1. Tòa Thánh và các giáo phận tại Ý sẽ sớm hoạt động trở lại như bình thường

Hôm 20 tháng Tư, Nam Hàn đã nới rộng các biện pháp phong tỏa và cho mở lại một số hoạt động, trong đó có các thánh đường, trước sự tiếp tục giảm sút số người bị lây nhiễm Coronavirus.

Tổng giáo phận Hán Thành đã tái tục các Thánh lễ có giáo dân tham dự. Những hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy đây là Thánh Lễ Chúa Nhật thứ Ba Mùa Phục sinh hôm 26 tháng Tư, tại Nhà thờ Công Giáo Phường-Đồng trong Tổng giáo phận Hán Thành.

Để tham dự Thánh lễ anh chị em giáo dân phải ghi danh trước. Tuy nhiên, biện pháp này sẽ được nhanh chóng bãi bỏ.

Tại Ý, hôm Chúa Nhật, Thủ tướng Giuseppe Conte đã tuyên bố ngày thứ Hai 4 tháng Năm là ngày chấm dứt tình trạng cô lập tại Ý. Một số hoạt động vẫn còn bị hạn chế nhưng hầu hết các hoạt động khác sẽ được tái tục như trước đây.

Cho đến nay, Ý là quốc gia cô lập lâu nhất thế giới, cụ thể là từ ngày 8 tháng Ba đến nay.

Nhà lãnh đạo Ý cũng tuyên bố sẽ mở lại các trường học vào tháng 9 và hầu hết các doanh nghiệp khác trong ba tuần tới.

Nhưng ông cảnh báo rằng mọi người sẽ phải đeo khẩu trang ở những nơi công cộng và tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp khoảng cách xã hội khi các hạn chế hiện tại được dỡ bỏ vào ngày 4 tháng Năm.

Những cái ôm và cái bắt tay nhau vẫn không được khuyến khích và quyết định khởi động lại giải vô địch túc cầu Serie A rất được hâm mộ tại Ý đã bị hoãn lại.

“Ý đang bước vào kỷ nguyên của trách nhiệm và cùng tồn tại với con virus độc địa này,” ông Conte nói trên đài truyền hình quốc gia.

“Nếu bạn yêu nước Ý, hãy giữ khoảng cách với người khác.”

Thông báo của Thủ tướng Conte được đưa ra sau một cuộc đàm phán căng thẳng với các nhà lãnh đạo các miền và các doanh nghiệp nhằm quyết định phương thế quốc gia 60 triệu dân này làm sao bước ra khỏi kinh nghiệm đau thương nhất kể từ Thế chiến II.

Cho đến thứ Hai 27 tháng Tư, tử vong tại Ý đã lên đến 26,644 người, trong số 197,675 trường hợp nhiễm coronavirus. Như thế, con số tử vong tại Ý đứng thứ hai sau Hoa Kỳ; và số trường hợp nhiễm bệnh đứng thứ ba sau Hoa Kỳ và Tây Ban Nha.

Tuy nhiên, số trường hợp nhiễm bệnh mới đã giảm và Ý tin rằng tỷ lệ lây nhiễm coronavirus tại quốc gia này chỉ trong trong khoảng 0.2 đến 0.7, nghĩa là đủ thấp dưới ngưỡng quan trọng là 1.0 để có thể quay lại làm việc.

260 trường hợp tử vong mới được báo cáo vào ngày Chúa Nhật 26 tháng Tư, là tổn thất nhân mạng thấp nhất trong một ngày kể từ ngày 14 tháng Ba.

Ông Conte cho biết, nếu Ý cứ tiếp tục cô lập như thế này, quốc gia sẽ đi đến bờ vực phá sản, và các thiệt hại có thể là không thể đảo ngược được.

Ý đã quyết định đóng cửa mọi thứ vào ngày 8 tháng Ba khi ngày càng rõ ràng rằng một vụ lây nhiễm ban đầu ở các khu vực phía bắc quanh Milan đang lan rộng.

