BA MƯƠI LĂM NĂM ÂN TÌNH

Viết riêng tặng anh chị T. & T.
Cùng mến tặng quý thân hữu nào đã có trên ba mươi năm thành hôn

Anh Chị T & T. thân mến:

Nhận được thiệp hồng kỷ niệm 35 năm ngày thành hôn của anh chị, tôi không thể dấu được nụ cười vui và cái lắc đầu ưng ý, bởi vì tôi vừa đọc xong câu chuyện giả tưởng mà một người bạn gửi đến cho tôi. Đại khái thế này:

“Những ai đã sống hơn 30 năm với một vợ thì nên đọc.
Nếu ai chưa đủ thâm niên thì nên cố gắng "Yêu người mà sống" cho đủ nhé.!!!
Bài hát đám ma mà hoá ra vui: "Khi Chúa thương gọi (vơ/chồng) con về,
lòng con hân hoan như trong một giấc mơ."
Được Chúa gọi về, thì đó là tin vui chứ, sao lại là tin buồn?

Nằm trong quan tài, tôi suy nghĩ về ý nghĩa của kiếp nhân sinh.
Ban đêm trong nhà quàn đóng cửa, buồn heo hút, tôi đâm ra sợ. Sợ ma.!!!
Sau khi đi thăm một vài nơi ở thế giới của Dante, tôi được đưa ra trước tòa phán xét của Thượng Đế, để trả lời về tất cả những hành vi và ý nghĩ của tôi lúc còn sống.
Ôi “ngày thịnh nộ, ngày khủng khiếp” (Dies irae, dies illa).
Nếu linh hồn tôi có tội trọng, tôi sẽ phải xuống hỏa ngục, chịu lửa thiêu đốt đời đời.
Nếu linh hồn tôi sạch tội trọng và trong trắng như gương, tôi sẽ được lên Thiên Đàng.
Còn nếu linh hồn tôi, tuy không có tội trọng, nhưng không trong sáng như gương,
nghĩa là còn lợn cợn bụi trần, thì tôi sẽ đi đâu?
Tôi sẽ phải xuống luyện ngục một thời gian để lửa đốt con người tôi cho sạch hết những lợn cợn, rồi sau đó tôi mới được lên Thiên Đàng.
Thời gian ở luyện tội, có thể là 10 năm, 20 năm, 50 năm, hay hơn nữa, tùy trường hợp nặng nhẹ.
Mà tôi thì như các cụ đã biết, nhiều lợn cợn lắm, thể xác cũng như tâm hồn.
Có lẽ phải ở luyện ngục cả mấy trăm năm.

Tôi được đưa đến tòa phán xét. Chưa đầy năm phút, đã nghe có tiếng loa sang sảng:
“Ai có vợ, và đã sống với vợ từ 30 năm trở lên, hãy đứng sang bên phải.”
Tôi lễ mễ chạy theo tiếng loa, đứng sang bên phải. Đông lắm!
Người nào người nấy trông cũng thiểu não quá sức lẽ mình.
Chừng hai phút sau, bỗng nghe có tiếng vọng từ trời cao, thánh thót:
“Các con yêu mến, lúc còn sống, các con có vợ và đã ở với vợ được trên 30 năm,
như thế các con được coi như đã ở luyện ngục cả mấy trăm năm rồi,
các con đã được sạch mọi tội lỗi và đáng được lên Thiên Đàng ngay lập tức
để hưởng Thiên Nhan Chúa”.
Mọi người đều hoan hô vang trời: AMEN, ALLELUIA!” (hết chuyện)


Anh T. ơi!

Theo tiêu chuẩn 30 năm lấy vợ mà tác giả câu chuyện vừa sáng chế, thì nếu anh được Chúa gọi về ngay lúc này, anh sẽ chắc mẩm là được lên thiên đàng thẳng rẵng, bởi vì anh dư tới năm năm cơ mà! Chúc mừng anh có một hậu vận hết sức huy hoàng. (Viết tới đây thì tôi được tin ông Tổng Thống Putin của nước Nga cũng vừa ly dị vợ sau đúng…ba mươi năm thành hôn. Tôi tự hỏi không biết có phải ông ta có nhận và đọc được cùng email như của tôi trước khi đi đến quyết định “sáng suốt” này chăng? Hay đây chỉ là một trùng hợp ngẫu nhiên?)

