CHÚA NHẬT 23 THƯỜNG NIÊN C

Dẫn nhập đầu lễ : Anh chị em thân mến,

Sứ điệp Phụng vụ Chúa Nhật 23 TN C hôm nay tiếp tục mời gọi chúng ta sống tích cực và cụ thể Tin Mừng Chúa Giêsu-Kitô, Tin mừng về những con đường “phúc thật” : khó nghèo, hiền lành, chịu bách hại…,Tin mừng về “sự từ bỏ cái tôi ích kỷ”, Tin mừng về sự can đảm “lựa chọn Thập Giá Đức Kitô” như ánh sáng khôn ngoan và phương thế cứu độ…

Để có thể can đảm từ bỏ những giá trị ngược lại với Tin Mừng và đón nhận mầu nhiệm Thập Giá để sống như một con đường của phúc thật, chúng ta cần sự trợ giúp của chính Chúa như sách Khôn ngoan hôm nay xác quyết : “Ý định của Chúa, nào ai biết được, nếu tự chốn cao vời, chính Ngài chẳng ban Đức Khôn Ngoan,chẳng gửi thần khí thánh ?”. Và quả thật, hôm nay, giờ phút nầy, chúng ta đang nhận được Đức Khôn Ngoan và Thần Khí thánh qua chính Bàn Tiệc Thánh Thể mà chúng ta đang họp nhau cử hành.

Giờ đây, chúng ta hãy nhìn nhận tội lỗi chúng ta để xứng đáng cử hành thánh lễ.

Chia sẻ Lời Chúa :

Dẫn nhập : Chọn lựa Đức Kitô và tiến bước trên con đường của Ngài, mãi mãi vẫn là một thách đố cho tất cả nhân loại nói chung và cho chúng ta, những người kitô hữu nói riêng. Đơn giản, chỉ vì Ngài đòi hỏi quá gắt gao : “Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được. Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được” (Lc 14, 26-27). Vào chính thời Chúa Giêsu rao giảng, đã có người thanh niên khi nghe tới điều kiện nầy đã xịu mặt bõ đi vì anh ta có nhiều của cải.(Mt 19,16-22)

1/. Từ bỏ : Dành ưu tiên một cho Thiên Chúa : Đức Kitô khi “cường điệu ý tưởng từ bỏ” đã dùng những từ như “ghét cha mẹ, ghét vợ con, anh chị em…” không ngoài mục đích dẫn chúng ta tới một lựa chọn nghiêm túc : chọn Thiên Chúa như ưu tiên số một cho cuộc đời và qui hướng mọi sự về cho Ngài. Chính vì thế, khái niệm “Từ Bỏ” ở đây cũng chẳng khác gì các nhân đức “khó nghèo, khiêm hạ, hiền lành”, tức là “đặt niệm tin cậy nơi Chúa”, là phó thác cuộc đời cho Chúa. Từ bỏ là một cách diễn tả khác của Tin Mừng Tám Mối Phúc thật.

Tuy nhiên, trong nhịp sống đời thường, để “từ bỏ” những cái mình đã chiếm hữu một cách dứt khoát và thanh thản không phải là một chuyện dễ dàng. Cũng chính vì không muốn thiệt thòa và bị mất mát trong cuộc trao đổi với bọn khủng bố, mà cuộc giải cứu con tin vừa qua tại một nước cộng hòa thuộc Nga đã làm trên 300 người thiệt mạng. Và trong cuộc sống của mỗi người chúng ta cũng thế : một mối tình vụng trộm, một hợp đồng ma mánh đem lại lợi nhuận cao, một cuộc hẹn hò nhậu nhẹt, một địa vị cao trên chính trường, một giấc ngủ nướng ngọt ngào…có thể níu kéo, ràng buộc khiến chúng ta có thể “để Chúa sang một bên”, để “luật Chúa và Giáo Hội đi chơi chỗ khác”, biến ngày Chúa Nhật và lễ trọng trở thành ngày thường, biến việc phục vụ cộng đoàn thành “của nợ chán ngấy”…

Lời Chúa hôm nay muốn mời gọi chúng ta chọn lựa sống “anh hùng và tự do”, không để mình bị nô lệ cho bất cứ thứ gì làm cản trở chúng ta tiến bước trên con đuờng thánh thiện, yêu thương và được cứu rỗi. Đã có không ít những anh chị em Tân tòng đã cảm nghiệm hai chữ “Từ Bỏ” nầy tận nghĩa đen, khi phải đơn thương độc mã lựa chọn niềm tin kitô giáo trước bao nhiêu cản ngăn dè bĩu của những người thân yêu, gia tộc, bạn bè. Và nếu đọc lại lịch sử của 2000 năm Kitô giáo, hay 470 năm hành trình đức tin của Hội Thánh Việt Nam, chúng ta sẽ thấy hiển hiện lên bao chứng tá oai hùng dám “lấy tình yêu đáp trả tình yêu, đem mạng sống báo đền mạng sống”, một sự từ bỏ quyết liệt, hy sinh mạng sống, để được thuộc trọn về Chúa Kitô.

