Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Đức Thánh Cha ban ơn toàn xá cho những người hành hương đường thánh Inhaxiô

Hôm 31 tháng 7 nhân lễ kính thánh Inhaxiô Lôyôla, đấng sáng lập Dòng Tên, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ban ơn toàn xá cho những ai hành hương dọc theo Camino Ignaciano, tức là con đường thánh Inhaxiô đã đi từ Lôyôla đến sống ẩn dật tại làng Manresa. Lộ trình hành hương này đã được hình thành từ năm 2012.

Cha Thánh Inhaxiô Lôyôla, hay còn được gọi là thánh I-Nhã sinh năm 1491 trong một gia đình thế giá ở lâu đài Loyola xứ Basque, miền bắc Tây Ban Nha.

Cho đến năm 30 tuổi, ngài là một hiệp sĩ ít học, ngang tàng và phóng túng, nhưng luôn luôn trung thành và quảng đại với vương triều. Năm 1521, bị thương tại Pamplona, ngài phải nằm dưỡng bệnh hơn nửa năm trời ở gia đình, và trong thời gian này, nhờ đọc sách và suy tư, ngài quyết tâm noi gương các thánh đi phục vụ Đức Kitô là vị Vua muôn đời.

Khi đã bình phục năm 1522, ngài đến làng Manresa ở đông bắc Tây Ban Nha, sống cô tịch để cầu nguyện gần một năm trong một hang đá. Nơi đây, ngài trải qua nhiều kinh nghiệm thiêng liêng sâu đậm, được truyền lại cho hậu thế trong tập sách Linh Thao.

2. Tình báo Ý bác bỏ những lo ngại về khủng bố tại Rôma trong Năm Thánh Từ Bi

Thị trưởng Ignazio Marino của Rôma nói rằng các nhóm Hồi giáo đang thực hiện các kế hoạch cụ thể nhằm gây rối tại thành phố này trong Năm Thánh Từ Bi bắt đầu từ ngày 8 tháng 12 khi Đức Thánh Cha Phanxicô chủ sự lễ mở cửa Năm Thánh tại đền thờ thánh Phêrô.

Tuy nhiên các cơ quan tình báo Ý nhanh chóng phản bác lại những lo lắng này.

Thị trưởng Marino nói với tờ Corriere della Sera hôm 30 tháng 7 là các nguồn tin tình báo Mỹ đã nêu lên “những nguy cơ cụ thể của các hành động khủng bố” trong Năm Thánh sắp tới. Ông nói rằng ông cần sự giúp đỡ thêm để bảo vệ thành phố, bởi vì “Tôi không thể bảo vệ thủ đô khỏi nạn khủng bố chỉ với lực lượng cảnh sát địa phương.”

Cơ quan tình báo Ý, tuy nhiên, đã xem nhẹ các mối đe dọa. “Không có dấu hiệu cụ thể của các cuộc tấn công được chuẩn bị cho Năm Thánh”, một nguồn tin nói với hãng tin ANSA.

3. Tòa thánh kêu gọi giới lãnh đạo chính trị kinh tế, khoa học và tôn giáo góp phần thăng tiến cho các nước nhỏ phát triển

Tòa Thánh kêu gọi các giới lãnh đạo chính trị, kinh tế và tôn giáo quốc gia và quốc tế góp phần thăng tiến hoà bình và an ninh cho các nước nhỏ đang phát triển.

Đức Tổng Giám Mục Bernarrdito Auza, Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc, đã đưa ra lời kêu gọi trên đây trong diễn văn đọc trước phiên họp của Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc về đề tài “Hoà bình và an ninh cho các nước nhỏ đang phát triển”. ĐC Auza khẳng định rằng một trong các đe dọa đối với các nước này là sự kiện khí hậu thay đổi, khiến mực nước biển dâng cao, tạo ra các trận bão nhiệt đới và ngoài nhiệt đới, nhiệt độ không khí và biển gia tăng và thay đổi các kiểu mưa. Đây không phải chỉ là vấn đề môi sinh mà cũng liên quan tới sự phát triển nữa. Nó là một đe dọa sự sống. Các thay đổi khí hậu sẽ gây ra các hệ lụy tiêu cực trên đất đai và nguồn tài nguyên vốn đã nghèo của các nước này. Vì vậy điều cấp thiết nhất là lám sao ngăn chặn khí hậu thay đổi. Để đối phó với mọi hậu quả của nó cần phải huy động mọi lực lượng chính trị, kinh tế, khoa học, và truyền thống tôn giáo.

