David Lague

HỒNG KÔNG (Reuters) - Khi Washington và Bắc Kinh chỉ trích lẫn nhau về đại dịch coronavirus, cuộc vật lộn trường kỳ giữa hai cường quốc Thái Bình Dương đang ở một bước ngoặt, khi Hoa Kỳ tung ra những vũ khí mới và một chiến lược mới nhằm thu nhỏ khoảng cách khá xa về hoả tiễn với Trung Quốc.

Hoa Kỳ trong những thập niên gần đây chỉ đứng bên lề trong khi Trung Quốc lại gia tăng đáng kể hỏa lực quân sự của họ. Giờ đây, khi đã trút bỏ những ràng buộc của hiệp ước kiểm soát vũ khí thời Chiến Tranh Lạnh, chính quyền Trump đang đưa ra kế hoạch điều động các hoả tiễn tầm xa, hoả tiễn hành trình phóng từ mặt đất (*) đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Ngũ Giác Đài dự tính sẽ trang bị cho Thủy quân Lục chiến của mình nhiều loại khác nhau của hoả tiễn Tomahawk hiện được chuyên chở trên các tàu chiến Hoa Kỳ, căn cứ theo những yêu cầu ngân sách của Toà Bạch Ốc cho năm 2021 và lời khai của các chỉ huy quân sự cao cấp Hoa Kỳ tại Quốc hội vào tháng 3 vừa qua. (Hoa Kỳ) cũng gia tăng việc chuyến giao các hoả tiễn tầm xa chống chiến hạm lần đầu tiên trong nhiều thập niên.

Trong một tuyên bố với Reuters về những nước cờ mới nhất của Hoa Kỳ, Bắc Kinh thúc giục Washington hãy “thận trọng trong lời nói và hành động”, hãy “ngưng ngay việc di chuyển những quân cờ quanh” khu vực, và hãy “ngưng phô trương sức mạnh quân sự quanh lãnh thổ Trung Quốc”.

Những hoạt động của Hoa Kỳ nhằm chống lại lợi thế lớn lao của Trung Quốc nằm ở các hoả tiễn đạn đạo và hoả tiễn hành trình trên đất liền. Ngũ Giác Đài cũng dự định hạ bệ vị trí dẫn đầu của Trung Quốc trong cái các chiến lược gia gọi là “cuộc chiến tầm xa”. Quân Đội Giải Phóng Nhân Dân Trung Quốc (PLA), tức quân đội Trung Quốc, đã xây dựng một lực lượng hoả tiễn khổng lồ mà phần lớn đã vượt xa Mỹ và các đồng minh của họ trong khu vực, theo lời những chỉ huy cao cấp và cố vấn chiến lược của Hoa Kỳ thuộc Ngũ Giác Đài là những người đã cảnh báo rằng Trung Quốc hiện nắm giữ lợi thế rõ rệt bằng những vũ khí này.

Và, trong một thay đổi căn bản về chiến thuật, Thủy quân Lục chiến sẽ hợp tác với Hải quân Hoa Kỳ để tấn công tàu chiến của địch thủ. Các đơn vị nhỏ và di động của Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ được trang bị hoả tiễn chống hạm sẽ trở thành sát thủ chiến hạm.

Trong cuộc xung đột, những đơn vị này sẽ được phân tán tại các yếu điểm trên Tây Thái Bình Dương và dọc theo cái gọi là dãy đảo đầu tiên, những vị chỉ huy cho biết như vậy. Dãy đảo đầu tiên là chuỗi các hòn đảo chạy từ quần đảo thuộc Nhật Bản, qua Đài Loan, sang Phi Luật Tân, đến tận Borneo, vây quanh các vùng biển thuộc Trung Quốc.

Những chỉ huy quân sự hàng đầu của Hoa Kỳ đã giải thích về những chiến thuật mới này cho Quốc hội vào tháng 3 trong một loạt các phiên điều trần về ngân sách. Chỉ huy trưởng của Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ là tướng David Berger đã nói với Ủy ban Quân vụ Thượng viện vào ngày 5 tháng 3 rằng các đơn vị nhỏ của Thủy quân lục chiến được trang bị hoả tiễn với độ chính xác, có thể hỗ trợ Hải quân Hoa Kỳ giành quyền kiểm soát trên biển, đặc biệt là ở Tây Thái Bình Dương. Ông nói: “Hoả tiễn Tomahawk là một trong những công cụ sẽ cho phép chúng ta làm điều đó”.

