Trong cuộc gặp gỡ lần chót với các cha xứ và hàng giáo sĩ Rôma, trước khi từ nhiệm, Đức Bênêđíctô XVI “ứng khẩu” kể lại rằng: mấy tuần trước ngày khai mạc Vatican II, Đức HY Siri, TGM Genoa, mời Đức HY Frings, TGM Cologne, tham dự một hội nghị về Giáo Hội trong thế giới hiện đại. Đức HY Frings đã nhờ một giáo sư thần học trẻ tuổi là Joseph Ratzinger (chính ngài) soạn bài nói cho mình. Bài nói này gây ấn tượng mạnh nơi Đức Gioan XXIII đến độ, trong một buổi yết kiến, ngài ôm chầm lấy Đức HY Frings mà nói: “Đó chính là ý hướng của tôi khi triệu tập Công Đồng”.

Lời Đức Gioan XXIII hoàn toàn phản ảnh sự thực. Đọc lại bài diễn văn ngắn ngủi này là đọc lại toàn diện 16 văn kiện của Vatican II. Sau đây là nguyên văn bài diễn văn này (1)
.

Hai điểm dẫn nhập

1. Công Đồng và thời hiện tại

Các công đồng luôn nói lên lời Thiên Chúa như đã chịu ảnh hưởng của hoàn cảnh đương thời, là hoàn cảnh buộc ta phải đem lại cho tín lý Kitô Giáo một công thức mới mẻ.

Các công đồng sử dụng tư tưởng của thời đại mình với mục tiêu bắt các tâm trí có ý chí riêng phải vâng phục Chúa Kitô (xem 2Cor 10:5) và xử lý với Giáo Hội trong sự tăng trưởng thiêng liêng hướng tới “tầm vóc viên mãn của Chúa Kitô” (Eph 4:13). Để Công Đồng sắp tới thành công trong mục tiêu cập nhật hóa (aggiornamento) của nó (Đức Gioan XXIII), điều quan trọng có tính chủ yếu là xem sét thế giới văn hóa và trí thức hiện nay; vì giữa lòng thế giới này, Giáo Hội muốn đặt Tin Mừng không phải dưới thúng úp mà là trên đế đèn, để nó có thể soi cho mọi người sống trong căn nhà của thời hiện đại (xem Mt 5:15).

2. Các thay đổi văn hóa và trí thức từ Vatican I

Vatican I họp (1869-1870) lúc chủ nghĩa duy tự do đang thống lãnh chính trị và sinh hoạt kinh tế, đồng thời len lỏi cả vào thần học qua chủ nghĩa duy sử học, là chủ nghĩa chẳng bao lâu sau sẽ dẫn tới cuộc khủng hoảng duy hiện đại trong nền thần học Công Giáo ở đầu thế kỷ 20.

Trước Vatican I, sau cơn sốc kinh thiên động địa của Phong Trào Ánh Sáng, một cuộc tái sinh thần học đã được mở màn, song song với sự lớn mạnh thiết yếu của nền triết lý vững chắc. Tuy nhiên, vì trong lúc cố gắng chống trả các cuộc tấn công của phe duy tự do, phải đu đưa giữa các thái quá của chủ nghĩa duy lý và chủ nghĩa duy tín ngưỡng, nên tư tưởng Công Giáo có điều gì không chắc chắn, âu cũng là chuyện bình thường đối với bất cứ sự khởi đầu mới mẻ nào. Ngoài ra, Feuerbach và Haeckel cũng đang đưa ra các đề xuất sơ khởi cho chủ nghĩa duy vật.

Có người nghĩ rằng hoàn cảnh chúng ta hiện nay cũng tương tự như hoàn cảnh của Vatican I, tuy, nhiều thay đổi lớn trong mối liên hệ của Giáo Hội với thế giới chung quanh đã diễn ra. Tại một nước Ý nay đã thống nhất, Giáo Hội quả rất khác so với cuối thời kỳ các Lãnh Địa Giáo Hoàng. Nước Pháp đã chứng kiến sự chiến thắng của chủ nghĩa duy tục và nền quân chủ Đức đã sụp đổ (1918), trong khi các chính phủ theo khuynh hướng duy tục tại Châu Mỹ La Tinh đã đẩy Giáo Hội ra khỏi việc gây ảnh hưởng đối với sinh hoạt công cộng.