Tác giả câu chuyện cho biết là những ông chồng đứng phía bên phải rất đông. Điều đó có thể đúng cho thế hệ cha ông mình, chứ trong thế hệ chúng mình hôm nay, và nhất là đến thời con cháu sau này, chắc không còn đúng nữa. Lý do là người ta đang có xu hướng coi thường lòng chung thủy của vợ chồng và ngạo mạn sự trung thành của đôi lứa; việc sống với nhau đến thuở răng long đầu bạc ngày càng trở nên qúy hiếm. Trái lại, hơi một tí là người ta kiếm chuyện ly dị, người rẫy vợ, kẻ bỏ chồng. Chưa có con cái gì thì chia tay đã đành, thế nhưng, dù đã có với nhau vài ba mặt con rồi (đứa nào đứa ấy giống bố như đúc, không cần làm DNA gì sốt) mà cũng bỏ tuốt luốt, như chẳng có gì để tiếc, chẳng có gì để nhớ, để thương. Theo thống kê đã có từ cả chục năm nay, thì cứ hai cặp cưới nhau thì một cặp rã đám! Cứ đà này, số người đi vào luyện ngục càng ngày càng đông, còn đám người đứng bên phải ngày càng ít đi! Và phải chăng vì hôn nhân (truyền thống) cứ rã đám hoài hoài nên cái gọi là “hôn nhân đồng tính” càng ngày càng lấn sân, càng chơi ‘trên chân’ hơn?

Chưa bao giờ như hôm nay, hôn nhân và gia đình đang bị công phá tứ bề bởi một lực lượng ý hệ hùng hậu, có tổ chức lớp lang và hệ thống đàng hoàng.

Có nhiều bản văn nhạo báng đời sống hôn nhân đã đi vào lịch sử, tỉ như câu sau đây (không thấy ghi tên tác giả): “Hôn nhân chính là một cuộc chiến tranh duy nhất trong đó bạn phải ngủ với quân thù.” “Nhà tôi nghèo lại đông anh em, thành ra mãi tới khi lấy vợ, thì tôi mới có dịp ngủ…một mình.” Đó là kinh nghiệm “sinh tử” được nhà văn Mỹ Lewis Grizzard tiết lộ về cuộc hôn nhân của mình. Triết gia Herbert Spencer lại chơi chữ thế này: “Hôn nhân—marriage--lẽ ra phải đọc là ảo ảnh—mirage--mới chính xác.” Diễn viên hài lừng danh, Bill Cosby, diễu cợt: “Vatican đúng là đã quên không thừa nhận một phép lạ: đó là việc hai người kết hôn sống đời ở kiếp với nhau.”

Hôn nhân và tình yêu thường đi sánh đôi, thế mà hai thứ đó đã trở thành đối nghịch trong tư tưởng của nhiều người. Chẳng hạn như Oscar Wilde, văn thi sĩ lừng danh của xứ Ái Nhĩ Lan, đã thẳng thừng: “Bạn phải luôn luôn sống trong tình yêu. Đó chính là lý do bạn chớ bao giờ nên kết hôn cả.” Còn đại văn hào George Bernard Shaw lại huỵch toẹt rằng: “ Nếu hai kẻ đang yêu nhau mà lại nghĩ đến chuyện kết hôn thì không còn gì thiếu khôn ngoan hơn.” Dường như các bậc vĩ nhân này đều giống nhau ở một điểm: thất bại nặng trong cuộc sống hôn nhân. Nếu không thì tại sao lại có những câu xanh rờn như thế? Zsa Zsa Gabor, nữ tài tử thượng thặng Mỹ, gốc Hungari, nổi danh vì có tới 9 đời chồng (qua mặt cả nữ tài tử lừng danh Liz Taylor), đã lên tiếng thế này về giới mày râu: “Một người đàn ông đang yêu sẽ vẫn còn là chưa hoàn hảo mãi cho tới khi đi lập gia đình. Nhưng ngay sau đó thì đời chàng coi như đi đứt luôn.” Văn hào Mỹ, Mark Twain, đã cảnh giác thế này: “Quý vị tưởng tình yêu lớn lên nhanh vào bậc nhất ư? Không phải đâu, tình yêu lớn lên chậm rì như rùa bò. Chẳng ai, dù nam hay nữ, thực sự hiểu được tình yêu hoàn hảo là thế nào, mãi cho tới khi đã ở trong đời sống hôn nhân cả một phần tư thế kỷ.” (Không biết trải qua ba mươi lăm năm chung sống, anh chị T & T đã hiểu rõ thế nào là tình yêu chưa?) Thế nhưng, một câu nói của khoa học gia người Đức, Georg Lichtenberg, xem ra khá lạc lõng, thế mà lại như ẩn chứa một ý nghĩa sâu xa có thể chỉ thời gian mới giúp giải nghiệm hết được: “Tình yêu thường hay mù lòa, chính hôn nhân mới đem lại cho nó thị lực cần thiết.” Câu này nghe hao hao như lời răn đe của các bậc làm cha làm mẹ: “Cứ chờ xem, mày mà lấy nó thì sẽ sáng mắt ra cho mà coi!”

