Theo hãng tin CNA, Tổng thống Donald Trump ký pháp lệnh “để thăng tiến tự do tôn giáo quốc tế” sau khi viếng Đền Thánh Quốc Gia kính Thánh Gioan Phaolô II tại Washington D.C.

Nguyên lai pháp lệnh

Chuyến thăm viếng ấy được chính đền thánh hoan nghinh nhưng bị Tổng Giám Mục sở tại là Đức Cha Gregory Wilton chỉ trích nặng nề. Nhưng lời chỉ trích nặng nề của Đức cha Wilton không nhắc gì tới Pháp lệnh mà Tổng Thống Trump sẽ ký sau đó. Nên có thể nói nó nằm ngoài lời phê phán của Đức Cha Wilton.

Nói cho ngay, việc thai nghén Pháp lệnh này đã có từ lâu, trước biến cố George Floyd nhiều, cả ngày dự tính ký và công bố nó cũng đã được dự liệu từ lâu, không liên quan gì tới biến cố George Floyd cả.

Đúng thế, CNA cho hay: theo một viên chức cao cấp trong chính phủ Trump, Pháp lệnh này được xây dựng trên bài diễn văn của Tổng thống Trump với các nhà lãnh đạo thế giới hồi tháng 9 năm ngoái tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, trong đó, Tổng thống Trump kêu gọi các quốc gia “chấm dứt việc bách hại tôn giáo”.

Ông nói “Hãy chấm dứt các tội ác chống người có đức tin. Hãy thả các tù nhân lương tâm. Hãy hủy bỏ các đạo luật hạn chế tự do tôn giáo và tín ngưỡng. Hãy bảo vệ người dễ bị tổn thương, không ai bảo vệ, và người bị áp bức”.

Pháp lệnh hôm thứ Ba, theo viên chức này, thực thi viễn kiến đó về tự do tôn giáo quốc tế trong chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ.

Cả việc Tổng thống Trump muốn dựa vào uy thế của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II để phát động chiến dịch tự do tôn giáo quốc tế cũng đã có từ lâu. Theo Kellyanne Conway, cố vấn của Tổng thống Trump, việc Tổng thống đến đó để đặt vòng hoa tưởng niệm là để mừng sinh nhật thứ 100 của vị Thánh.

Còn theo linh mục De Souza, ngày 2 tháng 6 được chọn cho cả chuyến viếng đền thánh lẫn việc ký pháp lệnh vì đây là ngày khi vị thánh về lại quê hương Ba Lan lần đầu tiên trong tư cách giáo hoàng. Lần trở lại này đánh dấu diễn trình khởi đầu việc kết liễu đế quốc Xôviết.

Tổng thống Trump, vẫn theo lời Cha De Souza, trước đây vốn đã tôn vinh chuyến hành hương đó; trong chuyến viếng thăm Warsaw năm 2017, ông nói khá dài về bài giảng lễ ngày 2 tháng 6, 1979 của Thánh Gioan Phaolô II tại Quảng Trường Chiến Thắng ở Warsaw.

Trong đầu của Tổng thống Trump, vì thế, Đức Gioan Phaolô II là người có công đầu trong việc hạ bệ chủ nghĩa vô thần, sát hại tôn giáo. Còn ai khác hướng dẫn chiến dịch của ông bằng ngài!

Sứ giả và sứ điệp

Bất hạnh một điều, pháp lệnh của ông và cả bầu khí quanh nó đã bị nhiễm độc bởi biến cố George Floyd. Tuy nhiên, không thiếu người vẫn đặt nó vào đúng vị trí của nó.

Theo CNA, Robert Nicholson, chủ tịch Dự án Philos, chuyên cổ vũ và vận động cho tự do tôn giáo ở Trung Đông, nhận định rằng dù việc định thời gian cho chuyến viếng thăm đền thánh của tổng thống có “không hợp thời và bất hạnh”, ông vẫn cảm thấy “biết ơn khi Hoa Kỳ đã và đang lãnh đạo chiến dịch tự do tôn giáo khắp thế giới”.

Ông nói thêm: “chúng ta cần nhiều tự do hơn trong thế giới hiện nay, chứ không ít hơn. Vào một thời điểm khi hỗn loạn thống trị và nhân loại sa vào vòng xích trói do chính mình tạo ra, nhu cầu đức tin vào chân lý siêu việt trở nên càng rõ rệt hơn nữa. Việc dẹp bỏ tôn giáo không chặn đứng được các động lực tôn giáo. Luôn được thúc đẩy phải thờ phượng, con người sẽ tạo ra các thần minh mới cho giống nòi và quốc gia”.