Từ bỏ đã khó. Lựa chọn con đường thập giá lại càng khó hơn.

2). Thập giá : Một lựa chọn khó khăn :

Trong cuộc sống mà chiều kích "tục hoá" gần như đang thắng thế trong xã hội con người hôm nay, thì quả thật, việc nêu cao ý nghĩa và giá trị của "thập giá", "đau khổ", "hy sinh" có thể bị coi là lỗi thời, là không nhân bản. Điều nầy cũng dễ hiểu thôi; vì quả thật, nếu đọc lại Tin Mừng, chúng ta cũng nhận thấy rằng : khi Đức Ki-tô loan báo sứ điệp "thập giá" thì các tông đồ cũng không thể chấp nhận :

Từ lúc đó, Đức Giê-su Ki-tô bắt đầu tỏ cho các môn đệ biết : Người phải đi Giê-ru-sa-lem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và này thứ ba sẽ sống lại. Ông Phê-rô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người : "Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy !" Nhưng đức Giê-su quay lại bảo ông Phê-rô : "Xa-tan, lui lại đằng sau Thầy ! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người" (Mt 16, 21-23)

Quả thật, "thập giá", "đau khổ" luôn là một thực tại "dị ứng" với tâm thức, tình cảm tự nhiên của con người. Tin mừng cũng đã cho chúng ta thấy rằng : chính Chúa Giê-su, khi đối diện với "thập giá", "khổ nạn", Ngài cũng đã xao xuyến, lo sợ :

"Cha ơi, nếu Cha muốn, xin tha cho con khỏi uống chén nầy. Tuy vậy, xin đừng làm theo ý con, mà xin theo ý Cha". Bấy giờ có thiên sứ tự trời hiện đến tăng sức cho Người. Người lâm cơn xao xuyến bồi hồi, nên càng khẩn thiết cầu xin. Và mồ hôi Người như nững giọt máu rơi xuống đất. (Lc 22, 42-44)

Tuy nhiên, Đức Kitô đã can đảm lựa chọn thập giá bởi vì :

Khi dấn thân vào con đường "thập giá" chính là thực thi chương trình cứu độ của Cha :

Ước muốn sống chết với ý định yêu thương cứu chuộc của Chúa Cha là động lục cho cả cuộc đời Đức Giê-su, vì cuộc khổ nạn cứu thế là lý do khiến Người nhập thể : "Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ nầy ! Nhưng chính vì giờ nầy mà con đã đến" (Ga 12, 27). "Chén đắng Chúa Cha đã trao cho Thầy, lẽ nào Thầy chẳng uống ?" (Ga 18, 11). Và trên thập giá, trước khi "mọi sự đã hoàn tất" (Ga 19, 30), Người còn nói : "Tôi khát" (Ga 19, 28)…

Toàn bộ cuộc đời Đức Ki-tô diễn tả sứ mạng của Người là "hầu hạ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người" (Mc 10, 45).(GLGHCG 607-608)

Dấn thân vào con đường Thập giá là thể hiện tình yêu trọn vẹn dành cho Thiên Chúa và con người :

Như vậy, trong đau khổ và cái chết, nhân tính của Người đã trở thành dụng cụ tự do và hoàn hảo cho tình yêu Thiên Chúa luôn ước muốn cứu chuộc loài người. Quả thật, Người đã tự do chấp nhận chịu nạn và chịu chết vì yêu mến Chúa Cha và yêu mến loài người mà Chúa Cha muốn cứu độ : "Mạng sống của tôi, không ai lấy đi được, nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình" (Ga 10, 18). (GLGHCG 609)

Để làm bật nổi những ý nghĩa trên về mầu nhiệm Thập Giá, Chị Chiara Lubich đã có những cảm nhận sâu sắc về ý nghĩa nầy được diễn tả sống động qua kinh nguyện sau đây :

Để chúng con được ánh sáng, Chúa đã trở nên mù loà.

Để chúng con được hiệp nhất, Chúa đã chịu xa cách Chúa Cha.

Để chúng con được khôn ngoan, Chúa đã trở nên "dốt nát".

Để chúng con được trở nên vô tội, Chúa đã trở thành người "tội lỗi".