Hai cuộc Thế Chiến đã đặt chúng ta ở thế xa vời đối với Vatican I. Thế Chiến I đã kết liễu một hình thức của chủ nghĩa duy tự do với thái độ quá tự tin của nó [trong việc cổ vũ tiến bộ nhân bản]. Đời sống Công Giáo tìm được sinh khí mới [trong thập niên 1920], trong khi hai phong trào mạnh mẽ trám đầy khoảng trống do chủ nghĩa duy tự do để lại, tức chủ nghĩa Mác xít duy vật ở Nga và chủ nghĩa quốc gia đầy lãng mạn ở Ý và ở Đức, dẫn tới các kinh hoàng của Thế Chiến II. Khi vực thẳm tàn ác của các chủ nghĩa này được vạch trần, chủ nghĩa duy tự do đã tái sinh như mới, khiến một số khía cạnh trong tình thế hiện nay tương tự như tình thế của Vatican I.

Tuy nhiên, quá khứ không đơn thuần chỉ trở lại, bất kể các nối kết giữa thời hiện tại và những gì hiện diện tiềm ẩn trong thời kỳ 1869-1870. Thời đại ta quả có khác, và do đó, ta sẽ cố gắng định tính các trào lưu căn bản trong nền văn hóa và tư duy hiện nay của ta, những trào lưu đang tác động lên trách vụ hiện được trao phó cho công trình giáo huấn của Công Đồng sắp tới.

Suy nghĩ của Giáo Hội và của thời hiện đại: Điều kiện tâm linh và trí thức của nhân loại lúc cận kề Công Đồng

1. Cảm nhận nhân loại như một

Có lẽ cảm nhận đáng lưu ý nhất về tình hình của ta hiện nay là thế giới đã thu nhỏ lại và nhân loại cảm thức được tính đơn nhất của mình. Truyền thanh và truyền hình đem toàn thế giới vào từng căn nhà và ở các đô thị lớn, ta gặp được người từ khắp nơi trên thế giới.

Nền văn hóa kỹ thuật nay đã trở thành thống nhất bao trùm nhiều khía cạnh đặc biệt trong các nền văn hóa đặc thù; nền văn hóa thống nhất này đang ảnh hưởng tới đời sống ta và đem tới cho mọi người trên thế giới các phạm trù chung của nền văn minh kỹ thuật Âu Mỹ. Ta có thể so sánh tình thế này với nền văn hóa Hy Lạp chung của thế giới quanh Địa Trung Hải thời Chúa Giêsu.

Đây là thời khắc thuận lợi (kairos) cho Giáo Hội, là lời Thiên Chúa kêu gọi ta hướng về mọi con người nhân bản. “Phải trở nên một Giáo Hội thế giới theo nghĩa đầy đủ hơn trước đây” (2). Diễn trình này đã bắt đầu tại xác xứ truyền giáo với việc thành lập hàng giáo phẩm bản quốc, nhưng nhiều biện pháp khác nữa cần được đưa ra.

Khi Kitô Giáo được truyền bá lần đầu, nó đã không ngần ngại tiếp nhận ngôn ngữ chung (koine) là tiếng Hy Lạp của thời ấy và công bố Tin Mừng bằng các hạn từ của ngôn ngữ này, thậm chí bằng cả các phạm trù duy nội tại của phái Khắc Kỷ (Stoic immanentist) nữa. Ngày nay, ta cũng có một ngôn ngữ chung có thể sử dụng được, đó là các hạn từ và phạm trù của nền văn minh kỹ thuật.

“Liên quan tới vấn đề truyền giáo, ta nói nhiều tới việc thích ứng, nhờ đó, nội dung của đức tin được thấm nhập và các nền văn hóa quốc gia khác nhau […]. Ta có thể tự hỏi há ít nhất không phải là chuyện cần kíp hay sao phải đi tìm một hình thức công bố mới, một hình thức nắm bắt cho Chúa Giêsu Kitô lối suy nghĩ của nền văn hóa Kỹ thuật thống nhất và nhờ đó, biến đổi ngôn ngữ kỹ thuật mới của chung nhân loại thành một thổ ngữ của Kitô Giáo” (3).