Nữ tiểu thuyết gia Anh Quốc Marie Corelli không chấp nhận hôn nhân, bởi vì theo bà, nhân vật gọi là “ông chồng” chẳng được cái tích sự gì: “Tôi sẽ chẳng bao giờ lấy chồng bởi vì thấy không cần thiết tí nào cả. Này nhé: tôi có nuôi ba con vật cưng ở trong nhà, chúng làm đúng việc của một ông chồng. Con chó thì sáng nào cũng gầm gừ; con vẹt thì chửi thề suốt buổi chiều; còn con mèo thì đêm nào cũng về trễ.” Đó có thể là một trong các lý do đưa đến hôn nhân đổ vỡ và khai mở những cuộc ly dị, khiến cho giới trẻ hôm nay đâm ra sợ kết hôn, chỉ muốn sống chung, sống thử, không cưới hỏi gì cả, thích thì ráp vô, buồn thì chia tay, nhất là không cần phải ly dị làm chi cho tốn kém! Luận điệu này nghe rất quen tai, y hệt như câu ca dao thời đại: “muốn không thi rớt thì đừng đi thi.” Một số người khác, sau khi trải qua một cuộc hôn nhâu đầy ác mộng, lại bắt đầu thêu dệt ra một cõi miền lý tưởng, trong đó hai kẻ yêu nhau thề nguyền sống “hãy cứ là tình nhân” mãi mãi, chớ có bao giờ làm vợ, làm chồng. Cõi thiên đường hạnh phúc của tình nhân được khai sinh như thê, đẹp như một đóa dạ quỳnh. Tuyệt vời, nhưng không biết có phải là ảo mộng chăng?

Nhưng thôi, tạm gác qua những mỉa mai dành cho hôn nhân để chuyển sang thực tế cuộc đời xem sao. Dẫu gì thì anh em mình cũng đã làm và sống đúng theo lời Thánh Kinh. Trong sáu ngày liên tiếp, Thiên Chúa đã tạo dựng mọi loài: ngày và đêm, trời đất và biển cả, mặt trời mặt trăng và các tinh tú, chim trời và cá biển cùng muông thú đồng hoang. Sau mỗi cuộc tạo dựng, nhìn vào các tạo vật vừa được tác thành, “Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp.” Rồi khi đã tạo dựng con người để cho làm bá chủ muôn loài, “Thiên Chúa mới thấy mọi sự Ngài đã làm ra quả là rầt tốt đẹp” (STK 1:31). Nhưng nếu đọc chương kế tiếp ta sẽ thấy lần đầu tiên Thánh Kinh nói đến một điều “không tốt,” đó là “Con người/đàn ông ở một mình thì không tốt. Ta sẽ làm cho nó một trợ tá tương xứng với nó” (2:18)… Và “Thiên Chúa lấy cái xương sườn đã rút từ con người ra, làm thành một người đàn bà và dẫn đến với con người” (2:22). “Bởi thế, người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt” (2:24). Xem ra cái bản năng “đòi vợ” của đàn ông mạnh lắm, đến độ nhà văn Mark Twain đã phải thốt lên rằng: “Thế là sau biết bao nhiêu năm trời tôi mới nhận ra mình đã hiểu lầm bà Evà ngay từ thuở ban đầu; thà sống ở ngoài địa đàng mà có nàng thì vẫn còn hơn là sống trong địa đàng mà thiếu vắng nàng.” Quả vậy, hạnh phúc lứa đôi là điều ai ai cũng hằng mơ ước và tìm kiếm, thế nhưng đâu là bí quyết, đó mới là vấn đề.

