4. Lối diễn giải sơ khai như là phát biểu lại lời cầu xin

Tuy nhiên, trong các thời kỳ sau, tâm tình phát biểu ở 1Cr 10:13 và Gcb 1:13d đã tạo dịp cho nhiều lối phát biểu lại lời cầu xin thứ sáu, bắt đầu ngay sau khi được các phúc âm gia ghi lại. Thông thường, các soạn giả giáo phụ Hy Lạp sử dụng bản văn của Thánh Mátthêu hay của Thánh Luca, không thay đổi, nhưng các soạn giả La Tinh thường viết lại lời cầu xin bằng các chữ khác.

Trong số các nhà dẫn giải này, Tertullianô (A.D. 160-220) đã trích dẫn lời cầu xin thứ sáu như sau ne nos inducas in temptationem; nhưng rồi, ông tiến hành việc giải thích nó bằng lối diễn giải theo nghĩa cho phép: id est, ne nos patiaris induci ab eo utique qui temptat (De oratione 8.1; CCLat1.262), nghĩa là “đừng để chúng con bị dẫn vào cơn cám dỗ bởi kẻ cám dỗ ”. Khi viết chống lại Marcion, ông cũng sử dụng lối dẫn giải cho phép: Quis non sinet nos deduci in temptationem? Quem poterit temptator non timere an qui a primordio temptatorem angelum praedamnavit? (Đấng nào mà lại không để chúng ta bị dẫn vào cơn cám dỗ? Đấng mà kẻ cám dỗ không thể sợ hãi hay Đấng ngay từ nguyên thủy đã kết án tên cám dỗ vốn là thiên thần? ) (Adv. Marcionem 4.26.5; CCLat 1.615).



Từ lối phát biểu trên, các học giả có lúc đã diễn dịch rằng lối dẫn giải cho phép đã có trước Tertullianô, và một số thậm chí còn cho rằng chính Marcion đã phát biểu như thế.

Dù Bản La Tinh Cổ (VL) của Mt 6:13 thông thường đọc lời cầu xin trong Tin Mừng Mátthêu như sau: ne nos inducas in temptationem, sed libera nos a malo, nhưng ở một giai đoạn trước đó, lối dẫn giải cho phép đã được đưa vào một số bản chép tay kinh này, có lẽ để dùng trong phụng vụ: ne passus nos fueris induci in temptationem (MS c [Codex Colbertinus, thế kỷ 12/13]); ne passus fueris induci nos ... (MS k [Codex Bobiensis, thế kỷ 4/5]). Những dị bản này không thấy có trong hình thức Luca của lời cầu xin trong Bản La Tinh Cổ, là bản chỉ có lối dịch chiểu tự của Mt 16:13 mà thôi.

Sau này, Thánh Cyprianô (A.D. 200/210-258) trích dẫn lời cầu xin thứ sáu như sau ne patiaris nos induci in temptationem, chứ không biết tới lối dịch có tính chiểu tự nhiều hơn (De oratione Dominica 25; CCLat 3A. 106). Ngài lập tức giải thích rằng kẻ thù không thể làm gì chống lại ta được, ngoại trừ Thiên Chúa cho phép nó trước ("nisi Deus ante permiserit").

Một lối dẫn giải khác tìm thấy nơi Thánh Hilariô thành Poitiers (A.D. 315-367/368): non derelinquas nos in temptatione, quam sufferre non possumus (đừng để chúng con vào cơn cám dỗ mà chúng con chịu không được) (Tract. in Ps. 118, 15; CSEL 22.369). Câu này được dẫn khởi bằng câu "quod et in Dominicae orationis ordine continetur, cum dicitur" (điều được thấy trong thứ tự Kinh của Chúa, nói rằng); điều này cho thấy đây là cách Thánh Hilariô đọc lời cầu xin thứ sáu của Kinh Lạy Cha. Ngài đặc biệt nhắc đến 1Cr 10:13.