Người ta có thể coi việc nổi bật của nền văn minh mới mẻ này như chiến thắng của lề thói Âu Châu. Nhưng kinh nghiệm của hai cuộc Thế Chiến đã hé cho người ta thấy khía cạnh đen tối và đầy bạo lực của nền văn hóa Âu Châu, khiến người ngoài nghi ngờ Kitô Giáo và khả năng thay đổi thế giới của tôn giáo này. Người Á Châu lưu ý tới lịch sử Kitô Giáo đẫm máu và việc bách hại. Họ tự hỏi phải chăng nét thiên tài đầy kiên nhẫn của Ấn Độ hay nụ cười tiết dục và tha thứ của Buddha há không đưa lại lời hứa hòa bình đáng tin cậy hơn lời hứa của Kitô Giáo đó sao.

Nghịch lý thay, song hành với chiến thắng của kỹ thuật ta thấy có sự tái sinh một số dòng văn hóa khác, như việc tái nghiên cứu Kinh Korăng nơi người Ả Rập, và việc Phật Giáo và Ấn Giáo lôi cuốn người Tây Phương. Việc này ảnh hưởng tới cái hiểu của người Kitô Giáo, là những người từ trước đến nay vẫn có xu hướng coi gia tài Tây Phương của mình có giá trị tuyệt đối.

“Việc xuất hiện các thế giới quan mới khiến người Tây Phương tỉnh mộng và ý thức được rằng nền văn hóa và lịch sử riêng của họ chỉ có một ý nghĩa giới hạn. Ý thức này đã lấy đi một trong các các chống đỡ đức tin quan trọng nhất ở bề ngoài, tức đặc tính tuyệt đối của Kitô Giáo, và đem người Tây Phương tới thuyết tương đối, là một trong các yếu tố đặc trưng nhất của sinh hoạt trí thức hiện nay, một cách nhìn cũng hiện diện nơi tín hữu nữa. Nhưng sẽ là một lầm lỗi khi tin rằng chủ nghĩa duy tương đối hoàn toàn xấu xa. Nếu nó dẫn ta tới chỗ thừa nhận tính tương đối của mọi hình thức văn hóa nhân bản và nhờ thế ghi khắc một lòng khiêm nhường khiến ta không đặt bất cứ di sản nhân bản hay lịch sử nào lên hàng tuyệt đối , thì chủ nghĩa duy tương đối có thể giúp ta cổ vũ sự hiểu biết mới mẻ giữa con người với nhau và mở được nhiều biên giới trước đây bị đóng kín. Nếu nó giúp ta nhìn nhận tính tương đối và tính hay thay đổi trong các hình thức và định chế chỉ có tính nhân bản, thì thực sự nó đã góp phần vào việc giải thoát tất cả những gì thực sự tuyệt đối ra khỏi những cái khung chỉ tuyệt đối ở bề ngoài và nhờ đó giúp ta nhìn ra thể thực sự tuyệt đối này một cách rõ ràng hơn trong cái nét tinh ròng thực sự của nó. Chỉ khi nào chủ nghĩa duy tương đối bác bỏ mọi thể tuyệt đối và chỉ nhìn nhận các thể tương đối mà thôi, nó mới thực sự bác bỏ đức tin” (4).

Trong mối ưu tư mới đối với các giá trị đặc biệt của các dân tộc ở ngoài Âu Châu, Giáo Hội có nhiệm vụ vun sới tính hợp nhất của đức tin và việc thờ phượng trong khi thực thi sứ mệnh tạo hòa bình vượt trên mọi biên giới.

