“Kim chỉ nam của người Kitô hữu là bước theo Đức Kitô chiu đóng đinh”: Người không phải là một Đấng “vô hình và trừu tượng” nào khác, mà là một Thiên Chúa làm người và “gánh chịu mọi vết thương của người anh em chúng ta”. Đề nghị của Đức Thánh Cha Phanxicô về Mùa Chay đã được gợi lên trong bài suy niệm trong thánh lễ vào sáng thứ năm ngày 2 tháng 3, tại nhà nguyện Thánh Mát-tha, là một lời kêu gọi mãnh liệt về sự thống hối và về khía cạnh cụ thể của thực tại.
“Lời của Thánh Mathêu (4:17) trong phụng vụ hôm nay gơi cho chúng ta suy tư về ba thực tại để có được tinh thần sám hối nầy: thực tại về con người là thực tại về đời sống; thực tại về Thiên Chúa và thực tại về con đường”. “Cả ba thực tại đều là những kinh nghiệm nhân bản, tuy nhiên, cả Giáo Hội và chính chúng ta nữa, cần phải đối diện với cách sám hối nầy.
Thế thì, thực tại thứ nhất là “thực tại về con người đứng trước một sự lựa chọn”, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã xác nhận thực tại này bằng cách trích đoạn Sách Dân Số (30:15-20) đề ra trong phụng vụ rầng: “Này đây, hôm qua Ta đã đặt để ngươi trước sự sống và sự thiện, trước sự chết và sự ác”. Chúng ta là con người, cho dầu khi chúng ta đối diện với một sự thiện hay là sự ác, thì Chúa Kitô “không bỏ chúng ta đơn chiếc trước thực tại này, Chúa dạy dỗ chúng ta, Chúa răn bảo chúng ta: hãy cẩn thận, vì có sự thiện và sự ác; hãy thờ lạy Thiên Chúa, hãy tuân giữ các điều răn là con đường dẩn đến sự thiện; đi theo con đường khác là con đường thờ ngẩu tượng, thờ những tà thần – có nhiều thứ tà thần – mà làm cho con người lầm lạc trong đời sống.”
Đức Thánh Cha tiếp tục: còn một thực tại khác, thực tại thứ hai rất mạnh mẽ: đó là thực tại về Thiên Chúa”. Đúng vậy, “Thiên Chúa đang hiện diện, nhưng Thiên Chúa hiện diện như thế nào? Đó là Thiên Chúa hiện diện trong Đức Kitô và đối với các môn đệ thì thực tại nầy thật khó hiểu”. Thiên Chúa cũng đã mặc lấy thực tại nhân bản nầy, ngoại trừ tội lỗi: Thiên Chúa không hiện diện nếu không có Đức Kitô là một Thiên Chúa “làm người”. Nếu không có thực tại nầy, thì Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa thật.” Đúng thế, thực tại Thiên Chúa là Thiên Chúa làm người trong Đức Kitô cho chúng ta, để cứu vớt chúng ta. Thế nên, khi chúng ta lánh xa thực tại đó, là chúng ta xa lánh thập giá của Chúa Kitô, xa lánh những vết thương của Chúa Kitô, thì cũng như chúng ta xa lánh tình yêu, lòng thương xót và ơn cứu độ của Chúa, để mà đi tìm một Thiên Chúa trừu tượng, xa cách. Thiên Chúa trừu tượng, xa cách không phải là con đường của một Thiên Chúa đến với chúng ta, tiếp cận với chúng ta để cứu chúng ta và chịu chết cho chúng ta”. .
Vậy thì, thứ nhất là “thực tại về con người, có nghĩa là con người được đặt để trước sự thiện và sự ác, thứ hai là thực tại về Thiên Chúa, nghĩa là Thiên Chúa làm người trong Đấng Kitô; và thứ ba là thực tại về con đường”. “Vấn đề đặt ra là chúng ta chọn con đường nào?” Đức Thánh Cha nhắc lại sức mạnh của lời Chúa Giêsu: “Ai muốn theo Ta, thì từ bỏ chính mình, vác thánh giá của mình hàng ngày mà theo Ta.” Bởi vì, “thực tại về con đường chính là con đường của Chúa Giêsu: hãy bước theo Chúa Giêsu, vâng theo ý Thiên Chúa Cha, như Chúa Giêsu đã vâng theo, vác thánh giá của mình mỗi ngày và từ bỏ chính mình để theo Chúa Kitô. Như thế có nghĩa là không làm điều tôi muốn, nhưng làm điều Chúa Giêsu muốn, để bước theo Chúa Giêsu. Và Chúa nói “chúng ta mất sự sống trên con đường này hầu đạt được sự sống đời sau.”
“Ba thực tại nhân bản nầy là kim chỉ nam của người Kitô hữu; với ba bảng chỉ đường này thì chúng ta sẽ không bao giờ bị lạc đường”. Đây cũng là lời đề nghị cho đầu Mùa Chay. Chúa phán: ‘Hãy sám hối’, có ý nói là hãy coi trọng những thực tại về các kinh nghiệm nhân bản nầy.
Chúng ta không có Mùa Chay nếu không có ba thực tại này. Chúng ta phải sám hối trở về với Thiên Chúa, không phải là một Thiên Chúa trừu tượng, mà là một Thiên Chúa cụ thể làm người trong Chúa Kitô”.
(Nguồn:VIS) PT Huỳnh Mai Trác trích dịch.