Rom
Rom, Romanus, Romana—người Roma, thuộc về Roma.
Roman Canon
Lễ Quy Roma. Là Kinh nguyện Thánh Thể thứ nhất của thánh lễ, có từ thế kỷ thứ sáu với một ít thay đổi. Lễ quy này dựa vào sách nghi thức Gelasius, được gán tác giả là Đức Giáo hòang Gelasius I (trị vì năm 492-96).
Roman Catacombs
Hang tọai đạo ở Roma. Là một hệ thống đường hầm, nơi các Kitô hữu thời sơ khai chôn cất người chết và cử hành các buổi phụng vụ. Trong thời bách hại đạo, ngoài việc đó là một nơi thờ phượng, họ còn dùng làm nơi trốn tránh và ẩn nấp. Khởi đầu từ thời các thánh Tông đồ, các hang toại đạo được tiếp tục sử dụng cho đến năm 400. Thời ấy có 25 hang tọai đạo lớn và 20 hang nhỏ hơn. Giống như mọi nghĩa trang, các hang được xây dựng cách Roma khoảng từ 1 dặm (1,6km) đến 3 dặm (4,8km). Kitô hữu làm các đường khoét sâu trong vách tường, chứ không làm các hốc nhỏ cho hủ hài cốt như người ngoại giáo làm, để đặt từ một đến ba quan tài vào một đường khoét ấy. Sau đó họ trám lại một cách đơn giản, và tấm phủ trên đó thường có các câu chữ hoặc được vẽ bằng nhiều biểu tượng khác nhau, như hình Mục tử Nhân lành, chim bồ câu, mỏ neo, con cá, và con công trống. Đây chính là các trình bày đầu tiên về nghệ thuật Kitô giáo. Diện tích mỗi mộ là rất nhỏ, và các mộ lớn chỉ dành cho các Đức Giáo hòang và các vị tử vì đạo. Sau năm 313, các hang tọai đạo là thực sự không cần thiết nữa, nhưng chúng vẫn là các địa điểm hành hương cho đến thế kỷ thứ bảy. Vào thời điểm này, nhu cầu thánh tích gia tăng và người ta lấy xương từ các hang toại đạo đưa đến nhiều nhà thờ. Sau cùng Giáo hội ngưng việc tịch thu toàn bộ các thánh tích. Người ta nói rằng thánh tích được 28 xe chở từ các hang toại đạo đưa đến điện Pantheon, để an táng trong nhà thờ Đức Bà các Thánh Tử đạo. Các hang tọai đạo cũ trở thành khu vườn um tùm, và sớm bị lãng quên trừ ra hang toại đạo dưới Nhà thờ thánh Sebastian. Trong thế kỷ 16, người ta quan tâm đến các hang này và bắt đầu công cuộc tìm kiếm lại. Ngày nay các hang toại đạo Sebastian và Callistus được thăm viếng nhiều nhất, với thánh tích của các thánh Domitilla, Agnes, Priscilla, và Pancratius cũng được mở cho công chúng đến xem và cầu nguyện. Việc phượng tự chính trong hang tọai đạo là cử hành Hy tế Tạ ơn vào ngày lễ các thánh tử vì đạo. Các chữ ghi trên tấm bia mộ là các vật chứng tá đầu tiên cho đức tin Kitô giáo. Thỏa ước năm 1929 với nước Ý giao cho Tòa thánh quản lý các hang tọai đạo, với trách nhiệm gìn giữ, bảo tồn và mở rộng các hang này.
Roman Catholicism
Đạo Công giáo Roma. Là đức tin, việc thờ phượng và tập tục sống đạo của mọi Kitô hữu trong sự hiệp thông với Giám mục Roma, mà họ nhìn nhận chính là Vị đại diện của Chúa Kitô, và Thủ lĩnh hữu hình của Giáo hội được Chúa Kitô thành lập. Các từ ngữ “Giáo hội Roma" và “Giáo hội Công giáo Roma" xuất hiện ít nhất là từ thời đầu Trung Cổ, nhưng các từ ngữ này được nhấn mạnh nhiều sau cuộc Cải cách Tin lành. Lý do là để nhấn mạnh rằng tín hữu của Giáo hội này không chỉ là một Kitô hữu, vì được rửa tội, nhưng còn là một người Công giáo, vì hiệp thông với Đức Giáo hòang.
