38. GIÀY, BÍ TẤT (VỚ) TỐ TỤNG

Người nọ có đôi giày và đôi bí tất bị hư, đôi giày đổ tội cho bí tất, bí tất đổ tội cho đôi giày, tranh chấp rất lâu mà cũng không xong, bèn cùng nhau đi cáo quan.

Quan không thể xét xử nên sai gót chân coi tìm chứng cớ.

Gót chân nói:

- “Kẻ hèn này trước nay vốn bị đày bên ngoài (tức là bị lòi ra ngoài bí tất) làm sao biết được ai đúng ai sai chứ? ”

(Tiếu lâm)

Suy tư 38:

Mang giày thì phải mang bí tất (vớ), nếu không thì bàn chân sẽ bị đau, đó là chuyện của người...văn minh, nhưng có những lúc người văn minh khi mang giày thì cũng chẳng thèm mang bí tất vì không quen hoặc vì muốn...đi bụi. Giày và bí tất như hai người bạn thân gian khổ có nhau, cho nên nếu cả hai cùng bị hư thì không đổ lỗi cho nhau nhưng phải cùng nhau gánh vác và chia sẻ cho nhau, đó mới đúng là đạo bạn hữu.

Đời sống tâm linh của người Ki-tô hữu cũng tương tự như giày và bí tất, đó là cầu nguyện và hy sinh.

Có hy sinh thì phải có cầu nguyện, cầu nguyện và hy sinh phải đi đôi với nhau thì lời cầu nguyện của chúng ta mới có thế giá trước mặt Thiên Chúa. Cầu nguyện thì phải có hy sinh và hy sinh thì cũng phải kèm thêm lời cầu nguyện, bởi vì mang giày mà có mang bí tất thì tăng thêm vẻ đẹp hài hoà cho đôi giày và cho cả người mang nó, cũng vậy, cầu nguyện mà có hy sinh thì làm cho Thiên Chúa vui thích hơn là cầu nguyện mà không hy sinh. Tại sao vậy?

Thưa là vì Đức Chúa Giê-su đã làm như thế khi cầu nguyện trong vườn Cây Dầu, cũng như khi bị đóng đinh chết trên thập giá: Ngài cầu nguyện xin Chúa Cha tha tội cho nhân loại và hy sinh mạng sống để cúư chuộc nhân loại.

Còn chúng ta thì sao, chúng ta có dám hy sinh và cầu nguyện không?

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info