Các nhà khoa học hiện tin rằng dịch bệnh có thể xâm nhập tại Ý vào tháng Giêng và virus này đã lan tràn vào thời điểm cái chết đầu tiên vì COVID-19 được ghi nhận vào ngày 21 tháng Hai.

Nhưng hệ thống chăm sóc sức khỏe của Ý hiện đã giữ vững được tình hình và ông Conte dường như cảm thấy đủ an toàn để tập trung vào việc điều chỉnh một nền kinh tế mà nhóm của ông dự kiến sẽ giảm 8% trong năm nay.

Conte cho biết chính phủ của ông sẽ cho phép một nhóm các công ty chiến lược trên thế giới có thể tiếp tục hoạt động vào thứ Hai 27 tháng Tư.

Các nhà hàng có thể mở cửa để bán mang đi và các cửa hàng bán sỉ có thể tiếp tục kinh doanh vào ngày 4 tháng Năm.

Tất cả các cửa hàng khác sẽ bắt đầu hoạt động ba tuần sau đó, cũng như rất nhiều viện bảo tàng tại Ý.

Các nhà hàng sẽ được phép bán ăn tại chỗ và các cửa hàng cắt tóc sẽ trở lại vào ngày 1 tháng Sáu.

Các trường học ở Ý sẽ tiếp tục bị đóng cửa cho đến tháng 9 và là một trong những sinh hoạt cuối cùng của cuộc sống hàng ngày được phép tiếp tục.

Conte cho biết việc trở lại trường học đầy nguy hiểm vì nhiều giáo viên lớn tuổi và có nguy cơ nhiễm virus cao hơn.

Các trường học là trung tâm của sự chú ý của chúng tôi và sẽ mở cửa trở lại vào tháng 9, Thủ tướng cho biết.

Đức Hồng Y Gualtiero Bassetti, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Ý cho biết các thánh lễ trong tổng giáo phận Perugia của ngài sẽ được mở lại trong tuần tới.

Ngài cho biết mọi người đã phản ứng với thử thách từ đại dịch coronavirus kinh hoàng này bằng sự quảng đại, sáng tạo và dũng cảm. Tuy nhiên, ngài nhấn mạnh rằng, việc theo dõi các thánh lễ trên mạng thông qua việc phát trực tuyến không giống như việc hiện diện trong Thánh lễ, là “nguồn mạch và đỉnh cao của đời sống Kitô hữu”.



2. Sáng kiến lần chuỗi Mân Côi toàn cầu của Dòng Đa Minh vào lúc 9g tối 29 tháng Tư

Trong đại dịch kinh hoàng hồi thế kỷ 17, một tu sĩ người Ý, là John Ricciardi d’Altamura, đã bắt đầu truyền thống đọc kinh Mân Côi liên tục. Ông tổ chức một nhóm giáo dân đọc kinh Mân Côi vào những giờ khác nhau trong ngày, sắp xếp sao cho mỗi giờ đều có ai đó đọc kinh Mân Côi. Như thế, những ai hấp hối có thể yên tâm là được bao phủ trong những lời cầu nguyện liên tục.

Đứng trước đại dịch coronavirus kinh hoàng này, các nữ tu Dòng Đa Minh tại Fatima đã đề nghị cha Lawrence Lew, tổng phụ trách Kinh Mân Côi của Dòng Đa Minh thực hiện một sáng kiến tương tự nhưng trên quy mô toàn thế giới.

Cụ thể vào lúc 9g tối giờ địa phương ngày 29 tháng Tư, tất cả các tín hữu Công Giáo trên thế giới được mời gọi cùng đọc Kinh Mân Côi và kết thúc với hai lời nguyện mới do Đức Thánh Cha Phanxicô đề nghị.

“Nếu có thể, những buổi đọc kinh Mân Côi như vậy nên được phát trực tiếp hoặc chia sẻ trên các phương tiện truyền thông xã hội,” cha Lawrence nói. Ngài nhấn mạnh rằng “Nếu tất cả chúng ta cùng cầu nguyện vào 9 giờ tối theo giờ địa phương của mình thì sẽ tạo một hiệu ứng liên tục các kinh Mân Côi trong ngày đó.”