“Điều quan trọng khiến hôn nhân hạnh phúc không phải là cách thức mình sống hòa hợp với người phối ngẫu, mà là phong cách mình ứng xử thế nào khi đối diện với những điều bất tương hợp giữa hai người.” Câu nói chí lý này của đại văn hào Nga, Leo Tolstoy, khiến tôi kết luận rằng hạnh phúc hôn nhân hệ ở việc chấp nhận người phối ngẫu như chính họ, với cá tính riêng, sở thích riêng, quan niệm riêng, khác biệt và có khi trái ngược với chính mình, nhưng bí quyết hạnh phúc nằm ở chỗ làm sao đó để hai người phối ngẫu khác biệt kia biết cách bước đi hòa điệu du dương với nhau như thể đang dìu nhau đi trong một nhịp khiêu vũ tuyệt vời. Sẽ có những va chạm, dẵm chân, tréo cẳng, có khi còn té ngã đến sõng soài, ê chề và thê thảm. Đây là giờ khắc của chán chường, thoái lui và tuyệt vọng dẫn đến đầu hàng và bỏ cuộc. Nhưng ai có ngờ đâu, hạnh phúc chỉ đến đàng sau những sai nhịp, lỡ bước như thế, bởi vì qua những lần lỗi nhịp, sai bước, phải vất vả tập đi tập lại, mới dần dà nhận ra yếu điểm của nhau, hai vũ công mới đạt được mục tiêu: nhịp nhàng trong một điệu luân vũ. Về điểm này, người đẹp Angelina Jolie đã thốt lên một câu nói thật là dễ thương: “Đôi khi tôi nghĩ chồng tôi quá sức tuyệt vời đến độ tôi không thể hiểu tại sao chàng lại lấy tôi. Tôi không biết mình có đủ các đức tính hoàn hảo chăng. Thế nhưng, nếu tôi làm cho chàng hạnh phúc được, thì đó là tất cả những gì tôi hằng mơ ước.” Có một cái gì đó rất rõ ràng xuất hiện ở nơi đây: mỗi người, theo cách thế riêng mình, lúc nào cũng sẵn sàng quên mình để nghĩ tới người kia, hiến thân hy sinh vì hạnh phúc của người kia. Groucho Marx, nhà hài hước Mỹ, thì khuyên các ông chồng nếu muốn giữ hạnh phúc hôn nhân thì nên khóa kín cái lỗ miệng lại, nhưng phải mở toang sổ trương mục (checkbook) ra.” Đại văn hào Pháp Michel de Mongtaigne cũng nói một câu tương tự, nhưng có vẻ tượng hình hơn: “Hôn nhân tốt chỉ có được khi người vợ bị mù lòa còn người chồng thì câm điếc.” Rút cuộc, hạnh phúc hôn nhân không phải là chuyện “bất chiến tự nhiên thành,” mà là nỗ lực của cả hai vợ chồng, tự hiến cho nhau, chứ không bao giờ người này khoán trắng mọi việc cho người kia. Có đi có lại mới toại lòng nhau chứ!

Anh T.:

Nhân kỷ niệm ngày thành hôn của anh, tôi xin gửi đến anh mấy câu nói của một vài nhân vật thời danh may ra có thể làm anh suy nghĩ và cười mỉm.

Liệu anh có thể quả quyết thế này như Winston Churchchill không: “Công trình lớn nhất của đời tôi chính là việc thuyết phục được nhà tôi lấy tôi.”

Tôi cũng nghĩ rằng, đến giờ này cuộc sống đã đủ lầm than để ban tặng cho anh những nỗi đau “cần thiết” cũng như dậy cho anh biết cách “chiều vợ,” không nhất thiết phải như mẫu đàn ông mà văn sĩ kiêm tài tử Mỹ Rita Rudner đã vẽ ra: “Theo thiển ý, quý vị đàn ông nào biết xỏ lỗ tai để đeo bông thì có nhiều triển vọng lấy vợ hơn so với các vị khác, bởi vì họ đã có kinh nghiệm về cái đau khi xỏ lỗ tai, và đồng thời cũng biết cách mua sắm nữ trang cho…vợ.”

Riêng tôi, tôi lại thích cái hóm hỉnh của nữ tài tử Mỹ Lana Turner khi ghi nhận kiểu mẫu những cặp vợ chồng được goị là “thành công,” thoang thoáng phảng phất hình ảnh của anh và chị: “Người đàn ông thành công là người kiếm được nhiều tiền cho vợ tiêu xài thỏa sức cũng không hết. Còn người phụ nữ thành công là người kiếm ra được chính người đàn ông đó.”

