Giữa những câu hỏi và câu trả lời trên chuyến bay đưa Đức Phanxicô từ Rio trở lại Rôma được nhiều người chú ý nhắc đi nhắc lại và bình phẩm, ít ai chú ý tới câu hỏi liệu ngài có bị chống đối gì trong các cố gắng thay đổi ở Vatican hay không.

Với câu hỏi ấy, Đức Phanxicô nhấn mạnh tới sự hiện diện của nhiều người thiện chí và trung thành. Về khía cạnh tiêu cực, ngài từ tốn cho hay phẩm chất phục vụ tại Giáo Triều có hơi xuống dốc so với thời “các nhân viên giáo triều cũ”, những người chỉ biết chu toàn nhiệm vụ. Và ngài khiêm tốn cho hay: “quả thực, tôi chưa làm được nhiều”.

Đức khiêm tốn là đức vốn nổi bật nơi Đức Phanxicô, nhưng câu trên phải chăng là một trả lời thành thực cho sự nôn nóng của một số vị, kể cả những vị hết lòng hỗ trợ ngài như Đức HY Dolan của New York? Thực vậy, ngày 24 tháng 7, tức chỉ mấy ngày trước đó, trong cuộc phỏng vấn của tờ National Catholic Reporter, vị Hồng Y này nói rằng cho đến nay, kỹ năng quản trị của Đức Phanxicô chưa được hiển nhiên bao nhiêu và ngài mong rằng “sau cảnh êm ả của mùa hè này, chúng ta sẽ được thấy nhiều dấu hiệu hơn của việc thay đổi quản trị”.

Và dù cho rằng Đức Phanxicô đã làm được rất nhiều để nâng cao uy tín của ngôi vị giáo hoàng nói riêng và của Giáo Hội Công Giáo nói chung, nhiều người vẫn mong ngài làm nhiều hơn nữa, nhất là trong một số lãnh vực cấp thiết sau đây.

Tài chánh

Theo John Allen, một chuyên viên kỳ cựu về Vatican, cứ theo suy nghĩ riêng của Đức Phanxicô, ngài sẽ không khởi đầu cuộc cải tổ quan trọng với Ngân Hàng Vatican. Tuy coi đây là một định chế quan trọng, nhưng trong một bài giảng lễ hồi tháng Sáu, ngài cho hay nó chỉ cần thiết “tới một mức nào đó”.

Tuy nhiên, hoàn cảnh mấy tháng gần đây đã biến ngân hàng này thành một thử thách lớn đối với cam kết canh tân của Đức Phanxicô. Đầu mùa hè này, hai viên chức cao cấp của ngân hàng đã từ chức nhân một cuộc điều tra rửa tiền của Ý và cảnh sát Ý đã bắt giam một kế toán gia của Vatican về tội mưu toan nhập cảnh lậu 26 triệu dollars tiền mặt vào Ý và dùng trương mục của ngân hàng Vatican để ngụy trang ngân qũy.

Trên chuyến bay từ Rio de Janeiro trở lại Rôma ngày 28 tháng 7, Đức Phanxicô phác thảo 3 giải pháp cho ngân hàng này: a) cải tiến nó thành một “ngân hàng hợp đạo đức”; b) biến nó thành một qũi bác ái; c) đóng cửa nó.

Phần lớn các quan sát viên tin rằng giải pháp c) khó có thể khả hữu, dù là giải pháp trong sạch nhất. Sự thực là các dòng tu và các cơ quan bác ái Công Giáo, hiện đang hoạt động khắp nơi trên thế giới, gặp những hoàn cảnh nhiều khi hệ thống tài chánh không được phát triển bao nhiêu, nên cần có phương tiện để bảo vệ tài sản và chuyển ngân khoản cách dễ dàng. Nếu không có ngân hàng Vatican, thì có lẽ vị giáo hoàng nào cũng bị áp lực phải lập ra một cái.

Giải pháp ngân hàng hợp đạo đức được coi là giải pháp sẽ được chọn, dù kiểu nói này nghe có vẻ hơi mơ hồ. Nói chung, các ngân hàng hợp đạo đức có chung ba đặc điểm sau đây: cam kết áp dụng các thực hành có tính trong sáng nhất, qua việc thường xuyên công bố các quyết toán và sẵn sàng tiếp nhận việc duyệt xét từ bên ngoài; sử dụng tài sản cho các mục đích có trách nhiệm về xã hội, thường thường qua việc chấp nhận các biên tế lời lãi thấp hơn các ngân hàng thương mãi bình thường; và cho các cổ đông cũng như các thành viên của cộng đồng tham dự vào việc quản trị.

