Bản Tin Zenit ngày 20 tháng Giêng cho đăng lời tuyên bố của Hội Đồng Các Giáo Hội Thế Giới sau một hội nghị tham khảo có tính đại kết và quốc tế về Syria của tổ chức này tại Genève trong các ngày từ 15 tới 17 tháng Giêng vừa qua.

Lời kêu gọi khẩn cấp hành động cho một nền hòa bình công chính tại Syria

Các nhà lãnh đạo và đại biểu Giáo Hội Syria, Hội Đồng các Giáo Hội Trung Đông, Hội Đồng Các Giáo Hội Thế Giới và Tòa Thánh (1) họp tại Genève từ ngày 15 tới ngày 17 tháng Giêng, năm 2014, để tham khảo việc tham dự Hội Nghị Hoà Bình Genève II sắp tới về Syria.

Các Kitô hữu duy trì sự hiện diện liên tục tại lãnh thổ Syria kề từ hừng đông của Kitô Giáo. Ngày nay, trong tư cách các Giáo Hội và các cơ quan bác ái có liên hệ với các Giáo Hội, chúng tôi hiện diện với nhân dân Syria trên căn bản hàng ngày cả bên trong xứ sở lẫn bên cạnh các người tị nạn. Trong lời hiệp thông này, chúng tôi muốn được cất cao tiếng nói của mình.

Chúng tôi quan tâm tới mọi người đang chịu ảnh hưởng của bạo lực bừa bãi và thảm họa nhân đạo tại Syria. Số trẻ em, đàn ông, đàn bà vô tội đang bị giết, bị thương, bị chấn thương và buộc phải ra khỏi nhà hiện đông vô kể. Chúng tôi nghe tiếng họ kêu than, vì biết rằng “một chi thể đau thì mọi chi thể cũng đều đau với nó” (1 Cor. 12).

Sẽ không có bất cứ giải pháp quân sự nào cho cuộc khủng hoảng của xứ sở này. Cố gắng trung thành với tình yêu Thiên Chúa dành cho mọi người, và trong bối cảnh luật lệ nhân đạo quốc tế, chúng tôi xin nêu lên các lời kêu gọi hành động và hướng dẫn xây dựng hòa bình này.

Chúng tôi kêu gọi qúy vị, những người tham dự Hội Nghị Genève II, hãy:

1. Mưu tìm việc chấm dứt ngay tức khắc mọi đối đầu và thù nghịch có võ trang tại Syria. Chúng tôi kêu gọi mọi bên trong cuộc tranh chấp này trả tự do cho mọi người đang bị giam giữ và bị bắt cóc. Chúng tôi khẩn khoản yêu cầu Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc thi hành các biện pháp nhằm chấm dứt lưu lượng vũ khí và chiến binh ngoại quốc khỏi xâm nhập vào Syria.

2. Bảo đảm rằng mọi cộng đồng dễ bị tấn công tại Syria và các người tị nạn tại các nước láng giểng nhận được sự trợ giúp nhân đạo thỏa đáng. Nơi nào số dân đông đảo như thế gặp nguy cơ trầm trọng, thì quyền được hưởng trợ giúp đầy đủ là điều chủ yếu, phù hợp với luật lệ quốc tế và (chính sách) Trách Nhiệm Phải Bảo Vệ.

3. Khai triển một diễn trình toàn bộ và có tính bao gồm hướng tới việc thiết lập một nền hòa bình công chính và tái thiết Syria. Mọi thành phần của xã hội, bao gồm chính phủ, phe đối lập, và xã hội dân sự, phải được bao gồm trong một giải pháp Syria cho nhân dân Syria. Chúng tôi nhận ra nhu cầu khẩn thiết phải tích nhập trọn vẹn phụ nữ và người trẻ vào các diễn trình này.

Genève II phải được biến đổi thành một diễn trình xây dựng hòa bình, đáp ứng khát vọng chính đáng của toàn thể nhân dân Syria. Chúng tôi xin đưa ra các hướng dẫn sau đây:

Bất cứ diễn trình xây dựng hòa bình nào cũng phải do người Syria chủ đạo. Nó phải trong sáng và khả tín để người Syria tự quyết định tương lai cho đất nước họ. Một diễn trình như thế đòi hỏi sự giúp tay của Liên Đoàn Ả Rập, Liên Hiệp Quốc, và sự cam kết xây dựng của mọi phe phái có can dự vào cuộc tranh chấp này.

Mọi cố gắng phải được đưa ra nhằm bảo đảm hòa bình, toàn vẹn lãnh thổ và độc lập của Syria. Bản chất đa sắc tộc, đa tôn giáo, đa tuyên tín và truyền thống của xã hội Syria phải được duy trì. Bức khảm sinh động của xã hội Syria đòi mọi công dân của nó phải được hưởng quyền lợi ngang nhau. Các nhân quyền, phẩm giá và tự do tôn giáo dành cho mọi người phải được cổ võ và bảo vệ theo qui luật quốc tế.

Là các Kitô hữu, chúng tôi đồng thanh lên tiếng kêu gọi một nền hòa bình chính đáng tại Syria. Để đạt được nền hòa bình này, chúng tôi cam kết hoạt động tay trong tay với các anh chị em Hồi Giáo, những người chúng tôi vốn chia sẻ cùng một lịch sử chung song song với các giá trị tâm linh và xã hội. Chúng tôi cố gắng hoạt động cho việc hòa giải và hàn gắn quốc gia xuyên qua việc xây dựng lòng tin.

“Phúc cho người xây dựng hòa bình” (Mt. 5).

(1) Các tham dự viên đến từ các quốc gia sau đây: Pháp, Đức, Ý, Iran, Libăng, Hòa Lan, Na Uy, Nga, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Anh và Hoa Kỳ. Các tham dự viên đại kết bao gồm Liên Minh ACT, Cộng Đồng Sant’Egidio, Liên Minh Luthêrô Thế Giới, Pax Christi Quốc Tế, Các Tôn Giáo Vì Hòa Bình, và Liên Đoàn Sinh Viên Kitô Giáo Thế Giới.