lao dành cho âm nhạc và một đức tin sâu sắc, một bà mẹ chăm chỉ, yêu thương và chăm sóc, người không những chỉ đẹp (như những bức ảnh cho thấy) mà còn là một người phụ nữ tuyệt vời, ấm áp.

Tiến sĩ Michael Hesemann cho biết khi tới thăm em tại Vatican, Đức Ông Georg Ratzinger có phòng riêng của mình tại Đan viện Mater Ecclesiae và một nữ tu chăm sóc ngài. Ngày của họ bắt đầu với Thánh lễ cử hành với nhau. Họ ăn sáng, ăn trưa và ăn tối với nhau và ở các khoảng giữa là cầu nguyện với nhau, chơi hoặc nghe nhạc với nhau, nói chuyện với nhau và vào buổi tối, thỉnh thoảng họ xem TV. Đó là thời gian yên tĩnh, hài hòa và Đức Ông Georg Ratzinger luôn mong được đến đó và ở bên em trai mình. Nhưng đồng thời, ngài không bao giờ muốn chuyển đến đó. Ngài yêu Regensburg và Bavaria, ngài thích sự tự do và những chuyến thăm thường xuyên của bạn bè. Ngài tìm thấy một tổ ấm mà ngài không bao giờ muốn từ bỏ. Và, chắc chắn, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô ghen tị với ngài. Ngài luôn nhớ thương Bavaria xinh đẹp, đáng yêu của mình, những đồng cỏ xanh tươi, những bông hoa đầy màu sắc trên ban công các căn nhà, những ngọn núi, con người, những đan viện baroque và những thành phố thời trung cổ. Ai đã từng ghé thăm Bavaria sẽ hoàn toàn hiểu điều đó. Không nơi nào trên thế giới bạn được gần thiên đường hơn thế!

Được hỏi lý do Đức Bênêđíctô XVI về thăm Regensburg mới đây, Tiến sĩ Michael Hesemann trả lời “Để nói lời tạm biệt cuối cùng. Vào tháng 1, Đức Ông Georg Ratzinger đã đến Rôma lần cuối. Chuyến đi tiếp theo đã được lên kế hoạch vào tháng 3, nhưng không thể thực hiện được do cuộc khủng hoảng Corona. Vào tháng 1, tất cả chúng tôi đã cử hành sinh nhật lần thứ 96 của ngài và ngài rất khỏe mạnh. Dĩ nhiên có lúc lên lúc xuống, nhưng đó là việc thông thường của người có tuổi. Nhưng rồi xuất hiện nhiều tuần, nhiều tháng bị cô lập. Tất nhiên, ngài có quản gia của ngài, một nữ tu tuyệt vời, nhưng không phải là năm đến mười khách mỗi ngày giúp ngài trẻ trung. Khoảng ngày lễ Ngũ tuần, ngài bắt đầu cảm thấy yếu trong người, tim ngài gây rắc rối cho ngài. Khi tình hình trở nên nghiêm trọng, em trai ngài quyết định phải hành động. Suốt cuộc đời, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô hối hận vì đã không thể ở bên người chị gái yêu dấu của mình khi bà qua đời năm 1991, vì lúc đó ngài đang bị bệnh. Lần này ngài biết mình không thể chờ đợi quá lâu. Vì vậy, ngài quyết định, trong một vài ngày, sẽ lên đường. Ngài ở lại Regensburg bốn ngày và dành nhiều giờ vào buổi sáng và buổi chiều với anh trai. Họ nói chuyện, cử hành thánh lễ với nhau, cầu nguyện với nhau hoặc chỉ nắm tay nhau. Điều này đem đến cho cả hai rất nhiều an ủi. Nếu nhìn những bức ảnh của Đức Bênêđíctô khi đến và khi đi, ta thấy giống như ngài đã trẻ trung trở lại. Sự căng thẳng đã biến mất, ngài mỉm cười. Ngài biết đây là cuộc gặp gỡ cuối cùng của họ ở thế giới này. Nhưng ngài cũng cảm thấy anh mình sẽ ra đi trong bình an. Vì vậy, họ đã làm chứng tuyệt vời cho cả hai, tình yêu anh em và niềm tín thác của Công Giáo vào Thiên Chúa và cuộc sống vĩnh cửu. Họ biết, họ tự tin, rằng cuộc hội ngộ tiếp theo của họ là ở trên thiên đàng, nơi mọi gánh nặng của cuộc hiện sinh vật chất này sẽ biến mất và cả hai sẽ sống trong niềm vui vĩnh hằng được thấy thánh nhan Thiên Chúa.



Còn về đời sống cầu nguyện của Đức Ông Georg Ratzinger, Tiến sĩ Michael Hesemann nói: “Ngay cả khi ở tuổi cao, đời sống cầu nguyện của ngài cũng vẫn rất thâm hậu. Cho đến khi ngài trở nên quá yếu về thể chất, ngài vẫn thường cử hành Thánh lễ mỗi sáng, ban đầu tại St. Johann, một nhà thờ nhỏ ngay cạnh Nhà thờ chính tòa Regensburg kiểu gôtích, sau đó tại nhà nguyện riêng trong nhà ngài. Cùng với người quản gia thân yêu của ngài, Nữ tu Laurente, ngài lần chuỗi Mân côi và đọc giờ kinh. Ngài cũng thích nghe nhạc thánh, chỉ để có được một ý tưởng về vẻ đẹp thiên đường. Âm nhạc, như đã nói trên đây, vốn là ngôn ngữ của các thiên thần và ngài nói thứ ngôn ngữ này rất tốt. Trong những tuần lễ cuối cùng, ngài đã suy niệm trọn cuộc sống của mình một cách mãnh liệt và chuẩn bị cho điều ngài gọi là “kỳ dự tuyển vào thiên đàng”. Tiến sĩ Hesemann nhận định rằng “tôi hoàn toàn tin tưởng ngài sẽ đậu kỳ thi tuyển này cách xuất sắc, duyên dáng, và đầy hài hước như ngài vốn chứng tỏ. Những ai trong chúng ta có diễm phúc được gặp ngài, sẽ luôn nhớ đến ngài với lòng biết ơn như một người có trái tim vàng. Trong suốt cuộc đời, ngài đã truyền cảm hứng để người ta tìm kiếm Thiên Chúa trong vẻ đẹp của âm nhạc. Bây giờ ngài đang ca hát trong ca đoàn thiên quốc. Ngài đã đi con đường chính ngài đã chỉ lối và chuẩn bị cho rất nhiều người và giờ đây, ngài nhận phần thưởng Chúa hứa cho ngài”.