Giải đáp phụng vụ: Phó tế hoặc thừa tác viên giáo dân rảy nước thánh được không?

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Con có một câu hỏi liên quan đến nghi thức rảy nước thánh. Trong trường hợp thương tật của linh mục chủ tế của một Thánh Lễ, mà trong đó có nghi thức rảy nước thánh, liệu nghi thức rảy nước thánh thật sự - chứ không phải lời cầu nguyện trước và sau đó - được thực hiện bởi một phó tế, hay thậm chí bởi một thầy giúp lễ hay thừa tác viên giáo dân không? - G. S., Washington, D.C., Mỹ.


Đáp: Cùng với câu hỏi, độc giả này cũng gửi vài nghiên cứu sơ bộ về chủ đề, mà chúng tôi sẽ sử dụng như là một phần của câu trả lời.

Đối với những người sử dụng hình thức ngoại thường của nghi lễ Rôma, luật là khá rõ ràng. Mặc dù "nghi thức Asperges (rảy nước thánh)" không phải là một phần của Thánh Lễ, và linh mục mang áo choàng (cope) chứ không áo lễ, "vị chủ tế thánh lễ, chứ không linh mục khác, thực hiện việc rảy nước thánh" (Fortescue-O'Connell-Reid, "The Ceremonies of the Roman Rite Described, các nghi thức của Nghi lễ Rôma được mô tả" năm 2003, trang 108).

Trong hình thức này, không có vấn đề về một phó tế hay thừa tác viên giáo dân thực hiện việc rảy nước thánh, vì việc này được xem là không thể thiếu cho việc làm phép nước, vốn chỉ dành cho linh mục.

Liên quan đến nghi thức rảy nước thánh trong Nghi thức Thánh lễ mới (Novus Ordo Mass), trong Qui chế Tổng Quát Sách lễ Rôma (GIRM), số 51, chúng ta đọc:

"Vào ngày Chúa Nhật, nhất là trong Mùa Phục Sinh, thay vì nghi thức thống hối thường lệ, thỉnh thoảng nên làm phép và rảy nước thánh để nhớ lại phép rửa (“Die dominica, praesertim tempore paschali, loco consueti actus paenitentialis, quandoque fieri potest benedictio et aspersio aquae in memoriam baptismi”, Bản dịch Việt ngữ của linh mục Phanxicô Xavier Nguyễn Chí Cần, Giáo phận Nha Trang).

Trong Sách Lễ Rôma, Phụ lục II, Nghi thức làm phép nước và rảy nước thánh, 1, chúng ta đọc:

"Ngày Chúa Nhật, đặc biệt là trong Mùa Phục Sinh, việc làm phép nước và rảy nước thánh để nhớ lại Bí tích Rửa tội, có thể thỉnh thoảng diễn ra trong tất cả các nhà thờ và nhà nguyện, ngay cả trong các Thánh lễ vào tối thứ bảy. Nếu nghi thức này được cử hành trong Thánh Lễ, nó chiếm chỗ của Nghi thức Thống hối thường lệ đầu Thánh Lễ”(Huiusmodi ritus locum tenet actus poenitentialis initio Missae peragendi).

Trong lời trích dẫn từ GIRM, số 51, bản tiếng Anh dịch là "Nghi thức Thống hối theo thói tục (customary)" và Sách Lễ có "Nghi thức Thống hối thường lệ (usual)", mặc dù trong văn bản sau, có vẻ không có chữ gốc Latinh cho từ ngữ "thường lệ". Cách tôi đọc nó, các văn bản tiếng Anh không làm cho rõ ràng liệu nghi thức rảy nước thánh chỉ đơn giản là một hình thức khác của Nghi thức Thống hối (nhưng không phải là "theo thói tục" hoặc "thường lệ"), hoặc một sự thay thế ngay cho Nghi thức Thống hối.

Các bình giải mà tôi tìm thấy nói như sau: "Asperges là tên cũ cho Nghi thức làm phép nước và rảy nước thánh, bây giờ là một tùy chọn ở phần đầu của Thánh lễ Chúa Nhật, thay thế Nghi thức Thống hối" (Driscoll and Joncas, "Order of Mass", 2011). Và điều này:

"Nghi thức này không phải là một Nghi thức Thống hối như Asperges trước Công đồng chung Vatican II; đúng hơn, nó là sự nhớ lại vui vẻ Bí tích rửa tội, vốn cho phép đến với bữa tiệc Thánh Thể .... Nếu cộng đoàn là đủ đông và rộng lớn để đảm bảo việc thực hiện nghi thức, thầy phó tế cũng có thể rảy nước thánh lên cộng đoàn (mặc dù chữ đỏ là im lặng về điều này)" (Kwatera", “Liturgical Ministry of Deacons”, 2005).

Độc giả của chúng ta sau đó cho biết thêm:

"Trích dẫn cuối cùng này đặt ra vấn đề, vốn là đối tượng của câu hỏi của tôi.

"Tôi tìm các tình huống tương tự. Trong hình thức thứ ba của Nghi thức Thống hối, trong khi linh mục đọc lời đầu và xá tội, các lời cầu khẩn được đọc bởi linh mục, phó tế, hoặc một thừa tác viên khác" (Sách Lễ Rôma, Nghi thức Thánh lễ, 6.). Điều này dường như là một loại suy gần gũi cho một phó tế hay một thừa tác viên khác rảy nước thánh, giữa lời nguyện mở đầu và lời nguyện kết thúc của linh mục, ngay cả nếu nghi thức rảy nước thánh là một hình thức của Nghi thức Thống hối.