“Cuộc khủng hoảng mà hiện chúng ta đang chứng kiến ngày nay nói cho cùng bắt nguồn từ việc đánh mất nền văn hóa chung hợp luân lý, từ vựng chung về sự thật mà trên đó xã hội nói chung được xây dựng”.

Ông bảo: “Tự do tôn giáo quốc tế là chính nghĩa của mọi chính nghĩa. Nó đại diện cho nguyên lý tự do tư tưởng mà Thiên Chúa vốn đặt để vào thế giới, một thành tố chủ chốt của imago Dei (hình ảnh Thiên Chúa). Nếu có một chính nghĩa duy nhất nào ta cần cổ vũ, và cổ vũ không mệt mỏi, thì đó là chính nghĩa này”.

Tập san America của Dòng Tên Hoa Kỳ, một tập san không mấy có cảm tình với Tổng thống Trump, cũng đã đăng tải một bài của Daniel Philpott, hiện là giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Notre Dame, tựa là “Ignore the optics. Trump’s executive order could jump-start the cause of global religious freedom” (Bỏ qua các nhãn quan. Pháp lệnh của Trump có thể thúc đẩy chính nghĩa tự do tôn giáo hoàn cầu).

Ông viết: Có ai đọc pháp lệnh chưa? Những người vận động tự do tôn giáo có thể thất vọng vì hơi cay và tranh cãi đã che khuất một biện pháp mà mục đích chính của nó là nâng chính nghĩa tự do tôn giáo ra khỏi bóng tối. Câu thứ hai của pháp lệnh chứa đựng những chữ mà những người vận động này từng chờ đợi nhiều năm từ miệng một tổng thống: “Tự do tôn giáo cho tất cả mọi người trên khắp thế giới là ưu tiên trong chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ và Hoa Kỳ sẽ tôn trọng và thúc đẩy mạnh mẽ quyền tự do này”.

Tại sao những chữ ấy lại quan trọng? Câu trả lời nằm ở câu trước: “Tự do tôn giáo, Tự do đầu tiên của Hoa Kỳ, là mệnh lệnh luân lý và an ninh quốc gia”.

Tại sao tự do tôn giáo là một mệnh lệnh luân lý? Trong khi đại dịch bùng phát khắp thế giới và Hoa Kỳ thống khổ vì nạn phân biệt chủng tộc và bạo lực cảnh sát, hàng trăm Kitô hữu vẫn đã bị giết ở Nigeria; Trung Quốc đã leo thang đàn áp tàn bạo đối với các nhà thờ và tiếp tục giam giữ một triệu người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ trong các trại tập trung ở miền Tây Trung Quốc; và các Kitô hữu, người Hồi giáo, người Do Thái giáo, người Bahais và những người thuộc các truyền thống tôn giáo khác phải chịu “mức độ cao” hay “rất cao” về giới hạn đối với tôn giáo ở 50 quốc gia khác, theo con số do Trung tâm nghiên cứu Pew cung cấp.

Nhưng có phải tự do tôn giáo cũng là một mệnh lệnh về an ninh quốc gia hay không? Đây là một chuyện khó lọt tai các nhà hoạch định chính sách đối ngoại trong một số chính phủ trước đây, những chính phủ có xu hướng bắt tự do tôn giáo phụ thuộc việc chống phá khủng bố, bảo đảm các liên minh và mở rộng thương mại. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy tự do tôn giáo giảm thiểu khủng bố và nội chiến, tăng cường dân chủ, tăng cường phát triển kinh tế, thúc đẩy hòa bình, giúp hòa giải và thăng tiến nhiều cơ hội cho phụ nữ. Đàn áp tôn giáo đã góp phần vào bạo lực, khủng bố và bất ổn ở Afghanistan, Iraq, Syria, Libya, Ai Cập và các quốc gia khác vốn làm bận tâm các nhà hoạch định chính sách đối ngoại của Mỹ trong hai thập niên qua.

