Đức Hồng Y Prosper Grech
Trong bài viết có tựa đề “Segno dei tempi”, nghĩa là “Dấu chỉ thời đại”, đăng trên tờ Quan Sát Viên Rôma số ra ngày 27 tháng Tư, 2016, một vị Hồng Y người Malta, cũng là một học giả Thánh Kinh, nhận xét rằng Thánh Kinh nói với chúng ta rất nhiều trong cuộc khủng hoảng người di dân hiện nay tại Âu Châu.

Đức Hồng Y Prosper Grech, năm nay 90 tuổi, đã đề cập đến “cuộc xâm lược của những người man rợ” được đề cập trong Sách Tiên Tri Giêrêmia khi nói về cuộc xâm lược của người Babylon. Ngài lưu ý đặc biệt đến những lời kêu gọi hoán cải của Tiên Tri Giêrêmia trước cuộc xâm lược này.

Tuy nhiên, ngày nay, những người di cư chủ yếu là người Hồi giáo đang chứng kiến một châu Âu với một sinh suất rất thấp, bị tục hóa sâu nặng đến độ thậm chí chống lại Kitô giáo. Tình hình này “thách thức chúng ta tận dụng tất cả các nguồn lực được thừa hưởng từ truyền thống nhân văn và Kitô của chúng ta.”

Chúng ta cần phải đọc những đoạn Kinh Thánh có liên quan “một cách đương đại”, bao gồm những lời cầu xin hoán cải của Tiên Tri Giêrêmia khi dân Israel phải đối mặt với các cuộc xâm lược của người Babylon, và cả danh sách các tệ nạn ngoại giáo được Thánh Phaolô nêu ra trong chương đầu tiên của Thư gửi dân thành Rôma.

Đức Hồng Y ngậm ngùi nhận xét cay đắng rằng những tệ nạn đó, hiện nay, đang được xiển dương như “bước đột phá về văn hóa.”

“Thay vì tôn thờ Thiên Chúa thật, họ đã theo những thần giả; họ đã tôn thờ những loài thọ tạo, thay vì chính Đấng Tạo Hoá… Đàn bà không quan hệ theo lẽ tự nhiên, mà lại làm điều trái tự nhiên. Đàn ông cũng vậy, không quan hệ với đàn bà theo lẽ tự nhiên, mà lại đem lòng thèm muốn lẫn nhau: đàn ông bậy bạ với đàn ông. Như vậy là chuốc vào thân mình hình phạt xứng với sự lầm lạc của mình...Họ thừa biết phán quyết của Thiên Chúa là: hễ ai làm những điều như vậy thì đáng chết. Thế mà không những họ cứ phạm những tội đó, lại còn tán thành những kẻ làm như vậy.” (Rm 1: 25-32)