Tại sao chọn ngày 29 tháng Tư? Ngày 29 tháng 4 là ngày lễ kính Thánh nữ Catêrina thành Siena. Thánh nữ là một nữ tu Dòng Đa Minh, một Tiến Sĩ Hội Thánh, một Quan Thầy của Ý và Âu châu, và là Quan Thầy của các y tá.

“Tôi khuyến khích toàn thể gia đình Dòng Đa Minh - các tu sĩ nam nữ, anh chị em giáo dân, các dòng ba, và những người trẻ trên khắp thế giới cùng nhau đọc kinh Mân Côi theo sáng kiến này,” Cha Gerard Timoner, O.P, Bề Trên Tổng Quyền Dòng Đa Minh nói.

Xin quý vị và anh chị em tham gia với Dòng Đa Minh vào ngày 29 tháng Tư để giao phó thế giới cho Đức Mẹ, cầu xin cho cuộc khủng hoảng sức khỏe COVID-19 này chấm dứt.



3. Tuyên bố của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ về ngày Thánh Hiến quốc gia cho Trái Tim Đức Mẹ

Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ vừa quyết định tham gia cùng với Hội Đồng Giám Mục Canada trong này thánh hiến quốc gia cho Trái Tim Đức Mẹ.

Khi thế giới tiếp tục phải đối diện với những ảnh hưởng đang diễn ra của đại dịch coronavirus toàn cầu, Đức Tổng Giám Mục Jose H. Gomez của Los Angeles và là chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, gọi tắt là USCCB, đã tuyên bố rằng các giám mục Hoa Kỳ sẽ tham gia cùng với Hội Đồng Giám Mục Canada vào ngày 1 tháng Năm trong việc tái Thánh hiến cả hai quốc gia cho sự cầu bầu Đức Mẹ.

Sự thánh hiến hoặc phó thác tập thể một quốc gia cho Đức Maria có ý nghĩa như một lời nhắc nhở cho các tín hữu về chứng tá Tin Mừng của Đức Mẹ và cầu khẩn sự can thiệp hiệu quả của Mẹ trước Con Mẹ. Đức Cha John Carroll của giáo phận Baltimore, là giám mục đầu tiên của Hoa Kỳ, đã đề cao lòng sùng kính đối với Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa và đặt Hoa Kỳ dưới sự bảo vệ của Mẹ trong một lá thư mục vụ vào năm 1792. Hai mươi mốt giám mục tham dự khóa họp khoáng đại lần thứ sáu của Công đồng Miền Baltimore vào năm 1846 đã quyết định chọn Đức Trinh Nữ Maria, dưới danh hiệu Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội, làm Quan Thầy của Hoa Kỳ, và Đức Giáo Hoàng Piô IX đã phê chuẩn quyết định này vào năm sau đó. Gần đây, lễ cung hiến Đền thờ Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội ở Washington, D.C. vào năm 1959 là cơ hội khác để các giám mục một lần nữa thánh hiến quốc gia cho Đức Mẹ. Một số vị Giáo Hoàng cũng đã dâng hiến thế giới cho Đức Maria trong những dịp khác nhau.

Lễ thánh hiến vào ngày 1 tháng Năm diễn ra sau một hành động tương tự của Liên Hội Đồng Giám Mục Mỹ Latinh và Caribê, gọi tắt là CELAM. Các Giám Mục thuộc CELAM đã hiến dâng các quốc gia của mình cho Đức Mẹ Guadalupe vào hôm Chúa Nhật Phục sinh. Việc tái thánh hiến được dự trù ở quốc gia chúng ta vào ngày 1 tháng Năm không làm thay đổi sự chỉ định Đức Maria là Quan Thầy của Hoa Kỳ dưới danh hiệu Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội. Trái lại, lễ thánh hiến này tái khẳng định và canh tân sự phó thác cho Đức Maria trước đây, và liên kết chúng ta trong tình liên đới với Đức Thánh Cha. Gần đây, ngài đã thành lập Đài tưởng niệm Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ của Giáo hội, như một nguồn mạch bảo vệ chúng ta và ban sức mạnh cho chúng ta.

