Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Quý vị và anh chị em đang theo dõi phóng sự đặc biệt của chúng tôi về biến cố hàng trăm ngàn người Nga tưởng niệm 100 năm Sa Hoàng Nicholas Đệ Nhị bị cộng sản sát hại.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Những hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy đây là cuộc diễu hành vào lúc mờ sáng ngày thứ Ba 17 tháng 7 vừa qua tại thành phố Yekaterinburg trong rặng núi Urals.

Đức Thượng Phụ Kirill của Chính Thống Giáo Nga đã dẫn đầu đoàn rước và sau đó ngài chủ sự buổi lễ tưởng niệm 100 năm Sa Hoàng Nicholas Đệ Nhị và gia đình ông bị cộng sản thảm sát.

Hàng trăm ngàn người đã tham gia vào cuộc diễu hành này dù được tổ chức vào lúc 3 giờ sáng để đánh dấu đúng thời điểm xảy ra biến cố bi thảm này 100 năm trước đây.

Cuộc diễu hành bắt đầu vào những giờ đầu tiên của ngày thứ Ba từ địa điểm nơi cuộc hành quyết diễn ra ở thành phố Yekaterinburg trong rặng núi Urals và kết thúc tại một tu viện với lễ tưởng niệm biến cố lịch sử khi Sa Hoàng, phu nhân ông là một người gốc Đức, và 5 người con bị giết.

Nhiều tín đồ nhiệt thành đến từ khắp nước Nga và cả từ nước ngoài để tham gia vào nghi lễ đầy màu sắc trong đó nhiều người mang theo các ảnh tượng.

Một nhóm khác khoảng 20,000 người tham gia vào lễ tưởng niệm khi đoàn diễu hành của họ đến tu viện Ganina Yama sau cuộc rước dài đến 21 km.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Sa Hoàng Nicholas Đệ Nhị sinh ngày 18 tháng 5 năm 1868 là vị vua cuối cùng của nước Nga. Ông cai trị quốc gia từ ngày lễ Các Thánh 1 tháng 11 năm 1894 cho đến khi bị buộc phải từ bỏ ngai vàng vào ngày 15 tháng Ba năm 1917.

Mùa hè năm 1917, ông và gia đình bị bắt và bị giam tại thành phố Tobolsk /tô-bôn-ski/.

Bọn cộng sản đã bắn chết Sa Hoàng, vợ và năm đứa con ông cùng với những người hầu và bác sĩ của họ vào đêm 16 rạng sáng 17 tháng 7 năm 1918 khi họ đang bị canh giữ tại thành phố Sverdlovsk, giờ đây gọi là Yekaterinburg.

Tu viện Ganina Yama được xây dựng tại một trong những địa điểm mà các thi hài bị đốt cháy của vị Sa Hoàng Nga cuối cùng và gia đình của ông được chôn cất. Sau này, thi thể của họ được cải táng đến một nơi khác. Cuối cùng, xương của Nicholas, vợ ông và các con của họ đã được chôn cất tại Saint Petersburg vào ngày 17 tháng 7 năm 1998.

Năm 1981, khi cộng sản vẫn còn cai trị tại Nga, Sa Hoàng Nicholas, vợ ông và các con được Chính Thống Giáo Nga bên ngoài nước Nga tuyên phong là các vị tử vì đạo.

10 năm sau đó, tháng 8 năm 1981 xảy ra chính biến, đảng cộng sản bị đặt ra ngoài vòng pháp luật.

Ngày lễ Đức Mẹ Lên Trời 15 tháng 8 năm 2000, Chính Thống Giáo Nga chính thức tuyên thánh cho ông.

Phát biểu với những người hành hương, Đức Thượng Phụ Kirill nói Nga nên rút ra những bài học “từ kinh nghiệm bi thảm và cay đắng này”.

“Chúng ta thực sự nên có một khả năng miễn dịch lâu dài đối với bất kỳ ý tưởng và bất kỳ nhà lãnh đạo nào kêu gọi chúng ta nắm lấy một tương lai hạnh phúc mới, đầy mơ hồ không biết đưa đất nước đi về đâu nhưng trước mắt là sự hủy diệt cuộc sống, truyền thống và đức tin của chúng ta”, nhà lãnh đạo Giáo Hội 71 tuổi nói.

Điện Kremlin không có lễ kỷ niệm chính thức nhưng các quan chức từ bộ văn hóa đến bộ quốc phòng đã tham gia vào các buổi tưởng niệm tại Mạc Tư Khoa.

Lễ tưởng niệm cái chết của Sa Hoàng ngày càng thu hút đông đảo người tham gia. Năm 2002, chỉ có 2,000 người tham gia vào một cuộc diễu hành tương tự. Năm nay con số đã lên đến hàng trăm ngàn người.