Tại Ý, Banca Popolare Etica (Ngân Hàng Đạo Đức Bình Dân) vốn được trưng dẫn làm điển hình. Nó được các nhóm lao động và trang trại, các hiệp hội chủ tiệm, thậm chí cả hội Hướng Đạo Ý yểm trợ nữa.

Dấu hiệu thay đổi hiện đã ló dạng. Các viên chức của Ngân Hàng Vatican đã thuê Nhóm Promontory Financial Group có trụ sở tại Washington D.C., tiến hành cuộc duyệt xét chi tiết các trương mục, và phần lớn các quan sát viên tin rằng càng ngày càng khó cho các cá nhân sử dụng các dịch vụ của ngân hàng này. Ngân hàng này cũng vừa mở một trang mạng và xác nhận số tài sản hiện nắm là 9 tỷ 400 triệu dollars và số trương mục là 18,900.

Tuy nhiên, cải tổ một ngân hàng vốn không phải là một việc dễ, nên đây mới chỉ là những bước sơ khởi dẫn tới cuộc thách thức lớn hơn mà thôi: tức là cổ vũ sự trong sáng ở bình diện thấp hơn của Giáo Hội, nơi tập trung tiền bạc thực sự và là nơi chiến thuật đánh không trúng (hit-and-miss) đôi khi gây tai họa trầm trọng.

Sự thật trên đã được lưu ý do sự sụp đổ mới đây tại Slovenia, nơi hai vị tổng giám mục phải từ chức vì sự sụp đổ của tổng giáo phận Maribor. Sau khi nước này thoát ách Cộng Sản, các chức sắc của TGP Maribor bèn lập ra một cơ sở tài chánh khổng lồ, có lúc sở hữu tới ba công ty cổ phần mẹ (holding companies) kiểm soát hơn 50 cơ sở, trong đó có cả một đài phát thanh dây cáp chiếu phim khiêu dâm về đêm.

Các công ty cổ phần mẹ này gần đây phá sản với khoản nợ ước chừng hơn 1 tỷ dollars, tương đương với 2 phần trăm sản lượng sổi nội địa của cả nước. Song song với nhiều thản họa khác, qũy hưu với tiền tiết kiệm của khoảng 65,000 người đầu tư nhỏ đã không còn một đồng xu.

Đức Phanxicô tỏ dấu đòi người làm phải chịu trách nhiệm nên đã chấp nhận đơn từ chức của hai vị tổng giám mục này, chỉ hai năm sau vụ TGM trước của Maribor buộc phải từ chức cũng vì vai trò của ngài trong vụ bê bối này. Nhiệm vụ hiện nay là soạn thảo các chính sách và tạo ra nền văn hóa sao đó để những vụ tương tự sẽ không xẩy ra tại bất cứ nơi nào khác nữa.

Lạm dụng tình dục

Một mặt trận khác mà các nhà phê bình tin rằng Giáo Hội cần tỏ trong sáng hơn đó là việc Giáo Hội giải quyết các tai tiếng lạm dụng tình dục trẻ em.

Đức HY Sean O'Malley của Boston, người có hơn 20 năm kinh nghiệm đương đầu với các tai tiếng này gần đây đã đưa ra 2 ý niệm. Trong cuộc phỏng vấn của National Catholic Reporter ngày 26 thàng Bẩy vừa qua, Ngài cho biết Đức Phanxicô a) nên triệu tập các vị chủ tịch các hội đồng giám mục thế giới và cố gắng thuyết phục những vị nào chưa đưa ra các chỉ dẫn mạnh mẽ chống lại các lạm dụng này thì nên đưa ra ngay; b) nên chấp nhận là của Vatican các qui định chống lạm dụng hiện đã trở thành tiêu chuẩn tại các giáo phận và các cơ quan Công Giáo khác khắp trên thế giới, trong đó có việc rà soát và thanh lọc mọi nhân viên, huấn luyện việc giáo dục và ngăn ngừa lạm dụng, và dạy cách giải quyết các khiếu nại.

Chưa rõ liệu Đức Phanxicô có chấp nhận các ý niệm đó hay không, dù Đức HY O’Malley là người ở vị thế duy nhất có thể thúc đẩy việc này. Ngài là người Mỹ duy nhất trong số 8 vị Hồng Y được đề cử hồi tháng Tư để giúp Đức Phanxicô “cai quản toàn thể Giáo Hội”.