Hoả tiễn Tomahawk - lần đầu có tiếng tăm khi được tung ra trong các cuộc đình công tập thể vào thời Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991- đã được mang theo trên các tàu chiến của Hoa Kỳ và được sử dụng để tấn công các mục tiêu trên bộ trong những thập niên gần đây. Thủy quân lục chiến sẽ bắn thử hoả tiễn hành trình cho đến năm 2022 với mục đích đưa chúng vào hoạt động vào năm sau đó, những chỉ huy cao cấp nhất của Ngũ Giác Đài đã cung khai như thế.

Ban đầu, một số lượng nhỏ những hoả tiễn hành trình trên đất liền sẽ không thay đổi được cán cân quyền lực. Nhưng một sự thay đổi như vậy sẽ gởi đi một tín hiệu chính trị mạnh mẽ rằng Washington đang chuẩn bị cạnh tranh với kho vũ khí khổng lồ của Trung Quốc, theo các chiến lược gia cao cấp của Hoa Kỳ và của các nước phương Tây. Họ nói rằng, về lâu về dài, khi số lượng lớn hơn của các loại vũ khí này kết hợp với hoả tiễn tương tự của Nhật Bản và Đài Loan sẽ trở thành mối đe dọa nghiêm trọng đối với các lực lượng Trung Quốc. Mối đe dọa lớn nhất trước mắt đối với PLA là các hoả tiễn chống hạm tầm xa mới hiện được đem ra phục vụ cùng với máy bay tấn công của Hải và Không quân Hoa Kỳ.

“Người Mỹ đang quay trở lại một cách hùng mạnh”, theo lời Ross Babbage, cựu viên chức quốc phòng cao cấp của chính phủ Úc và hiện là thành viên không thường trú tại Trung tâm Đánh giá Chiến lược và Ngân sách có trụ sở tại Washington, là một nhóm nghiên cứu về an ninh. “Đến năm 2024 hoặc 2025, có một nguy cơ cực kỳ nghiêm trọng đối với PLA đến độ sự phát triển quân sự của họ sẽ trở thành lỗi thời.”

Phát ngôn viên quân sự Trung Quốc, Đại tá Ngô Càn (吴谦), đã cảnh báo vào tháng 10 năm ngoái rằng Bắc Kinh sẽ “không đứng yên”nếu Washington điều động các hoả tiễn tầm xa trên đất liền ở khu vực châu Á -Thái Bình Dương.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cáo buộc Hoa Kỳ cứ gắn bó mãi “với tâm lý chiến tranh lạnh của họ” và “không ngừng gia tăng dàn trận quân sự”trong khu vực.

Họ nói trong một tuyên bố với Reúter: “Gần đây, Hoa Kỳ đã trở nên tồi tệ hơn, đẩy mạnh việc theo đuổi cái gọi là 'chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương' nhằm tìm cách điều động vũ khí mới, gồm các loại hoả tiễn tầm trung phóng từ mặt đất đến khu vực châu Á-Thái Bình Dương,Trung Quốc kiên quyết phản đối điều đó.”

Phát ngôn viên Ngũ Giác Đài, Trung tá Dave Eastburn cho biết, ông sẽ không bình luận về các tuyên bố của chính phủ Trung Quốc hoặc PLA.

Quân Đội Hoa Kỳ Cởi Gông Xiềng

Trong khi đại dịch coronavirus đang hoành hành, Bắc Kinh đã gia tăng áp lực quân sự đối với Đài Loan và thực hành tập trận ở Biển Đông. Để phô diễn sức mạnh, vào ngày 11 tháng 4, tàu sân bay Liễu Ninh của Trung Quốc đã dẫn một đội tàu chiến gồm năm chiếc vào vùng Tây Thái Bình Dương qua eo biển Miyako đến phía đông bắc Đài Loan, theo Bộ Quốc phòng Đài Loan. Vào ngày 12 tháng 4, các tàu chiến Trung Quốc đã tập trận ở vùng biển phía đông và phía nam Đài Loan, Bộ (Quốc Phòng Đài Loan) cho biết.