Trong một lá thư gửi đến các giám mục Hoa Kỳ, Đức Tổng Giám Mục Gomez nhấn mạnh rằng:

“Lễ thánh hiến này sẽ mang đến cho Giáo hội cơ hội cầu nguyện với Đức Mẹ, xin Mẹ tiếp tục bảo vệ những người yếu thế, chữa lành những người đau yếu và ban ơn khôn ngoan cho những người đang hoạt động để chữa trị loại virus khủng khiếp này. Mỗi năm, Giáo hội đều tìm kiếm sự cầu thay nguyện giúp đặc biệt của Mẹ Thiên Chúa trong tháng Năm. Năm nay, chúng ta tìm kiếm sự giúp đỡ của Đức Mẹ một cách nhiệt thành sốt sắng hơn nữa khi chúng ta cùng nhau đối diện với những ảnh hưởng của đại dịch toàn cầu này.”

Đức Tổng Giám Mục Gomez sẽ chủ sự một phụng vụ ngắn gọn với lời cầu nguyện thánh hiến vào ngày Thứ Sáu mùng 1 tháng Năm lúc 3g chiều giờ Miền Đông Hoa Kỳ và mời các giám mục tham gia từ các giáo phận tương ứng của các ngài và yêu cầu các ngài mở rộng lời mời tham gia này đến các tín hữu trong giáo phận của mình. Một hướng dẫn phụng vụ sẽ có sẵn để hỗ trợ các tín hữu có thể tham gia bằng cách truy cập các phương tiện truyền thông xã hội của USCCB, bao gồm Facebook, Twitter và Instagram.



Thánh lễ tại Santa Marta 27/4/2020: Đức Thánh Cha cầu nguyện cho các nghệ sĩ trong trận đại dịch

Lúc 7 sáng thứ Hai 27 tháng Tư, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ tại nhà nguyện Santa Marta để cầu nguyện cho những bệnh nhân nhiễm coronavirus, các nhân viên y tế, và những ai đang phải đau khổ vì trận dịch kinh hoàng này.

Trong thánh lễ, ngài cầu nguyện cách riêng cho những nghệ sĩ là những người mà sự sáng tạo của họ có ảnh hưởng sâu sắc đến xã hội, đặc biệt trong đại dịch coronavirus kinh hoàng này.

Mở đầu thánh lễ Đức Thánh Cha nói:

Hôm nay chúng ta cầu nguyện cho các nghệ sĩ, những người có khả năng sáng tạo rất lớn, và cầu nguyện cho con đường thẩm mỹ do họ đưa ra cho chúng ta trong tương lai. Xin Chúa ban cho chúng ta ân sủng sáng tạo trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha đã đưa ra các suy tư về bài Tin Mừng trong đó Chúa khiển trách đám đông chỉ lo toan tìm kiếm những của ăn hay hư nát, mà không màng đến những của ăn dẫn đến cuộc sống đời đời.

Phúc Âm: Ga 6, 22-29

“Hãy ra công làm việc không phải vì của ăn hay hư nát, nhưng vì của ăn tồn tại cho đến cuộc sống đời đời”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Hôm sau, đám người còn ở lại bên kia biển thấy rằng không có thuyền nào khác, duy chỉ có một chiếc, mà Chúa Giêsu không lên thuyền đó với các môn đệ, chỉ có các môn đệ ra đi mà thôi. Nhưng có nhiều thuyền khác từ Tibêria đến gần nơi dân chúng đã được ăn bánh. Khi đám đông thấy không có Chúa Giêsu ở đó, và môn đệ cũng không, họ liền xuống các thuyền kia và đến Capharnaum tìm Chúa Giêsu.

