CHÚA NHẬT XXX THƯỜNG NIÊN

Ba bài đọc của Chúa Nhật hôm nay nêu bật một chủ đề duy nhất: tấm lòng của Thiên Chúa đối với sự khốn cùng của nhân loại.

Gr 31: 7-9 Bài đọc I được trích từ sách ngôn sứ Giê-rê-mi-a. Vị ngôn sứ ca ngợi tấm lòng ưu ái của Đức Chúa; khi đã quyết định dẫn đưa những người lưu đày trở về quê cha đất tổ, Ngài bày tỏ tình phụ tử đối với họ.

Dt 5: 1-6 Thư gởi tín hữu Do thái phác họa chân dung vị Thượng Tế Tân Ước biết cảm thương qua dung mạo của vị thượng tế Cựu Ước. Đức Giê-su là vị Thượng Tế thập toàn vì Ngài là Con Thiên Chúa.

Mc 10: 46-52 Thánh Mác-cô tường thuật việc anh mù thành Giê-ri-cô được nhìn thấy. Đức Giê-su đã lắng nghe lời khẩn cầu đầy lòng tin của anh và đã đáp trả ước nguyện của anh.

BÀI ĐỌC I (Gr 31: 7-9)

Bản văn nầy được trích từ chương 31 tác phẩm của ngôn sứ Giê-rê-mi-a. Chương 31 nầy liên kết với chương 30 trước đó để hình thành nên một đơn vị. Đây là một trong những bản văn cảm động nhất mà vị ngôn sứ đã viết để ca ngợi tấm lòng ưu ái của Thiên Chúa.

1. Bối cảnh:

Ngôn sứ Giê-rê-mi-a thực thi hành sứ vụ của mình ở Giê-ru-sa-lem vào khoảng những năm 626-587 trước Công Nguyên. Ông đã chứng kiến những năm tháng bi thương của đồng bào ông dưới gót dày xâm lược của đế quốc Ba-by-lon, nào cảnh nước mất nhà tan, cảnh hoang tàn đổ nát của thành thánh và Đền Thờ Giê-ru-sa-lem. Đây là thảm họa mà ông có sứ mạng loan báo, nhưng đã không thuyết phục được đồng bào của ông.

Trước khi những biến cố bi thảm nầy xảy đến, ông đã trải qua một thời kỳ hạnh phúc dưới triều đại của vua Giô-si-gia-hu (522-509 BC.); chính từ thời kỳ nầy mà bản văn đầy hân hoan nầy được viết; cốt yếu liên quan đến những dân cư Ga-li-lê và Sa-ma-ri. Những miền này vào thế kỷ trước đó đã bị đế quốc Át-sua chiếm đóng; một phần dân cư đã bị dẫn đi lưu đày. Ấy vậy, đế quốc Át-sua trở nên suy yếu và bị đe dọa. Nhờ thế, vua Giô-si-gia-hu mới có thể trải rộng quyền hành của mình trên toàn cõi đất nước.

2. Giấc mơ của ngôn sứ Giê-rê-mi-a:

Ngôn sứ Giê-rê-mi-a tràn đầy hy vọng. Phải chăng giờ phục hưng Ít-ra-en và thống nhất dân Thiên Chúa đã điểm? Ông mơ ước, vì ít ra một sấm ngôn về giấc mơ được miêu tả ở 30 và 31: 1-22. Tấm lòng nhạy cảm của Giê-rê-mi-a cùng chung nhịp với tấm lòng của Thiên Chúa; vị ngôn sứ phác họa niềm cảm xúc của Đức Chúa trước cảnh khốn cùng của con cái Ngài (30: 1-11); chắc chắn Ngài đã trừng trị họ vì những lỗi phạm của họ (30: 11, 15), nhưng Ngài không bao giờ ngừng yêu thương họ “bằng mối tình muôn thuở” (31: 3). Và Giê-rê-mi-a tưởng tượng Đức Chúa kêu mời muôn dân: “Reo lên mừng Gia-cóp, hãy hoan hô dân đứng đầu chư dân!”. “Đứng đầu chư dân” vì dân này đã được Thiên Chúa tách riêng ra giữa chư dân và được Ngài rất mực yêu thương.

