Nhân ngày Nhà Giáo 21/11: Chút tâm tình gửi vào bụi phấn

Lại một ngày nhà giáo nữa đi qua. Những cánh thiệp. Những đoá hoa. Và những gói quà đủ kích cỡ đủ màu sắc. Tôi nhìn thấy những gương mặt hân hoan, của học trò, của thầy cô giáo và những nét âu lo của cả phụ huynh. Khi em gửi cho thầy cô một món quà, em gói trong ấy bao là tình cảm dễ thương và đáng quí. Chính những tình cảm ấy, chứ không phải tự những món quà, là sự khích lệ quí báu để thầy cô còn đủ can đảm đứng trên bục giảng. Hãy thử tưởng tượng, một ngày kia khi không còn tình nghĩa thầy trò, thì có ai còn can đảm chọn nghề giáo ?

Nhưng em ơi, cho tôi xin lỗi vì hôm nay khi tôi đã từ chối không nhận món quà của lớp em và lúc đó em có vẻ không vui. Đối với tôi, món quà vẫn là cái gì tốt đẹp bởi vì trong đó có cả một tấm lòng. Nhưng hãy cho phép tôi từ chối, bởi vì tôi đã nhìn thấy nhiều quá, thấy những vất vả nhọc nhằn của bạn bè em, thấy những ánh mắt rụt rè e ngại khi không biết còn đủ tiền đóng vào quỹ lớp hay không. Và tôi cũng thấy những nét âu lo trên vầng trán và trong mắt em, khi mà học phí kỳ một chưa đóng, khi mà chủ nhà trọ đang hỏi tiền nhà, khi chỗ dạy kèm tháng này không có. Vâng, cuộc sống bao giờ cũng đẹp nhưng quả thật cuộc sống không bao giờ là dễ dàng cho những con người đang cố gắng bước đi trong đó. Và tôi, ước mong giúp em tránh đi một chút nhọc nhằn. Và đâu nhất thiết là cứ ngày nhà giáo là phải tặng quà ?

Dù sao cũng xin cám ơn em, cám ơn em thật nhiều.

Nghề giáo là cái nghề lạ lắm. Người ta không làm giàu bằng nghề giáo được cho dù có lúc cuộc sống cũng dễ thở. Không phải một người, hai người nói điều ấy mà đó là kinh nghiệm của lớp lớp người đã đứng trên bục giảng. Nhưng cái lạ không nằm chỗ đó, cái lạ là những ai đã gắn bó với nghề thì cũng như đã gắn bó với một người tình, không dễ gì dứt bỏ. Và nếu có phải vì những éo le của cuộc đời, như một thứ định mệnh, mà phải dứt bỏ nó, thì lòng người ta vẫn phải dằn vặt, tiếc nuối, và không dễ gì thích ứng với nghề mới mà quên đi được những ngày mình cầm phấn đứng trước những ánh mắt khát khao tri thức. Và cái khắc nghiệt cho người đã “trót” làm nghề giáo nằm ở chỗ đó. Có lúc không “dứt” được mà vẫn phải “bỏ”. Lâu lâu đọc một bài báo đặt vấn đề tại sao giáo viên nghỉ việc ai cũng xót xa cho cái khắc nghiệt ấy.

Có một anh bạn tôi là giáo viên giỏi một trường trung học có tiếng ở Sàigòn thập niên 2000. Anh đã quyết định bỏ nghề vì những qui định phi lý và cách ứng xử tệ trong ngành giáo dục. Anh thương yêu học trò và yêu nghề, nhưng anh không muốn làm trái lương tâm mình.

Và ngày nhà giáo là dịp cho học trò tỏ tấm lòng đối với thầy cô. Tấm lòng học trò là phần thưởng lớn nhất, ánh mắt học trò là khích lệ cao quý nhất mà người thầy, chứ không phải ai khác, nhận được trong mỗi ngày làm việc của mình. Cái níu chân nhà giáo ở lại với bục giảng là ở đó. Thế thì có cần đến ngày nhà giáo không? Vâng, cần, cần ngày nhà giáo như cần một ngày mà người đi sau ngước nhìn người đi trước với sự kính trọng và cám ơn. Sự kính trọng và cám ơn như một mùi hương quí làm cho những bước chân trên đường sỏi đá, của cả thầy lẫn trò, đều dịu đi một chút và đẹp hơn một chút.

