ĐỨC TIN VÀ “HƠI ÁO CỦA MẸ”

(Lễ Đức Mẹ Camêlô, Bổn Mạng giáo họ biệt lập Hoà Mục 17.7.2019)

(Is 35,1-6; Ep 1,3-10; Mt 12,46-50)

Ngày 14.10.2018, Đức đương kim Giáo Hoàng Phanxicô đã tuyên phong hiển thánh cho Chân Phước Giáo Hoàng Phaolô VI. Đây là một trong 4 Vị Thánh Giáo Hoàng của thế kỷ 20: Thánh Giáo Hoàng Pio X, Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII, Thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II và Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI.

Riêng Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI có để lại một giai thoại rất đặc biệt: Ngài luôn trân trọng và giữ bên mình chiếc áo Alba do mẹ ngài tặng khi ngài chịu chức linh mục. Chiếc áo này rất đặc biệt, vì được cắt may bằng vải trắng tháo ra từ chiếc áo cưới của Bà Cố. Vì thế, trong những dịp trọng đại, ngài mới mang chiếc áo này ra mặc[1].

Từ chiếc áo cưới “tình yêu hôn phối” của người mẹ trở thành chiếc áo Alba “tình yêu hiến tế linh mục” của con, khiến chúng ta nhớ tới “hai mảnh áo đạo đức bình dân” liên quan tới một “tấm áo của Người Mẹ khác” mà phụng vụ Hội Thánh mừng kính vào ngày 16.7 hàng năm: Đức Mẹ Camêlô; riêng cộng đoàn giáo họ Hoà Mục đã chọn danh hiệu “Đức Mẹ Camêlô” làm Quan Thầy bảo trợ giáo họ.

Trong truyền thống đức tin của Hội Thánh, Phụng vụ kính Đức Mẹ luôn gắn liền với một đặc ân và cũng là tín điều: Đức Mẹ Vô Nhiễm, Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, Đức Mẹ Hồn xác lên trời, Đức Mẹ trọn đời đồng trinh; và 3 tín điều đầu tiên đều kính nhớ với bậc phụng vụ lễ trọng.

Hôm nay, phụng vụ kính Đức Mẹ lại gắn với một danh xưng địa lý: Đức Mẹ núi Camêlô. Cho dù phụng vụ lễ Đức Mẹ Camêlô trong thứ bậc hiện nay của Hội Thánh chỉ là bậc “lễ nhớ không bắt buộc”, tức bậc áp chót (thứ 12), chỉ trên phụng vụ ngày thường (bậc 13). Tuy nhiên, xét về truyền thống Thánh Kinh và nhất là, truyền thống chiêm niệm và đạo đức bình dân của dân Chúa, ngày lễ nầy có một ý nghĩa đặc biệt và một tầm ảnh hưởng lâu dài và rộng lớn.

Trước hết, núi Camêlô (hay còn được gọi là Các-men), từ thời Cựu ước đã xuất hiện như dấu chỉ rạng ngời của vinh quang Thiên Chúa, nơi Thiên Chúa hiên diện, nơi thánh, như chúng ta vừa nghe qua trình thuật của sách ngôn sứ Isaia: “Sa mạc được tặng ban ánh huy hoàng của núi Li-băng, vẻ rực rỡ của núi Các-men và đồng bằng Sa-ron. Thiên hạ sẽ nhìn thấy ánh huy hoàng của ĐỨC CHÚA, và vẻ rực rỡ của Thiên Chúa chúng ta”.