“Nào loan tin, ca ngợi và công bố: Đức Chúa đã cứu dân Người, số còn lại của Ít-ra-en”. “Số còn lại của Ít-ra-en” nhắm đặc biệt hơn đến những người đã chịu sự thử thách của cuộc lưu đày; số còn lại nầy sẽ như một chất xúc tác đối với toàn dân Chúa chọn. Cũng danh xưng nầy sẽ được ban cho những người lưu đày ở Ba-by-lon vào thế kỷ theo sau.

3. Ngày trở về:

“Nầy Ta đưa chúng từ đất Bắc trở về”: đây là cách nói kinh điển để chỉ ách thống trị của ngoại bang, dù đế quốc Át-sua hay đế quốc Ba-by-lon. “Chúng trở về, nước mắt tuôn rơi, Ta sẽ an ủi và dẫn đưa chúng”. Ngay cả những kẻ yếu nhược nhất, thông thường không thể tự mình trở về, Đức Chúa sẽ an ủi và nâng đỡ để không một ai vấp ngã trên đường, vì Đức Chúa là Người Cha tận tình săn sóc: “Vì đối với Ít-ra-en, Ta là một người Cha, còn đối với Ta, Ép-ra-im chính là con trưởng”. “Ép-ra-im chính là con trưởng”: tên “Ép-ra-im” được dùng để chỉ toàn bộ các chi tộc phương Bắc và “con trưởng” để chỉ đứa con rất mực yêu dấu.

Giấc mơ của ngôn sứ Giê-rê-mi-a đã không được thực hiện. Đế quốc Ba-by-lon đã thay thế đế quốc Át-sua; cảnh đời nô dịch nầy thay thế cảnh đời nô dịch khác. Vì thế, những viễn cảnh của vị ngôn sứ chỉ được ứng nghiệm vào thời kỳ lưu đày Ba-by-lon sáu mươi năm sau: Chính cho những người lưu đày Ba-by-lon nầy mà ngôn sứ I-sai-a đệ nhị sẽ lấy lại và khai triển những chủ đề của vị tiền nhiệm mình.

Tuy nhiên, ngôn sứ Giê-rê-mi-a, trong trực giác sâu xa của mình, đã không bị đánh lừa. Khi mô tả tình phụ tử của Thiên Chúa: cảm thương thân phận con cái của Ngài, nhân loại vừa tội lỗi vừa đau khổ, vị ngôn sứ đã cho giấc mơ của mình một tầm mức mà chính ông không thể ngờ được, một tầm mức Mê-si-a.

BÀI ĐỌC II (Dt 5: 1-6)

Trọng tâm của thư gởi các tín hữu Do thái là sứ vụ của Đức Ki tô được xem như một vị Thượng Tế thập toàn và vô cùng siêu vượt trên vị thượng tế Cựu Ước.

Hai khía cạnh cốt yếu tiêu biểu chức tư tế: một mặt, vị thượng tế nào cũng là người được chọn trong số người phàm; mặt khác, ông là người của Thiên Chúa, vai trò của ông là vai trò trung gian giữa con người và Thiên Chúa.

Dưới ánh sáng của sự đòi hỏi kép nầy, tác giả thiết lập một sự đối chiếu giữa chức tư tế của vị thượng tế Cựu Ước và chức tư tế của Đức Ki tô, ở nơi sứ vụ đầy lòng xót thương đối với con người yếu đuối và tội lỗi.

1. Vị thượng tế Cựu Ước biết cảm thương:

Tác giả nhấn mạnh những phẩm chất phàm nhân của vị thượng tế: là một con người, ông chia sẻ những yếu đuối của con người; ông lại càng cảm thương hơn nữa đối với những tội lỗi của họ mà chính ông cũng là một tội nhân: “Mà vì yếu đuối, nên ông phải dâng lễ đền tội cho dân thế nào, thì cũng dâng lễ đền tội cho chính mình như vậy”.

Nhưng không ai có thể tự phong cho mình quyền là người của Thiên Chúa, nhưng phải lãnh nhận chức vị nầy từ chính Thiên Chúa. Thật ra, chức tư tế Cựu Ước là một chức vụ cha truyền con nối. Thiên Chúa đã gọi ông A-ha-ron một lần cho tất cả, hàm chứa ở đây hậu duệ của ông (Xh 28: 1 và Lv 18: 1-13).

