Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Tổng thống tham quyền cố vị: Cộng hòa Dân chủ Congo rơi vào hỗn loạn

Đức Thánh Cha Phanxicô lên tiếng kêu gọi hòa bình và hòa giải tại Cộng hòa Dân chủ Congo hôm Chúa Nhật 18 tháng 12.

Quốc gia tại miền Trung châu Phi đang trải qua một giai đoạn khủng hoảng chính trị vì tổng thống nước này tham quyền cố vị. Tổng thống Joseph Kabila hết nhiệm kỳ vào ngày thứ Hai 19 tháng 12 nhưng ông tuyên bố sẽ tiếp tục nắm chính quyền và một cuộc bầu cử lại không thể được tiến hành ít nhất là cho đến sau năm 2018.

Tình trạng bất ổn - bao gồm các cuộc biểu tình và bạo động, đã diễn ra sau các cuộc buộc là tổng thống Joseph Kabila âm mưu duy trì quyền lực vô thời hạn.

Trong buổi đọc Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 18 tháng 12, Đức Thánh Cha nói:

“Tôi xin tất cả anh chị em hãy cầu nguyện để cuộc đối thoại tại nước Cộng hòa Dân chủ Congo có thể mở ra trong sự thanh thản để tất cả các hình thức bạo lực có thể tránh được vì lợi ích của quốc gia này.”

Tại thủ đô Kinshasa, cảnh sát đã thiết lập các trạm kiểm soát, trong khi binh sĩ trong những xe bọc thép đã được triển khai đến các điểm chiến lược trên khắp thành phố 12 triệu dân này.

Các chuyến bay đến Cộng hòa Dân chủ Congo đã trống rỗng, trong khi các chuyến bay từ nước này ra hải ngoại đầy ắp các thành viên của tầng lớp thượng lưu đang bỏ trốn ra nước ngoài.

2. Đức Tổng Giám Mục Colombia bị dọa giết bởi các thành phần chống đối hiệp ước hòa bình

Đức Tổng Giám mục Dario de Jesus Monsalve Meijia của tổng giáo phận Cali, Colombia, tiết lộ rằng ngài bị dọa giết vì đã tham gia làm trung gian cho một thỏa thuận hòa bình giữa chính phủ và phiến quân cộng sản gọi tắt là FARC.

Đức Tổng Giám Mục nói với các phóng viên rằng nhiều tờ rơi đã được quăng vào nơi cư trú của ngài, đe dọa rằng “bọn FARC” và “các giáo sĩ cộng sản” sẽ phải chết. Ngài nói rằng nếu những mối đe dọa như thế giành được cảm tình của dân chúng thì sẽ không thể nói đến hai chữ “hòa bình”, chưa kể đến các nỗ lực tiếp cận với các nhóm bất đồng tại quốc gia này để tiếp tục con đường đối thoại.

Đức Tổng Giám Mục cho biết mặc dù ngài đã báo cáo mối đe dọa này với cảnh sát, ngài không hề lo sợ cho cuộc sống của mình. Ngài nhấn mạnh rằng các nhà lãnh đạo chính trị phải vượt qua những mối đe dọa để hoàn tất hiệp ước hòa bình này.

3. Máu Thánh Januarius không hóa lỏng khiến người dân Naples lo sợ là điềm xấu

Một phép lạ diễn ra liên tục trong nhiều thế kỷ qua, là bửu huyết của Thánh Januarius hóa lỏng vào ngày 16 tháng 12, đã không xảy ra trong năm nay như dự kiến vào tuần trước, gây lo lắng cho các tín hữu.

Thánh Januarius (hay còn được gọi là Gennariô) là giám mục thành Benevento, nước Ý và được chọn làm quan thầy của thành Naples nước này. Ngài chịu tử đạo trong cuộc bách hại dưới triều hoàng đế La Mã Diocletian vào ngày 19 tháng 9 năm 305.

Ngài bị chặt đầu cùng với các phó tế Festus, Sosius và Proculus; thầy đọc sách Desiderius và hai giáo dân Eutyches và Acutius. Tất cả đều bị bắt khi đến thăm Sossus, là phó tế và đang bị tù ở Pozzuoli. Sau khi bị bắt, họ bị quăng vào đấu trường để gấu xé xác nhưng chúng không làm hại các ngài, bởi đó họ bị chém đầu.

Một lọ máu khô của ngài được lưu trữ trong nhà thờ chánh tòa Naples. Một hiện tượng kỳ lạ không giải thích được là máu khô của ngài hóa lỏng mỗi năm ba lần: vào ngày 19 tháng 9, ngày lễ kính thánh nhân; ngày Chúa Nhật đầu tiên của tháng Năm, kỷ niệm di tích của ngài được rước vào nhà thờ chánh tòa Naples; và vào ngày 16 tháng 12, kỷ niệm vụ phun trào núi lửa Vesuvius. Giáo Hội chưa từng chính thức tuyên bố đây là phép lạ, mặc dù Đức Tổng Giám Mục Naples thường xuyên chủ sự các buổi lễ tại đó và hộp đựng máu khô được đặt trên bàn thờ và phép lạ được công bố khi máu của ngài hóa lỏng.

