Haiti: Ăn cơm nhà Chúa, được huấn luyện trong Dòng Salesien Don Bosco, được đào tạo phục vụ cho giới trẻ, được thụ phong để trở thành một linh mục, trong thời kỳ đầu phục vụ, Aristide đã là thần tượng của giới trẻ vì linh mục Aristide đã luôn chăm sóc và lo cho nhu cầu của người nghèo.

Trong thời kỳ dưới chế độ độc tài của thời tổng thống trước, Aristide đã tranh đấu đứng về phía người nghèo, nên dân chúng kỳ vọng vào ông như một cứu tinh. Ông đã cởi áo dòng vào năm 1988 và lao mình vào con đường chính trị. Jean-Bertrand Aristide được tín nhiệm và được bầu làm người lãnh đạo đầu tiên tại Haiti vào năm 1991, có rất nhiều kỳ vọng nơi ông từ các người nghèo của Haitii cho đến các nhà lãnh đạo của các quốc gia khác, ngay cả Hoa Kỳ. Nhưng chẳng bao lâu sau ông đã bị lực lượng quân đội lật đổ vì những khó khăn mà ông gây ra cho tầng lớp thượng lưu xứ này.

Vào năm 1994 nhờ sự đổ bộ can thiệp của lực lượng quân đội Hoa Kỳ, ông đã được trở về nắm quyền hành và được tái bầu vào năm 2000. Tuy nhiên, chỉ trong vòng 3 năm từ một cựu linh mục, Tổng Thống Jean Berrand Aristide đã trở nên một người độc tài tham ô tạo nên một chính quyền đồi trụy và tham nhũng. Không biết quyền lực và danh vọng đã có thể làm phai mờ những lý tưởng ban đầu của ông, hay có thể vì ông bất lực trước những cạm bẫy ma giáo lắt léo của chính trường, ông đã không tự chủ được, nên chính quyền ông trở thành bất lực, thối nát, bao che, độc đoán như những người ông đã thay thế.

Việc tất yếu phải đến đã đến, ông đã bị dân chúng Haitii tẩy chay, các quốc gia lân bang không còn ủng hộ, và ông đã phải trốn chạy trong nhục nhã vào sáng hôm nay.

Lực lượng phiến quân đa số là những dân quân trước đây đã phục vụ cho chính quyền, nổi dậy từ ngày 5/2 đánh chiếm thành phố Gonaives, rồi tiến chiếm thủ đô lớn thứ nhì là Cap-Haitien và cho đến ngày 26/2 phiến quân đã chiếm được hơn một nửa lãnh thổ Haiti và đóng quân ngoài ven đô thủ phủ Port-au-Prince chờ lệnh tiến chiếm thành phố.

Đứng trước tình thế của phiến quân và quốc dân Haiti không còn ủng hộ đến Tổng Thống Aristide và dưới áp lực của Hoa Kỳ và Pháp, Tổng Thống Aristide đã trốn khỏi nước vào sáng Chúa Nhật 29/2 lúc 6h15 sau 24 ngày nổi dậy của phiến quân đã khiến cho khoảng hơn 70 người thiệt mạng.

Trước tình hình đất nước ly loạn, các Giám Mục tại Hoa Kỳ, Mỹ Châu La Tinh và Canada đã bày tỏ tình liên đới với các Giám Mục Haiti. Trong một thông tư được gởi đi vào ngày 23/2 trong buổi hội thảo hàng năm với các giám mục nội địa châu Mỳ tại San Antonio, các Ngài viết “hãy tin chắc rằng những lời cầu nguyện của chúng tôi dành cho cư dân Haiti”. Các Giám Mục cũng bày tỏ tình liên đới với cư dân và giáo hội Haiti “đặc biệt trong thời điểm hiểm họa này”.

Các Giám Mục cũng nói “Mỗi ngày lại mang đến những tin tức mới về bạo động đang làm khổ sở đến xã hội Haiti và gây thêm sự thiệt hại đến quá nhiều người Haiti, vốn đã bị đau khổ bởi sự nghèo đói cực kỳ và bởi những tệ nạn xã hội khác”.

Họp tại San Antonio gồm có các Giám Mục từ Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, Hội Đồng Giám Mục Canada và Hội Đồng Giám Mục Châu Mỹ La Tinh, tên tắt cho Hội Đồng Giám Mục Châu Mỹ lấy từ tiếng Tây Ban Nha là CELAM.

Đức Giám Mục Phó Thomas J. Wenski tại Orlando, cũng là Chủ Tịch Ủy Ban Đối Ngoại của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ đã kêu gọi Hoa Kỳ hãy đảm bảo cho sự an toàn đối với những người tị nạn từ Haiti. Và Ngài cũng kêu gọi Hoa Kỳ thiết lập một nơi thích hợp để tiếp nhận người tị nạn, mà địa điểm đó không phải là khu cảng quân sự Hoa Kỳ Guantanamo tại Cuba, là nơi có trại tù giam giữ những tên khủng bố. Vì nơi tiếp nhận người tị nạn có “hình thức như trại tù” sẽ làm người tị nạn khốn đốn thêm.

Trong khi đó các cơ quan cứu trợ tại Hoa Kỳ, Gia Nã Đại và Châu Mỹ La Tinh đã chuẩn bị để tiếp tế đồ cứu trợ. Giám Đốc Cơ Quan Cứu Trợ tại Châu Mỹ La Tinh đã dành ngân khoảng 150,000 Mỹ Kim để cứu trợ cấp thời cho đồng bào tại Port-au-Prince và một phần ở phía Bắc Haiti.