THANH HÓA: CHỒNG CHỀNH MỘT ĐỜI THUYỀN

Ai đã một lần tận mắt chứng kiến cuộc sống của những người dân chài giữa mùa đông giá rét chắc hẵn không thể không chạnh lòng thương.

Với sự tài trợ của Hội Bác Ái Phanxicô, ngày 20/01/2011 vừa qua, văn phòng Caritas Giáo Phận Thanh Hoá gồm có: Cha Giám Đốc, Quý Cha, Quý Thầy, một số thành viên Caritas của giáo xứ Chính Toà và những nữ tu Hội Dòng Mến Thánh Giá Thanh Hóa - đã đến thăm bà con dân chài sống dọc theo sông Chu và sông Mã.

Xem hình GP Thanh Hóa thăm dân chài

09 giờ sáng, chúng tôi đến điểm đầu tiên của chuyến hành trình – làng chài thuộc xứ Đạt Giáo. Xe dừng trên một con đê nhìn xuống dòng sông Chu uốn khúc. Hình ảnh đầu tiên chúng tôi gặp được chính là những ánh mắt trông ngóng và chứa chan hy vọng. Từ ông già, bà lão đến các em thơ đang chờ đợi chúng tôi trong cái rét cắt da, cắt thịt. Men theo bờ đê, cuối cùng chúng tôi xuống đến thuyền, một cảm giác ái ngại khi chứng kiến cảnh “thuyền không xuồng trống”. Chiếc thuyền nhỏ chật hẹp không đủ chỗ cho mọi tiện nghi, đồ đạc, và cộng thêm 9 - 10 người, vì thế, có những gia đình sống trên chiếc thuyền đi thuê để lấy nơi sinh sống và làm ăn. Có người đã 20 năm, 30 năm và thậm chí 90 năm gửi gắm cuộc đời nơi dòng sông trong cảnh thiếu thốn. Chúng tôi không thể tưởng tượng được họ xoay sở thế nào với cái rét đậm, rét hại đã và đang đến ? Thật bất ngờ trước câu nói của một cụ già “Không rét, vì nếu có gió đã có mành che”! Chăn này đệm nọ vẫn chưa thấm vào đâu giữa thời tiết giá lạnh này, nhưng những con người nổi trôi nơi đây chỉ cần tấm mành che. “Tại sao chị không đi tất cho cháu ?” Chị vui vẻ trả lời: “Cháu làm ướt rồi”. Cháu bé mới một tuổi ấy chỉ có vỏn vẹn một đôi tất để giữ ấm trong mùa đông giá rét. Phải chăng da thịt họ bằng sắt, bằng đồng hay chính sự khắc nghiệt của thiên nhiên đã tôi luyện sức chịu đựng của họ?

Nói là dân chài lưới nhưng đã gần chục năm nay, đồ nghề của họ đã gác mái. Không hiểu vì sao tôm cá đều rủ nhau bỏ đi nên một số đã chuyển sang nghề đánh cát. Nghề mới vất vả, cực nhọc hơn nhưng thu nhập chẳng được bao nhiêu. Có những chiếc thuyền chỉ đậu một chỗ, là mái ấm của ông bà già không còn sức lao động, chỉ biết trông chờ vào sự chia sẻ và lòng hảo tâm của mọi người. Cuộc đời của họ tăm tối như không gian làng chài khi đêm về và bấp bênh như chính chiếc thuyền của họ trên dòng nước.

Rời khỏi Đạt Giáo, những ngày kế tiếp, chúng tôi đã đến với bà con các xứ: Kẻ Đầm, Kẻ Láng, Yên Khánh, Nhân Lộ, Đông Quang và họ An Lộc giáo xứ Chính Tòa. Mỗi lần lên đường, chúng tôi hy vọng sẽ chứng kiến cảnh sống khá hơn nhưng điều đó chỉ trong tưởng tượng. Dù cái nghèo khổ cũng “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, nhưng những con người sống trên sông nước ấy, dù ở đâu trên các nhánh sông, lạch sông của Thanh Hóa đều có một điểm chung: chấp nhận số phận với một tinh thần lạc quan, không kêu ca phàn nàn. Phải chăng họ sống lâu trong cái khổ nên đã quen? Gió rét thì tích cực làm việc để cơ thể sẽ ấm lên; không có điện thì đi ngủ sớm; hết gạo thì đi vay hay ăn cháo qua ngày; con cái không có điều kiện học tập thì cũng đã có nghề của cha ông; ngày tết không có “bánh chưng xanh câu đối đỏ” thì có ấm nước, đĩa kẹo cũng đủ để mọi người quây quần chuyện trò vui vẻ. Với tinh thần “lá rách ít đùm lá rách nhiều”, mỗi nhà góp chung lại những gì mình có và mời cả làng chài cùng vui tết. Đó là truyền thống tốt đẹp của dân chài xứ Thanh.

Trong sự thiếu thốn ấy, món quà quý hóa của Hội Bác ái Phanxicô gửi đến khiến những người dân bật khóc vì vui mừng và cảm động. Mỗi gia đình nhận được một chiếc chăn phao, 10 kg gạo, một gói bánh và một số gia đình đã nhận đèn năng lượng mặt Trời cũng do Hội trao tặng. Những món quà ấy không thể giữ ấm cho cả gia đình trong suốt mùa đông, cũng không đủ no trong một thời gian dài, không thể bù đắp sự túng thiếu về vật chất cho bà con, nhưng cũng đủ để những gia đình quanh năm sống nơi vùng sông nước ấy cảm nghiệm được hơi ấm tình thương, sự quan tâm, cảm thông và sẻ chia của mọi người. Đó chính là món quà quý giá nhất chúng ta có thể dành tặng để an ủi những cuộc đời sống trong cảnh nghèo khó, chồng chềnh. Họ đang rất cần những hành động từ lòng trắc ẩn và quảng đại của tất cả mọi người. Niềm vui Tết Tân Mão có đến với làng chài hay không đang phụ thuộc rất nhiều vào lòng hảo tâm và sự chia sẻ của chúng ta.

Xin hãy mở cửa lòng để đón Lazarô vào, hãy mở cánh cửa ngăn cách để bước ra ngoài, đi đến với những mảnh đời bất hạnh không chỉ làng chài nhưng ở khắp mọi ngã đường...