Hàng chục ngàn người đã tập trung tại các thành phố rất xa Hoa Kỳ để bày tỏ sự tức giận về cái chết của George Floyd, một dấu hiệu cho thấy phong trào “Mạng sống người da đen đáng giá” chống lại sự tàn bạo của cảnh sát đang bùng lên mạnh mẽ với những lời kêu gọi rộng rãi hơn về vấn đề phân biệt chủng tộc ở Á châu, Úc châu và Âu châu.

Tại Berlin, cảnh sát cho biết 15, 000 người đã tập trung trong một cuộc biểu tình ôn hòa trên Quảng trường Alexander của thủ đô Đức, những người biểu tình đã hô vang tên của Floyd và giương cao những tấm bảng với các khẩu hiệu như “Ngăn chặn sự tàn bạo của cảnh sát” và “Tôi không thể thở được”.

Cảnh sát đã bắn hơi cay khi những người biểu tình ném chai và đá vào cảnh sát ở thành phố cảng phía nam của Pháp nhằm chống lại sự lạm dụng bạo lực và phân biệt chủng tộc của cảnh sát sau cái chết của George Floyd.

Những người biểu tình quỳ xuống trước các sĩ quan chống bạo động, phát biểu và hô vang trước khi lên đường diễu hành qua thành phố. Nhưng ở đoạn cuối, cuộc tuần hành đã kết thúc trong hỗn loạn với các cuộc đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình.

Tại Úc, ba vụ bắt giữ được thực hiện trong các cuộc biểu tình ở Sydney ngày thứ Bẩy, với sự tham dự của đám đông khổng lồ khoảng 20, 000 người.

Chính quyền Úc âu lo các cuộc biểu tình sau cái chết của George Floyd sẽ nhanh chóng biến thành các cuộc biểu tình tranh đấu cho người thổ dân.

Thật vậy, tổ chức GetUp, “Hãy đứng lên”, chuyên đòi công lý cho người Thổ dân đang thu góp các tài liệu từ người Thổ dân bị ngược đãi hoặc là nạn nhân của cảnh sát. Chỉ tại tiểu bang Queensland, họ đã gom được 433 vụ và nhóm này đã tổ chức buổi cầu nguyện thắp lên 433 ngọn nến cho 433 nạn nhân!

Họ cho rằng bên Hoa kỳ chỉ có một ông George Floyd, còn ở Úc có tới 433 nạn nhân là thổ dân đã chết vì sự tàn bạo của cảnh sát.

Tại Hoa Kỳ, hôm thứ Bảy, các công tố viên cho biết hai nhân viên cảnh sát Buffalo bị buộc tội tấn công vào một người cao niên, sau khi một đoạn video cho thấy họ đẩy một người biểu tình 75 tuổi trong một cuộc biểu tình.

Robert McCabe và Aaron Torgalski đã không nhận tội đối với cáo buộc tấn công cấp hai. Họ đã được thả ra mà không cần đóng tiền tại ngoại hầu tra.

Các viên chức cảnh sát này đã bị đình chỉ công tác không lương vào hôm thứ Sáu sau khi một đoàn làm phim truyền hình ghi được cuộc đối đầu trước khi gần kết thúc cuộc biểu tình.

McCabe, 32 tuổi và Torgalski, 39 tuổi, “vượt qua ranh giới” khi họ đẩy người đàn ông quá mạnh khiến ông ta ngã về phía sau và đập đầu vào vỉa hè.

Martin Gugino đã tiếp cận với các viên chức cảnh sát trước khi bị hai người xô xuống đất.

Đoạn phim cho thấy một người đàn ông được xác định là Martin Gugino đang tiếp cận một hàng sĩ quan đội mũ bảo hiểm cầm dùi cui khi họ biểu tình từ Quảng trường Niagara vào khoảng thời gian giới nghiêm 8 giờ tối.

Các viên chức cảnh sát đẩy Gugino về phía sau, và anh ta đập đầu vào vỉa hè. Máu đổ khi các cảnh sát đi qua. Một người cảnh sát cúi xuống để kiểm tra người đàn ông bị thương như thế nào nhưng một người khác hối thúc anh ta đi tiếp.


Source:Washington Post