Roman Collar
Cổ áo cứng, cổ áo giả. Là một miếng vải cổ cứng màu trắng được các giáo sĩ mang nơi cổ áo, để phân biệt với y phục người dân ở bên ngoài nhà thờ hay nhà xứ. Cổ cứng được mang với áo giáo sĩ màu đen, hoặc gắn vào phần ngực gọi là miếng vải ngực (rabat).
Romanesque
Kiểu kiến trúc Roman. Là kiểu kiến trúc nổi bật ở châu Âu từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 13. Có nguồn gốc từ các đan viện, kiểu Roman có đặc điểm là các tường dày, nhà theo hình thánh giá Hi Lạp, và vòm có diện tích rộng, như tại tu viện Cluny và Speyer. Việc phát minh mái vòm gọng ô ở thế kỷ 12 tạo ra nền tảng cho kiến trúc Gothic.
Romanian Rite
Nghi lễ Romania, lễ điển Romania. Là nghi lễ của người Công giáo ở Byzantine, hoặc Constantinople, hoặc lễ điển ở Romania.
Romanism
Ý thức hệ Công giáo Roma, Công giáo Roma, người theo Roma. Là từ ngữ miệt thị dùng nói về đức tin Công giáo Roma và lối sống đạo của người Công giáo; từ ngữ này thịnh hành với cuộc Cải cách Tin lành. Người Công giáo được gọi là “người theo Roma” (Romanist), và tôn giáo của họ được gọi là “đạo Roma” (Romish).
Romanization
Roma hóa. Là từ ngữ áp dụng cho xu hướng trong một số giáo phái Tin lành, khi họ chấp nhận giáo lý Công giáo Roma, và chấp nhận các tập tục Công giáo, nhất là trong Phụng vụ.
Roman Primacy
Tối thượng quyền của Giám mục Roma. Là quyền tài phán trọn vẹn và tối cao do Chúa ban cho Giám mục Roma, trên tòan thể Giáo hội, trong các vấn đề đức tin và vấn đề liên quan đến kỷ luật và quản trị của Giáo hội trên tòan thế giới. Quyền này không chỉ là tượng trưng nhưng là quyền Giám mục thực sự và cụ thể; nó là bình thường vì thuộc về chức vụ; nó là trực tiếp và không tùy thuộc bất cứ quyền bính con người nào; và nó ảnh hưởng đến mỗi nhà thờ và mọi nhà thờ, đến mỗi mục tử và mọi mục tử, đến mỗi tín hữu và mọi tín hữu.
Roman Rite
Lễ điển Roma, nghi lễ Roma. Là cách thức cử hành Thánh lễ, ban các Bí tích và á bí tích, đọc Kinh Nhật Tụng, và thực thi các chức năng khác của Giáo hội, cho phép thành phố và giáo phận Roma thực hiện. Nguồn gốc của lễ điển này là nghi lễ ít hay nhiều phổ biến, nhưng có thay đổi, trong ba thế kỷ đầu tiên của Công nguyên. Từ thời thánh Giáo hòang Gregory Cả (trị vì năm 590-604) lịch sử là đồng nhất, với bốn giai đọan phát triển lớn. Trong thế kỷ 12, Nghi lễ Roma được sử dụng ở nơi nào nói tiếng Latinh. Trong thời Trung Cổ nghi lễ này chia ra thành nhiều nghi lễ khác, chỉ khác nhau trong các chi tiết không quan trọng. Trong thế kỷ 16 (năm 1570), thánh Giáo hòang Piô V xóa bỏ hầu hết các nghi lễ nhỏ này, nhưng Nghi lễ Roma đã chịu nhiều ảnh hưởng và lấy thêm nhiều điều mới từ các Lễ điển Pháp và Tây Ban Nha. Trong thế kỷ 20, như là một kết quả của Công đồng chung Vatican II, nhiều sự duyệt lại đã được thực hiện. Tuy nhiên, như Đức Giáo hòang Phaolô VI tuyên bố, các sự duyệt lại này không đi ngược lại với Nghi lễ Roma, bởi vì “sự gì thuộc Nghi lễ Roma là nền tảng của đạo Công giáo chúng ta” (Bài huấn dụ Facile Conicere, ngày 14-10-1968).