Thay đổi khí hậu liên quan tới sự phát triển con người, như Đức Thánh Cha Phanxicô đã khẳng định. Ngài đề nghị môi sinh toàn vẹn như mô thức phối hợp hài hòa các tương quan đa chiều kích, bởi vì chúng ta đang phải đương đầu với một cuộc khủng hoảng vừa môi sinh vừa xã hội. Nếu chúng ta đánh mất đi ý thức chúng ta với môi sinh là một, thì thái độ của chúng ta sẽ là thái độ của những chủ nhân, người tiêu thụ và khai thác không có khả năng đưa ra các hạn chế cho các nhu cầu của mình. Săn sóc môi sinh là một thái độ xã hội. Tất cả mọi người đều có bổn phận đóng góp cho việc tìm ra một giải pháp toàn vẹn.

Vị đại diện Tòa Thánh đưa ra ba đề nghị. Thứ nhất, đạt một thỏa hiệp trong hội nghị thượng đỉnh về khí hậu tại Paris vào tháng 12 năm nay để chiến đấu với nạn khí hậu thay đổi. Hàng lãnh đạo thế giới phải can đảm có tâm trí nhìn xa thấy rộng chứ không thiển cận nhắm tới các lợi nhuận nhất thời đang thống trị các đường lối chính trị và kinh tế thế giới. Thứ hai, bỏ ra các nguồn tài chánh đầy đủ để ngăn chặn nạn khí hậu thay dổi. Thứ ba, gia tăng khả thể có được loại năng lượng có thể canh tân.

Hàng tỷ người trên thế giới cần năng lượng để ra khòi nghèo túng. Hàng tỷ người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ gái, đau khổ vì phải nấu nướng vời dầu hỏa. Đa số sống trong các vùng không được nối liền với hệ thống cung cấp năng lượng có thể canh tân. Các nước giầu phải trợ giúp các nước kém mở mang có được các kỹ thuật và nguồn tài chánh để sản xuất năng lưọng ít làm ô nhiễm môi sinh.

4. 666 tới 700 người tình nguyện bán linh hồn cho Satan tại Detroit

Jex Blackmore, phát ngôn viên quốc gia của nhóm thờ Satan mang tên Satanic Temple tuyên bố với báo chí là có từ 666 tới 700 đã tình nguyện bán linh hồn cho Satan trong một biến cố được cô ta mô tả là lớn nhất trong lịch sử.

Hôm 25 tháng 7, một hàng dài người đã xếp hàng trước tòa nhà Lauhoff Corporation ở số 241 Chene St, Detroit, nơi chuyên bán các máy chế biến thực phẩm để tham dự buổi ra mắt một tượng Satan hình người đầu thú nặng gần một tấn và cao 2.75m.

Phát ngôn viên cảnh sát Detroit, viện dẫn quyền tự do phát biểu ý kiến, đã cô lập một nhóm những người chống đối biến cố này sang bên kia đường để ngăn chặn những xô xát có thể xảy ra.

Một ngày sau biến cố này, Jex Blackmore nói trong chương trình truyền hình 7ABC là những người tham dự biến cố này phải mua vé trước với giá vé là 25 Mỹ kim một người. Sau khi vào trong tòa nhà, mỗi người được yêu cầu phải ký một giao kèo bán linh hồn cho quỷ Satan.

Khi được hỏi có người nào từ chối không ký một giao kèo như thế không, Jex Blackmore nói: “Không, không một người nào rút lui”.

Cô ta cho biết thêm những người tham dự được yêu cầu cùng hát một bài ngợi ca, chúc tụng Satan trước khi bức màn che tượng Satan được vén lên.

Jex Blackmore tuyên bố rằng mình đã từng là tín hữu Tin Lành và nhắn với các Kitô hữu rằng “Đừng phí thời giờ cầu nguyện cho chúng tôi”.

Diễn biến này đang gây âu lo cho nhiều người.

5. Hội Thánh Tin Lành tại Ðức xin lỗi về việc đã phá hủy tranh ảnh tôn giáo trong thời Cải Cách.

Trong một cuộc gặp gỡ tại Hamburg giữa hai phái đoàn của Toà Thượng phụ Constantinople và Hội Thánh Tin Lành Ðức (EKD), Giám mục Tin Lành Petra Bosse-Huber đã đưa ra lời xin lỗi về phong trào đốt phá tranh ảnh thánh do Tin Lành đề xướng vào thế kỷ 16.

"Hội Thánh Tin Lành lên án việc phá hủy tranh ảnh tôn giáo. Các tranh ảnh thánh này từ lâu đã trở thành một cách diễn tả lòng sùng đạo của Tin Lành". Trong nửa đầu thế kỷ 16, một số lớn tượng ảnh, các bức trạm, kính màu, bức họa và biểu tượng về Ðức Mẹ và các Thánh, và cả các di vật cùng các đồ vật có liên quan đến các phép lạ hay mang ý nghĩa siêu nhiên, đã bị phá hủy một cách có hệ thống hay bị đưa ra khỏi các nhà thờ, nhà nguyện Công Giáo, đặc biệt tại Thụy Sĩ, Hà Lan, tại miền nam nước Ðức và tại Anh.