Thánh Ambrosiô (A.D. 339-397) cũng trích dẫn lời cầu xin này theo lối dẫn giải cho phép vốn có từ thời Tertullianô, ne patiaris nos induci in temptationem (De sacramentis 5.4.29; CSEL 73.7 1), rồi thêm lời giải thích "quam ferre non possumus" (mà chúng con không thể làm được), một lần nữa đã mô phỏng 1Cr 10:13. Tuy nhiên, ngài viết thêm "non dicit ‘non inducas in temptationem’" (không nói “đừng dẫn vào cơn cám dỗ”); điều này chứng tỏ ngài biết có một số người đọc lời cầu xin này theo lối dịch chiểu tự.

Tuy nhiên, Thánh Chromaxiô thành Aquileia (chết A.D. 407) dịch lời cầu xin này theo lối chiểu tự, ne nos inducas in tentationem, nhưng khi giải thích nó, ngài lại đưa vào một chút thay đổi cho lời dịch này ne nos inferas in tentationem, (đừng đem chúng con vào cơn cám dỗ) (Tract. in Ev. Matthaei 14.7.1-3; CCLat 9.433-434), một thay đổi không hề thay đổi ý nghĩa căn bản của nó. Hình thức sau của lời cầu xin theo Thánh Chromaxiô là lối thường được Thánh Augustinô thành Hippo (A.D. 354-430) sử dụng, ne nos inferas in temptationem (Enchiridion 30.115; CCLat 46.111; De peccatorum meritis 2.2.2; 2.4.4; CSEL 60.72, 74 [dòng 9]; De natura et gratia 53.62 and 68; 67.80; CSEL 60.278, 285, 294; Contra duas ep. Pelag. 4.13.27; CSEL 60.446).

Tuy nhiên, Thánh Augustinô có biết một hình thức La Tinh thường được dùng nhiều hơn, ne nos inducas in temptationem, vì ngài ghi chú "sicuti nonnulli codices habent" (theo một số bản chép) (De peccatorum meritis 2.4.4; CSEL 60.74 [các dòng 21-25]–75 [dòng 2]; De sermone Domini in monte 2.9.30; CCLat 3 5.119). Ngài cũng biết hình thức lời cầu xin này của "beatissimus Cyprianus" (đấng rất thánh Cyprianô), nhưng ngài thừa nhận rằng ngài chưa bao giờ có thể tìm thấy hình thức này trong bất cứ thủ bản Hy Lạp nào: "in euangelio tamen graeco nusquam... nisi ne nos inferas ...(tuy nhiên, không hề có trong tin mừng tiếng Hy Lạp… nhưng là đừng đem chúng con…) (De dono perseverantiae 6.12; PL 45. 1000). Thánh Augustinô cũng thận trọng giải thích rằng "aliud est autem induci in temptationem, aliud temptari" (tuy nhiên, bị đem vào cơn cám dỗ là một chuyện, mà bị cám dỗ lại là một chuyện khác) (De sermone Domini in monte 2.9.30) và ngài còn phân biệt thêm ý nghĩa chữ peirasmon: "còn một thứ cám dỗ (tentatio) khác gọi là thử thách (probatio). Về thứ cám dỗ này, có lời chép ‘Chúa, Thiên Chúa là Đấng thử thách ngươi, để xem ngươi có yêu mến Người không’ (Đnl 13, 3bc)" (Sermo 57.9; PL 38.390; Works of Saint Augustine 313.113; cf De sermone Domini in monte 2.9.3 1).

Thánh Giêrôm (A.D. 345-420): ne inducas nos in temptationem, quam ferre non possumus (Xin chớ dẫn chúng con vào cơn cám dỗ mà chúng con không thể làm được) (In Ezekielem 14.48.16; CCLat 75.735).

Trong số các giáo phụ Hy Lạp, chỉ xin trưng dẫn Origen (A.D. 185-254). Soạn giả này rõ ràng chỉ biết đến hình thức Hy Lạp căn bản của lời cầu xin thứ sáu, và đã viết trong khảo luận của ông về cầu nguyện: Như thế, mọi ‘đời sống’ của con người nhân bản trên trái đất đều là một cơn cám dỗ. Nên ta phải cầu xin để thoát khỏi cơn cám dỗ, không theo nghĩa đừng bị cám dỗ (vì điều này không thể nào có được, nhất là đối với những người đang sống ‘trên mặt đất”), nhưng theo nghĩa đừng bị vượt qua khi bị cám dỗ… (De oratione 29.9; GCS 2.385).

