Dorothy Day, qua đời ngày 29 tháng 11 năm 1980, thọ 82 tuổi, là một nhà báo Mỹ, một nhà tranh đấu xã hội, một người theo chủ nghĩa phân phối (distributist), một người tân tòng Công Giáo đạo hạnh, người được Đại Học Notre Dame trao tặng Huân Chương Laetare vì “đã làm thoải mái người đau khổ và làm đau khổ người thoải mái” (comforting the afflicted and afflicting the comfortable) và hiện đang được điều tra để phong thánh, xứng đáng được gọi là tôi tớ Chúa như Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II mặc dầu chính bà từng nói: đừng gọi tôi là một bà thánh. Bà vốn là chủ bút và cây viết nòng cốt của tờ The Catholic Worker tại New York. Không giống bất cứ nhà văn Công Giáo cùng thời nào, Dorothy Day coi chính sách đang thai nghén của Adolf Hitler đối với người Do Thái như một nan đề luân lý cho người Công Giáo. Bà từng có nhận định ấy ngay lúc Hitler mới là thủ tướng của một nội các đa đảng, tức hai năm trước khi hắn tóm gồm cả hai chức thủ tướng và tổng thống trong tay để trở thành Đại Lãnh Tụ (Fuhrer) và gần như 4 năm trước khi nước Đức đưa ra Đạo Luật Nuremburg tước bỏ quyền công dân và cả nhân quyền mọi người Đức gốc Do Thái. Quan điểm của bà được phát biểu trong một bài mà trước đây không ai để ý, bị quên lãng trong đống thư từ của Bộ Dorothy Day và Catholic Worker tại Đại Học Marquette. Tháng 11 năm 1933, nghĩa là 5 năm trước khi quan điểm của Dorothy Day về người Do Thái được mọi người biết đến, bản thảo bài trên được gửi cho tờ The America để đăng tải. Nội dung của bài rất đáng chú ý vì Dorothy Day đã sớm kết luận rằng Hitler đại biểu một nan đề tôn giáo hàng đầu đối với người Do Thái.

Theo quan điểm của Dorothy Day, các biến cố địa phương của New York, do sự khích động của phong trào bài Do Thái nơi một số người Công Giáo, thực ra có liên hệ trực tiếp với việc Hitler lên cầm quyền tại Đức. Bà rất ngỡ ngàng khi thấy một số người Công Giáo tại Brooklyn lên tiếng trước đám đông đang hoan hô mình rằng: mối nguy lớn lao hiện nay không phải là Hitler mà chính là người Do Thái.

Có lẽ vì vậy, chủ bút tờ The America là linh mục Wilfrid Parsons, S.J., đã bác bỏ bài báo. Mặt khác, vì ở ngay đoạn mở đầu, bài viết đã có vẻ như muốn ca tụng bộ mặt tươi sáng của chủ nghĩa cộng sản. Cha Parsons, như mọi người về sau đã rõ, là một người chống cộng hết mình. Cha đâu có thể nào quên: năm 1931, Đức Piô XI đã ban hành thông điệp “Quadragesimo Anno” để biện hộ quyền lợi người lao động và tố cáo chủ nghĩa cộng sản đe dọa thiên luật. Nhiều người nghĩ rằng: có thể vì cha Parsons bài Do Thái, nên không thích bài viết của Dorothy Day. Điều này không đúng, vì cha vốn là người đồng sáng lập ra Hội Đồng Toàn Quốc Các Kitô Hữu và Người Do Thái Giáo, và vẫn là nhân vật hàng đầu trong các mối liên hệ Do Thái và Công Giáo suốt trong thập niên 1940.

Linh mục Charles Gallagher, S.J., một chuyên viên tại Học Viện Ngoại Giao và Liên Hệ Quốc Tế tại Geneva đã tìm lại được bản thảo bài viết của Dorothy Day tại Đại Học Marquette. Mời bạn đọc xem qua bài viết này để biết rằng giới trí thức Công Giáo rất nhạy cảm đối với chính sách bài Do Thái của Hitler ngay lúc nó còn trong trứng nước.

Một ngày kia, có người Do Thái bước vào văn phòng tờ The Catholic Worker và ngồi quanh quẩn tại đó để đọc một hồi. Anh dán mũi lướt qua tờ Christian State của Cahill và lên án chủ nghĩa bài Do Thái của nó. Rồi anh ta nhìn chăm chăm cuốn sách lễ một lúc và lên tiếng ngâm nga mấy bài bình ca trong đó.