Vào năm 1531, tại thành phố Ulm, miền nam nước Ðức, những người theo Tin Lành Cải Cách, đề ra phong trào Gotzentag – chống thờ ngẫu tượng - đã lấy đi các bàn thờ và hai đàn đại phong cầm khỏi nhà thờ chính tòa. Tại Genève cũng vậy, Jean Calvin khởi xướng những vụ phá hủy một số lớn các tác phẩm Kitô giáo trong đó có những công trình quý giá nhất của thành phố.

Tại Pháp, các vụ phá hủy này cũng đã diễn ra, chủ yếu trong cuộc chiến tranh tôn giáo lần thứ nhất vào năm 1562. Nhiều nhà thờ bị phá hủy hoàn toàn và nhiều đền đài đồ sộ bị hư hỏng trầm trọng, như trường hợp các Vương cung thánh đường Thánh Martin thành Tours, Thánh Maria Mađalêna ở Vézelay, nhà thờ chính tòa Thánh Phêrô ở Angoulème, nhà thờ chính tòa Thánh Giá ở Orléans hay tu viện Jumièges...

Phát biểu của Giám mục Petra Bosse-Huber tại cuôc gặp gỡ ở Hamburg để bàn về "tranh thánh" theo quan điểm Chính Thống giáo và Tin Lành, phản ảnh một sự thay đổi sâu xa trong quan điểm biểu tượng thờ phượng và thẩm mỹ.

Vào thời điểm người Tin Lành đang chuẩn bị cử hành kỷ niệm 500 năm cuộc Cải Cách vào năm 2017, tuyên bố này lại càng có ý nghĩa.

6. Đức Thánh Cha tiếp kiến thêm một ngày thứ Bẩy trong Năm Lòng Thương Xót

Trong Năm Thánh Lòng Thương Xót Chúa, Đức Thánh Cha sẽ tiếp kiến tín hữu và du khách hành hương các ngày thứ tư trong tuần và thêm một lần ngày thứ Bẩy mỗi tháng để đáp ứng nhiều đơn xin của tín hữu.

Đức Tổng Giám Mục Georg Gaeswein, Trưỏng ban nghi lễ Tòa Thánh, đã cho biết như trên trong buổi phỏng vấn dành cho chương trình Đức ngữ đài Vatican hôm mùng 1 tháng 8 vừa qua. Buổi tiếp kiến ngày thứ Bẩy đầu tiên sẽ là ngày 30 tháng Giêng năm 2016. ĐC Gaeswein cũng cho biết ngày 28 tháng 8 tới đây là buổi tiếp kiến chung thứ 100 của Đức Thánh Cha. Kể từ khi ngài làm Giáo Hoàng đến nay đã có 15 triệu tín hữu và du khách hành hương tham dự các buổi tiếp kiến chung, tiếp kiến đặc biệt và đọc Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha. Chiều thứ Ba 4-8 Đức Thánh Cha tiếp kiến hàng ngàn trẻ em nam nữ giúp lễ Đức. Thứ Tư 5-8 Đức Thánh Cha bắt đầu trở lại các buổi tiếp kiến chung hằng tuần. Và thứ Sáu 7-8 Đức Thánh Cha tiếp kiến các thành viên Phong trào giới trẻ Thánh Thể.

7. Các Đại học Công Giáo phải đào tạo các người mạnh mẽ của Thiên Chúa

Đức Thánh Cha bầy tỏ ước mong các đại học Công Giáo đào tạo những người bạn mạnh mẽ của Thiên Chúa rất cần thiết cho thời đại khó khăn ngày nay.

Đức Thánh Cha đã bầy tỏ ước muốn trên đây trong sứ điệp, do Đức Hồng Y Petro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh ký ngày mùng 1 tháng 8, gửi đại hội liên đại học triệu tập tại Avila trong những ngày này nhân kỷ niệm 500 năm thánh nữ Têrexa thành Avila sinh ra. Tham dự đại hội về đề tài “Thánh nữ Têrêxa thành Avila, bậc thầy của đời sống”có 450 người đến từ 26 nước trên thế giới. Hiện diện trong đại hội cũng có ông Jorge Fernandez Diaz, Bộ trưởng nội vụ Tây Ban Nha.

