Bây giờ, nơi công cộng, trong nhà thờ, khu thương xá, ai đó lỡ ho hoặc hỉ mũi ắt xì, những người chung quanh không còn tỏ vẻ ái ngại nói, “Chúa chữa/God bless,” nhưng thay vào đó là những ánh mắt khó chịu. Tệ hơn, nếu người ho khan hoặc ắt xì mang khuôn mặt Trung Hoa, coi chừng dân chúng xúm vào… thế là bầm dập mặt mày! Bây giờ ghét nhau, người ta chỉ cần tung hê bản tin khu thương xá đó có khách nhiễm Covid-19 ghé vào ăn Phở, thế là ế như chùa Bà Đanh. Ứng xử của thế giới văn minh thật nhanh bị thay đổi cũng bởi vi khuẩn Covid-19, một vật thể nhỏ đến nỗi mắt thường không nhìn thấy, nhưng lại có khả năng đóng cửa đường biên giới nhiều quốc gia. Cả thế giới 7 tỉ người thông minh chung tay chặn lại đường lây lan và phát tán của vi khuẩn Covid-19. Nhưng đến thời điểm hiện tại, vẫn chào thua! Bởi thế, công trường Vatican giờ này vắng hoe. Toàn nước Ý, nội bất xuất, ngoại bất nhập. Hoa Kỳ cấm tất cả những chuyến bay từ Âu Châu, ngoại trừ Anh. Thủ đô Manila “lockdown” trong vòng một tháng (15/3 tới 14/4).

Xã Sơn Lôi vừa mở cửa sinh hoạt bình thường, Việt Nam đang chuẩn bị giai đoạn hậu vi khuẩn Vũ Hán. Nhưng thật bất ngờ, phố Trúc Bạch bị đóng bởi ca nhiễm 17 từ Luân Đôn bay về Hà Nội. Rồi thêm một ca 34 ở Bình Thuận, bay về từ Mỹ. Mới đây, ca 45 ở Tân Bình, Sài Gòn; rồi tin mới nhất, ca 46 của Quận 10, Sài Gòn. Cả hai 45 và 46 đều bị lây nhiễm bởi có liên hệ với ca 34. Ca số 17 của Việt Nam bị so sánh với ca số 31 của Hàn Quốc, người nhà thờ Tân Thiên Địa. Bà này, 61 tuổi, biết mình ho, sốt, nhưng không chịu đi khám bác sĩ hoặc cách ly, vẫn đi tham dự những buổi sinh hoạt đồng đảo tín hữu tham dự. Thế là Daegu của Hàn Quốc trở thành trung tâm dịch Coronavirus, tương tự Vũ Hán của Trung Quốc.

Tất cả những người dính hoặc nghi dính Covid-19, đều bị hoặc được đề nghị cách ly. Những người cố tình khai báo không thành thực tại phi trường bị cư dân mạng ném đá, những cục đá không hề nhỏ và nhẹ.

Bởi tính cách lây lan của Covid-19, nhiều trường học và nhà thờ trên thế giới đã đóng cửa. Học sinh, sinh viên học “online.” Đức Giáo Hoàng dâng lễ, giáo dân tham dự “online.” Chính quyền Philippines mới đây “lockdown” thủ đô Manila; tổng địa phận Manila ra thông báo huỷ bỏ tất cả những thánh lễ, đề nghị giáo dân tham dự thánh lễ Mùa Chay “online.”

Covid-19 cũng tạo ra hiện tượng loạn tin. Chỉ qua một đêm,

— Nhiều thầy lang vườn “chuyên môn về vi khuẩn chủng mới Vũ Hán” tự nhiên xuất hiện dầy đặc trên những trang mạng xã hội. Những toa thuốc vịt được chia sẻ với số lượng chóng mặt. Nghĩ cho cùng, cũng bởi nỗi sợ đi kèm với phương châm “có kiêng có lành.”