Đức Phanxicô đề cập đến vấn đề đáng lưu ý này trong cuộc họp báo trên không, khi phân biệt “tội lỗi” trong quá khứ của một người, là tội có thể được tha thứ và quên đi, và “tội ác” như “lạm dụng vị thành niên”, chẳng hạn, là thứ đòi một giải pháp khác hẳn.

Hiện đã có dấu hiệu tuy nhỏ nhưng khá có ý nghĩa cho thấy Đức Phanxicô có ý hướng đưa ra một đường hướng cứng rắn. Nhiều quan sát viên tin rằng một thước đo là chờ xem liệu Đức Phanxicô có nới rộng tính trách nhiệm nghiêm nhặt mà Giáo Hội hiện đặt ra cho các linh mục lạm dụng để áp dụng nó vào các giám mục không xử lý đúng đắn các khiếu nại về lạm dụng hay không. Các chức sắc cao cấp trong Giáo Hội nói với National Catholic Reporter một cách tin tưởng rằng Đức Phanxicô sẽ làm như thế, dù cho tới nay chưa có động thái rõ rệt nào về vấn đề này cả.

Tính hiệp đoàn

Về một vài phương diện, bước quan trọng nhất trong việc Đức Phanxicô cổ vũ một tính hiệp đoàn lớn hơn đã được thực hiện rồi, đó là quyết định thiết lập hội đồng 8 vị Hồng Y hồi tháng Tư. Hiệu quả là phân phối quyền hành ra khỏi Vatican, tới các vị cầm đầu các Giáo Hội địa phương.

Trong số nhiều việc khác, ta thấy có việc tỉa bớt vây cánh của Văn Phòng Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh. Cơ quan này hiện đã mất một số quyền hành trong tư cách người giữ cửa (gatekeepers). Thí dụ, Đức HY O’Malley cho rằng khi ngài có câu hỏi nào hay muốn phúc trình lên Đức Giáo Hoàng, thì ngài có thể liên lạc trực tiếp với Đức Phanxicô chứ không qua Văn Phòng Quốc Vụ Khanh nữa.

Đức HY O’Malley cũng cho biết 8 vị Hồng Y muốn được coi là phát ngôn viên nói lên các quan tâm và ý kiến của các giám mục khác. Ngài đang phỏng vấn mọi Hồng Y khác ở Bắc Mỹ và đã xin ý kiến các vị này. Các vị khác cũng đang làm như thế. Đức HY Francisco Errázuriz của Chile, chẳng hạn, đã thăm dò ý kiến các thành viên của CELAM (Hội Đồng Giám Mục Châu Mỹ La Tinh) trong một cuộc họp mới đây tại Panama.

Đức HY Oscar Rodríguez Maradiaga, phối trí viên của nhóm 8 vị Hồng Y, đã gặp Đức Phanxicô khi ngài đang ở Ba Tây chủ tọa Ngày Giới Trẻ Thế Giới hồi tháng Bẩy. Đức HY Rodríguez cho biết: ngài được chấp thuận để phối hợp soạn thảo một instrumentum laboris, hay tài liệu làm việc, nhằm phác thảo các khuyến cáo chính cho canh tân.

Một mặt trận khác xem ra sẽ được Đức Phanxicô tổ chức mau chóng đó là Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới, từng được lập ra dưới thời Đức Phaolô VI như là một cơ phận quản trị có tính hiệp đoàn. Trên chuyến bay từ Rio về Rôma, Đức Phanxicô hé cho thấy nhu cầu thay đổi phương pháp làm việc của Thượng Hội Đồng, mà nhiều quan sát viên cho là quá rộng, quá kềnh càng và quá tập chú vào các chủ đề đơn độc khó dùng làm bàn đạp vững mạnh cho một vị giáo hoàng.

Hồi tháng Sáu, Đức HY George Pell của Sydney gợi ý: nên có một hội đồng giám mục nhỏ hơn, có thể gặp Đức Giáo Hoàng trong ít giờ, họp 2 hay 3 lần một năm, để thảo luận chi tiết một chủ đề chuyên biệt. Trong buổi họp báo, Đức Phanxicô cho biết 8 vị Hồng Y sẽ họp với ngài vào tháng Mười, và các ngài sẽ cân nhắc cách thay đổi hệ thống này.

Hôn nhân và ly dị

Cũng đang có dấu hiệu cho thấy Đức Phanxicô rất có thể tháo gỡ một số nút thắt lâu đời có tính mục vụ, bắt đầu với các người Công Giáo ly dị và tái hôn. Theo kỷ luật hiện hành, những người Công Giáo này không được rước lễ, một việc vốn là nguồn gây đau lòng cho nhiều tín hữu.