Tình thế trên kêu gọi Công Đồng phải tự xét mình ngõ hầu mở rộng cửa hơn trước để Giáo Hội đón nhận các dị biệt trong nền văn hóa của con người, một việc rất thích đáng đối với tính Công Giáo. Trong tư cách một dân tộc thực sự tâm linh do Thần Khí và nước sinh ra (Ga 3:5), Giáo Hội phải luôn mở cửa đón nhận các dị biệt của nhân loại và “trong khuôn khổ cao hơn của hợp nhất, Giáo Hội phải thể hiện luật đa dạng” (5). Muốn làm cho Đạo Công Giáo được Công Giáo hơn, điều trên phải dẫn tới các hậu quả sau đây:

* Không phải mọi luật lệ đều có giá trị như nhau tại mọi quốc gia.
* Dù việc thờ phượng theo phụng vụ phải là dấu chỉ hợp nhất, nhưng nó cũng phải phát biểu được một cách thích đáng đặc tính chuyên biệt của một nền văn hóa nhất định, nếu nó muốn là sự thờ phượng Thiên Chúa trong tinh thần một dân tộc (Rm 12:1).
* Thẩm quyền giám mục địa phương phải được tăng cường cách tự nhiên để thỏa mãn nhu cầu của các Giáo Hội đặc thù, trong khi vẫn duy trì các giám mục hợp nhất với toàn bộ hàng giám mục quanh trung tâm ổn định là Ngôi Tòa Phêrô.

2. Tác động của kỹ thuật

Về phương diện tôn giáo, nền văn hóa mới của kỹ thuật tác động tới con người nhân bản một cách khác với các con người nhân bản của các nền văn hóa trước đây. Con người nhân bản trước đây có nhiều gặp gỡ trực tiếp với thiên nhiên, còn thế giới ta đang gặp mang nhiều dấu ấn của lao công và tổ chức nhân bản.

Về phương diện lịch sử, các gặp gỡ trực tiếp với thế giới tự nhiên là khởi điểm rất quan trọng đối với kinh nghiệm tôn giáo, vì Thiên Chúa vốn phải được biết đến nhờ các sự vật Người đã dựng nên (Rm 1:20). Nhưng ngày nay, ta đang rất thiếu cái nguồn quan trọng ấy của kinh nghiệm tôn giáo, như thấy rõ trong việc xuống dốc đức tin nơi các công nhân kỹ nghệ hiện đại.

Nhưng ta không nên coi kỹ thuật như ma qủy, vì Thiên Chúa vốn trao phó trái đất này cho con người cấy trồng và chinh phục (St 2:15, 1:28). Thực vậy, mọi tình huống nhân bản đều có tiềm năng và nguy hiểm của nó, và con người sa ngã thậm chí còn thờ phượng cả các tạo vật tự nhiên của Thiên Chúa. Và kỹ thuật cũng có thể dẫn tới việc thờ phượng chính con người.

Hiện nay, thế giới đã trở thành trần tục một cách bất phản hồi và con người nhân bản xem ra đáng được ca ngợi vì đã tạo ra tiến bộ. Trong tình huống mới này, tôn giáo cần phải tự giải thích và biện minh một cách mới mẻ. Muốn chỉ ra được con đường trước mắt, ta phải trình bày một số xem sét nữa.

3. Tính khả tín của khoa học

Quần chúng ngày nay đặt kỳ vọng khá cao vào khoa học, thậm chí tìm trong đó những giải pháp cho các nhu cầu nhân bản sâu xa như các qui luật thực hành từ các nghiên cứu xã hội như Phúc Trình Kinsey (6), hoặc cho việc chữa trị theo phương pháp điều trị dựa trên các hiểu biết thông sáng về tâm lý học. Nhiều người còn hy vọng thoát khỏi các cuộc tranh đấu thuộc đạo đức học nữa.

Nhưng đây chính là chỗ ta đem ý nghĩa đức tin ra trình bày với những con người của thời đại kỹ thuật.