Roman Rota
Tòa thượng thẩm Roma. Lúc ban đầu nó là phần mở rộng của Giáo phủ Tòa thánh, nó là tòa phúc thẩm cho mọi vụ án trong Giáo hội, trong đó Giáo triều Roma có thẩm quyền và một số vụ án không dành cho các thẩm quyền khác xét xử. Tòa này cũng tiếp nhận các vụ phúc thẩm cho Quốc gia Vatican, và là tòa sơ thẩm trong các vụ dành cho Tòa thánh xét xử, hoặc chính Đức Giáo hòang dành cho ngài bằng một phúc nghị đặc biệt của Tối cao Pháp viện Tòa Thánh.
Romans, Epistle To The
Thư gửi tín hữu Roma, thư gửi giáo đòan Roma (Rm). Thư do thánh Phaolô viết ở Corinth (Côrintô) khoảng năm 58, khi ngài sắp rời đi qua Jerusalem vào cuối cuộc hành trình truyền giáo lần thứ ba. Ngài đang trên đường đi Roma. Đây là thư duy nhất của thánh Phaolô gửi cho một giáo đoàn mà ngài không đích thân thành lập, chuẩn bị các tín hữu cho chuyến ngài đến thăm họ. Ngài nhấn mạnh đến việc công chính hóa của nhân lọai qua đức tin vào Chúa Giêsu Kitô, tội lỗi của thế giới, ý nghĩa và hoa trái của công chính hóa, đức tin là gì, và hoa trái của đức tin chính là sống khiêm nhượng, phục tùng chính quyền, hiệp nhất và bác ái. Chúa Kitô, Adam (A-đam) thứ hai, đã làm nhiều hơn là đền bù tội lỗi của Adam thứ nhất.
Roman See
Tòa thánh Roma. Là tòa giáo chủ của Kitô giáo, là nơi cai quản của Giáo hội Công giáo Roma phổ quát, Đức Giáo hòang, Toà thánh, văn phòng của Thủ lĩnh tối cao của Giáo hội. Tòa thánh được thiết lập bởi thánh Phêrô, Đức Giáo hòang tiên khởi, năm 42 và đặt nền móng lịch sử rằng các giám mục Roma có tối thượng quyền của thánh Phêrô. Tối thượng quyền này bị một số người tranh luận dựa vào sự kiện rằng thánh Phêrô không bao giờ ở Roma, nhưng ngày nay người ta biết rõ ràng rằng Ngài đã sống ở Roma qua các phát hiện khảo cổ học. Trong thế kỷ thứ nhất, Giáo đoàn Côrintô khiếu nại đến Tòa Rôma để hàn gắn một sự chia rẽ, và thánh Ignatius thành Antioch (qua đời năm 107) đã nhận chỉ thị từ Giáo hội Roma với lòng biết ơn. Chỉ có các Giám mục Tòa thánh Roma mới có thể triệu tập các công đồng, ra vạ tuyệt thông một số người khỏi Giáo hội, ra phán quyết liên quan đến đời sống tín hữu và giáo lý Kitô giáo, và phạt các người vi phạm kỷ luật. Trong thời kỳ căng thẳng và khó khăn, cũng như trong các quyết định về đức tin và quản trị, các Kitô hữu thời sơ khai đều khiếu nại đến Roma. Những người ly khai ở Hi Lạp và người Tin lành đều thách thức quyền bính của Tòa thánh Roma, nhưng vào thời ấy sự kế vị liên tục của các Giám mục Roma đã thiết lập nền móng cho đức tin và luân lý Kitô giáo. Thỏa thuận với Tòa thánh Roma là một trắc nghiệm của tính chính thống theo các Giáo phụ, chẳng hạn thánh Irenaeus (năm 180). Ngay cả khi, trong thời Ly khai Tây Phương, các Đức Giáo hòang dời về sống ở Avignon (Pháp), các Ngài vẫn là Giám mục Roma, do đó tính đến thời Công đồng chung Vatican II, khi Đức Giáo hòang Phaolô VI bế mạc công đồng, đã có 264 Giám mục cai quản Tòa thánh Roma. Bên trong khu vực lãnh thổ của Tòa Thánh, là nơi làm việc của các ủy ban, các văn phòng, các Thánh bộ phụ trách công việc của Giáo hội hòan vũ.