Khi gặp Người ở bờ biển bên kia, họ nói với Người: “Thưa Thầy, Thầy đến đây bao giờ?” Chúa Giêsu đáp: “Thật, Ta bảo thật các ngươi, các ngươi tìm ta không phải vì các ngươi đã thấy những dấu lạ, nhưng vì các ngươi đã được ăn bánh no nê. Các ngươi hãy ra công làm việc không phải vì của ăn hay hư nát, nhưng vì của ăn tồn tại cho đến cuộc sống đời đời, là của ăn Con Người sẽ ban cho các ngươi. Người là Ðấng mà Thiên Chúa Cha đã ghi dấu”. Họ liền thưa lại rằng: “Chúng tôi phải làm gì để gọi là làm việc của Thiên Chúa?” Chúa Giêsu đáp: “Ðây là công việc của Thiên Chúa, là các ngươi hãy tin vào Ðấng Ngài sai đến”.


Mở đầu bài giảng, Đức Thánh Cha nói:

Dân chúng đã lắng nghe lời Chúa Giêsu suốt cả ngày, và sau đó họ còn được chứng kiến phép lạ hóa bánh ra nhiều. Khi nhìn thấy quyền năng của Chúa Giêsu, họ muốn tôn Người lên làm vua. Trước đó, họ đến với Chúa Giêsu để nghe lời Người và để cầu xin sự chữa lành cho các bệnh nhân. Họ ở lại cả ngày để nghe Chúa Giêsu mà không thấy chán, không mệt mỏi, hay bắt đầu thấy mệt mỏi, nhưng họ đã ở đó, hạnh phúc. Nhưng rồi khi họ thấy rằng Chúa Giêsu có thể cho họ ăn, là điều mà họ không ngờ tới từ đầu, họ nghĩ: “Đây sẽ là một người cai trị tốt cho chúng ta và ông ta chắc chắn có thể giải thoát chúng ta khỏi quyền lực của người La Mã và đưa đất nước tiến lên”. Họ đã vui mừng với ý tưởng đưa Ngài lên làm vua. Ý định của họ đã thay đổi, bởi vì họ đã thấy và nghĩ rằng: “Chà... đây là một người làm phép lạ, là người có thể nuôi sống mọi người, có thể là một người cai trị giỏi.” Và ngay lúc đó, họ đã quên mất nhiệt tình mà Lời Chúa đã sinh ra trong lòng họ.

Chúa Giêsu ra đi và cầu nguyện. Đám đông ở lại đó và ngày hôm sau họ tìm kiếm Chúa Giêsu, “bởi vì Ngài phải ở đây”, họ nói, vì họ thấy không có thuyền nào khác, ngoài một chiếc duy nhất của các môn đệ Ngài, mà Chúa Giêsu lại không có mặt trên chiếc thuyền đó. Khi thấy có nhiều thuyền khác từ Tibêria đến, họ liền xuống các thuyền này và đến Capharnaum tìm Chúa Giêsu. Và khi họ nhìn thấy Người, lời đầu tiên họ nói là: “Thưa Thầy, Thầy đến đây bao giờ?”, như thể nói: “Chúng tôi không hiểu, đây có vẻ là một điều kỳ lạ.”