Con người nhân bản vẫn là một thực thể “vô minh” (A. Carrel) (7) hay là “một hố thẳm vĩ đại” (Thánh Augustinô). Các phương pháp khoa học ngày nay dĩ nhiên đã cố gắng giải thích nhiều điều về hố thẳm này, nhưng luôn luôn vẫn còn lại một điều gì đó chưa được giải thích và không thể giải thích, vượt quá cả xã hội học, tâm lý học, nghiên cứu sư phạm, hay bất cứ gì gì khác. Điều còn lại này có tính căn bản, đúng hơn có tính quyết định đối với bất cứ điều gì được thích đáng coi là nhân bản. Tình yêu vẫn còn là phép lạ vĩ đại vượt quá mọi tính toán. Mặc cảm tội lỗi vẫn còn là khả thể đen tối mà các con số thống kê sẽ không thể nào viện lẽ bỏ qua được. Tận thẳm sâu trái tim con người, nỗi cô đơn vẫn còn đó để kêu gào vô biên và sẽ không tìm thấy thoả mãn tối hậu ở bất cứ điều gì khác. Điều vẫn còn mãi mãi đúng là solo Dios basta (một mình Thiên Chúa đã đủ) (9). Chỉ có vô biên mới đủ cho con người nhân bản; đấu đong thực sự của họ không là gì khác mà là vô biên.

Có thể nào làm cho con người kỹ thuật ý thức được điều đó không? Dù không còn thiên nhiên để nói với họ về Thiên Chúa nữa, những con người này vẫn còn có họ và trái tim biết kêu gào Thiên Chúa của họ. Điều này đúng cả khi họ không hiểu nổi thứ ngôn ngữ phát sinh từ nỗi cô đơn và cần tới các nhà giải thích để minh giải ý nghĩa của nó (10).

Trong thời đại kỹ thuật này, tôn giáo sẽ ít ỏi về nội dung nhưng có lẽ nội dung này sẽ sâu sắc hơn. Muốn đem lại cho người ta sự trợ giúp họ mong chờ, Giáo Hội nên từ bỏ những hình thức bề ngoài xưa cũ, cho phép những điều thực sự thuộc đức tin được sáng tỏ hơn như những vấn đề có giá trị lâu dài.

Giáo Hội phải tự chứng tỏ mình không hề sợ sệt khi đứng trước khoa học, vì mình nắm được chân lý của Thiên Chúa, một chân lý không bị bất cứ tiến bộ chân chính nào nói ngược lại được. Sự chắc chắn, dùng làm nền cho tự do và phong thái của Giáo Hội, có khả năng dẫn người đương thời tới đức tin không gì thắng nổi, đến cả thế gian cũng không, vì đức tin này chứa đựng sức mạnh có thể thắng được thế gian (1Ga 5:4).

4. Các ý thức hệ

Từ trước đến nay, ta chưa nhắc gì tới thuyết Mácxít, thuyết hiện sinh, và thuyết tân tự do. Tất cả các lý thuyết này đều là các ý thức hệ phát sinh từ một thế giới đã bị biến thành trần tục để thay thế đức tin, làm lối giải thích thế giới và nguồn ý nghĩa của đời sống, do họ đưa ra, nhưng không nhắc gì tới Đấng Siêu Việt Khác kia. Ý thức hệ phát sinh từ con người nhân bản bị ném trở lại với chính mình và hết còn dám đánh cá cho đức tin, nhưng vẫn sản sinh ra điều tôn giáo từng cung cấp.

Hiện nay, nhiều tầng lớp người Âu Châu, Mỹ Châu và Nga đã được “phi ý thức hệ” và sống trong một thế giới quan thực tiễn nhưng khá thu nhỏ, một thế giới quan hết còn hứa hẹn thiên đường tại thế mà chỉ còn dùng để hỗ trợ cho chủ nghĩa tiêu thụ và tiện nghi mà thôi. Nhưng những thứ này không phải là giải đáp cho cuộc tìm kiếm của con người.

Ở đây, Giáo Hội có một trách vụ tích cực, tức là, chứng tỏ cho thế giới thấy: đức tin Kitô Giáo mới là câu trả lời thực sự cho cuộc tìm kiếm ý nghĩa của con người. Giáo Hội phải làm sáng tỏ điều vốn làm cho các cá nhân mê say trong các ý thức hệ, như niềm hy vọng cứu họ khỏi chán chường. Việc này hệ ở lời hứa không phải chỉ dành cho các cá nhân, mà còn cho cả nhân loại, cả địa cầu và khắp thế giới.