Trong khi đó, Hải quân Hoa Kỳ đã buộc phải trói chân chiếc hàng không mẫu hạm USS Theodore Roosevelt tại đảo Guam khi nó phải vật lộn để ngăn chặn sự bùng phát của coronavirus trong hàng ngũ phi hành đoàn của chiếc chiến hạm khổng lồ này. Tuy nhiên, Hải quân Hoa Kỳ đã cố gắng duy trì sự hiện diện của họ một cách hùng hồn ngoài khơi Trung Quốc. Tàu khu trục hoả tiễn có điều khiển USS Barry đã đi ngang eo biển Đài Loan hai lần vào tháng Tư. Và tàu tấn công đổ bộ USS America hồi tháng trước cũng đã tập trận ở Biển Đông Hoa và Biển Nam Hoa, Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ cho biết.

Trong loạt bài năm ngoái, Reuters đã tường thuật rằng trong khi Mỹ bị chia trí gần hai thập niên vào chiến tranh ở Trung Đông và Afghanistan, PLA đã xây dựng một lượng hoả tiễn được thiết kế cho mục đích tấn công các hàng không mẫu hạm, các tàu chiến mặt nước khác và mạng lưới căn cứ hình thành xương sống quyền lực Mỹ ở châu Á. Trong suốt thời gian đó, các xưởng đóng tàu của Trung Quốc đã tạo dựng được lực lượng hải quân lớn nhất thế giới, có khả năng thống trị vùng ven biển của quốc gia này và kềm chế được lực lượng của Hoa Kỳ.

Loạt bài cũng tiết lộ rằng trong hầu hết các thể loại, hoả tiễn của Trung Quốc hiện ngang ngửa hoặc còn vượt trội hơn các đối phương trong những kho vũ khí của đồng minh Hoa Kỳ.

Để đọc loạt bài này, xin bấm vào đây

Trung Quốc có được lợi thế vì không tham gia hiệp ước thời Chiến tranh Lạnh - Hiệp ước Lực lượng Hạt Nhân Tầm Trung (INF)- đã cấm Mỹ và Nga sở hữu hoả tiễn đạn đạo và hoả tiễn hành trình phóng từ mặt đất có tầm phóng từ 500 km đến 5,500 km. Vì không bị ràng buộc bởi hiệp ước INF, Trung Quốc đã điều động khoảng 2,000 vũ khí này, theo ước tính của Hoa Kỳ và các nước phương Tây khác.

Trong khi xây dựng lực lượng hoả tiễn trên đất liền, PLA còn trang bị hoả tiễn chống hạm tầm xa hùng mạnh cho tàu chiến và máy bay tấn công của mình.

Hỏa lực được tích lũy này đã làm thay đổi cán cân sức mạnh trong khu vực theo hướng có lợi cho Trung Quốc. Hoa Kỳ, bấy lâu là cường quốc quân sự thống trị ở châu Á, giờ không còn có thể tự tin sẽ chiến thắng trong một cuộc đụng độ quân sự ở vùng biển ngoài khơi Trung Quốc nữa, theo lời các sĩ quan quân đội Hoa Kỳ đã nghỉ hưu.

Nhưng quyết định của Tổng thống Donald Trump năm ngoái về việc ra khỏi hiệp ước INF đã khiến các nhà hoạch định quân sự Mỹ có thêm thời cơ. Gần như ngay sau khi rút khỏi hiệp ước này vào ngày 2 tháng 8, chính quyền (Trump) đã báo hiệu sẽ đối phó với sức mạnh hoả tiễn của Trung Quốc. Ngày hôm sau, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Mark Esper cho biết ông muốn thấy các hoả tiễn mặt đất được đềiu động đến châu Á trong vòng vài tháng, nhưng ông thừa nhận sẽ mất nhiều thời gian hơn thế.