Tuy nhiên, máu đã không hóa lỏng vào ngày 16 tháng 12 năm nay. Mặc dù, sự kiện kỳ lạ này đã xảy ra, như mong đợi, một vài tháng trước đó, vào ngày 19 tháng 9.

Nhiều cư dân của Naples tin rằng việc máu của thánh nhân không hóa lỏng là một dấu chỉ cho thấy các bi kịch sẽ xảy đến cho thành phố. Gần đây, khi máu của thánh nhân không hóa lỏng vào năm 1980, một trận động đất đã xảy ra ít ngày sau ở phía nam thành phố Naples làm hơn 2,500 người thiệt mạng. Một trường hợp tương tự vào năm 1939, khi một bệnh dịch tả tấn công thành phố ngay trước khi bùng nổ Thế chiến thứ hai; và vào năm 1943, khi quân đội Đức Quốc xã chiếm đóng Ý. Trong quá khứ xa xôi nhất, sự vắng mặt của các phép lạ thường được kết hợp với các tổn thất quân sự, các vụ phun trào núi lửa, và sự bùng phát của các dịch bệnh.

4. Đức Thánh Cha sẽ thực hiện cuộc hành hương đến Fatima nhân kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra

Hôm thứ Bẩy 17 tháng 12, Phòng Báo Chí Tòa Thánh cho biết Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ thực hiện một cuộc hành hương đến Đền Thánh Đức Mẹ Fatima ở Bồ Đào Nha vào ngày 12 và 13 tháng Năm năm tới 2017.

Cuộc hành hương này là để đáp lại một lời mời Tổng thống Marcelo Rebelo de Sousa, cũng như của các giám mục Bồ Đào Nha.

Ngày 13 Tháng 5, 2017 là ngày đánh dấu kỷ niệm lần thứ 100 Đức Trinh Nữ Maria hiện ra lần đầu tiên với ba trẻ em: Thánh Francisco Marto (1908-1919), Chân phước Jacinta Marto (1910-1920), và Lucia Santos (1907-2005), là người đã trở thành một nữ tu.

5. Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 ca ngợi người sáng lập Mạng Công Giáo toàn cầu EWTN

“Mẹ Angelica là một phụ nữ tuyệt vời, rất dũng cảm”. Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 đưa ra nhận xét trên hôm 15 tháng 12 khi ngài chào đón các biên tập viên của ACI Stampa, một thông tấn xã tiếng Ý, chi nhánh của EWTN. Các biên tập viên đã gặp Đức Bênêđíctô thứ 16 để trao cho ngài một tấm thiệp Giáng sinh.

Mẹ Angelica đã qua đời vào Chúa Nhật Phục Sinh năm 2016 ở tuổi 92.

Tháng Ba vừa qua, phản ứng trước tin mẹ Angelica qua đời, Đức Bênêđíctô thứ 16 nói mẹ Angelica là “một ân sủng” Chúa ban cho Giáo Hội.Thư ký riêng của ngài là Đức Tổng Giám Mục Georg Ganswein nói với thông tấn xã CNA.

Các biên tập viên của ACI Stampa đã có cuộc gặp gỡ với Đức Bênêđíctô thứ 16 sau buổi lần chuỗi Mân Côi vào buổi trưa của ngài hôm 15 tháng 12 tại hang đá Lộ Đức ở Vườn Vatican. Họ trình bày cho Đức Bênêđíctô thứ 16 một bộ sưu tập tất cả các bài viết dành riêng cho ngài kể từ ACI Stampa bắt đầu tháng 3 năm 2014.

Đức Bênêđíctô thứ 16 đã rất thích thú được đọc lướt qua bộ sưu tập.

6. Các Giám mục Venezuela tố cáo các hành động của chính phủ đang làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng kinh tế

Các giám mục Công Giáo Venezuela đã công bố một tuyên ngôn khiếu nại rằng các “hành động khẩn cấp” được thực hiện bởi chính phủ đã làm sâu sắc thêm cuộc khủng hoảng kinh tế của đất nước.

Tuyên bố của các giám mục nhận xét rằng:

“Họ đã làm tồi tệ thêm cuộc khủng hoảng đang làm thương tổn đất nước và tất cả các công dân chúng ta.” Các ngài đặc biệt lưu ý rằng “những người bị thiệt thòi và dễ bị tổn thương là những người đau khổ nhất.” Các giám mục kêu gọi sự chú ý đến tình trạng thiếu một cách trầm trọng các nhu yếu phẩm, các hàng dài những người phải xếp hàng chờ đợi mua bánh mì và sữa, và một tương lai bất định gây ra bởi hiện trạng siêu lạm phát tiền tệ Venezuela.