Trong các nhận định trong chuyến bay của ngài, Đức Phanxicô tỏ dấu lưu ý tới “nguyên tắc nhiệm cục’ (principle of economy) của truyền thống Chính Thống Giáo, theo đó, cuộc kết hợp thứ hai có thể được chúc phúc sau khi được miễn chuẩn lời hứa hôn phối.

Ngài cũng cho biết vấn đề này phải được xét trong một ngữ cảnh rộng hơn của mục vụ chăm sóc hôn nhân, một chủ đề mà ngài bảo hội đồng 8 vị Hồng Y và Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới sẽ xem sét. Ngài cho hay: tập tục vô hiệu hóa hôn nhân “cần được xem sét lại”.

Chống đối

Nói chung, Đức Phanxicô xem ra cởi mở đối với việc cho phép các sáng kiến mục vụ phát xuất từ bên dưới, thay vì được đẩy từ trên xuống. Trong cuộc gặp gỡ ngày 25 tháng Bẩy với giới trẻ Á Căn Đình tại Ngày Giới Trẻ Thế Giới tại Ba Tây, ngài rõ ràng khuyến khích họ “tạo ồn ào”. Ngài bảo: “Cha muốn Giáo Hội ra đường phố. Cha muốn chúng ta chống lại những gì là thế gian, là tĩnh tụ, là thoải mái, là giáo sĩ trị, bất cứ những gì có thể làm ta tự đóng kín trong chính ta”.

Nhưng bất cứ cuộc cách mạng nào cũng có người thắng người thua, và dù Đức Phanxicô nhấn mạnh rằng ngài chưa gặp chống đối nào, điều này vẫn không có nghĩa là chống đối không hề hiện hữu. Cho đến nay, có năm giới xem ra đang âm ỉ chống lại cuộc “cách mạng” của Đức Phanxicô:

a) Thứ nhất là những người bảo thủ về phụng vụ. Gần đây, họ rất khó chịu trước quyết định cấm các tu sĩ Phanxicô Vô Nhiễm không được cử hành Thánh Lễ La Tinh cũ mà không có phép chuyên biệt, một quyết định mà nhiều người cho là đi ngược lại qui định năm 2007 của Đức Bênêđíctô XVI cho phép sử dụng phụng vụ cũ.

b) Thứ hai, Đức Phanxicô đang nhận được những phản ứng lẫn lộn nơi một số người bảo thủ, không hẳn vì bất cứ những gì ngài nói và làm, mà đúng hơn vì họ thấy mơ hồ rằng các nhấn mạnh của ngài không phải là các nhấn mạnh của họ. Cuối tháng Bẩy, trong cuộc phỏng vấn của National Catholic Reporter, Đức TGM Charles Chaput của Philadelphia nói rằng ngài có cảm tưởng: người bảo thủ “nói chung không mấy vui” với Đức Phanxicô.

Thí dụ, những người phò sự sống, chẳng hạn, rất có thể đang âm ỉ bất mãn nếu Đức Phanxicô cứ tiếp tục không nhận định công khai về các vấn đề như phá thai và hôn nhân đồng tính. Trong chuyến bay nói trên, khi được hỏi tại sao ngài không thảo luận các vấn đề đó tại Ba Tây, một nước vừa mới nới lỏng cả hai vấn đề này, ngài cho hay “Giáo Hội đã phát biểu đầy đủ về các vấn đề này rồi” nên “không cần phải trở lại các vấn đề ấy nữa”.

c) Thứ ba, phe hữu thế tục cũng cho thấy đôi chút thất vọng. Phản ứng đối với cuộc viếng thăm hồi tháng Bẩy của ngài tại hòn đảo Lampudesa ở Địa Trung Hải, một điểm tới chính của các di dân Phi Châu và Trung Đông, các chính trị gia chống di dân ở Ý cho hay Đức Giáo Hoàng nên lo chuyện riêng của ngài.

d) Thứ tư, những người Công Giáo cấp tiến cũng có thể đang trở nên vỡ mộng nếu các hy vọng của họ đối với Đức Phanxicô không tương ứng với những gì ngài có khả năng hay ý muốn thực hiện. Một số người cổ vũ việc phong chức linh mục cho nữ giới hay tranh đấu quyền lợi cho người đồng tính đang sử dụng thế giới blog để càu nhàu về điều họ cho là bất tương xứng giữa việc Đức Giáo Hoàng nói về thương xót và chủ trương cụ thể của ngài về vấn đề này.