— Đi kèm toa thuốc vịt là những bản tin vịt về dịch Covid-19 được viết bởi những trang FaceBook cá nhân mang tính phóng đại, cường điệu, hoặc thật đáng tiếc hoàn toàn bịa đặt! Thí dụ, giờ này Covid-19 đã phát triển hóa ra: Covid-19, “đuôi” vi khuẩn HIV và “chân” Ebola…

Cả hai trường hợp kể trên đã góp phần vào hiện tượng gây hoang mang trong cộng đồng. Từ hoang mang bởi loạn tin dẫn đến hoảng loạn trong thương xá chỉ là một con đường hẻm!

Người phụ nữ xứ Samaria đi ra giếng nước vào giây phút khá bất ngờ. Cô đi một mình và đi vào buổi trưa. Lý do tại sao cô độc hành cuối cùng cũng được Đức Giêsu giải mã, đó là, cô đã có 5 đời chồng và người đàn ông cô đang chúng sống không phải là chồng cô (John 4:18). Tương tự những ca nhiễm Covid-19, người phụ nữ cũng cô đơn trên một đoạn đường đời bởi con vi khuẩn Co 5-1. Cô bị cách ly, bị cô lập, bởi thế cô đi ra giếng nước một mình và vào buổi trưa, thời điểm không ai ra giếng lấy nước, đặc biệt trong bối cảnh sa mạc như vùng Sychar. Nhưng thật bất ngờ, vào giây phút cô đơn bởi bị cách ly, cô gặp Thầy Thuốc ngay bên bờ giếng. Hội ngộ giếng nước với Đức Giêsu đã chữa lành vết thương của người phụ nữ bị cô lập, bị cách ly bởi vi khuẩn Co 5-1.

Covid-19 là một thông điệp Thiên Chúa (đang) gửi đến con người. Dù thông minh, siêu đẳng, tiến bộ, kỹ thuật, không ai trên trần gian có khả năng ngăn chận được cơn dịch toàn cầu viêm phổi chủng mới Corona. Người duy nhất có khả năng ngăn chận và hóa giải được trận dịch Covid-19 chính là Đức Giêsu bên bờ giếng (hoặc là Đấng Tối Cao của riêng độc giả). Qua những lời kinh nguyện, hy vọng thuốc chủng Covid-19 sẽ sớm trở thành một hiện thực.

Nghĩ cho cùng, bài học cho cái cao ngạo của tháp Babel năm xưa vẫn đang lập lại qua đại dịch Covid-19. Bài học đó chính là con người thực chất không phải và chưa bao giờ là đấng sáng tạo, nhưng vẫn chỉ là loài thụ tạo, và vẫn cứ là thụ tạo cho tới những ngày cuối cùng của trái đất. Lời phán của Tổng lãnh Thiên thần Micae khi xưa một lần nữa lại vang dội trong tâm hồn mọi người tín hữu: “Ai bằng Thiên Chúa!” Dưới lăng kiếng niềm tin, “Phúc cho những ai không thấy mà tin” (John 20:29) lại càng thêm giá trị.

Thiết nghĩ, thay vì đưa lên FaceBook hay Twitter những toa thuốc vịt hoặc những bản tin vịt hoặc hình ảnh vịt gây hoang mang, người tín hữu nên tiếp tục reo hạt giống Lời Chúa của Thầy Thuốc Giêsu, Đấng có vị thuốc chữa lành tất cả đại dịch. Ngay cả khi nhà thờ không còn cử hành thánh lễ bởi hoàn cảnh đại dịch, người tín hữu vẫn có thể tham dự thánh lễ “online” và lắng nghe những bài chia sẻ ngập tràn trên những phương tiện truyền thông. Khi đó, chúng ta vẫn đang sống đời sống đức tin, đặc biệt trong Mùa Chay của năm 2020.

Cuộc sống vẫn là một chuỗi dài của những chọn lựa. Mời người tín hữu chọn bước ra giếng nước gặp gỡ Thầy Thuốc chữa vi khuẩn viêm phổi Covid-19.