Cuối tháng đó, Ngũ Giác Đài đã cho thử hoả tiễn hành trình Tomahawk phóng từ mặt đất. Vào tháng 12, họ lại thử thêm một hoả tiễn đạn đạo phóng từ mặt đất. Hiệp ước INF cấm không cho sử dụng các vũ khí phóng từ mặt đất như thế, do đó cả hai cuộc thử nghiệm lẽ ra đã bị cấm.

Một chỉ huy cao cấp của Thủy quân lục chiến, Trung tướng Eric Smith nói với Ủy Ban Quân Vụ Thượng Viện vào ngày 11 tháng 3 rằng giới lãnh đạo Ngũ Giác Đài đã chỉ thị cho Thủy Quân Lục Chiến hạ thổ một hoả tiễn hành trình phóng từ mặt đất “thật nhanh chóng”.

Các tài liệu về ngân sách cho thấy Thủy Quân Lục Chiến đã yêu cầu được cung cấp 125 triệu đô la để mua 48 hoả tiễn Tomahawk từ năm tới trở đi. Tomahawk có tầm bắn 1,600km, theo nhà sản xuất của nó, Công ty Raytheon.

Tướng Smith cho biết hoả tiễn hành trình có thể cuối cùng rồi cũng không chứng tỏ được là vũ khí phù hợp nhất với Thủy Quân Lục Chiến. “Nó có thể hơi nặng nề đối với chúng tôi”, ông nói với Ủy Ban Quân Vụ Thượng viện như thế, nhưng kinh nghiệm thu được từ những cuộc thử nghiệm có thể được chuyển sang cho quân đội.

Tướng Smith cũng cho biết Thủy Quân Lục Chiến đã thử nghiệm thành công vũ khí chống hạm tầm ngắn mới, Hoả Tiễn Tấn Công của Hải quân, từ một bệ phóng trên mặt đất và họ sẽ tiến hành một cuộc thử nghiệm khác vào tháng 6. Ông nói nếu cuộc thử nghiệm đó thành công, Thủy Quân Lục Chiến dự tính đặt mua 36 hoả tiễn này vào năm 2022. Quân đội Hoa Kỳ cũng đang thử nghiệm một hoả tiễn tầm xa trên đất liền mới, có thể nhắm vào tàu chiến. Hoả tiễn này lẽ ra đã bị cấm bởi hiệp ước INF.

Thủy Quân Lục Chiến cũng cho biết trong một tuyên bố rằng họ đang thẩm định khả năng của Hoả Tiễn Tấn Công thuộc Hải quân để nhắm vào các tàu, và Tomahawk để tấn công các mục tiêu trên bộ. Cuối cùng, Thủy Quân Lục Chiến nhắm tới mục đích hạ thổ một hệ thống “có thể tham gia vào các mục tiêu di chuyển tầm xa cả trên đất liền lẫn dưới biển”, bản tuyên bố nói.

Bộ Quốc phòng cũng đang nghiên cứu về các vũ khí tấn công tầm xa mới, với yêu cầu cho một ngân sách là 3.2 tỷ USD cho công nghệ siêu âm, chủ yếu là cho hoả tiễn.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã vẽ ra sự khác biệt giữa kho vũ khí hoả tiễn của PLA và kế hoạch dàn trận của Hoa Kỳ. Họ nói rằng các hoả tiễn của Trung Quốc “nằm trong lãnh thổ của họ, đặc biệt là các hoả tiễn tầm ngắn và tầm trung, không thể đến được lục địa Hoa Kỳ. Điều này về cơ bản khác với Hoa Kỳ, là nước đang tiếp tục đẩy mạnh việc dàn trận.”

Kềm Chế Hải Quân Trung Quốc

Các chiến lược gia quân sự James Holmes và Toshi Yoshihara đã đề nghị từ gần một thập niên trước rằng chuỗi đảo đầu tiên luôn là một rào cản tự nhiên có thể được quân đội Mỹ khai thác để chống lại sự xây dựng của hải quân Trung Quốc. Hoả tiễn chống hạm trên mặt đất có thể làm chủ tình hình các cửa ngõ quan trọng xuyên qua chuỗi đảo vào Tây Thái Bình Dương như một phần của chiến lược để giữ cho việc phát triển của hải quân Trung Quốc bị kềm giữ, họ đề nghị như thế.