5. Song hành trong Do Thái Giáo của lời cầu xin.

Về cuối thời kỳ này cũng thấy xuất hiện một song hành đáng lưu ý trong lời cầu nguyện buổi tối của Do Thái Giáo, được gìn giữ trong Talmud Babylon: “Xin đừng để con làm quen với sự vi phạm, và đừng dẫn con vào tội lỗi, vào việc trái với đạo lý, vào cơn cám dỗ, và vào sự khinh thường” (b. Berakoth 60b).

Ngược với các kiểu phát biểu lại lời cầu xin thứ sáu của Kitô Giáo sau này, lời cầu nguyện của Do Thái Giáo vẫn duy trì lối suy nghĩ tiền luận lý của Cựu Ước, vì đây là lời cầu xin ngỏ cùng Thiên Chúa, xin Người đừng dẫn ta vào các tình huống như thế. Sự song hành cho thấy lời cầu xin thứ sáu của Tin Mừng Mátthêu rất quen thuộc trong bối cảnh Do Thái. Tuy nhiên nó làm ta bỡ ngỡ tại sao rất nhiều nhà bình luận về lời cầu xin này đã trích dẫn song hành này như thể nó đã là thành phần của bối cảnh Do Thái đương thời cho lời cầu nguyện của Chúa Giêsu, trong khi nó chỉ được chứng minh trong Talmud thế kỷ thứ 5, và không phát xuất từ quê hương của Chúa Giêsu, mà là từ vùng Babylon xa xôi. Vì không có chứng cớ nào cho thấy lời cầu xin đã có trong Do Thái Giáo ở Palestine trước thời Kitô giáo, nên bất cứ lối giải thích nào về lời cầu xin này cũng ít có giá trị nếu đi quá việc xác nhận là đã có một song hành lý thú của lối suy nghĩ tiền luận lý ở một niên đại sau này.

6. Các lối diễn tả mới tại các nước sử dụng ngôn ngữ lãng mạn

Lối dẫn giải lời cầu xin thứ sáu theo nghĩa cho phép được các soạn giả xưa thời giáo phụ sử dụng đã dẫn tới nhiều lối diễn tả hiện đại về lời cầu xin này tại một số nước sử dụng ngôn ngữ lãng mạn. Thí dụ, trước Công Đồng Vatican II, tại Pháp, người ta thường đọc rằng

ne nous laissez pas succomber à la tentation (xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ); hoặc ne nous laissez pas tomber en tentation ; và ngay cả sau này: ne nous laisse pas entrer dans la tentation (chớ để chúng con bước vào cơn cám dỗ) (Osty-Trinquet, Bible de Segond [1978]).

Tiếng Tây Ban Nha: no nos dejes caer en la tentación.

Tiếng Catalonian: no permeteu que caiguem en la temptació.

Tiếng Bồ Đào Nha: não nos deixeis cair en tentação.

Dưới hình thức này hay hình thức khác, lối dẫn giải này tiếp tục được đề xuất. Hình thức được Klary đề nghị: non derelinquas nos in temptationem (chớ bỏ rơi chúng con trong cơn cám dỗ) gần đây đã được các giám mục Ý chấp thuận: non abbandonarci in tentazione.

Tuy nhiên, tác giả Gnilka rất đúng khi nhận định rằng nếu phải hiểu lời cầu xin thứ sáu chỉ như việc cho phép bước vào cơn cám dỗ, thì người ta rất có thể đang làm yếu đi ý nghĩa của bản Hy Lạp mà chúng ta đã thừa hưởng. Đàng khác, người ta không nên gán cho người phàm một sáng kiến mà bản Hy Lạp vốn gán cho Thiên Chúa, như Dupont và Bonnard từng nhấn mạnh một cách thích đáng.

7. Các cố gắng biện minh cho lối dẫn giải cho phép

Tuy nhiên, để bênh vực lối diễn tả lại theo nghĩa cho phép, một số nhà chú giải đã cho rằng người ta phải tự hỏi đâu là lời lẽ nguyên thủy của Chúa Giêsu thành Nadarét, vì dù Người có khả năng nói một số từ Hy Lạp, nhưng chứng cớ ta hiện có cho thấy rõ Người thường chỉ giảng dậy bằng tiếng Aram. Bản văn Hy Lạp có thể tái chuyển qua tiếng Aram thời ấy là wĕ’al ta‘ēlinnánā’ lĕnisyôn. Tuy nhiên, ...hình thức Aram của lời cầu xin này không thay đổi ý nghĩa của nó. Nó vẫn có nghĩa là “đừng khiến chúng con bước vào cơn cám dỗ” hay “chớ dẫn chúng con vào cơn cám dỗ”, nghĩa là y hệt như bản Hy lạp của Mt 6:13 hoặc Lc 11:4.