Sứ điệp đã được Đức Cha Jesús García Burillo, Giám Mục Avila, đọc trong buổi khai mạc đại hội. Trong sứ điệp Đức Thánh Cha cầu chúc việc tái khám phá ra gương mặt thánh thiện và giáo huấn phong phú của nữ Tiến Sĩ Giáo Hội, dẫn đưa mọi người tới chỗ gặp gỡ Chúa Giêsu nhân lành. Ngài cũng khích lệ mọi người tái khám phá nơi việc chiêm niệm và suy gẫm của thánh nữ, bậc thầy của đời cầu nguyện, suối nguồn của khoa học đích thực và các giá trị làm nảy sinh ra sự sống. Gương sống và các giáo huấn của thánh nữ thời sự hơn bao giờ hết

8. Đức Hồng Y O'Malley kêu gọi tôn trọng phẩm giá con người

Đức Hồng Y Sean O’Malley Tổng Giám Mục Boston, Chủ tịch Uỷ ban bảo vệ sự sống của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, kêu gọi tôn trọng phẩm giá con người.

Đức Hồng Y đã đưa ra lời kêu gọi trên đây sau khi một video phổ biến cách thức các nhân viên của một hiệp hội quốc gia lấy và bán các cơ phận của các thai nhi bị phá trong một hệ thống gồm nhiều nhà thương phá thai tại Mỹ.

Trong thông cáo Đức Hồng Y đã trích lời Đức Thánh Cha Phanxicô: “Phá thai là sản phẩm của một tâm thức lợi nhuận, của một nền văn hóa xài rồi vất bỏ, mà hiện nay đã nô lệ hóa tâm trí của biết bao nhiêu người”. Các trường hợp báo chí đề cập đến trong các ngày qua phải lôi kéo sự chú ý của chúng ta tới hai vấn đề liên lụy tới các cơ cấu xã hội: Thứ nhất là việc phá thai, một trực tiếp tấn kích sự sống con người trong điều kiện đễ bị tổn thương nhất của nó. Đề tài thứ hai đã trở thành mô thức đó là việc lấy các tế bào và các cơ phận của thai nhi qua việc phá thai. Cả hai việc thực hành này đều chối bỏ việc tôn trọng nhân loại và phẩm giá của sự sống con người. Đức Hồng Y cầu mong các sự kiện này được thảo luận công khai.

Sau cùng Đức Hồng Y nhắc cho mọi người biết tất cả những ai bị chấn thương tâm thần vì đã phá thai có thể tìm thấy sự tiếp đón, cảm thương và trợ giúp nhờ “Dự án Rakhel” cùa Giáo Hội Công Giáo. Hiệp hội này đã được thành lập năm 1984 trong giáo phận Milwaukee và qua dòng thời gian đã trở thành cơ quan tông đồ của các Giám Mục Mỹ, hiện diện trong hơn 100 gíao phận và tại nhiều nước , nhằm trợ giúp chữa lành tinh thần cho các phụ nữ sau thời gian phá thai. Tên của Hiệp hội bắt nguồn từ Thánh Kinh: “Rakhel than khóc con mình và từ chối được an ủi vì các con của bà không còn nữa” (Gr 31,15-17)

9. Các Giáo Hội KItô phát động chiến dịch trợ giúp dân nghèo Hy Lạp

Trong những ngày này các Giáo Hội Kitô đang mạnh mẽ phát động chiến dịch trợ giúp người nghèo bên Hy Lạp, đặc biệt các gia đình đông con, gia đình chỉ có cha hay mẹ với con cái tàn tật, và người thất nghiệp đã lâu.

Ngày 29 tháng 7 vùa qua ông Lauprêtre Julien, chủ tịch tổ chức bác ái Pháp, kêu gọi tình liên đới của kitô hữu Pháp đối với các anh chị em Hy Lạp, vì tại Hy Lạp trẻ em và các gia đình đang gặp nạn đói.

Giáo Hội chính thống Hy Lạp đang cố gắng hết sức để làm nhẹ bớt gánh nặng khổ đau cuả dân chúng. Trong thủ đô Athènes các giáo xứ đang phân phát hàng ngàn bữa ăn miễn phí cho dân chúng. Từ năm ngoái tới nay dã có nửa triệu người được trợ giúp, 280 địa điểm phát thực phẩm đã được bố trí để trợ giúp người nghèo, và đã có 75.000 người tìm đến mua thực phẩm tại các “quán xã hội”.