Tuyên ngôn của các giám mục, được công bố hôm ngày 17 Tháng 12, kêu gọi chính phủ công nhận những vấn đề hiện nay của đất nước và thừa nhận ý chí của người dân muốn được sống trong một quốc gia dân chủ. Các Giám Mục cũng yêu cầu tất cả người Công Giáo thể hiện sự đoàn kết với những người túng thiếu trong việc chia sẻ lương thực và các nhu yếu phẩm khác.

7. Giáng Sinh tại Honduras diễn ra trong âu lo vì sự tăng vọt tỷ lệ tội phạm

Một tỷ lệ tăng vọt các hình thức tội phạm bạo lực ở Honduras đã làm cho đất nước này không an toàn cho những người trẻ tuổi, khiến nhiều người phải tìm cách di dân sang Hoa Kỳ và các nước khác.

Ủy ban tị nạn Norvegian ước tính rằng chỉ có một phần ba trẻ em ở Honduras cảm thấy được an toàn trong trường học. Nhiều gia đình khuyến khích con cái của họ rời khỏi đất nước, kể cả phải đi một mình về phía bắc để tìm kiếm một tương lai an toàn hơn. Trong năm qua, các quan chức Mỹ đã ghi nhận hơn 10,000 trường hợp các trẻ em đến Mỹ mà không có người lớn đi kèm.

Đối với những trẻ em vẫn còn ở Honduras, các băng nhóm tội phạm là một mối đe dọa hàng ngày. Trong số các thanh thiếu niên, tỷ lệ bị giết là hơn 1 phần 1000: cao hơn so với tỷ lệ ở những thành phố bạo lực nhất tại Mỹ gấp nhiều lần.

8. Chính sách quảng đại và khoan dung của bà Angela Merkel chịu thử thách nặng nề

Ngay sau khi vụ khủng bố tại Berlin diễn ra vào tối thứ Hai 19 tháng 12, trong một hành động nhanh chóng đến mức đáng kinh ngạc, các nhóm cực hữu và một đảng có khuynh hướng quốc gia đã tung ra một cuộc tấn công tàn bạo đổ lỗi cho thủ tướng Đức Angela Merkel về những gì đã xảy ra.

Frauke Petry, Đồng Chủ Tịch của đảng Alternative für Deutschland (Lựa chọn khác cho nước Đức) nói:

“Dưới chiêu bài giúp đỡ mọi người Merkel đã hoàn toàn bán đứng an ninh quốc nội của chúng ta”.

Người Đức ngày càng tỏ ra thận trọng hơn sau hai cuộc tấn công do người tị nạn gây ra vào mùa hè năm ngoái đã được bọn khủng bố Hồi Giáo IS tuyên bố chịu trách nhiệm. Năm người đã bị thương trong một vụ tấn công bằng rìu trên một chuyến tàu gần Wuerzburg và 15 người khác bị thương trong một vụ đánh bom bên ngoài một quán bar ở Ansbach, cả hai đều diễn ra ở bang Bayern, miền Nam nước Đức. Cả hai kẻ tấn công đều bị thiệt mạng.

Những cuộc tấn công này và những rắc rối khác không liên quan gì đến chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo đã đóng góp vào tình trạng căng thẳng ở Đức sau khi 890,000 người di cư được nhận vào quốc gia này trong năm qua.

Trong những báo cáo đầu tiên, người ta nghi ngờ một người tị nạn Pakistan là kẻ đã gây ra vụ tấn công khủng bố tại Berlin. Trong tuyên bố trên đài truyền hình, bà Merkel, dù đã chịu áp lực rất lớn về dòng người di cư lũ lượt vào Đức, đã quyết định đương đầu với khả thể là một người tìm kiếm tự do tại Đức đã gây ra cuộc tàn sát này.

Bà nói:

“Tôi biết rằng thật rất là khó khăn cho tất cả chúng ta nếu việc này được xác nhận là gây ra bởi một người đã xin được bảo vệ và được tị nạn ở Đức”

“Điều này sẽ thật buồn đối với nhiều người, với rất nhiều người Đức đã làm việc mỗi ngày để giúp người tị nạn và cho những người thực sự cần sự giúp đỡ của chúng ta và đang nỗ lực để hội nhập vào đất nước chúng ta.”

“Mười hai người vẫn còn ở giữa chúng ta ngày hôm qua, những người đã mong đón Giáng sinh, những người đã có kế hoạch cho những ngày nghỉ. Họ không còn sống giữa chúng ta nữa. Một hành động khủng khiếp và thực tình không thể hiểu nổi đã cướp đi mạng sống của họ.”

Trong tuyên bố hôm thứ Ba, bà Angela Merkel cho biết thêm như sau.

“Chúng ta không muốn sống trong sự sợ hãi cái ác. Cả nước chúng ta hiệp nhất với các nạn nhân và những người bị mất người thân trong nỗi buồn sâu sắc. Tất cả chúng ta đều hy vọng và nhiều người trong chúng ta sẽ cầu nguyện để họ có thể tìm được sự an ủi và hỗ trợ, để họ có thể tiếp tục sống sau cú sốc khủng khiếp này.”