Roman Vestments
Lễ phục Roma. Là tên bình dân để chỉ lễ phục cho Thánh lễ, trái với phong cách Gothic. Lễ phục Roma xuất hiện từ sau Công đồng chung Trent và có đặc điểm là dây các phép thì rộng và ngắn, và áo lễ ngoài, thường là hình chữ nhật, và làm bằng loại vải tương đối cứng để cho áo đứng thẳng.
Rome
Roma. Là giáo phận của Đức Giáo hòang, cũng gọi là Tòa thánh Phêrô, Tông tòa, Tòa thánh, và Kinh thành bất diệt. Theo truyền thống cổ, thánh Phêrô đến Roma lần đầu vào năm 42; thánh Phaolô đến Roma khoảng năm 60. Cả hai vị chịu tử vì đạo ở đây dưới triều Hoàng đế Nero, có lẽ vào năm 64. Lịch sử thành phố kể từ đó đến nay có thể được chia làm thành nhiều giai đoạn: 1. thời kỳ bách hại, cho đến Chỉ dụ Milan năm 313; 2. Sự tự do được đế quốc nhìn nhận, và nhiều nhà thờ được xây dựng cho đến sự sụp đổ của đế quốc Roma ở phương Tây vào năm 476; 3. quyền bính gia tăng của các nhà lãnh đạo chính trị, xung đột với quyền Giáo hoàng, cho đến khi Charlemagne được Đức Giáo hòang Lêô III đội vương miện để tấn phong làm hoàng đế năm 800; 4. sự củng cố các Lãnh địa Giáo hòang, vốn bị thiệt hại không thể sửa chữa được bởi việc tạm cư của Đức Giáo hòang ở Avignon (Pháp) từ 1309 đến 1377; 5. sau Đại ly khai Tây Phương cho đến cuộc Cải cách Tin lành; 6. từ cuộc Cải cách cho đến việc mất lãnh địa Giáo hoàng năm 1870, cho đến Hiệp ước Lateran năm 1929; và 7. kể từ việc dàn xếp Vấn đề Roma cho đến nay, khi sự hiện diện của người Cộng sản tại Ý và Roma đặt ra các thách đố mới cho sự độc lập tinh thần của Tòa thánh.
Rood
Thánh giá lớn. Là một thánh giá lớn, thêm tượng của Đức Bà và thánh Gioan đứng hai bên thánh giá, được đặt ở cửa ra vào của ca đoàn, hoặc cung thánh trên bình phong hay cái xà rầm. Thánh giá này thường làm bằng gỗ, chạm trỗ công phu, được sơn vẽ và mạ vàng. Thánh giá lớn cũng có thể là Thánh giá thật, trên đó Chúa Kitô chịu chết. (Từ nguyên Anglo-Saxon r_d, trụ, gậy, thánh giá.)
Rosac
Rosac, Rosaceus—lễ phục màu hồng.
Rosary
Chuỗi Mân Côi, tràng Mân Côi. Là việc cầu nguyện sùng kính, hoặc đọc thầm hoặc đọc lớn tiếng, để tôn vinh Mẹ Thiên Chúa. Được biết chuỗi được chia thành năm nhóm hạt, mỗi nhóm có một hạt lớn và 10 hạt nhỏ, gọi là một chục. Ở hạt lớn, người ta đọc Kinh Lạy Cha; và ở các hạt nhỏ, người ta đọc các Kinh Kính Mừng. Việc lần chuỗi thường có 15 sự, gồm năm sự vui, năm sự thương và năm sự mừng, diễn tả các sự kiện trong đời Chúa Giêsu và Đức Mẹ. Đây là việc đạo đức nổi tiếng nhất trong các việc đạo đức không phụng vụ, và được nhiều Đức Giáo hòang cổ vũ mạnh mẽ. Đây là chuỗi Mân Côi tiêu chuẩn. Nhưng còn có các chuỗi Mân Côi khác được Giáo hội chấp thuận, nhất là chuỗi Chúa Ba Ngôi, chuỗi Bảy sự thương khó, chuỗi Máu Châu Báu, chuỗi thánh Bridget (Brigitta), chuỗi thánh Giuse, và chuỗi Mân Côi. (Từ nguyên Latinh rosarium, vườn hoa hồng.)