Chúng ta cũng đừng quên, địa danh núi Camêlô luôn đi liền với một vị Đại Tiên Tri: ÊLIA. Theo sách Các Vua, chính trên ngọn núi nầy, ngôn sứ Êlia đã thiết lập bàn thờ kính Chúa, chiến thắng và tiêu diệt 450 sư sải của thần Baal, củng cố niềm tin cho dân Chúa; và qua lời chuyển cầu của vị đại tiên tri nầy, Chúa đã chấm dứt thời hạn hán và tuôn đổ mưa xuống để mang lại sự sống…

Chính vì thế, nếu nghĩa đen trong tiếng Do Thái “Camêlô” có nghĩa là “Vườn nho của Chúa”, thì quả thật, danh xưng nầy đã trở thành biểu tượng của sự an toàn, của niềm cậy trong, của lòng xót thương và bảo vệ của Thiên Chúa, như cách diễn tả của ngôn sứ Isaia:

“Hãy làm cho những bàn tay rã rời nên mạnh mẽ, cho những đầu gối bủn rủn được vững vàng. Hãy nói với những kẻ nhát gan: "Can đảm lên, đừng sợ! Thiên Chúa của anh em đây rồi; sắp tới ngày báo phục, ngày Thiên Chúa thưởng công, phạt tội.Chính Người sẽ đến cứu anh em."

Và những dấu chỉ “tiên trưng” của Cựu Ước, trong đó có “núi Camêlô”, lại được Tân ước tiếp tục hiện thực hoá trong đời sống đức tin của dân Chúa, nhưng với một chiều kích mới.

Thật vậy, trong sứ mệnh của một “Đại ngôn sứ”, Đức Kitô siêu vượt đại tiên tri Êlia của Cựu ước, để thiết lập một trật tự phụng thờ mới “không còn ở trên núi nầy hay núi nọ” (Ga 4,21), nhưng là “trong Thánh Thần và chân lý” (4,22), nhất là trên chính đền thờ núi thánh là “Thân xác Ngài” (2,21). Chân lý nầy được Thánh Phaolô diễn tả thật sống động trong bài Thánh thi khởi đầu thư gởi giáo đoàn Êphêsô:

“Trong Đức Ki-tô, từ cõi trời, Người đã thi ân giáng phúc cho ta hưởng muôn vàn ơn phúc của Thánh Thần. Trong Đức Ki-tô, Người đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan Người, ta trở nên tinh tuyền thánh thiện, nhờ tình thương của Người…. Người cho ta được biết thiên ý nhiệm mầu: thiên ý này là kế hoạch yêu thương Người đã định từ trước trong Đức Ki-tô. Đó là đưa thời gian tới hồi viên mãn là quy tụ muôn loài trong trời đất dưới quyền một thủ lãnh là Đức Ki-tô.”

Nhưng Đức Kitô đã có mặt trong trần gian nầy lại phải qua con đường thường tình nhân loại: được mẹ cưu mang 9 tháng, được sinh ra và lớn lên trong dòng sữa và lời ru của mẹ. Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe đã làm chứng về điều đó: Người còn đang nói với đám đông, thì có mẹ và anh em của Người đứng bên ngoài, tìm cách nói chuyện với Người; và không chỉ Mẹ Maria là “Mẹ đã cưu mang Chúa Giêsu theo huyết nhục”, mà Mẹ còn Cưu mang “Lời Nhập Thể” qua việc lắng nghe, tuân phục và thực thi Thánh ý Thiên Chúa với lời “Xin Vâng” trọn hảo, như chính Đức Kitô đã khẳng quyết: "Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi.".

Kể từ giây phút nhận lãnh lời trăn trối của Con Mẹ bên Thánh giá “Đây là Mẹ con…Đây là con Mẹ…”, Mẹ Maria luôn hiện diện, đồng hành và che chở Hội Thánh.

Theo truyền thuyết, ngay từ thuở ban đầu phát sinh các cộng đoàn Kitô hữu, đã có nhiều người tìm tới núi Camêlô, theo dấu chân xưa của Êlia: tránh cơn bách hại, củng cố niềm tin…, để tận hiến cho Đức Mẹ và sống đời chiêm niệm. Mãi cho đến thế kỷ 13, nhất là vào năm 1226, Dòng chiêm niệm Camêlô chính thức được thiết lập và Đức Giáo Hoàng Honorius III đã phê chuẩn luật dòng và cho phép Dòng mừng long trọng lễ Đức Mẹ Camêlô.

