Hôm thứ Sáu 14 tháng 6, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp gỡ các nhà lãnh đạo chính trị của Armenia, ngoại giao đoàn và đại diện xã hội dân sự. Trong dịp này, ngài nhắc lại tội ác diệt chủng của Thổ Nhĩ Kỳ một thế kỷ trước đây cũng như sự đau khổ của các tín hữu Kitô trên toàn thế giới hiện nay.
Trong buổi tiếp kiến chính thức tại dinh Tổng thống Armenia ở Yerevan, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ca ngợi lịch sử phong phú và vẻ đẹp tự nhiên của Armenia, nơi được nhiều người tin tưởng là địa điểm của vườn Địa Đàng được mô tả trong Kinh Thánh.
Ngài đã đề cập đến chiều sâu đức tin của đất nước đầu tiên này công nhận Kitô giáo là quốc giáo. Sau đó, Đức Thánh Cha đề cập đến những thảm kịch quốc gia này đã phải gánh chịu suốt nhiều thế kỷ qua.
Ngài đã sử dụng thuật ngữ “Metz Yeghern” của Armenia có nghĩa là “một tội ác khủng khiếp” để đề cập đến tội ác tận diệt 1.5 triệu người Armenia của Đế quốc Ottoman Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 1915. Nhưng ngay sau đó, bỏ văn bản đã được soạn sẵn sang một bên, ngài dùng từ “diệt chủng” để tham chiếu đến tội ác này mà ngài gọi là “tội ác đầu tiên của hàng loạt các thảm họa tồi tệ của thế kỷ trước”.
Năm ngoái, Thổ Nhĩ Kỳ đã tức điên lên khi Đức Thánh Cha dùng từ ngữ đó và đã triệu hồi đại sứ về nước suốt 10 tháng.
Cho đến lúc này Thổ Nhĩ Kỳ chưa có phản ứng chính thức nào.
Cha Federico Lombardi, giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh, nói với các phóng viên
“Không có lý do nào để tránh không sử dụng từ này trong trường hợp này. Thực tế là rõ ràng và chúng tôi chưa bao giờ phủ nhận thực tế đó.”
Mọi cố gắng nhằm công nhận cuộc diệt chủng đã không thành công: vì cho tới nay, các nhà cầm quyền ở Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ, vẫn bác bỏ cuộc diệt chủng và sẵn sàng trả đũa bất cứ quốc gia nào công khai tố cáo các biến cố thảm họa này.
Được khích lệ bởi lập trường dứt khoát của các vị Giáo Hoàng, Quốc Hội Đức, ngày 2 tháng Sáu năm ngoái, đã có một lập trường mạnh mẽ về vấn đề này, khi họ thừa nhận cuộc diệt chủng người Armenia của đế quốc Ottoman, tiền thân của Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay. Thổ Nhĩ Kỳ lập tức trả đũa bằng cách triệu hồi đại sứ tại Đức. Hành động của Quốc Hội Đức phải được coi là can đảm vì giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Đức vốn có mối liên hệ gần gũi: đặc biệt dưới ánh sáng cuộc khủng hoảng tị nạn năm ngoái với nhiều thỏa ước giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hiệp Âu Châu.
Trong bài diễn văn, Đức Thánh Cha cũng đề cập đến tình trạng tiếp tục bị bách hại của các tín hữu Kitô trên thế giới. Ngài nói:
“Đặc biệt ngày nay, các tín hữu Kitô, giống như và có thể là hơn cả thời các vị tử đạo đầu tiên, tại một số nơi họ bị kỳ thị và bách hại chỉ vì họ tuyên xưng niềm tin của họ, trong khi quá nhiều xung đột ở nhiều miền trên thế giới vẫn chưa tìm được những giải pháp tích cực, tạo nên tang tóc, tàn phá và những cuộc cưỡng bách di cư toàn thể dân tộc. Vì thế điều tối cần thiết là các vị nắm giữ vận mệnh của các dân nước này can đảm và không chút trì hoãn đề ra và thực hiện những sáng kiến nhắm chấm dứt những đau khổ ấy, tìm kiếm hòa bình, bảo vệ và đón tiếp những người đang bị tấn công và bách hại, thăng tiến công lý và sự phát triển dài hạn như những mục tiêu hàng đầu. Nhân dân Armeni đã đích thân trải qua những tình trạng như thế; họ biết đau khổ và bách hại; họ bảo tồn trong ký ức không những các vết thương trong quá khứ, nhưng cả tinh thần giúp họ mỗi lần đầu bắt đầu lại. Theo ý nghĩa đó, tôi khích lệ anh chị em đừng quên sự đóng góp quí giá này cho cộng đồng quốc tế.”