Rose
Hoa hồng. Là một biểu tượng của Đức Trinh Nữ, vì Đức Mẹ thường được nhắc đến như là Hoa hồng Mầu Nhiệm. Biểu tượng hoa hồng của Đức Mẹ được vẽ một hoa hồng năm cánh tượng trưng năm sự vui của Đức Mẹ Maria, “Ta đã vươn lên như những khóm hồng ở Jericho (Giê-ri-khô)" (Huấn ca, Hc 24:14). Chuỗi Mân Côi của Đức Mẹ được vẽ tượng trưng bằng ba hoa hồng màu trắng, màu đỏ và màu vàng, phù hợp với các mầu nhiệm vui, thương và mừng. Thánh nữ Têrêsa Lisieux có biểu tượng nổi tiếng là một thánh giá phủ nhiều hoa hồng, nhắc nhớ mưa hoa hồng mà Ngài hứa gửi xuống trần gian cho bạn bè. Thánh nữ Elizabeth nước Hungary cũng được tượng trưng trong nghệ thuật với các hoa hồng, vốn ngụy trang cho các quà tặng của Ngài cho người nghèo. Thánh Dorothy được tượng trưng với một giỏ đầy hoa hồng, vốn là quà tặng lạ lùng mà Ngài đã gửi cho ông Theophilus ngoại giáo, người đã nhạo báng Ngài trên đường Ngài đi chịu tử vì đạo. Lễ phục màu hồng có thể được sử dụng thay cho lễ phục màu tía vào Chủ nhật thứ Ba mùa Vọng (chủ nhật Gaudete), và Chủ nhật thứ Tư Mùa Chay (Chủ nhật Laetare). Phụng vụ các ngày lễ này diễn tả niềm vui mừng.
Rose Water
Nước hoa hồng. Là nước hương hoa hồng được sử dụng trong một số nghi thức của Giáo hội Byzantine, chẳng hạn cung hiến bàn thờ. Nước này chiết từ các cánh hoa hồng. Cánh các hoa thơm khác có thể được sử dụng để tạo ra hương tương đương nước hoa hồng.
Rose Window
Cửa sổ hoa hồng. Là một cửa sổ tròn, với các thanh song và họa tiết hình mảng, thường tỏa ra từ trung tâm cửa, đầy các tấm kính màu. Đây là đặc tính của kiến trúc Gothic, nó trải qua nhiều giai đọan phát triển, sau cùng trở thành trung tâm của một bố cục lớn trong một cấu trúc của các cửa số thấp.
Rosicrucians
Phái Khổ giá Hoa hồng, Hội viên Hội Hữu Nghị Hồng Thập Tự, Hội Chữ Thập Hồng. Là Đòan thể bí mật cổ xưa của Khổ giá Hoa hồng (Rosae Crucis, viết tắt là AMORC), một tổ chức phượng tự cho rằng mở được sự khôn ngoan bí mật của các thời đại, xóa bỏ nỗi sợ hãi, và dẫn các tín đồ đến sự tự chủ. Được H. Spencer Lewis, một nhà huyền bí, thành lập tại Thành phố New York (Mỹ) năm 1915. Lúc đầu Hội này được mô tả trong một cuốn sách nhỏ, mang tên Fama Fraternitatis, do nhà thần học Tin Lành phái Luther, Johann Andrea (1586-1654), xuất bản, kể câu chuyện của một nhân vật không có thật, tên là Christian Rosenkreutz, cậu bé 16 tuổi này thực hiện chuyến hành hương đến Đất Thánh cùng với một tu sĩ cao niên, nhưng tu sĩ qua đời trên đường đi. Rosenkreutz tích trữ được nhiều kiến thức huyền bí tại Ai Cập, Ma Rốc và Cận Đông. Trước khi qua đời, ông truyền các bí mật cho tám người. Kể từ đó nhiều nhóm người cho rằng mình là hậu duệ của Rosenkreutz, ngòai hội Lewis. Trong một trong các tuyên bố công khai chính thức của hội, Hội Hữu Nghị Hồng Thập Tự tuyên bố: “Do tính hiếu chiến và sự phát triển của mình, Hội Rosae Crucis ở Mỹ, cũng như tại các nước khác, đã bị Đức Giáo hòang lên án là phá họai các nguyên tắc của đạo Công giáo Roma." Bộ Thánh vụ năm 1919 ra tuyên bố cấm người Công giáo gia nhập các hội thông thiên học, chẳng hạn Hội Hữu Nghị Hồng Thập Tự.