Để chúng con hy vọng, Chúa đã hầu như tuyệt vọng.

Để Thiên Chúa ở trong chúng con, Chúa đã cảm nghiệm tình trạng bị xa cách Thiên Chúa.

Để chúng con chiếm hữu thiên đàng, Chúa đã cảm nghiệm hoả ngục.

Để cho chúng con được vui sống trên mặt đất nầy giữa hàng trăm anh chị em, Chúa đã chịu cảnh bị gạt bỏ khỏi trời đất, khỏi loài người và thiên nhiên.

Chúa là Thiên Chúa, là Thiên Chúa của con, là Thiên Chúa của tình yêu thương vô bờ bến của chúng con (CNHV trg. 148-149)

3. Lời mời gọi hôm nay : Từ bỏ tội lỗi, quyến rũ bất chính và bước đi trên con đường thập giá :

Để thông hiệp với Thiên Chúa cách thân mật và hiếu thảo, liên kết với anh em trong cảm thông huynh đệ :

"Nầy đến giờ, và giờ ấy đã đến rồi, anh em sẽ bị phân tán mỗi người một ngả và để Thầy cô độc một mình. Nhưng Thầy không cô độc đâu, vì Chúa Cha ở với Thầy" (Ga 16, 32).

Vâng, Đức Ki-tô hiện diện với Đức Chúa Cha, sống thân mật với Chúa Cha đó là điều chúng ta nhận ra cách rõ nét trong bi kịch thương khó. Trong khi đó, khi gặp đau khổ, chúng ta dễ bị ném vào trạng thái cô độc, có khuynh hướng cắt đứt mọi mối tương quan, với Thiên Chúa cũng như với anh chị em, như tâm sự não nề của thi sĩ Chế Lan Viên :

“Hãy cho tôi một tinh cầu giá lạnh,

Một vì sao trơ trọi cuối trời xa.

Để nơi ấy tháng ngày tôi lẫn tránh,

Những ưu phiền, đau khổ với buồn lo”

Và chúng ta cũng nhận ra rằng : trên con đường khổ giá và trong những giây phút hấp hối trên đồi Can-vê, Chúa Ki-tô không ngừng gặp gỡ anh em để ủi an (Lc 23, 27-30), để tha thứ (Lc 23, 43), để lo lắng, uỷ thác (Ga 19, 25-27)…

Như vậy, sự từ bỏ tội lỗi, những quyến rũ bất chính, những ràng buộc và nô lệ của vật chất, tiền tài, danh vọng, hưởng thụ…để chấp nhận sống xả kỷ hy sinh, phục vụ và quảng đại biết cho đi, biết chia sẻ…phải là chọn lựa của mỗi người chúng ta hôm nay. Và nếu khi nào bị hiểu lầm và kết án, bệnh tật hoặc tai ương...chúng ta can đảm ngước nhìn thập giá "lấy tình yêu đáp trả tình yêu"...

Để hoàn tất trên thân xác tôi những gì còn thiếu nơi Nhiệm Thể Chúa Kitô :

"Giờ đây, tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh em. Những gian nan thử thách Đức Ki-tô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh" (Cl 1, 24).

Vâng, từ bỏ cái tôi ích kỷ, nhỏ nhen và dấn thấn đón nhận thập giá vì Hội Thánh, trong Hội Thánh và với Hội Thánh, để trở nên dụng cụ cứu độ, để nối dài "Hy tế của Đấng Cứu Độ", để cùng với Đức Kitô "bị treo lên hầu kéo mọi người lên"…đó không phải là con đường đẹp nhất và đúng nhất của mọi Kitô hữu đó sao ?

Kết : Để tóm kết những chia sẻ vừa rồi, chúng ta hãy cùng cầu nguyện theo lời kinh sau đây của Graham Kings :

Lạy Chúa,

khi đến với Chúa

con tháo bỏ đôi giày : những tham vọng của con

con cởi bỏ đồng hồ : thời khoá biểu của con,

con đóng lại bút viết : các quan điểm của con,

con bỏ xuống chìa khoá : sự an toàn của con,

để con được ở một mình với Ngài,

lạy Thiên Chúa duy nhất và chân thật.

Sau khi được ở với Ngài,

con sẽ xỏ giày vào

để đi theo đường của Chúa,

con sẽ đeo đồng hồ,

để sống trong thời gian của Chúa,

con sẽ đeo kính vào

để nhìn thế giới của Chúa,

con sẽ mở bút ra

để viết những tư tưởng của Chúa,

con sẽ cầm chìa khoá lên

để mở những cánh cửa của Chúa.

LM. Giuse Trương Đình Hiền