Anh bảo: “Tôi không là người Cộng Sản được, vì tôi tin Thiên Chúa”. Và anh ta nói điều đó một cách buồn bã vì anh tin người Cộng Sản gần gũi với công bằng xã hội trong các cố gắng nhằm đem lại một nhà nước vô sản hơn là những người tin Thiên Chúa.

Lúc ra khỏi văn phòng, anh ta lấy theo mấy cuốn ngụy thư của Cựu Ước và cuốn tự thuật của Thánh Têrêxa thành Avila.

Mấy lúc gần đây, nhiều người gọi tới văn phòng Catholic Worker để hỏi xem chúng tôi có dính dáng gì với những cuộc mít-tinh ngoài phố đang diễn ra tại Ga Long Island ở Brooklyn hay không. Vì tờ báo của chúng tôi được phân phát ở đó, sau các bài diễn văn ngắn bài Do Thái. Những người nói truyện với chúng tôi qua điện thoại bảo rằng họ không tìm thấy dấu vết ác cảm nào trong tờ Catholic Worker, nhưng họ muốn biết những kẻ hành hạ người Do Thái lấy quyền gì mà lấy tờ báo của chúng tôi làm tài liệu phân phát.

Có đến ba người Công Giáo đăng đàn ở Brooklyn và bằng cách khích động các bản năng hạ cấp nơi cử tọa, họ đã lôi cuốn được một đám đông lớn, một đám đông ủng hộ, chịu đứng cả ba tiếng đồng hồ lắng nghe các diễn giả tự chứng minh họ là người máu đỏ và trăm phần trăm Mỹ ra sao, họ liêm chính hết dạ như thế nào, và một số cặn bã ký sinh từ Âu Châu qua đây hòng chiếm lãnh thổ này ra sao. Mối nguy to lớn chính là người Do Thái, họ nói thế. Mọi cái xấu xa đều từ người Do Thái mà ra. Chủ nghĩa duy vật Do Thái là nguyên nhân gây ra mọi tệ nạn. Chính người Do Thái tạo ra cách mạng Nga. Chính người Do Thái hủy hoại Nước Đức. Hitler chỉ cố gắng tái lập luật lệ và trật tự.

Chúng tôi từng nhất quán cố gắng tránh không thảo luận các vấn đề Âu Châu trên tờ báo của mình… Các chủ bút của Catholic Worker vốn nhất quyết không bàn tới chuyện thế giới. Nhưng khi người Công Giáo đăng đàn tại các đường phố New York để khích động thù nghịch sắc tộc nơi các thính giả Công Giáo, thì đây là lúc chúng tôi phải có thái độ.

Chúng tôi tin rằng sở dĩ Hitler thành công là nhờ sự kiện này: khích động người ta chống lại một điều gì cụ thể như một giòng giống chẳng hạn thì dễ hơn là khích động họ chống lại một ý niệm. Không phải dân tộc Đức đang chống lại ý niệm duy vật chủ nghĩa. Mà họ đang biến giòng giống Do Thái thành con dê tế thần. Họ đang cột chặt vào giòng giống này mọi thứ xấu xa của xã hội đương thời. Họ đổ tội cho người Do Thái đã gây ra chiến bại, ra lạm phát sau chiến tranh, ra các tệ nạn của hệ thống tư bản hiện nay. Và dù các cá nhân và khối quần chúng lớn lao của giòng giống ấy có phạm các tội bị họ tố cáo đi chăng nữa, thì sự thù hận vẫn không phải là sự thù hận chống lại các cá nhân phạm tội, mà là chống lại chính người Do Thái…

Những cuộc bách hại chống người Công Giáo (ở Tây Ban Nha hay ở Mễ Tây Cơ), dù hết sức tàn ác, vẫn không phải là những cuộc bách hại một giống nòi hay một dân tộc. Tất cả đều là người Công Giáo… chiến đấu vì một thế đứng. Tờ Times đã cố gắng chỉ rõ điều đó khi nói rằng tại Tây Ban Nha, chính những người trước đây là Công Giáo chống lại những người hiện còn là Công Giáo. Thực ra, đáng lẽ tờ báo này nên nói rằng chính người Tây Ban Nha chống lại người Tây Ban Nha. Cuộc bách hại ở Đức hiện nay thực sự là cuộc bách hại người Do Thái như một giòng giống. Một thế hệ cứng cổ. Chứ không phải vì họ là người Cộng Sản. Càng không phải vì họ duy vật. Nhiều người trong số họ không hề là Cộng Sản và một số những người có tinh thần tôn giáo hơn cả chính lại là người Do Thái. Ấy thế mà mọi người Do Thái đều bị đánh đập và lột da. Đó chỉ là tinh thần pogrom (bách hại chủng tộc) ngày xưa nay được tái sinh. Nó chỉ có thể mang so sánh với việc bách hại người Da Đen trên căn bản nòi giống. Khích động người ta hận thù sắc tộc là điều quá dễ dàng. Ngay đến trẻ em cũng dễ rơi vào thái độ khinh miệt chỉ vì các khác biệt chủng tộc. Và tôi tin rằng Hitler chắc chắn không được nhiều người theo chân đến thế nếu hắn không mang lại cho đồng bào Đức của hắn một ai đó, chứ không phải một điều gì đó, để mà ghét. Đó là cái ghét nguyên ủy, căn bản và hèn hạ.