2. Đức Ki tô, vị Thượng Tế Tân Ước:

Tác giả sẽ đối lập vị thượng tế biết cảm thương của Cựu Ước với Đức Ki tô, vị thượng tế biết cảm thương của Tân Ước. Ông tiến hành theo trật tự đảo ngược khi bắt đầu gợi lên lễ tấn phong của Đức Giê-su, lễ tấn phong mặc hai khía cạnh:

- Đức Ki tô là một vị Thượng Tế có phẩm chất khôn sánh, vì Ngài là Con Thiên Chúa.

- Đức Ki tô là vị Thượng Tế không theo phẩm trật A-ha-ron, nhưng theo phẩm trật Men-ki-xê-đê.

Khi bắt đầu gợi lên tính siêu việt của chức tư tế Đức Ki tô, tác giả thư gởi tín hữu Do thái lưu ý rằng Đức Ki tô là vị Thượng Tế biết cảm thương tuyệt vời vì Ngài là vị Trung Gian trực tiếp của lòng xót thương Thiên Chúa; chức tư tế độc nhất vô nhị của Ngài diển tả một chuyển động từ trên xuống: chuyển động của Tình Phụ Tử Thiên Chúa đối với con người.

Quả thật, chính sáng kiến của Chúa Cha mà Chúa Con nhận được lễ tấn phong của mình: Tv 2 được trích dẫn để làm bằng chứng: “Con là con của Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra con”. Thánh Vịnh nầy là một Thánh Vịnh phong vương. Vào ngày phong vương, thời quân chủ Đa-vít, vị tân vương được công bố là Thiên Tử. Tước hiệu Thiên Tử của vị tân vương là biểu tượng, tước hiệu Thiên Tử của Đức Ki tô là đích thực; tước hiệu nầy hàm chứa cuộc Nhập Thể (“Cha đã sinh ra con”) nhưng cũng là tính cách vương đế của chức tư tế Đức Giê-su. Đức Ki tô vừa là vua vừa là tư tế, như vậy làm trọn giấc mơ Mê-si-a tuyệt vời.

3. Vị Thượng Tế theo phẩm trật Men-ki-xê-đê:

Đức Giê-su không thuộc chi tộc Lê-vi; Ngài không thể tự nhận mình là tư tế theo luật Mô-sê. Chức tư tế của Ngài thuộc phẩm trật khác, phẩm trật Men-ki-xê-đê.

Men-ki-xê-đê là một nhân vật huyền nhiệm mà sách Sáng Thế nói về ông (14: 18-20). Ông vừa là “vua thành Sa-lem” (xem ra thành Giê-ru-sa-lem tương lai) vừa là “tư tế của Thiên Chúa Tối Cao”; ông đã chúc phúc cho ông Áp-ra-ham và đại diện vị tổ phụ, ông tiến dâng bánh và rượu lên Thiên Chúa; còn ông Áp-ra-ham biếu con người của Thiên Chúa nầy một phần mười chiến lợi phẩm của mình.

Truyền thống đối lập chức tư tế A-ha-ron với chức tư tế Men-ki-xê-đê với, một chức tư tế không giới hạn, không lai lịch, chức tư tế muôn đời, thuộc nguồn gốc từ trời. Chính ở nơi khuôn mẫu của chức tư tế Men-ki-xê-đê nầy mà Tv 110 quy chiếu đến: “Muôn thuở, Con là Thượng Tế theo phẩm trật Men Ki-xê-đê” (Tv 110: 4). Thánh Vịnh này cũng là một Thánh Vịnh phong vương và phóng chiếu dung mạo của vị thượng tế lý tưởng trong tương lai, vì thế, Thánh Vịnh nầy có một cung giọng Mê-si-a. Những sấm ngôn nầy được ứng nghiệm nơi Đức Ki tô. Đức Ki tô là vị Thượng Tế biết cảm thương, Ngài thực thi chức năng trung gian của Ngài muôn đời bên cạnh Chúa Cha.