Ngoài việc tận hiến cho Đức Mẹ và kêu cầu Mẹ như Đấng bảo trợ của Hội Dòng, “áo Đức Bà Camêlô”, một việc đạo đức đức bình dân được chính Đức Mẹ truyền cho thánh Tu Viện trưởng của Dòng người Anh là Simon Stock vào ngày 16 tháng 7 năm 1251, như một bảo đảm phần rỗi dành cho những ai chân thành sùng kính Mẹ khi mang “tấm áo Camêlô” nầy.

Nhắc tới tấm “Áo Đức Bà Camêlô”, tôi chợt nhớ tới bài thơ “tấm áo của mẹ” của nhà thơ Thế Sáng:

Khi con lớn lên đã thấy áo mẹ rồi

Tấm áo mẹ may từ hồi con gái,

Thu đi qua, đông trở lại

Thầm lặng bốn mùa, áo mẹ gói thời gian!

Vạt áo nào lau nước mắt mẹ chứa chan ?

Chùi vội tiễn con lên đường đi cứu nước.

Vạt áo nào con vịn vào tập bước?

Lau cơn sài, chùi mặt lấm cho con!

Vạt áo nào cùng lòng mẹ ru con?

À ơi! Cho ấm đêm đông cho trời mau sáng

Có cánh cò bay ra đồng cùng năm tháng,

Mồ hôi lưng áo mẹ sương xa!

Vạt áo nào vá mụn bảy, mụn ba?

Bọc gạo mẹ vay bên nhà hàng xóm,

Lối nhỏ hàng cau như còn in bóng...

Bấy lâu nay nhớ áo mẹ, con về.

Vẫn làng mình uốn khúc dải đê

Chim khách kêu cả bờ tre bối rối!

Đón con về cánh đồng quê gió thổi

Gió quê mình, có hơi áo mẹ của con!

Kính thưa cộng đoàn, đặc biệt, ông bà anh chị giáo họ Hoà Mục, còn được gọi là Mương Lỡ, hôm nay chúng ta về mừng lễ Mẹ, có lẽ chúng ta cũng cảm nhận được điều nầy: “Gió quê mình, có hơi áo mẹ của con!”. Vâng, “Hơi áo Mẹ” của người Kitô hữu chúng ta đó là Kinh Kính Mừng, là Áo Đức Bà Camêlô, là kinh Lạy Nữ Vương, là kinh cầu Đức Mẹ, là những tối dâng hoa tháng Năm, là tràng chuỗi Mân Côi tháng mười….Đức Mẹ đã đồng hành với những bước thăng trầm của giáo xứ, của cộng đoàn, của từng gia đình. Như các tu sĩ Dòng Camêlô, cho dù phiêu dạt nơi đâu, cho dù phải chịu bao cơn bách hại, đoạ đầy…vẫn trung kiên phó thác cho “tấm áo chở che dịu hiền” của Mẹ. Đó không là một sự mê tín hão huyền, nhưng là một niềm tin vững vàng đúng đắn, như Công Đồng Vatican II đã xác quyết trong Hiến chế Giáo Hội: “lòng sùng kính chân chính không hệ tại tình cảm chóng qua và vô bổ, cũng không hệ tại một sự dễ tin phù phiếm, nhưng phát sinh từ đức tin chân thật, dẫn chúng ta đến chỗ nhìn nhận địa vị cao cả của Mẹ Thiên Chúa và thúc ta lấy tình con thảo yêu mến và noi gương các nhân đức của Mẹ chúng ta” (GH 67).



Trương Đình Hiền

[1] Lm. Đaminh Trần Ngọc Đăng. Bài viết “TẤM ÁO CỦA MẸ”. Nguồn: http://gpphanthiet.com/vi/news/chuyen-de/tam-ao-cua-me-1878.html