"Trong việc làm phép tro và xức tro trong ngày Thứ Tư Lễ Tro cũng vậy, có vẻ có một tình huống tương tự. Sách Lễ Rôma nói rằng vào ngày đó 'Nghi thức Thống hối được bỏ qua, và việc xức tro thay thế nó'. Trong sự thay thế rõ ràng này cho Nghi thức Thống hối, Sách các Phép (phiên bản ở Mỹ), số 1659, cho biết: 'Nghi thức này có thể được cử hành bởi một linh mục hay phó tế, và các ngài được trợ giúp bởi các thừa tác viên giáo dân trong việc xức tro. Tuy nhiên, việc làm phép tro được dành riêng cho một linh mục hay phó tế". Như thế, các lời nguyện không phải là trong câu hỏi, chỉ có sự xức tro, hoặc, trong trường hợp của nghi thức rảy nước thánh, là việc rảy nước thánh.

"Kết luận riêng của tôi là rằng trong nghi thức rảy nước thánh, thậm chí nếu nó là một hình thức của Nghi thức Thống hối, việc rảy nước thánh có thể được thực hiện bởi một người nào đó khác với linh mục chủ tế, nhưng vị chủ tế phải đọc các lời nguyên mở đầu và lời nguyện kết thúc”.

Tôi tự hỏi tại sao bạn đọc này còn làm phiền hỏi tôi nữa, vì hình như bạn có vẻ có nhiều khả năng hơn để chuyển động khéo léo qua cánh rừng của qui tắc phụng vụ.

Tuy nhiên, như Chúa quan phòng giúp tôi, tôi đã có vinh dự là một trong số các linh mục đồng tế trong Thánh lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, do Đức Thánh Cha Phanxicô chủ tế ngày 15-5, tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô. Thánh lễ này bắt đầu với nghi thức rảy nước thánh. Tại thời điểm rảy nước thánh, Đức Thánh Cha vẫn đứng cạnh ghế và rảy nước thánh cho các người chung quanh Ngài, và rảy tượng trưng cho các vị đồng tế ở cách Ngài một khoảng cách nhất định. Tuy nhiên, trong khi đó, nhiều phó tế đi xuống các cánh Đền thờ và rảy nước thánh trên dân chúng.

Trong khi sự thực hành của các Thánh Lễ giáo hoàng không thể luôn được mở rộng cho các tình hình khác, tôi nghĩ rằng sự thực hành này ít nhất làm cho rõ ràng rằng các phó tế có thể hỗ trợ trong việc rảy nước thánh, nếu có đủ lý do để làm như vậy. Cần phải nhớ rằng hiện nay các phó tế trong hình thức thông thường có thể thực hiện nhiều việc làm phép, vốn trước đó đã chỉ dành cho linh mục mà thôi. Trong nhiều Giáo Hội Đông Phương, các phó tế không thể thực biện bất cứ việc làm phép nào.

Tôi không nghĩ rằng phó tế có thể thay thế linh mục hoàn toàn. Nếu một linh mục là ốm yếu và khó di chuyển, ngài có thể rảy nước thánh từ chổ ngồi của ngài, và sau đó phó tế hay linh mục khác có thể đi xuống các lối đi, để rảy nước thánh lên cộng đoàn.

Tôi không tin rằng điều này có thể được mở rộng cho giáo dân trong bối cảnh Thánh lễ. Các trích dẫn trên đây từ Qui chế Tổng Quát Lễ Rôma và phụ lục nói rõ ràng rằng nghi thức rảy nước thánh diễn ra trong Thánh Lễ, chứ không bên ngoài Thánh lễ như trong hình thức ngoại thường. Nghi thức rảy nước thánh là một sự tiếp nối của nghi thức làm phép nước, và là một phần không thể thiếu của nó. Vì vậy, những người không thể làm phép nước, sẽ không thể hoàn thành nghi thức được.

Nếu không có thầy phó tế, và linh mục không thể di chuyển, ngài vẫn có thể rảy nước thánh cho những người đứng chung quanh ngài, và phần còn lại của cộng đoàn trong một cách ảo.

Nói cho cùng, ngay cả khi linh mục di chuyển xung quanh nhà thờ, nước thánh không đến với phần lớn của cộng đoàn. Nhưng họ vẫn được hưởng lợi từ mọi lợi ích thiêng liêng của nghi thức.

Cuối cùng, tôi cũng sẽ nói rằng các văn bản tương tự cho thấy rằng nghi thức trên thay thế nghi thức thống hối, nhưng tự nó không phải là một nghi thức thống hối. Nếu là như vậy, nó sẽ đơn giản là một nghi thức thống hối thay thế, và thay vì in nó trong một phụ lục, nó sẽ rơi tự nhiên vào các công thức thống hối khác. Do đó, nó thay thế nghi thức thống hối, như xảy ra trong nhiều tình huống nghi thức khác, chẳng hạn khi Kinh Thần Vụ được kết hợp với Thánh Lễ. (Zenit.org 24-5-2016)

Nguyễn Trọng Đa