Kitô Giáo thế kỷ 19 đi quá xa trong việc tập chú vào ơn cứu rỗi đời đời của cá nhân, mà quên khuấy niềm hy vọng phổ quát mà Kitô Giáo vốn dành cho toàn bộ thế giới tạo dựng; tất cả đều được dự tính cứu thoát, vì Chúa Kitô là chúa tể mọi loài.

“Kitô Giáo có nghĩa vụ phải suy nghĩ thấu đáo trở lại và thoả mãn sự nhiệt tình của con người hiện đại đối với thế giới, với lối giải thích tươi mới về thế giới, coi nó như một sáng thế biết làm chứng cho vinh quang Thiên Chúa và như một toàn bộ được dự trù cứu rỗi trong Chúa Kitô. Người không phải chỉ là đầu của Giáo Hội, mà còn là Chúa của sáng thế nữa” (Eph 1:22; Cl 2:10; Pl 2:9ff) (11).

Thuyết duy tự do cổ vũ nhiều giá trị đích thực như khoan dung kính trọng quyền tự do thiêng liêng của người khác và cố gắng vô điều kiện để trung thực đối với và chống lại các khẩu hiệu tuyên truyền. Kitô hữu rất nên ủng hộ những quan điểm này, vì chúng là nền tảng để ta chống lại mọi chủ trương toàn trị. Tại Công Đồng, Giáo Hội nên rà xét lại một cách toàn diện và có phê phán các thực hành của mình, như Danh Mục Các Sách Bị Cấm, một danh mục không khác gì các hạn chế toàn trị đối với việc đi tìm chân lý.

“Đức Thánh Cha đặc biệt nói tới Công Đồng sắp tới như một công đồng cải cách nhằm xử lý các vấn đề thực tiễn. Bằng việc xem sét lại các hình thức cổ xưa, Công Đồng sẽ tìm ra hàng loạt các trách vụ xem ra chỉ liên hệ tới bề ngoài, thậm chí đều nhỏ mọn. Nhưng nếu đem ra thực thi, các hành động này sẽ làm cho Giáo Hội thành dễ lui tới hơn đối với con người hiện đại, như là nhà Cha trong đó họ được cư ngụ đầy hân hoan và an ổn” (12).

Các ý nghĩ kết luận

Từ trước đến nay, ta mới chỉ nói tới thế giới ở bên ngoài Giáo Hội, chưa nói tới tình thế hiện nay của Giáo Hội, một Giáo Hội mà nửa thế kỷ vừa qua đã mang lại nhiều lợi ích mà vào thời Vatican I chưa ai dám nghĩ tới. Các đặc sủng của Thần Khí Thiên Chúa dư tràn tạo nên sinh khí cho Giáo Hội và các đặc sủng này giữ được vị trí của chúng trong trật tự do thẩm quyền cai trị thông thường của Giáo Hội tạo nên.

Hai phong trào rộng lớn đã xuất hiện và được chính thức nhìn nhận có liên quan tới toàn thể Giáo Hội, tức phong trào Thánh Mẫu do Lộ Đức và Fatima thúc đẩy, và phong trào phụng vụ khởi đầu trong các đan viện Biển Đức ở Pháp, Bỉ, và Đức. Phong trào sau đã hướng dẫn nhiều người khám phá ra Thánh Kinh cách mới mẻ, và cả các Giáo Phụ nữa, và việc này đã tạo điều kiện để đối thoại với các Kitô hữu ly khai và gần đây nhất đã dẫn đến việc thành lập ra Văn Phòng mới để Cổ Vũ Sự Hợp Nhất Kitô Giáo.

Nhưng điều lạ là hai phong trào này, với những thúc đẩy riêng, rất xa lạ đối với nhau. Có thể nói lòng đạo đức phụng vụ có tính “khách quan và bí tích” còn lòng sùng kinh Thánh Mẫu thì có tính “chủ quan và cá nhân”. Trong phụng vụ, người ta đi “từ Chúa Kitô tới Chúa Cha”, còn lòng tôn sùng Đức Mẹ thì đi “tới Chúa Kitô qua Đức Mẹ”. Dù cả hai có mặt khắp nơi, nhưng phong trào Thánh Mẫu nở rộ tại Ý và các lãnh thổ nói tiếng Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, trong khi phong trào phụng vụ thì mạnh ở Pháp và ở Đức.