e) Thứ năm, một số “chiến binh cũ” ở Vatican cũng có thể chống đối khi thấy quyền hành và đặc ân cố hữu của họ đang buột khỏi tầm tay. Cho đến nay, chưa ai được người ta nhận diện thuộc nhóm này lên tiếng công khai, dù một số dường như đã để lại dấu tay trong vụ tai tiếng liên quan tới vị giáo phẩm được chính Đức Phanxicô chọn làm đại diện cho ngài trong việc cải tổ ngân hàng Vatican, tức đức ông Battista Ricca. Giữa tháng Bẩy, nhà báo ý là Sandro Magister cho đăng một bài gây chấn động nhằm chi tiết hóa các lời tố cáo cho rằng lúc còn là một nhà ngoại giao của Vatican tại Paraguay từ năm 1990 tới năm 2001, đức ông Ricca có một người yêu đồng tính sống với ngài, ngoài ra ngài còn lui tới các quán ba đồng tính và có lần bị đánh nữa, và một lần đưa một thanh niên đồng tính vào tòa sứ thần rồi cả hai bị kẹt trong thang máy cả đêm. Hiện nay, Đức Phanxicô vẫn ủng hộ người ngài đã bổ nhiệm. Trong chuyến bay trên, ngài cho hay cuộc điều tra sơ khởi không khám phá được điều gì như người ta đã gán cho ngài. Tuy nhiên, vụ Đức Ông Ricca này hiển nhiên sẽ có hậu quả dây chuyền đối với bất cứ ai được Đức Phanxicô mời thi hành cuộc cải tổ của ngài.

Một mùa thu nóng

Dù Đức Phanxicô không đi nghỉ như thường lệ vào tháng Tám này tại Castel Gandolfo, phần lớn các quan sát viên vẫn không tin là ngài khởi sự đưa ra các cải tổ lớn về cơ cấu trước mùa thu này.

Một trong các quyết định được dự đoán là ngài sẽ chọn ai làm quốc vụ khánh, một chức vụ vẫn còn nhiều quyền lực, dù đã bị giảm thiểu nhiều do khuynh hướng muốn đi ra ngoài hệ thống Vatican của ngài.

Cho đến nay, Đức Giáo Hoàng chưa tiết lộ điều gì. Nhiều quan sát viên tin rằng Đức HY người Ý Giuseppe Bertello, một nhà ngoại giao kỳ cựu và hiện đứng đầu Thị Quốc Vatican, là người có triển vọng nhất. Tuy nhiên, vì khả năng gây ngạc nhiên của Đức Phanxicô, sự hiểu biết thông thường dám không có gì bảo đảm.

Không bao lâu nữa, Đức Phanxicô sẽ phải đối diện với việc quan trọng là chọn người cầm đầu các giáo phận lớn. Tại Cologne, Đức, Đức HY Joachim Meisner đã 79 tuổi, trong khi Đức HY Antonio Rouco Varela của Madrid và Đức HY Francis George của Chicago cũng đều đã 76, quá tuổi thường phải về hưu cả rồi.

Đức Phanxicô đã cho biết rõ ngài muốn loại giám mục nào. Trong một diễn văn tại Ba Tây, ngài cho hay “Giám mục phải là mục tử, gần gũi dân, là cha và là anh em, và hiền hậu, kiên nhẫn và nhân từ”. Ngài bảo: Giám mục phải là “người yêu khó nghèo, cả khó nghèo bên trong nữa, nghĩa là tự do trước mặt Thiên Chúa, lẫn khó nghèo bên ngoài, nghĩa là sống đơn giản và khắc khổ. Là “người không nghĩ và hành xử như ông hoàng. Là người không tham vọng, là người kết hôn với Giáo Hội mà thôi chứ không để mắt tới ai khác nữa”.

Vấn đề là liệu ngài có thể tìm ra các vị giáo phẩm bằng xương bằng thịt xứng với viễn kiến trên hay không; đây là một thách thức có tính quyết định đối với một Giáo Hội trong đó nhân sự đôi khi là chính chính sách.

Khung cảnh Rôma vì thế đang được xếp đặt cho điều người Ý gọi là un autunno caldo, một mùa thu nóng. Đức Phanxicô xem ra chỉ muốn giữ cho ngọn lửa canh tân tiếp tục cháy mà không làm cho chiếc nồi quá sôi.