Đúng, Tổng thống Trump khó là một nhà quảng bá nhân quyền. Bắt đầu với chiến dịch (tranh cử) năm 2016 của mình, ông đã đổ thêm dầu vào ngọn lửa kỳ thị chống lại người Hồi giáo, người nhập cư, các quốc gia châu Phi và nhiều nhóm người dễ bị tổn thương khác, và ông đã chà đạp nhiều quy tắc hoàn cầu. Tuy nhiên, nếu sứ điệp bị làm què quặt bởi sứ giả, thì sứ điệp vẫn đáng được hỗ trợ khi đó là sứ điệp đúng. Chính quyền Trump, có đội ngũ nhân viên bao gồm các chuyên gia chân thành và tận tụy về vấn đề này, đã hết mình cổ vũ tự do tôn giáo hoàn cầu: một hội nghị bộ trưởng thường niên quy tụ hàng trăm viên chức lo về chính sách đối ngoại, các nhà lãnh đạo tôn giáo và xã hội dân sự từ khắp nơi trên thế giới; việc bổ nhiệm Sam Brownback làm đại sứ toàn quyền đầy cam kết và có hiệu năng cho tự do tôn giáo quốc tế; và, nay, pháp lệnh này.

Pháp lệnh này giúp nâng việc vận động của Hoa Kỳ cho tự do tôn giáo ở nước ngoài thành chính sách đối ngoại cấp cao. Nó mở rộng công trình mà Quốc hội đã bắt đầu vào năm 1998 khi tìm cách du nhập việc cổ vũ tự do tôn giáo vào chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ thông qua Đạo luật Tự do Tôn giáo Quốc tế, một đạo luật đã thiết lập ra một văn phòng tự do tôn giáo trong Bộ Ngoại giao, thêm một cố vấn về tự do tôn giáo cho Hội đồng An ninh Quốc gia, và thành lập Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ độc lập và phi đảng phái.

Kể từ thời điểm đó, các báo cáo hàng năm đã nâng cao ý thức và cung cấp thông tin vững chắc về các vi phạm tự do tôn giáo, giúp bảo đảm vị thế của tự do tôn giáo trong diễn đàn hoàn cầu về nhân quyền. Một số quốc gia đã trả tự do cho những người bất đồng tôn giáo bị cầm tù. Và một số quốc gia châu Âu và Liên hiệp châu Âu đã đi theo sự lãnh đạo của Hoa Kỳ và đưa tự do tôn giáo hoàn cầu vào các chính sách đối ngoại của họ.

Tuy nhiên, thật khó mà lý luận cho rằng những chính sách này đã làm cho bất cứ quốc gia nào trở nên tự do hơn về mặt tôn giáo và toàn thế giới có thể sẽ ít tự do hơn về mặt tôn giáo so với 20 năm trước đây. Góp phần vào việc thiếu hiệu năng này là các cam kết nửa nóng nửa lạnh, hâm hấp của các tổng thống, những người đã để chính sách tự do tôn giáo héo tàn ở một xó góc nào đó của Bộ Ngoại giao và các nhà hoạch định chính sách đối ngoại đã không tích hợp được vấn đề này vào tư duy chiến lược của họ.

Pháp lệnh của chính phủ Trump nhằm chấm dứt sự tàn héo trên, bằng cách làm cho chính nghĩa này có hiệu năng hơn bằng cách làm cho các tổ chức và cộng đồng tôn giáo thành người hợp tác với chính phủ trong việc thúc đẩy tự do tôn giáo, đòi hỏi các sứ bộ ngoại giao của Hoa Kỳ ở các nước vi phạm phải khai triển các kế hoạch hành động để cải thiện tình hình tại chỗ, cung cấp tài trợ nghiêm túc cho các chương trình cổ vũ tự do tôn giáo, bắt buộc việc huấn luyện về tự do tôn giáo cho tất cả nhân viên công vụ trong Bộ Ngoại giao và hướng việc ngoại viện về phía cổ vũ tự do tôn giáo.

Pháp lệnh và chính phủ Hoa Kỳ tương lai

Philpott sau đó lo ngại cho tương lai của Pháp lệnh một khi có tân chính phủ Hoa Kỳ. Ông viết: Mối đe dọa chính đối với những thay đổi đáng hoan nghênh trên sẽ là một chính phủ theo chế độ tổng thống trở lại thái độ hâm hấp hờ hững hoặc thậm chí trở thành thù địch đối với việc coi tự do tôn giáo như một ưu tiên. Pháp lệnh cho bộ trưởng ngoại giao 180 ngày để khai triển một kế hoạch thực hiện, nhưng thời hạn đó có thể xẩy ra giữa quá trình chuyển quyền tổng thống.