TIN MỪNG (Mc 10: 46-52)

Việc chữa lành anh mù thành Giê-ri-cô được cả ba sách Tin Mừng nhất lãm thuật lại (tại Mát-thêu, có đến hai người mù được chữa lành). Câu chuyện nầy có một tầm quan trọng đặc biệt, bởi vì nó đóng chức năng như bản lề giữa lời loan báo thứ ba về cuộc Thương Khó và cuộc khải hoàn của Đức Giê-su vào thành thánh Giê-ru-sa-lem.

1. Bối cảnh:

Chúa Giê-su rời thung lũng sông Gio-đan và trực chỉ về thành thánh Giê-ru-sa-lem, bằng qua thành Giê-ri-cô. Giê-ri-cô là một trong những thành phố cổ xưa nhất miền Pha-lệ-tinh; những cuộc khai quật cho thấy nhiều di tích tường thành niên biểu lên đến thế kỷ thứ bảy trước Công Nguyên. Đây cũng là một trong những ốc đảo xanh tươi nhất ở dưới chân của những ngọn đồi khô cằn sa mạc Giu-đê. Vua Hê-rô-đê và triều thần của ông đã xây dựng nơi nghĩ đông ở đây.

Chính ở thành Giê-ri-cô nầy mà vào thời điểm lễ Vượt Qua những người hành hương từ Pê-rê và miền Thập Tỉnh quy tụ lại trước khi lên thành thánh Giê-ru-sa-lem, cách đó khoảng hai mươi sáu cây số. Đức Giê-su và các môn đệ của Ngài đang trên đường lên Giê-ru-sa-lem mừng lễ Vượt Qua; nếu đám đông quy tụ đông đúc chung quanh họ, như thánh ký ghi nhận, chính thật ra vì ngày đại lễ nầy sắp đến: thành Giê-ri-cô đông đúc các khách hành hương rồi.

Thánh Mác-cô và thánh Lu-ca nói khi Đức Giê-su ra khỏi thành Giê-ri-cô, còn thánh Lu-ca nói khi Đức Giê-su đến gần thành Giê-ri-cô, có một người mù “đang ngồi ăn xin bên vệ đường”.

2. Cuộc gặp gỡ giữa Đức Giê-su và anh mù thành Giê-ri-cô:

Cuộc gặp gỡ giữa Đức Giê-su và anh mù thành Giê-ri-cô được mô tả một cách sinh động và ngoạn mục. Mọi người đang lũ lượt kéo nhau đi trong khi anh ngồi mà lại ngồi một mình bên vệ đường. Tư thế này diễn tả cảnh ngộ của anh, anh hoàn toàn bị gạt ra ngoài cuộc sống, bị khai trừ khỏi cộng đoàn đang hoạt động nhộn nhịp chung quanh anh. Tuy nhiên, anh không cam chịu hoàn cảnh bị khai trừ của mình. Anh lắng nghe dư luận quần chúng mà biết rằng Đức Giê-su đang đi qua đây, vì thế, lòng anh tràn đầy hy vọng. Chắc chắn anh đã nghe nói về việc ông Giê-su Na-da-rét nầy đã chữa lành nhiều người mù. Vì thế, anh kêu gào hết sức mình, và bạo dạn gọi Đức Giê-su “Con vua Đa-vít”, tước hiệu của Đấng Mê-si-a mà dân chúng từ lâu mong đợi (2Sm 7: 1-17). Nhiều người quát nạt bảo anh im đi. Không thể loại trừ những yếu tố thù nghịch trà trộn trong đám đông, có thể có vài người Biệt Phái lắm chứ, họ không thể chịu nỗi bất cứ ai áp dụng tước hiệu “Con Thiên Chúa” nầy cho Đức Giê-su. Nhưng mặc kệ, không chịu thua cuộc, anh mù lại càng kêu to hơn nữa át cả những lời quát tháo ngăm đe bảo anh im đi.

Đức Giê-su cứ để mặc anh mù kêu to tước hiệu Mê-si-a mà không ngăn cản anh phải im lặng như trước đây nữa. Thời kỳ nầy đã qua, thời Ngài đã cố giữ mầu nhiệm chung quanh con người của Ngài để tránh những giải thích sai lạc về vai trò Mê-si-a của Ngài. Bây giờ Ngài đang trên đường lên Giê-ru-sa-lem, con đường mặc khải tuyệt mức tước hiệu Mê-si-a của Ngài ở nơi biến cố Tử Nạn và Phục Sinh. Giờ của sự thật đã điểm. Chẳng bao lâu nữa dân thành Giê-ru-sa-lem sẽ tung hô Ngài dưới tước hiệu nầy.