Để thực hiện chiến lược này, Washington đang toan tính sử dụng ngay các chiến thuật của Trung Quốc để quật ngược lại PLA. Các chỉ huy cấp cao của Hoa Kỳ đã cảnh báo rằng các hoả tiễn đạn đạo và hành trình trên đất liền của Trung Quốc sẽ gây khó khăn cho hải quân Hoa Kỳ và đồng minh khi hoạt động gần vùng biển ven bờ Trung Quốc.

Nhưng việc dàn trận các hoả tiễn trên mặt đất của Hoa Kỳ và đồng minh trong chuỗi đảo sẽ gây ra mối đe dọa tương tự cho các tàu chiến Trung Quốc- cho các tàu hoạt động ở Biển Đông, Biển Đông Hoa và Biển Nam Hoa, và Biển Hoàng Hải, hoặc các tàu cố gắng đột nhập vào Tây Thái Bình Dương. Nhật Bản và Đài Loan đã điều động hoả tiễn chống hạm mặt đất cho mục đích này.

Giáo sư Holmes thuộc Đại học Hải Chiến Hoa Kỳ, cho biết: “Chúng ta cần có khả năng ngăn chận các eo biển. Chúng ta có thể hỏi một cách có hiệu lực họ xem họ có quá ham muốn Đài Loan hay Sensaku đến nỗi phải thấy kinh tế và lực lượng vũ trang của họ bị tách ra khỏi Tây Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương hay không? Rất có thể câu trả lời sẽ là không.”

Giáo sư Holmes đang đề cập đến nhóm đảo không có người ở Biển Đông Hoa -được gọi là quần đảo Senkaku ở Nhật Bản và quần đảo Điếu Ngư ở Trung Quốc - mà cả Tokyo lẫn Bắc Kinh đều tuyên bố có chủ quyền.

Hoa Kỳ phải đối mặt với những thách thức trong việc chận nút chuỗi đảo đầu tiên. Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte quyết định tránh xa Hoa Kỳ và củng cố quan hệ thân mật với Trung Quốc là một trở ngại tiềm năng cho các kế hoạch của Mỹ. Các lực lượng Hoa Kỳ có thể phải đối mặt với các rào cản để hoạt động từ các hòn đảo chiến lược quan trọng trong quần đảo Philippines sau khi Duterte hồi tháng Hai đã hủy bỏ một thỏa thuận an ninh quan trọng với Washington.

Và nếu các lực lượng Hoa Kỳ được điều động đến chuỗi đảo đầu tiên và đem theo hoả tiễn chống hạm, một số chiến lược gia của Hoa Kỳ tin rằng điều này không hẳn sẽ xảy ra, vì Thủy Quân Lục Chiến sẽ dễ bị quân đội Trung Quốc tấn công.

Hoa Kỳ có các đối trọng khác. Hỏa lực của máy bay ném bom tầm xa của Không Quân Hoa Kỳ có thể gây ra mối đe dọa còn lớn các lực lượng Trung Quốc hơn là với Thủy Quân Lục Chiến, các chiến lược gia cho biết. Họ nói rằng, đặc biệt hiệu quả có thể là máy bay ném bom B-21 tàng hình, đã bắt đầu hoạt động vào giữa thập niên này và được trang bị bằng hỏa tiễn tầm xa.

Ngũ Giác Đài đã tăng cường hỏa lực số máy bay tấn công của họ hiện có ở châu Á. Theo các tài liệu yêu cầu ngân sách, các máy bay phản lực Super Hornet và máy bay ném bom B-1 của Không Quân Hoa Kỳ hiện đang được trang bị bằng những đợt Hoả Tiễn Chống Hạm Tầm Xa kiểu mới của hãng Lockheed Martin. Những hoả tiễn kiểu mới đang được điều động để đáp ứng “nhu cầu hoạt động khẩn cấp” cho Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, tài liệu này giải thích như thế.