Nếu một chính phủ Biden lên cầm quyền, chúng ta hãy hy vọng nó sẽ sống đúng theo lời hứa của ứng cử viên về việc khôi phục sự đoàn kết quốc gia bằng cách tiếp nối một chính nghĩa cũng có tính Hoa Kỳ như pháo hoa vào ngày Bốn tháng Bảy. Tổng thống Franklin D. Roosevelt công bố tự do tôn giáo như một trong bốn quyền tự do xác định mục tiêu của Hoa Kỳ trong Thế chiến thứ hai. Sau khi ông chết, góa phụ của ông, Eleanor, đã bảo đảm vị thế của tự do tôn giáo trong bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền. Chúng ta hãy hy vọng rằng bất cứ ai thắng trong cuộc bầu cử vào tháng 11 sẽ thực thi di sản này, cùng với công lý sắc tộc và bảo vệ sức khỏe của các công dân của chúng ta, rất lâu sau khi hơi cay trên Nhà thờ Tân giáo St. John tan vào bầu khí quyển.

Nhận định của Philpott, nhất là ở đoạn kết thúc trên đây, không biết phản ảnh bao nhiêu thực tại chính trị của Hoa Kỳ trong những ngày sắp tới. Nhưng nhận định của ông khi cho rằng “nếu sứ điệp bị làm què quặt bởi sứ giả, thì sứ điệp vẫn đáng được hỗ trợ khi đó là sứ điệp đúng”.

Tổng thống Trump quả có nhiều sở đoản, nhưng nhiều chính sách của ông không “đoản” chút nào. Vì chúng không hẳn là công trình hay suy tư của riêng ông. Chính phủ Trump không phải của một mình Trump. Chính phủ ấy đại diện cho phần đông người dân Hoa Kỳ. Và các chính sách do chính phủ ấy ban hành không nhất thiết nhằm bản thân ông mà là nhằm phục vụ nhân dân Hoa Kỳ nói chung, và, tại sao không, qua họ, phục vụ cả những nơi khác trên thế giới.

Bất cứ chính sách đúng đắn nào cũng cần được người thiện chí ủng hộ, không nên vì cá nhân ông Trump mà đem ra chế diễu. Về khía cạnh này, thiển nghĩ không nên liên kết việc cổ vũ tính cách thánh thiêng của sự sống trong cuộc chiến chống phá thai với việc sát hại George Floyd như Marcia Chatelain, phụ tá giáo sư sử và nghiên cứu Người Mỹ gốc Phi châu tại Đại học Georgetown, phát biểu trong cuộc hội thảo gần đây tại đại học này. Bà chỉ trích những người đi diễn hành phò sự sống nhưng lại ngạc nhiên tại sao người ta diễn hành phản đối sự dã man của cảnh sát, mà không hề nhắc gì tới sự khác nhau hoàn toàn giữa hai bối cảnh xã hội.

Colleen Dulle của tập san America đọc tuyên bố của Đức Phanxicô gần đây nhân cái chết của George Floyd theo chiều hướng này trong Podcast ngày 10 tháng 6 dưới tựa đề: “Đức Giáo Hoàng Phanxicô thách thức các người Công Giáo phò sự sống về việc kỳ thị chủng tộc” dựa vào câu tuyên bố của ngài “chúng ta không thể dung túng hay làm ngơ việc kỳ thị chủng tộc và loại trừ dưới bất cứ hình thức nào, thế nhưng lại cho là mình bảo vệ tính cách thánh thiêng của mọi sự sống”.

Câu tuyên bố trên cũng đã được CNN thuật lại, nên chắc chắn là của Đức Phanxicô. Có điều, về phương diện chính trị, hiện Đức Phanxicô có nhiều cố vấn có xu hướng ý thức hệ, rất có thể nhân cơ hội đấu tranh cho chính nghĩa bất phân biệt chủng tộc, họ đã lồng một câu xem ra rất chính đáng mà thực sự xa gần diễu cợt những người như Tổng Thống Trump minh nhiên diễn hành phò sự sống.

Thiển nghĩ chống kỳ thị chủng tộc là một chính nghĩa mà tranh đấu phò sự sống cũng là một chính nghĩa. Cả hai đều đáng để ta tranh đấu. Đừng biến chúng thành những khí cụ ý thức hệ chính trị.

Những nơi bị bách hại ủng hộ Pháp lệnh

Trở lại với Pháp lệnh tự do tôn giáo. Edward Pentin vừa cho hay: các nhà lãnh đạo Giáo Hội tại Trung đông và Nigeria nhiệt liệt hoan nghinh văn kiện này.