Rosminianism
Triết học Rosmini. Là hệ thống triết học được lập ra bởi Antonio Rosmini-Serbati (1797-1855), nhà sáng lập Tu hội Bác ái, hay Tu hội thánh Phanxicô Xavier. Được các Đức Giáo hòang Piô VII, Gregory XVI, và Piô IX khuyến khích, Rosmini canh tân triết học Ý, theo triết học của thánh Tôma Aquinas. Nhưng ảnh hưởng của Descartes, Kant, và Hegel làm cho tư tưởng của Rosmini trở nên khác đi. Rosmini chủ trương rằng trí tuệ con người được sinh ra cùng với khái niệm “hữu thể.” Trong thời gian, trí tuệ phân tích ý tưởng cơ bản này để khám phá trong đó nhiều ý tưởng khác, vốn là đồng dạng với các ý tưởng trong tâm trí Chúa. Rosmini cũng dạy rằng lý trí có thể giải thích Chúa Ba Ngôi, và rằng tội tổ tông chỉ là một sự nhiễm trùng thể lý của thân xác. Sau khi Rosmini qua đời, 50 luận đề của ông đã bị Đức Giáo hòang Lêô XIII lên án vào năm 1887 và năm 1888.
Rota
Rota, Tòa Thượng thẩm. Là Tòa Thượng Thẩm Roma Thánh, vốn trong nhiều thế kỷ là một trong các tòa án chính yếu của Giáo triều Roma. Đức Giáo hòang Innocent III trao cho Tòa án quyền thông qua phán quyết các vụ án, và Đức Giáo hòang Sixtus IV (năm 1472) qui định tòa án có 12 thẩm phán. Được thánh Giáo hòang Piô X tái tổ chức vào năm 1908, tòa này chủ yếu là một tòa phúc thẩm cho mọi vụ án thuộc thẩm quyền của Giáo triều Roma. Tuy nhiên, tòa án có thể thông qua phán quyết về các vụ chỉ dành cho Tòa thánh, hoặc theo yêu cầu của Đức Giáo hòang.
Rota "Studium"
Rota “Studium”, Đào tạo thẩm phán Tòa Thượng Thẩm. Là một chương trình học tại Roma dành huấn luyện các luật sư, thẩm phán tương lai, chưởng lý, và bảo hệ viên của Tòa Thượng Thẩm và các tòa án Giáo hội. Chương trình học chịu sự quản lý của Chánh án Tòa Thượng Thẩm. Để đạt chức danh luật sư Tòa Thượng Thẩm do Tòa thánh phong, một người phải hoàn tất chương trình ba năm học.
R.P.
R.P., Reverenduus Pater, Révérend Père—Cha Đáng Kính
Rr
Rr, Rerum—việc, chủ đề, đề tài; chẳng hạn SS.RR. Ital.—Tác giả các đề tài Ý.
R.R.
R.R., Sách Nghi thức Roma; Reverendissimus—Rất đáng kính.
R.R., Rt. Rev.
R.R., Rt. Rev., Right Reverend, Rất đáng kính.
R.S.V.
R.S.V., Revised Standard Version, Bản tiêu chuẩn được duyệt lại.
Rub
Rub, Ruber—màu đỏ.
Rubr
Rubr, Rubrica—chữ đỏ.
Rubrics
Chữ đỏ, chỉ dẫn chữ đỏ, đề mục, chuyên mục. Lúc ban đầu là nhan đề chữ màu đỏ của các thông báo luật. Đó là các huấn chỉ hướng dẫn hoặc các chỉ định phụng vụ trong Sách Lễ, kể cả Sách bí tích chỉ nam và Sách bài đọc, và Sách nghi thức, để hướng dẫn các Giám mục, linh mục và phó tế trong Phụng vụ Thánh thể, ban các bí tích và á bí tích, và rao giảng Lời Chúa. Các chữ đỏ được in màu đỏ và có tinh bắt buộc hay là thuần túy hướng dẫn, như bản văn nói rõ ràng đầy đủ. (Từ nguyên Latinh rubrica, đất đỏ; nhan đề luật viết chữ đỏ; do đó là hướng dẫn luật.)