Nhưng sẽ là không cần chút nào cả khi đó là dịp để học trò phải tặng những món quà, có khi khá đắt giá, làm nặng thêm đôi vai học trò. Những món quà biểu lộ nhiều tấm lòng. Nhưng có một điều tôi có thể quả quyết mà không sợ sai lầm rằng tấm lòng không bao giờ đồng nghĩa với những món quà. Có những món quà biểu lộ tấm lòng, nhưng không bao giờ là đủ so với tấm lòng người tặng quà. Nếu món quà bằng với tấm lòng thì tội nghiệp tấm lòng quá! Nhiều tấm lòng đẹp mà chẳng cần biểu lộ bằng quà cáp. Và ngược lại, có những món quà lớn mà không hề biểu lộ chút lòng nào.

Tôi xin được nhắc lại một câu chuyện cách đây ít lâu khi tôi mới đi dạy học. Trên một chuyến xe về Hố Nai, tôi ngồi cạnh một người đàn bà đứng tuổi, bà hỏi tôi: “Cháu làm nghề gì?” Tôi đáp thờ ơ: “Dạ cháu đi dạy”. Bà liền chép miệng: “Tội nghiệp cháu quá”. Tôi đã định nói cũng chẳng tội nghiệp gì lắm đâu bà ạ. Nhưng may mà tôi không lý giải gì cả. Sau này khi tôi học trường Luật, tôi nhớ có thầy kể lại một chuyện cũng gần giống như thế. Người ta nói với thầy là học Luật sao không đi làm luật sư “ngon” hơn (!). Có phải cần có những món quà ngày nhà giáo để an ủi người đã “trót lỡ” !

Chưa hết, ngày nhà giáo sẽ không cần khi mà nhân ngày đó người ta thi nhau khuyến mãi. Quà gói sẵn đủ loại đủ cỡ, có ghi giá đàng hoàng. Từ bông hoa hồng giả cho tới những quần áo thật. Từ cây bút nhẹ như bông cho tới chồng tập nặng như núi. Thầy cô đứng nhìn vào siêu thị là biết ngay mình sẽ có thứ gì trong ngày thiêng liêng ấy. Những bích chương, những quảng cáo. Khuyến mãi nhân ngày nhà giáo, biết là vì nhà giáo hay vì nhà buôn? Nhà tiếp thị giỏi là người biết tìm mọi cơ hội để đánh vào người tiêu dùng. Nhưng chắc cũng cần có một chỗ nào đó cho người ta quyết định theo con tim thì cuộc đời mới đẹp chứ phải không ? Chưa hết. Có những giờ học xong, học sinh thưa thầy (cô) ra ngoài một chút cho tụi em bàn chuyện riêng, mà thầy cô nào cũng biết là “tụi em góp tiền mua quà”. Có thầy cô nào không ái ngại.

Và cũng xin ai làm trong ngành giáo dục hãy tôn trọng học trò. Có một vị có chức quyền ở đại học nọ, khi nghe tôi nói rằng có nhiều sinh viên không đóng học phí được vì nghèo quá, vị đó la lên: “Không có tiền mà bày đặt đi học!”. Tôi bàng hoàng y như chính người bị hạ nhục, và vì quá bất bình, tôi đã phải thốt lên lời hơi nóng nảy. Nhưng cuộc đời này mà tính toán như thế thì buồn quá. Cùng với Francois Sagan, học trò cứ phải nói: “Bonjour, la tristesse” (Buồn ơi, xin chào). Không ít thầy cô khi phải nhận những món quà từ học trò, vừa cảm động vì tấm lòng của họ và vừa lo lắng cho hoàn cảnh của họ

Vậy hãy trả lại cho nhà trường và giáo dục ý nghĩa của nó và hãy giảm bớt đi những gồng gánh ăn theo. Thật ra ngày gọi là nhà giáo cũng chỉ là ngày của một hiến chương của các nước xã hội chủ nghĩa mà thôi, chứ chẳng phải của Việt nam và cũng chẳng phải của thế giới. Nhạc sĩ Vũ Hoàng có phổ nhạc bài thơ Phượng Hồng của Đỗ Trung Quân: “Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng”. Còn tôi, tôi lại nghĩ đến “những chiếc giỏ xe chở đầy quà cáp” vào ngày 20 tháng 11 và những chiếc xe nặng nề của phụ huynh bươn chải kiếm sống!

Gioan Lê Quang Vinh