Đối với người Công Giáo, hay đối với bất cứ ai, đứng tại các quảng trường công cộng và đổ mọi thù hận ghét bỏ lên người Do Thái là tránh né vấn đề trước công chúng ngày nay. Chiến đấu chống người Do Thái dễ hơn là chiến đấu cho công bằng xã hội, vấn đề chỉ có thế. Bởi vì chắc chắn họ sẽ được hoan hô. Người ta cảm thấy ánh quang của tự tôn bao giờ cũng ấm áp vào một đêm lạnh giá. Nếu cũng chính những con người ấy phải chiến đấu cho các nguyên tắc Công Giáo về công bằng xã hội thì chắc chắn họ sẽ bị những người Công Giáo khác tránh xa như những tên cấp tiến; người Cộng Sản sẽ la ó họ như những tên gây rối; có khi họ còn bị khối quần chúng không hiểu biết đả kích nữa.

Thiên Chúa đã tạo nên chúng ta tất cả. Tất cả chúng ta đều là chi thể hay chi thể tiềm ẩn của nhiệm thể Chúa Kitô. Chúng ta không muốn tận diệt con người; chúng ta chỉ muốn đuổi theo các ý niệm. Như Thánh Phaolô từng nói, “ta không chiến đấu chống lại thân xác máu huyết nhưng là chiến đấu chống các vương quốc và thế lực”.

Ngoài việc ấn hành một tờ báo, các chủ bút của Catholic Worker còn dấn thân vào cuộc chiến chống các Hội Đồng Thất Nghiệp của Đảng Cộng Sản. Để chống lại các Hội Đồng này, họ đang làm cùng những điều mà người Cộng Sản đang làm, tức giúp đỡ người thất nghiệp tìm được cứu viện, áo mặc, thực phẩm và nhà ở. Nhưng chúng tôi hợp tác với chương trình Cứu Viện Nhà (Home Relief) chứ không cản trở họ. Hai hay ba lần mỗi tuần, chúng tôi đều gặp các trường hợp bị đuổi nhà. Khi một người đàn ông hay một đàn bà tới xin giúp đỡ, chúng tôi gọi cho Cứu Viện Nhà để họ tìm ra nơi cho thuê. Rồi chúng tôi phải tìm được những ông chủ nhà chịu nhận tem phiếu (voucher). Bình thường thì họ không chịu nhận. Trong toàn bộ khu phố của chúng tôi, chỉ có một ông chủ nhà chịu nhận. Tại Đại Lộ B, có ông chủ nhà người Ái Nhĩ Lan chịu hợp tác. Tại đường 17, có một người Do Thái. Ông ta đúng là người Chúa sai đến vì ông ta có đến ba căn nhà (cho chúng tôi thuê).

Sau khi tìm ra một căn chung cư, chúng tôi còn phải kiếm ra một xe tải và người phụ giúp để di chuyển đồ đạc. Các thiếu niên 16 tuổi trong khu phố của chúng tôi là những người giúp đỡ nhiều nhất trong lãnh vực này. Và còn có những người thất nghiệp đến văn phòng chúng tôi, sẵn sàng giúp một tay.

Hôm nọ, chúng tôi có một người Thệ Phản gốc Đức làm ở phường nuôi ngựa. Ông ta cho chúng tôi sử dụng cả ngựa lẫn xe để di chuyển một gia đình Do Thái, và 5 người đàn ông Công Giáo giúp một người Do Thái anh em của họ dọn nhà.

Đó là những hoàn cảnh đặc thù hóa điều tôi muốn nói, rằng chúng ta hết thẩy đều là các tạo vật của Thiên Chúa và đều là chi thể hay chi thể tiềm ẩn của Nhiệm Thể Chúa Kitô. Điều đó chính là điều những người Công Giáo đang hành khổ người Do Thái không nhìn ra.