Hoả tiễn loại mới mang đầu đạn nặng 450 kg, có khả năng nhắm mục tiêu một cách “bán tự động”, mang lại khả năng tự điều khiển, theo mô tả trong bản yêu cầu ngân sách. Chi tiết về tầm bắn của hoả tiễn hành trình tàng hình được phân loại. Nhưng Hoa Kỳ và giới chức quân sự phương Tây ước tính nó có thể tấn công các mục tiêu ở khoảng cách ngoài 800 km.

Các tài liệu về ngân sách cho thấy Ngũ Giác Đài đang cần có 224 triệu đô la để đặt mua 53 hoả tiễn khác vào năm 2021. Hải và Không quân Hoa Kỳ dự kiến sẽ có hơn 400 hoả tiễn hoạt động vào năm 2025, theo đơn đặt hàng dự kiến trong các tài liệu cho thấy.

Hoả tiễn chống hạm mới mẻ này có nguồn gốc từ một vũ khí tấn công tầm xa trên mặt đất hiện có của Lockheed, hoả tiễn không- đối- đất. Ngũ Giác Đài đang xin cung cấp 577 triệu đô la vào năm tới để có thể đặt mua thêm 400 loại hoả tiễn tấn công trên mặt đất này.

Ông Robert Haddick, cựu sĩ quan Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ, cựu sĩ quan Thuỷ Quân Lục Chiến và hiện là một thành viên cao cấp tại Viện nghiên cứu Hàng Không Vũ Trụ Mitchell có trụ sở tại Arlington, Virginia cho biết: “Mỹ và đồng minh tập trung vào hoả tiễn hành trình tấn công mặt đất và chống hạm tầm xa là cách nhanh nhất để tái tạo hỏa lực tầm xa theo quy ước trong khu vực Tây Thái Bình Dương”.

Đối với Hải quân Hoa Kỳ ở châu Á, các phản lực cơ Super Hornet hiện đang hoạt động từ các hàng không mẫu hạm và được trang bị hoả tiễn chống hạm loại mới sẽ mang lại một sức đẩy mạnh về hỏa lực trong khi cho phép các tàu chiến đắt tiền hoạt động cách xa những mối đe dọa tiềm tàng, các giới chức quân sự Hoa Kỳ và phương Tây cho biết như thế.

Các sĩ quan Hải quân Hoa Kỳ tại chức và nghỉ hưu vẫn đang hối thúc Ngũ Giác Đài trang bị cho các chiến hạm Mỹ những hoả tiễn chống hạm tầm xa, cho phép chúng cạnh tranh với các tàu tuần dương, khu trục hạm mới nhất và trang bị tận răng của Trung Quốc. Hãng Lockheed cho biết họ đã bắn thử thành công một trong những hoả tiễn chống hạm tầm xa mới từ loại bệ phóng được sử dụng trên các tàu chiến của Mỹ và đồng minh.

Ông Haddick, một trong những người đầu tiên kêu gọi sự chú ý đến lợi thế về hỏa lực của Trung Quốc trong cuốn sách ông viết năm 2014 với tựa đề “Lửa Trên Mặt Nước”, cho biết mối đe dọa từ hoả tiễn Trung Quốc đã làm cho Ngũ Giác Đài bị kích động bởi tư duy chiến lược mới và ngân sách hiện đang hướng tới việc chuẩn bị cho cuộc xung đột về kỹ thuật cấp cao với các quốc gia hùng mạnh như Trung Quốc.

Ông Haddick cũng cho biết các hoả tiễn loại mới rất quan trọng đối với các kế hoạch phòng thủ của Mỹ và các đồng minh ở Tây Thái Bình Dương. Khoảng cách sẽ không khép lại ngay lập tức được, nhưng hỏa lực sẽ dần được cải thiện, ông Haddick nói. “Điều này đặc biệt là có thật trong nửa thập niên sắp tới và sau đó nữa, khi các kiểu mẫu vũ khí siêu âm đã được phân loại và thay thế hoàn tất các giai đoạn dài trong việc phát triển, thử nghiệm, sản xuất và điều động “ ông nói.

(David Lague tường trình, Peter Hirschberg biên tập )

(*) Có báo còn gọi ballistic missile là phi tiễn bình phi hay phi tiễn hành trình để phân biệt với rocket)


Source:Reuters