Tuy nhiên, J. Carmignac, vì cho rằng rất có thể Chúa Giêsu không diễn tả Kinh Lạy Cha bằng tiếng Aram, nhưng bằng tiếng Hípri, nên đã nhấn mạnh tới cơ sở Do Thái này. Đối với ông, nghĩa của lời cầu xin thứ sáu có thể là "Fais que nous n’entrions pas dans la tentation", nghĩa là "xin khiến chúng con đừng bước vào cơn cám dỗ”. Ông cho rằng đây là ý nghĩa duy nhất có thể có của lời cầu xin này.

Cho dù phải chấp nhận rằng động từ Hy Lạp đã phiên dịch một động từ Do Thái chỉ nguyên nhân, thì một cơ sở như thế vẫn không giúp ta, thậm chí không cho phép ta, chuyển thể phủ định từ hình thức chỉ nguyên nhân qua hình thức động từ thường được. A. George thì nhìn nhận rằng dù giải pháp của Carmignac có giá trị trong các ngôn ngữ thuộc hệ semitic, nó vẫn đã cưỡng chế một cách không thích đáng ý nghĩa lời lẽ của Chúa Giêsu như đã được duy trì trong bản Hy Lạp. Đàng khác, một người bênh vực lối dẫn giải cho phép hăng say đối với lời cầu xin như R.J. Tournay cũng phải nhìn nhận rằng giải pháp của Carmignac "n’a pas été retenue" (đã không được duy trì). Nó đã không thuyết phục được nhiều nhà chú giải không phải chỉ vì Carmignac tìm cách thiết lập cơ sở Semitic (Hípri) chứ không phải cơ sở Aram, nhưng còn vì chứng cớ được ông trình bầy trong bài viết "Fais que nous n’entrions pas" không thuyết phục được ai. Việc ông phân tích 28 điển hình trong Cựu Ước và Qumran Hodayot đáng lưu ý, nhưng chính ông cũng phải thừa nhận rằng "en beaucoup de circonstances, les deux idées ‘ne pas faire...’ et ‘faire ne pas...’ se confondent en pratique et l’on ne peut guère les distinguer" (trong nhiều hoàn cảnh, hai ý niệm ‘đừng khiến…’ và ‘khiến đừng…’ trên thực tế không khác nhau và người ta ít có thể phân biệt chúng).

Điều gây khó khăn là các ngôn ngữ hệ semitic có thể diễn tả nghĩa nguyên nhân trong một chữ, bằng cách sử dụng lối thay thế hình vị (morphemic) các nguyên âm bằng một căn phụ âm, thì trong các ngôn ngữ hệ Ấn Âu, người ta thường phải sử dụng lối nói quanh (ngữ giải thích: circumlocution) để diễn tả nghĩa nguyên nhân. Do đó, hình thức đơn giản của động từ Aram ll’ ((ālal) có nghĩa “bước vào”, trong khi hình thức nguyên nhân Il’nh ‘han‘el (Đn 6, 19) có nghĩa “bị khiến bước vào”. Nên, cơ sở Semitic của lời cầu xin thứ sáu có nghĩa “đừng khiến chúng con bước vào” hoặc “đừng dẫn chúng con vào” chứ không có nghĩa “đừng để chúng con bước vào”. Một cuộc nghiên cứu giá trị về hiện tượng này đã được thực hiện bởi E. Tov, người đã phân tích nhiều cách khác nhau trong đó hình thức chỉ nguyên nhân trong tiếng Hípri (hiphil) đã được phiên dịch trong Bản Bẩy Mươi... Dù sao, các bản dịch Bẩy Mươi của động từ hiphil tiếng Hípri thông thường không làm loãng ý nghĩa nguyên nhân hay biến nó thành chỉ có sắc thái cho phép.