Rule
Luật, qui luật, qui phạm, luật Dòng. Là một nguyên tắc hoặc cách thức qui định cho hành động, được người có quyền bính qui định, vỉ hạnh phúc của những người thành viên của một hội. Chính trong nghĩa này mà các phương pháp có tổ chức để sống các lời khuyên Phúc Âm được gọi là Luật, chẳng hạn Luật thánh Âu Tinh hay Luật thánh Biển Đức. Một qui luật cũng có thể là một tiêu chuẩn tập quán vốn không nhất thiết phải qui định bởi người có quyền, nhưng tự ý tuân giữ để điều hành lối cư xử của một người để sống luân lý hiệu quả hơn, hoặc phục vụ người khác công hiệu hơn. Sau cùng luật có thể phân biệt với chính quyền, dù là dân sự hay Giáo quyền. Luật liên quan đến sự sở hữu hoặc thi hành việc kiểm soát quyền bính, ở nơi đâu chính quyền phải làm cho kẻ khác vâng lời mình. (Từ nguyên Latinh regula, một luật; qui định; biện pháp.)
Rule Of Faith
Tín luật, qui phạm đức tin. Là qui định giúp cho tín hữu biết phải tin điều gì. Lời Chúa Mặc khải trong Kinh thánh và Thánh truyền là qui phạm xa của đức tin. Nhưng Giáo huấn của Giáo hội dựa vào Mặc khải của Chúa được xem như là qui phạm gần của đức tin.
Rumor
Tin đồn. Là một chuyện hoặc một báo cáo chưa được kiểm chứng, được người khác cho là nghiêm túc. Nó rơi vào phạm trù nói láo khi tin đồn loan truyền một cách chắc chắn đúng.
Ruth
Ruth, bà Rút. Là một phụ nữ Moabite (Mô-áp), lấy chồng thuộc một gia đình đã rời bỏ Bethlehem (Bê-lem) trong một nạn đói. Người mẹ anh hùng của gia đình này là bà Naomi (Na-o-mi) cảm nghiệm thảm kịch khắc nghiệt cho gia đình trong thập niên sau đó. Chồng bà và hai người con trai có vợ qua đời, làm cho bà trở nên góa phụ ở nơi vùng đất xa lạ. Trong nỗi tuyệt vọng, bà quyết định sẽ trở về Judah (Giu-đa), hy vọng có sự giúp đỡ của bà con họ hàng (R 1-6). Cô con dâu tên Ruth từ chối rời mẹ chồng mình, đáp: “Xin mẹ đừng ép con bỏ mẹ mà trở về, không theo mẹ nữa, vì mẹ đi đâu, con đi đó, mẹ ở đâu, con ở đó, dân của mẹ là dân của con, Thiên Chúa của mẹ là Thiên Chúa của con" (R 1:16). Vì thế, họ cùng đi về Bethlehem. Ruth trở thành người đi mót lúa trên cánh đồng của ông Boaz (Bô-át), người bà con giàu có của chồng quá cố của bà Naomi. Bà Naomi đáp lại lòng mến thương hiếu thảo của Ruth, bằng cách khuyến khích tình bạn và sự bảo vệ che chở của ông Boaz cho con dâu của mình. Sau đó ít lâu Ruth và ông Boaz kết hôn với nhau và sinh con trai tên là Obed (Ô-vết), rồi có cháu là Jesse (Gie-sê), có chắt là David (Đa-vít), và Chúa Giêsu là hậu duệ dòng dõi này (R 4:17).
Ruth, Book Of
Sách Ruth, sách Rút (R). Là một trong các sách chính thư qui của Cựu Ước, kể chuyện một gia đình ở Bethlehem (Bê-lem) trong thời các Thủ Lãnh (hay Thẩm phán.) Nữ anh hùng của sách này là bà Ruth, con dâu của bà Naomi (Na-o-mi). Mặc dầu Ruth là cô gái Moabite (Mô-áp), cô kết hôn với ông Boaz (Bô-át), người Do thái, và trở thành bà cố của Vua David (Đa-vít), và Chúa Kitô ra đời từ dòng họ này. Mục đích của cuốn sách Ruth có hai điểm: bảo tồn câu chuyện có tính giáo dục của tổ tiên Vua David, và làm chứng cho tập tục thảo hiếu đặc biệt, và được Chúa thưởng công.
Ruthenian Rite
Lễ điển Ruthênô, nghi lễ Ruthênô. Là phụng vụ được sử dụng bởi người Công giáo Ruthenian ở Ba Lan, Mỹ, và nơi khác. Lễ điển cử hành bằng tiếng Slavonic, hơi khác với lễ điển Byzantine trong Giáo hội Chính thống.