Và Chúa Giêsu đưa họ trở lại cảm giác đầu tiên, với những gì họ có trước khi chứng kiến phép lạ hóa bánh ra nhiều, tức là khi họ chăm chú lắng nghe lời Chúa: “Thật, Ta bảo thật các ngươi, các ngươi tìm ta không phải vì các ngươi đã thấy những dấu lạ - như lúc ban đầu, nhưng vì các ngươi đã được ăn bánh no nê và các ngươi đã hài lòng”. Chúa Giêsu tiết lộ ý định của họ và nói: “Nhưng như thế, các ngươi đã thay đổi ý định ban đầu”. Và dân chúng thay vì tự biện minh: “Không, Chúa ơi, không có đâu”, họ khiêm tốn nhìn nhận. Chúa Giêsu tiếp tục: “Các ngươi hãy ra công làm việc, không phải vì của ăn hay hư nát, nhưng vì của ăn tồn tại cho đến cuộc sống đời đời, là của ăn Con Người sẽ ban cho các ngươi.” Đám đông dân chúng, là những người tốt, đã nói: “Chúng tôi phải làm gì để gọi là làm việc của Thiên Chúa?” Chúa Giêsu đáp: “Ðây là công việc của Thiên Chúa, là các ngươi hãy tin vào Ðấng Ngài sai đến”. Đây là một trường hợp, trong đó Chúa Giêsu sửa chữa thái độ của mọi người, của đám đông, bởi vì giữa cuộc hành trình, họ đã rời xa ý định ban đầu, là tìm kiếm niềm an ủi tinh thần, và đã đi theo một con đường không đúng, một con đường trần tục chứ không phải là con đường Tin Mừng do Chúa Giêsu vạch ra.

Điều này khiến chúng ta phải tự xét mình, chúng ta bắt đầu với một con đường đi theo Chúa Giêsu, đằng sau Chúa Giêsu, theo đuổi các giá trị Tin Mừng, và nửa chừng chúng ta có một ý tưởng khác, chúng ta thấy một số dấu chỉ và chúng ta di chuyển theo hướng đó và chúng ta theo đuổi một cái gì đó có thể là tạm thời hơn, vật chất hơn, trần tục hơn, và chúng ta mất đi ký ức về nhiệt tình đầu tiên mà chúng ta có, khi nghe Chúa Giêsu nói. Chúa luôn trở lại cuộc gặp gỡ đầu tiên, và giây phút đầu tiên khi Ngài nhìn chúng ta, nói chuyện với chúng ta khiến chúng ta nảy sinh ước muốn theo Ngài. Đây là một ân sủng chúng ta phải cầu xin Chúa, bởi vì trong cuộc sống, chúng ta sẽ luôn có những cám dỗ lầm đường lạc lối. Chúng ta tự nhủ “Nhưng điều đó là OK, ý tưởng đó cũng tốt, không sao đâu” rồi chúng ta rẽ sang một bên. Chúng ta hãy cầu xin ân sủng luôn luôn quay trở lại ơn gọi đầu tiên, giây phút đầu tiên, và đừng quên, đừng quên câu chuyện của tôi, khi Chúa Giêsu nhìn tôi với tình yêu và nói với tôi: “Đây là con đường của con”

Tôi luôn nghĩ đến một trong số những điều mà Chúa Giêsu nói vào buổi sáng Phục sinh: “Xin các bà về nói với môn đệ Người và ông Phêrô rằng Người sẽ đến Galilê trước các ông. Ở đó, các ông sẽ được thấy Người như Người đã nói với các ông” (Mc 16:7), Galilê là nơi gặp gỡ đầu tiên. Ở đó các môn đệ đã gặp Chúa Giêsu. Mỗi người trong chúng ta đều có một “Galilê” của riêng mình, trong khoảnh khắc đó Chúa Giêsu đến gần chúng ta và nói: “Hãy theo Thầy”. Trong cuộc sống, những gì xảy ra với đám đông dân chúng ở đây là tốt, bởi vì sau đó họ hỏi Ngài: “Chúng tôi phải làm gì?”, và khi Chúa bảo họ, họ lập tức tuân theo - điều đó xảy ra khi chúng ta rời xa Chúa và tìm kiếm các giá trị khác, những thứ khác, và chúng ta mất đi sự mới mẻ của ơn gọi đầu tiên. Tác giả của thư gởi cho người Do Thái cũng đề cập đến chúng ta về điều này: “Hãy nhớ những ngày đầu tiên”. Đừng quên ký ức về cuộc gặp gỡ đầu tiên, ký ức về “Galilê của tôi”, khi Chúa nhìn tôi với tình yêu và nói: “Hãy theo Thầy”.