Giáo Hội chính thống đã bỏ ra 121 triệu Euros cho các sinh hoạt này. Trong các tuần qua các toà thị sảnh địa phương cũng dấn thân trong công tác cứu trợ, qua việc trợ giúp thực phẩm, thuốc men và quần áo. Rất nhiều tổ chức bác ái và thiện nguyện viên, tuy cũng là nạn nhân của cuộc khủng hoảng kinh tế tài chánh, nhưng cũng hy sinh trợ giúp những gia đình không có điện nước. Các hãng xưởng địa phương cũng giúp một tay trong công tác cứu trợ. Chẳng hạn hệ thống quán bán bánh “Venetis” đã phân phát mỗi ngày hơn 100.000 bánh mì tròn lớn tại 80 tiệm của mỉnh, tức 1/3 số bánh sản xuất mỗi ngày.

Cả trong các khu phố khá giả của thủ đô Athènes dân chúng cũng xuống đường để tìm thực phẩm. Chẳng hạn ông Pedikas, họa sĩ thất nghiệp, cứ chờ khi nào giá thực phẩm giảm phân nửa mới đi chợ. Khi không thể mua thì ông đi lượm rau trái hàng quán vứt bỏ về ăn.

Giáo Hội Chính Thống sẵn sàng bỏ tài sản của mình để trợ giúp dân chúng và đương đầu với các nợ nần của chính quyền. Hiện nay tại Hy lạp số người thất nghiệp cao nhất Âu châu 24,8%, tiếp đến là Tây Ban Nha 22,6% rồi tới Bồ Đào Nha 13,1%.

10. Mọi người đếu có bổn phận nuôi kẻ đói ăn

Tất cả mọi người đều có bổn phận cho kẻ đói ăn, và có thể góp phần làm giảm bớt nạn nghèo đói trong môi trường sống của mình.

Đức Hồng Y Norberto Rivera Carrera, Tổng Giám Mục thành phố Mêhicô, đã khẳng định như trên trong thánh lễ kỷ niệm 20 năm cai quản giáo phận ngày 28 tháng 7 vừa qua. Giảng trong thánh lễ tạ ơn Đức Hồng Y đã duyệt qua một vài vấn đề dựa trên bản phân tích tình hình đất nưóc, trong đó có nạn nghèo túng gia tăng và nạn phung phí thực phẩm. Đức Hồng Y nói: thật đáng buồn, khi thấy số người nghèo gia tăng trong nước. nhưng thật là điều gây gương mù gương xấu, vì trong thủ đô của chúng ta có hàng ngàn tấn thực phẩm bị phung phí, trong khi đó có biết bao nhiêu người tiếp tục phải đói trên đường phố, và không có ai phân phát cho họ sự phong phú mà Thiên Chúa dành để cho tất cả mọi người, chứ không phải chỉ cho một ít người mà thôi.

Theo ước tính của tổ chức Coneval tại Mêhicô gần 80% các trẻ em và người trẻ vị thành niên dưới 18 tuổi sống thiếu thốn, trong khi có khoảng 50% tức 20 triệu phải sống trong nghèo túng. Điều kiện vệ sinh cũng rất là tồi tệ. Thiên Chúa tiếp tục chúc lành cho chúng ta với nhiều nguồn nước dư dật, nhưng chúng ta phung phí nó với các hệ thống dẫn nước cũ rích, không có chương trình ngăn ngừa, che chở các nguồn nước, lại còn khiến cho nó bị ô nhiễm và phung phí nước.

Để cải tiến tình trạng sống, không ai được phép cảm thấy mình được miễn bổn phận nuôi kẻ đói ăn, cả khi chỉ có một người đang chết đói, chúng ta không có quyền quay lưng như thể chuyện đó không liên hệ gì tới mình. Tất cả mọi người đều có thể góp phần sửa chữa lại tình trạng này. Chúng ta không được rơi vào cám dỗ cho rằng việc phân chia tài nguyên và các nhu yếu phẩm chỉ là bổn phận của Liên Hiệp Quốc, của các chính quyền và các cơ quan. Tất cả mọi người đều có trách nhiệm, cả thường dân nữa, cũng có bổn phận góp phần trợ giúp nuôi người đói khát trên thế giới. Và không phải chi nuôi với cơm bánh, mà cả với nền giáo dục, việc săn sóc sức khỏe, tôn trọng tất cả mọi quyền lợi và các nhu cầu nền tảng của con người nữa.

Đức Hồng Y không quên cám ơn sự cộng tác của mọi thành phần giáo phận đã trợ giúp ngài cai quản tổng giáo phận trong 20 năm qua. Ngài cũng xin lỗi tất cả những ai đã bị xúc phạm hay thất vọng vì sự bất lực hay thiếu chú ý của ngài đối với họ.

11. Đức Thánh Cha khích lệ giới trẻ đừng sợ hãi lập gia đình

Đức Thánh Cha Phanxicô khích lệ người trẻ toàn thế giới đừng sợ hãi lập gia đình, vì vớí ơn thánh Chúa ban họ sẽ kết hiệp với Chúa và với nhau.