Đức Tổng Giám Mục Bashir Warda của Erbil, Irak, khu vực từng mất cả hàng trăm ngàn Kitô hữu trong cuộc chiến tranh Irak năm 2003 và trong cuộc tấn chiếm của ISIS trong các năm 2014-2017, nói rằng “chúng tôi hoan nghinh Pháp Lệnh mới đây về việc Thăng tiến Tự do Tôn giáo. Sau khi trực tiếp trải nghiệm cuộc bách hại, các tội ác chống nhân loại và diệt chủng vì cam kết của chúng tôi đối với đức tin, chúng tôi biết ơn sâu xa trước các cố gắng của chính phủ trong việc duy trì tập chú quốc tế vào vấn đề này”.

Thượng phụ Ignace Joseph III Younan tuyên bố rằng ngài hoan nghinh “lòng can đảm” được Tổng thống Trump biểu lộ trong việc ký tuyên bố Pháp lệnh và hy vọng rằng “sẽ có việc theo dõi hữu hiệu” dưới hình thức bảo vệ và duy trì các dân quyền, tạo công ăn việc làm, cổ vũ phát triển và giúp phát huy cuộc đối thoại tôn giáo đích thực”.

Trong bản tuyên bố của ngài ngày 5 tháng 6, Thượng phụ Younan hy vọng mạnh mẽ rằng “các chương trình nhân đạo hữu hiệu” công bố trong Pháp Lệnh sẽ “bảo đảm sự sống còn của cộng đồng tôi, cũng như các nhóm thiểu số Kitô giáo, để chúng tôi có thể tiếp tục bám rễ tại quê cha đất tổ của chúng tôi”.

Đức Cha Matthew Hassan Kukah của giáo phận Sokoto, một vùng bị bách hại nặng nề ở Nigeria, cho hay Pháp lệnh đã làm nổi bật việc bách hại các Kitô hữu và tôn giáo khác, một điều được ngài coi như “một phát triển đáng hoan nghinh nhất là trước chủ nghĩa duy tục gây tê liệt đang mưu toan đẩy căn tính tôn giáo qua bên lề”.

Đức Cha Yousif Habash, trước đây thuộc Mosul, Irak, nay coi sóc giáo phận Công Giáo Syriac Newark, nhận định rằng pháp lệnh “chắc chắn rất tích cực và đáng được xem xét và đánh giá cao”. Ngài cho hay các Kitô hữu không “đợi trợ giúp từ phương xa để sống còn”, tuy nhiên nếu sự trợ giúp đó xuất phát từ “thiện chí” thì “chắc chắn mang thiện ích lại cho các Kitô hữu và phục vụ họ”.

Nhân dịp này, Đức Cha Kukah hy vọng rằng pháp lệnh cũng sẽ buộc các nhà lãnh đạo thế giới phải giải trình “bạo lực không thể chấp nhận được” vì lý do tôn giáo. Ngài phản đối việc thiếu lưu ý tới các vụ bách hại tại Nigeria, nơi, một số ước đoán cho thấy 1, 000 Kitô hữu đã bị sát hại trong năm 2019 chỉ vì đức tin của họ và khoảng 6, 000 người đã bị sát hại kể từ năm 2015.

Ngài cho biết “mấy nhà lãnh đạo đó núp dưới chiêu bài cho rằng Kitô hữu không phải là những người duy nhất bị sát hại” trong khi theo ngài, không một cộng đồng tôn giáo nào khác đạ bị nhắm như các Kitô hữu.

Đức Cha Habash thì nhận định thêm rằng trong khi các chính phủ Tây Phương phần đông không coi trọng sự hiện diện của các Kitô hữu tại Trung Đông, thì trái lại, ở Hoa Kỳ, “mạch máu Kitô Giáo vẫn sống động và mạnh mẽ” và nếu không có Kitô giáo, thế giới “sẽ trở thành hỏa nguc không ai chịu đựng nổi”.

Chính vì thế, theo ngài, “quỉ dữ sẽ đánh phá sự hiện hữu của Hoa Kỳ, tinh thần Hoa Kỳ và tính lạc quan của nó vì Hoa Kỳ vẫn còn tin rằng mình là một quốc gia dưới Thiên Chúa”.

Ngài cũng cho rằng Hoa Kỳ muốn “đền bù các lỗi lầm của mình đã gây ra những tổn thất lớn lao cho các Kitô hữu Irak, không có cách nào khác và giải pháp nào khác hơn là trợ giúp các Kitô hữu Trung Đông, nhất là ở Irak và Syria...Khi Hoa Kỳ làm việc cho công lý và hòa bình, nó quả vĩ đại và hùng mạnh. Chỉ ở đó mới là bí quyết cho sức mạnh của nó, nhưng có Thiên Chúa cấm, nếu nó thất bại, cái ngã sẽ hết sức vang động”.