Jenni cũng bàn đến vấn đề này trong một bài viết khá uyên bác. Bài này phân tích vấn đề theo quan điểm kỹ thuật ngữ học. Sau một thảo luận dài, cuối cùng ông phân tích 12 điển hình của động từ Aram ll’ trong Sách Đanien, cả trong các hình thức đơn giản (peal) lẫn hình thức chỉ nguyên nhân (haphel), nhất là Đn 6, 19, có nghĩa chiểu tự là “ông không khiến thực phẩm đem đến trước mặt ông” nhưng ông dịch là "auch liess er keine Frauen zu sich hereinbringen". Đây là nơi Bản Bẩy Mươi sử dụng động từ ei’sfe/rw để dịch động từ chỉ nguyên nhân ll’. Jenni gọi việc sử dụng ei’sfe/rw là lối dịch tổng hợp (vì đây là một động từ ghép, dùng tiền từ ei’j + fe/rw ngược với lối dịch phân tích của động từ Hípri hiphil’ybt trong Sách Gióp 14:3, nơi Bản Bẩy Mươi phiên dịch nó là e’poi/hsaj ei’selqei=n, "Người khiến (tôi) bước vào". Vì sự phân biệt này, Jenni tin rằng người ta được biện minh khi dịch hình thức Hy Lạp của lời cầu xin thứ sáu với sắc thái cho phép.

Linh Mục Fitzmyer biết rõ sự kiện nhiều học giả Cựu Ước dịch động từ hiphil của Hípri với sắc thái cho phép. Câu hỏi là có phải người ta chính xác dẫn nhập việc làm nhẹ bản văn hay đúng hơn đây chỉ là việc làm loãng nó đi. Và linh mục Fitzmyer không biết chắc việc này.

8. Kiểu dịch Hy Lạp của lời cầu xin

Tuy nhiên, sát vấn đề hơn là câu hỏi liệu cơ sở Semitic của lời cầu xin thực sự có điều gì ăn có với vấn đề ý nghĩa của lời cầu xin thứ sáu hay không. Kiểu nói Aram ta‘ēlinnánā’ chỉ là lối dịch hiện đại, nên dù có thể được coi là chính xác, vẫn chỉ có tính giả thiết; và nó không phải là thành phần của Kinh Lạy Cha đã được truyền lại hay của di sản Kitô Giáo vốn truyền lại cho ta bằng tiếng Hy Lạp. Ý nghĩa của động từ Hy Lạp mē eisenenkēs khá rõ ràng: "đừng dẫn vào” hay “đừng đem vào”. Nó không có sắc thái nguyên nhân, như đã được chủ trương bởi những người bênh vực nguyên bản (Vorlage) Semitic, quá điều nó thực sự nói. Do đó, mọi cố gắng nhằm loại bỏ ý nghĩa hiển nhiên bằng cách nại đến cơ sở Semitic để chỉ nguyên nhân chỉ là một luận điệu lẩn tránh hoàn toàn mà thôi, nhất là khi ý nghĩa nguyên nhân ấy sau đó được thêm sắc thái cho phép. Tất cả các cố gắng truyền thống nhằm diễn tả lại lời cầu xin theo nghĩa không để hay không cho phép các Kitô hữu bị dẫn vào cơn cám dỗ (hay bị đặt vào cuộc thử thách sau cùng) đều chỉ là mánh khóe lèo lái Kinh Lạy Cha mà chúng ta vốn được thừa hưởng. Đây là một sự sửa chữa thô bạo lời lẽ của chính Chúa Giêsu như đã được truyền lại cho ta trong các bản văn thánh.