Đức Thánh Cha đã đưa ra lời kêu gọi trên đây trên địa chỉ Twitter của ngài hôm 28-7 vừa qua. Đức Tổng Giám Mục Vincenzo Paglia, Chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh về Gia Đình, cho biết có 22 triệu người trên toàn thế giới theo dõi Twitter của Đức Thánh Cha mỗi ngày. Rất tiếc là ngày nay người trẻ sợ hãi lập gia đình, không phải vì họ xấu hơn người trẻ trước kia, nhưng có một nền văn hóa đẩy đưa họ tới sự sợ hãi, nhất là đối với các lựa chọn vĩnh viễn trong cuộc đời. Trong Thánh Kinh người ta tìm thấy lời khuyên “Đừng sợ hãi” 365 lần. Nó phải là điệp khúc cần được vang lên trong tâm trí ngưòi trẻ mỗi ngày, bởi vì nếu chúng ta kết hiệp với Chúa Giêsu, thì hôn nhân, thì sự kết hiệp luôn mãi sẽ có được sự ổn định, mà xã hội qúa lỏng lẻo ngày nay ngăn cản.

Đức Tổng Giám Mục Paglia ca ngợi Đức Thánh Cha Phanxicô đã ra khỏi các lược đồ trang trọng, lựa chọn các phương tiện truyền thông của người trẻ để thông truyền tư tưởng và các lời khích lệ có thể đánh động con tim người trẻ. Giáo Hội có một kho tàng tinh thần nhân bản vô cùng phong phú cần được chia sẻ, thông truyền bằng mọi cách.

Trong bầu khí xã hội hiện nay cần tái đề nghị hôn nhân và gia đình, không phải chỉ như là lựa chọn cho riêng mình, nhưng như kiểu giúp thay đổi thế giới. Hôn nhân không phải là một lựa chọn khép kín trong vòng tròn yêu thương của riêng mình, nhưng là một lựa chọn cho xã hội, cho thế giới


12. Đức Thánh Cha khích lệ các tín hữu hãy vượt quá các nhu cầu vật chất và làm no thỏa cái đói sự sống vĩnh cửu


Ngoài cái đói của thân xác, con người còn mang trong mình một cái đói khác quan trọng hơn, không thể được no nê với thực phẩm thường tình. Đó là cái đói sự sống, cái đói sự vĩnh cửu, mà chỉ có Chúa Giêsu mới có thể thỏa mãn được mà thôi, vì Ngài là bánh sự sống.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã khẳng định như trên với hàng chục ngàn tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi đọc Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 02 tháng 8. Ngài nói trong bài huấn dụ: Trong ngày Chúa Nhật hôm nay tiếp tục bài đọc chương 6 Phúc Âm thánh Gioan. Sau việc nhân bánh ra nhiều dân chúng tìm Chúa Giêsu và sau cùng họ tìm thấy Người gần Capharnaum. Người hiểu rõ mục đích của sự hăng hái theo Người và vén mở nó một cách rõ ràng: “Các ngươi tìm tôi không phải vì các ngươi đã trông thấy các dấu lạ, nhưng vì đã ăn bánh và đuợc no nê” (Ga 6,26). Thật ra, những người ấy theo Chúa Giêsu vì bánh vật chất, mà hôm trước đã làm dịu cái đói của họ, khi Chúa Giêsu đã hóa bánh ra nhiều. Họ đã không hiểu rằng bánh đó bẻ ra cho biết bao người, cho nhiều người, diễn tả tình yêu của chính Chúa Giêsu.

Đức Thánh Cha giải thích thái độ của dân chúng như sau:

Họ đã ban cho bánh đó nhiều giá trị hơn là người cho bánh. Trước sự mù lòa tinh thần này Chúa Giêsu muốn làm rõ sự cần thiết đi xa hơn việc thỏa mãn lập tức các nhu cầu vật chất, và khám phá ra, nhận biết Đấng ban ơn, chính Thiên Chúa là ơn và là Đấng ban ơn. Và như thế từ bánh đó, từ cử chỉ đó, dân chúng có thể tìm thấy Đấng ban cho bánh ấy chính là Thiên Chúa. Người mời gọi rộng mở cho một viễn tượng không chỉ là viễn tượng của các lo lắng thường ngày cho ăn, mặc, thành công, chức tước. Chúa Giêsu nói tới một lương thực khác, một thứ lương thực không thể hư nát; và tìm kiếm và tiếp nhận nó là điều tốt. Ngài khích lệ: “Hãy ra công làm việc, không phải vì những thứ lương thực chóng qua, nhưng vì lương thực tồn tại cho cuộc sống vĩnh cửu mà Con Người sẽ ban cho” (c.27). Nghĩa là kiếm tìm ơn cứu rỗi, gặp gỡ với Thiên Chúa.

13. Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha trong Tháng Tám

- Ý chung: Cầu cho những người đang hoạt động trong lãnh vực thiện nguyện biết luôn quảng đại phục vụ người nghèo.

- Ý truyền giáo: Cầu cho chúng ta biết ra khỏi chính mình để quan tâm đến tha nhân với biết bao người bị gạt ra bên lề cuộc sống và xã hội.

14. Một Giám Mục Anh lo ngại quyền được chết sẽ nhanh chóng trở thành nhiệm vụ phải chết


Một giám mục Anh đã kêu gọi các tín hữu hãy có một vai trò tích cực hơn trong việc phản đối một dự luật cho phép trợ tử.

Phát biểu với những người hành hương đến Pháp để cầu nguyện tại đền thờ Đức Mẹ Lộ Đức, Đức Giám Mục Mark Davis của Shrewsbury nói rằng dự luật này là “bước đầu tiên trên con đường dẫn tới cái chết êm dịu.” Ngài nói thêm rằng dự luật không bao gồm những biện pháp bảo vệ thích đáng chống lại những lạm dụng. Ngài nói: “Chúng tôi có lý do để lo ngại rằng quyền được chết sẽ nhanh chóng trở thành nhiệm vụ phải chết”.

Đức Cha Davies khuyến khích các khách hành hương hãy liên hệ với đại diện của họ trong Quốc hội và yêu cầu họ phải phản đối dự luật này. Đề cập đến những hy vọng mà rất nhiều người bệnh đã được tìm thấy tại các đền thờ Lộ Đức, ngài nói rằng nó là “thực là khó tin một đạo luật tuyệt vọng liên quan đến nhiều người như thế lại được vội vã thông qua ở Quốc hội.” Ngài khuyến khích các tín hữu phản đối dự luật mờ ám này.

15. Tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Ðau Khổ cứu trợ 13 ngàn gia đình tỵ nạn Iraq.


Cho tới cuối tháng 6 năm 2015 Hiệp hội Trợ giúp các Giáo Hội đau khổ đã trợ giúp 13,000 gia đình kitô tỵ nạn trong vùng Kurdistan.

Kể từ khi nhà nước hồi mở các cuộc tấn công đánh chiếm các thành phố bên Iraq và bách hại các kitô hữu hồi tháng 6 năm 2014 tổ chức bác ái này đã trợ giúp Giáo Hội Iraq 7.3 triệu Euros để cứu trợ các nạn nhân. Trong tổng giáo phận canđê Erbil, nơi có đa số các kitô hữu chạy đến ẩn trú, tổ chức Trợ Giúp các Giáo Hội Ðau Khổ đã đóng góp hơn 60% các trợ giúp quốc tế. Ðức Cha Bashar Matti Warda, Tổng Giám Mục Canđê Erbil, cho biết sự trợ giúp của tổ chức đã nâng đỡ cuộc sống của cộng đoàn rất nhiều. Chúng tôi rất biết ơn các ân nhân và những người gần gũi các gia nói trên trong thời điểm thê thảm này. Các phẩm vật cứu trợ đã được các bạn trẻ thiện nguyện từ 15 tới 18 tuổi phân phát cho dân chúng. Mỗi gia đình nhận được gói phẩm vật đủ cho một tháng gồm gạo, đường, dầu, đậu, thịt, phó mát và nước.

Tổ chức Trợ Giúp các Giáo Hội Ðau Khổ tiếp tục quyên góp để tiếp tục cứu trợ người tỵ nạn Iraq. Tổ chức đã do Linh Mục Werrenfried van Straaten thành lập năm 1945 để cứu trợ các nạn nhân Ðệ Nhị Thế Chiến và các Giáo Hội nghèo trên thế giới. Năm 2014 tổ chức đã quên góp được 105 triệu Euros tại 21 quốc gia có trụ sở của tổ chức và đã tài trợ 5,614 dự án tại 145 quốc gia.