Tự thâm tâm, chắc anh cũng như tôi, chúng mình đều mong ước được nghe từ miệng bà xã những lời tương tự mà bà Elsa Einstein đã nói về chồng mình, nhà bác học Albert Einstein, cha đẻ của thuyết tương đối: “Tôi chẳng hiểu ất giáp gì về thuyết tương đối của chồng tôi cả, nhưng có một điều tôi biết rất rõ: ông ta là một người rất đáng tin cậy.”
Phần chị T., tôi xin gửi chị những lời nghe ra thì có vẻ hơi châm chọc của một vài “đức ông chồng” đã âu yếm ban tặng cho quý bà, nhưng chắc chắn các đương sự đã ngấm ngầm tâm đắc và chân nhận trước khi thốt ra ngoài cửa miệng:

“Một trong những chân lý căn bản của hôn nhân ta phải xác tín: bà vợ phải nắm quyền!” Bill Cosby đã quả quyết như thế! Còn đạo diễn Woody Allen lại tiết lộ: “Ở nhà, tôi là ông chủ, nhưng mọi quyết định đều phát xuất từ bà chủ.” Nhà văn Honore de Balzac của Pháp khẳng định là: “Nơi một người chồng chỉ thấy có một gã đàn ông; nhưng nơi một người vợ, thấy có cả một người đàn ông, một người cha, một người mẹ và một người phụ nữ.” Thế mới biết tại sao Việt Nam ta thường hay gọi các bà là nội tướng!

Nhìn hình ảnh anh chị sánh đôi bước lên cung thánh trong ngày đám cưới cách đây ba mươi lăm năm, tôi nghĩ đến câu nói của Thomas Mullen, một văn sĩ Mỹ: “Hôn nhân hạnh phúc khởi sự khi ta cưới được người ta yêu, và hạnh phúc hôn nhân nở hoa khi ta cứ mãi thương yêu người ta đã cưới.”

Nhưng điều đáng nói ở đây, đó là khi cùng nhau bước vào giáo đường, anh chị đã hiến thánh tình yêu của mình trong giao ước hôn phối mà Thiên Chúa đã nâng lên hàng bí tích, một thực tại tuôn tràn ân sủng và thánh hóa đời sống lứa đôi. Lời giảng của linh mục nọ trong một lễ cưới tôi cho là xác đáng: “Tình yêu đã đưa các con đến để cử hành hôn lễ hôm nay, nhưng chính bí tích hôn phối mới thực sự giúp các con duy trì và phát triển tình yêu ấy.”

Nhìn hình ảnh gia đình anh chị và các cháu hạnh phúc, tôi nhớ đến câu nói của Giovanni Florio, nhà ngôn ngữ học Ý: “Chồng tốt sẽ tạo ra vợ hiền.” Trong khi đó, họa sĩ kiêm điêu khắc gia thời danh Michelangelo đã nói về gia đình ông như sau: “Tôi đã có một người vợ, với tôi, thế là đã quá đủ; nàng chính là nghệ thuật của tôi, còn nghệ phẩm chính là các con tôi đây.”

Dù khá nhiều câu danh ngôn đã được trưng dẫn, nhưng thật là thiếu sót nếu tôi kết thúc bài này mà không viện dẫn hai câu nói của Mẹ Têrêsa, mà chỉ đọc lên thôi, ta cũng có thể cảm nhận được tấm lòng từ ái bao dung của Mẹ. Câu thứ nhất: “Hãy mỉm cười với nhau, cười với vợ, cười với chồng, cười với con cái, cười với nhau--bất kỳ là ai—chính nhờ thế các con mới giúp nhau lớn lên trong tình yêu thương mỗi ngày một nồng nàn hơn.” Câu thứ hai: “Hãy gieo mầm yêu thương ở mọi nơi con sẽ đi qua: trước hết, trong mái gia đình. Hãy yêu thương con cái, yêu vợ, yêu chồng; hãy trao tặng tình yêu cho người hàng xóm. Đừng để ai đến với con mà khi ra về lại không cảm thấy tươi vui hơn, tốt lành hơn. Hãy trở nên chứng tá sống của lòng Chúa xót thương, tỏa sáng trên gương mặt, rạng rỡ trong khóe mắt, hiền hòa trong nụ cười, và ân cần trong cử chỉ chào đón thân thương.”

Nói đi nói lại rốt cuộc cũng vẫn vòng về hai chữ “tình yêu” mà Thánh Phaolô gọi là đức mến và đã không tiếc lời ngợị ca: “Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc,5 không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù,6 không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật.7 Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả (1 Cor. 13:4-7). Cầu mong đức mến này tiếp tục luân lưu dồi dào trong đời sống anh chị để làm dịp cho hạnh phúc tưng bừng nở hoa.

Xin chúc mừng anh chị và gia quyến trong một ngày vui rất đáng ghi nhớ!

06/16/13
Ngày Hiền Phụ

NGUYỄN KIM NGÂN