Hiện tượng trên cho thấy trước nhất: tính đa dạng làm ta ra phong phú, vì nhờ nó, ta đem các đặc sủng riêng của ta vào sự hợp nhất của nhiệm thể Chúa Kitô. Ta khó có thể tưởng tượng được hết các phong phú mới mẻ sẽ xẩy tới khi các đặc sủng của Châu Á và Châu Phi được đem vào đóng góp cho toàn thể Giáo Hội.

Ta thoáng thấy hai phong trào này bắt đầu được thống nhất với quan niệm thấu suốt cho rằng Đức Maria không nên đứng một mình, mà ngài nên là ảnh tượng và là hình tượng của Mater Ecclesia (Mẹ Giáo Hội). Ngài muốn cho thấy lòng sùng kính Kitô Giáo không để các cá nhân một mình đối diện với Thiên Chúa, nhưng đưa họ vào một cộng đồng các thánh, nơi Đức Maria là nhân vật trung tâm trong tư cách Mẹ của Chúa. Ngài muốn cho thấy: Chúa Kitô cũng không ở một mình mà có ý hướng tạo lập các tín hữu thành một Thân Thể với chính Người, có “trọn Chúa Kitô, đầu mình và chân tay” (Thánh Augustinô).

Cộng đồng này đến với nhau trong lời kinh phụng vụ và trong các thập niên sắp tới, phong trào phụng vụ nên tìm cách tích hợp lòng sùng kính Thánh Mẫu với các đặc điểm ấm áp, cam kết bản thân và sẵn sàng làm việc đền tội của nó, trong khi phát huy nơi người sùng kính Đức Mẹ một sự chừng mực thánh thiện và trong sáng có kỷ cương tìm thấy trong các qui phạm cầu nguyện và thờ phượng của các tín hữu sơ khai (13).

Sau cùng, là chứng tá đau khổ và tử đạo vốn là đặc điểm của nửa bán thế kỷ vừa qua, có khi còn rộng lớn hơn cả ba thế kỷ đầu của cuộc bách hại Rôma. Việc này cho ta lý do vững chãi để đừng than vãn tình thế tâm linh hiện nay của ta, coi nó như mỏi mệt và nghèo nàn, vì quả thực sức mạnh của Chúa Thánh Thần không hề vắng bóng giữa các dấu hiệu như thế về một sinh hoạt đầy chiến thắng.

Công Đồng phải phục vụ sinh khí ấy của Giáo Hội, phát huy chứng tá đời sống Kitô Giáo hơn là ban hành các tín lý. Điều này sẽ chứng tỏ cho thế giới thấy điều gì mới thực sự là trung tâm, tức là: Chúa Kitô không phải chỉ là “Chúa Kitô của hôm qua” mà là Chúa Kitô của “hôm qua, hôm nay và mãi mãi” (Dt 13:8).

Ghi chú
(1) Bản tiếng Pháp đăng trong Documentation catholique 59 (18 tháng hai, 1962)
(2) "Kardinal Frings uber das Konzil" Trích trong Herder-Korrespondenz 16 (1961/1962) 169.
(3) Ibid., 169
(4) Ibid., 170
(5) Ibid.
(6) A.C Kinsey et Al. Sexual Behaviour in the Human Male, Philadelphia, 1948
(7) A. Carrel, Man, The Unknown, London 1935
(8) Confessions, X,8
(9) Thánh Têrêxa Avila, kết thúc bài thơ bẩy giòng "làm đồ đánh dấu sách", tìm thấy sau khi ThánhNữ qua đời năm 1582.
(10) "Kardinal Frings uber Konzil", 171
(11) Ibid., 172-173
(12) Ibid., 174
(13) Phần này đã gợi hứng nhiều suy tư của các thần học gia, như É. Fouilloux "Mouvements théologico-spirituels et concile"...