9. Vấn đề mục vụ của việc giải thích

Vấn đề mục vụ là vấn đề giải thích và cắt nghĩa. Việc cần đầu tiên là giải thích rằng dù lời cầu xin thứ sáu có gán cho Thiên Chúa một tính nguyên nhân nào đó khi “dẫn” người ta vào cơn cám dỗ (hay vào cuộc thử thách cánh chung sau cùng), nó vẫn không mô tả Người như là nguồn hay gốc của cơn cám dỗ hay thử thách này. Thứ hai, lời cầu xin không có nghĩa Thiên Chúa cám dỗ ta, hay “Thiên Chúa thúc đẩy phàm nhân phạm tội”, như Tournay hiểu lối dịch chiểu tự của nó, vì những gì đã nói ở điểm thứ nhất. Quả thực, ta có thể đọc lời cầu xin thứ sáu và chấp nhận trọn vẹn câu tuyên bố trong Gcb 1:13: “Thiên Chúa không cám dỗ ai” (đã trích đầy đủ và giải thích trên đây). Như Thánh Augustinô đã viết “bị dẫn vào cơn cám dỗ là một chuyện, mà bị cám dỗ lại là một chuyện khác” (xem §IV trên đây). Thứ ba, điều cốt yếu là nhớ rằng chính Chúa Giêsu, vì là người con của thời Người, nên đã dùng lối phát biểu tiền luận lý theo phong tục để nói về hoạt động của Thiên Chúa, như lối người ta thường gặp thấy trong Cựu Ước, và là lối Người dạy ta cầu nguyện cùng Chúa Cha, “đừng dẫn chúng con vào cơn cám dỗ”. Thứ tư, thói quen đếm bẩy lời cầu xin trong Kinh Lạy Cha đã dẫn đến việc tách biệt lời cầu xin thứ sáu ra khỏi lời cầu xin thứ bẩy, trong khi, trên thực tế, chúng là hai phần của cùng một lời cầu xin. Lời cầu xin thứ bẩy, dù không có trong Tin Mừng Luca (11:4), đã cân bằng lời cầu xin thứ sáu. Thực vậy, rất có thể nó là cố gắng trước nhất để giải thích cách đặt lời gây khó khăn cho lời cầu xin thứ sáu. Là lời cầu xin duy nhất phát biểu theo lối tiêu cực trong Kinh Lạy Cha, lời cầu xin thứ sáu chuẩn bị cho lời cầu xin thứ bẩy, là lời cầu xin, về lâu về dài, có tính quan trọng hơn, “nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ”. Thứ năm, ta nên nhắc lại nhận xét của Thánh Phaolô “Không một thử thách nào đã xảy ra cho anh em mà lại vượt quá sức loài người. Thiên Chúa là Đấng trung tín: Người sẽ không để anh em bị thử thách quá sức; nhưng khi để anh em bị thử thách, Người sẽ cho kết thúc tốt đẹp, để anh em có sức chịu đựng” (1Cr 10:13). Điều này giải thích việc đặt cùng một chỗ lời cầu xin thứ sáu và lời cầu xin thứ bẩy của Kinh Lạy Cha. Thứ sáu, ta phải nhớ các hậu quả tốt có thể phát sinh từ peirasmos, hiểu như cuộc thử thách của Thiên Chúa, và Thiên Chúa có trách nhiệm đối với sự tốt lành có thể phát sinh, và do đó thậm chí cả việc nó bắt đầu nữa. Thứ bẩy, chính Chúa Giêsu khuyên các môn đệ “Anh em hãy canh thức và cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ. Vì tinh thần thì hăng hái, nhưng thể xác lại yếu đuối” (Mc 14:38; xem Mt 26:41; Lc 22:40, 46). Người cũng là Đấng đã khuyên họ liên tục thưa với Chúa Cha, “đừng dẫn chúng con vào cơn cám dỗ”. Thứ tám, liệu có đúng không khi xin Thiên Chúa đừng làm một điều gì đó? Khi xin như thế, ta phải nhớ đến tấm gương của tổ phụ vĩ đại Ápraham của người Do Thái, người đã khẩn cầu Thiên Chúa cho thành phố Sôđôma và Gômôra trụy lạc trong Sáng Thế 18: 23-32. Sau cùng, phải nhớ rằng lòng trung thành của phàm nhân đối với Thiên Chúa không phát sinh từ thành tựu hay công phúc của họ. Khi cầu nguyện để đừng bị dẫn vào các tình huống cám dỗ hay các tình huống hiểm nghèo hay hoạn nạn, ta nhìn nhận sự yếu đuối của ta và sự lệ thuộc vào Thiên Chúa và ơn thánh của Người.
_______________________________________________________________________________
(1) Bản tiếng Việt từ trước đến nay vẫn là “Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ”. Sa là rơi hay lọt. Lối dịch này rõ ràng tránh được việc coi Thiên Chúa như nguyên nhân của cám dỗ.