16. Đói khát sự sống đời đời

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Với các lời này Chúa Giêsu muốn chúng ta hiểu rằng, ngoài cái đói của thân xác, con người còn mang trong mình một cái đói khác - tất cả chúng ta đều có cái đói này - một cái đói quan trọng hơn, không thể được làm no nê với thực phẩm thường tình. Đó là cái đói sự sống, cái đói sự vĩnh cửu, mà chỉ có Chúa Giêsu mới có thể thỏa mãn được mà thôi, vì Ngài là bánh sự sống (c. 35). Chúa Giêsu không loại bỏ sự lo lắng và kiếm tìm lương thực hàng ngày, không, Ngài không loại bỏ sự lo lắng cho tất cả những gì có thế khiến cho cuộc sống con người tiến bộ hơn. Đức Thánh Cha quảng diễn tư tưởng này như sau:

Chúa Giêsu nhắc cho chúng ta biết rằng ý nghĩa đích thật cuộc sống của chúng ta trên trần gian này là ở tận cùng, trong sự vĩnh cửu, trong sự gặp gỡ với Ngài, là ơn và là Đấng ban ơn; và Ngài cũng nhắc cho chúng ta nhớ rằng lịch sử con người, với các khổ đau và niềm vui của nó, phải được sống trong một chân trời của sự vĩnh cửu, nghĩa là trong chân trời của cuộc gặp gỡ vĩnh viễn với Ngài. Và cuộc gặp gỡ này soi sáng tất cả mọi ngày sống của cuộc đời chúng ta. Nếu chúng ta nghĩ tới cuộc gặp gỡ này, nghĩ tới ơn lớn lao này, nghĩ tới các ơn bé nhỏ của cuộc sống, cả các khổ đau, các lo lắng sẽ được soi sáng bởi niềm hy vọng của cuộc gặp gỡ đó. “Ta là bánh sư sống, ai đến với Ta sẽ không còn đói nữa, và ai tin vào Ta sẽ không bao giờ khát nữa” (c.35). Và diều này quy chiếu về Thánh Thể là ơn lơn nhất no thoả linh hồn và thân xác. Gặp gỡ và tiếp đón trong chúng ta Chúa Giêsu, “bánh sự sống”, trao ban ý nghĩa và niềm hy vọng cho con đường thường cong queo của cuộc sống. Nhưng “bánh sự sống “ này được ban cho chúng ta như là một nhiệm vụ, nghĩa là để tới lượt mình chúng ta làm no thoả cái khát tinh thần và vật chất của các anh chị em khác, bằng cách loan báo Tin Mừng khắp nơi. Với chứng tá của thái độ sống huynh đệ và liên đới đối với tha nhân, chúng ta khiến cho Chúa Kitô và tình yêu của Ngài hiện diện giữa loài người.

Xin Đức Trinh Nữ Thánh nâng đỡ chúng ta trong việc kiếm tìm và bước theo Con Mẹ là Chúa Giêsu, “bánh thật”, bánh hằng sống không hư nát và kéo dài cho cuộc sống vĩnh cửu.

17. Đức Thánh Cha khích lệ các tín hữu đến với bí tích Hòa Giải

Sau Kinh Truyền Tin Đức Thánh Cha đã chào nhiều nhóm tín hữu, đặc biệt nhóm hành hương đi ngựa từ Firenze của huynh đoàn “Parte Guelfa”. Ngài nhắc tới ơn “Tha thứ Asissi”, tức ơn toàn “xá Porziuncula” mà thánh Phanxicô đã xin được cho các tín hữu thời ngài và truyền lại cho đến nay. Đức Thánh Cha nói: Nó là một lời nhắc nhở mạnh mẽ tới gần Chúa trong Bí tích của Lòng Thương Xót và rước Mình Thánh Chúa. Có người sợ hãi đến gần toà Giải Tội, và quên rằng ở đó người ta không gặp gỡ một vị thẩm phán nghiêm khắc, nhưng gặp gỡ Người Cha vô cùng thương xót. Đúng là khi chúng ta đi xưng tội, chúng ta cảm thấy hơi xấu hổ. Điều này xảy ra cho tất cả mọi người, nhưng chúng ta phải nhớ rằng cả sự xấu hổ đó cũng là một ơn chuẩn bị cho chúng ta vào vòng tay ôm của Thiên Chúa Cha, là Đấng luôn luôn tha thứ và tha thứ tất cả.

18. Caritas Italia ước lượng hơn 100 triệu Kitô hữu phải đối mặt với bách hại tại Trung Đông

Hôm 30 tháng 7, Caritas Italiana, cơ quan cứu trợ và phát triển thuộc Hội Đồng Giám Mục Ý, đã công bố một báo cáo về tình trạng bách hại các Kitô hữu tại Trung Đông.

Báo cáo ước tính có “hơn 100 triệu Kitô hữu là nạn nhân của sự phân biệt đối xử, đàn áp và bạo lực bởi các chế độ độc tài toàn trị hoặc bởi tín đồ các tôn giáo khác.”

Theo báo cáo, 4.344 Kitô hữu bị giết chết “vì những lý do liên quan chặt chẽ với đức tin của họ” giữa tháng 11 năm 2013 và tháng Mười năm 2014. Trong cùng thời gian này, 1.062 nhà thờ bị tấn công.