3. Đức tin của anh mù thành Giê-ri-cô:

Đức Giê-su không thể nào làm ngơ trước những tiếng kêu đầy niềm tin vào Ngài của anh mù thành Giê-ri-cô nầy được, vì thế, Ngài dừng bước và nói: “Gọi anh ta lại đây!”. Một lần nữa, Đức Giê-su biểu lộ cho thấy Ngài muốn liên lụy đến những kẻ mà người ta khăng khăng muốn khai trừ, loại bỏ. Đám đông tức khắc thay đổi thái độ và còn khuyến khích anh mù: “Cứ yên tâm, đứng dậy, Người gọi anh đấy!”.

Như thử mình đã được nhìn thấy rồi vậy, “anh mù liền vất áo choàng lại, đứng phắt dậy mà đến gần Đức Giê-su”. Trong Kinh Thánh, y phục tượng trưng cho nhân cách người mặc nó. “Vất áo choàng” chính là vất thân phận bị khai trừ của mình. “Áo choàng” còn là của cải duy nhất mà người nghèo có (Xh 22: 25-26). Khi vất áo choàng, anh đã bỏ tất cả những gì anh có mà đến với Đức Giê-su, lời đáp trả mà Đức Giê-su đã mong đợi nhưng không gặp thấy ở nơi chàng thanh niên giàu có. “Đứng phắt dậy mà đến gần Chúa Giê-su” trong khi mắt vẫn mù, thì đúng là thái độ của đức tin.

Khi diện đối diện với anh mù, Ngài hỏi anh: “Anh muốn tôi làm gì cho anh?” Dĩ nhiên, Đức Giê-su biết rõ ước muốn của anh, nhưng Ngài luôn luôn trọng tự do của những người đến gặp Ngài, vì thế Ngài muốn anh phải tự mình nói lên ước nguyện của mình: “Rabbouni, xin cho tôi nhìn thấy được”. Thánh Mác-cô đã gìn giữ từ A-ram nầy. Khi ngỏ lời với thầy mình, các môn đệ Do thái thường gọi đơn giản: “Rabbi” (“Thưa Thầy”). Còn ở đây, từ “Rabbouni” mang một sắc thái đầy kính trọng và thân ái hơn, nghĩa là “Thưa Tôn Sư của tôi” hay “Thưa Ngài của tôi”.

4. Anh mù đón nhận nhiều hơn anh ước mong:

Anh mù được nhìn thấy ngay tức khắc do lời của Đức Giê-su: “Anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu anh!”. Lời của Đức Giê-su mang lấy một chiều kích sâu xa bất ngờ đối với anh mù cũng như đối với đám đông vây quanh. Lệnh truyền “Anh hãy đi” hàm chứa một sứ mạng. Thay vì “lòng tin của anh đã chữa lành anh”, Đức Giê-su lại nói với anh: “lòng tin của anh đã cứu anh!”, nghĩa là, nhờ đức tin, Đức Giê-su không chỉ cứu chữa anh khỏi đôi mắt mù lòa của thể xác, mà còn ban cho anh được ơn cứu độ mà Ngài đem đến nữa.

Anh mù không chỉ được sáng mắt mà còn sáng cả cõi lòng trước sứ điệp Tin Mừng: “Tức khắc, anh ta nhìn thấy được và đi theo Người trên con đường Người đi”. Rõ ràng đây là dáng dấp của người môn đệ của Đức Giê-su. Động từ “đi theo” diễn tả lời đáp trả của anh trước động từ “gọi” ở nơi môi miệng của Chúa Giê-su: “Gọi anh ta lại đây!” và ở nơi lời công bố của đám đông: “Người gọi anh đấy!”. Đức Giê-su đã gọi anh mù ăn xin thành Giê-ri-cô, như Ngài đã gọi các môn đệ khác, “họ đã đi theo Ngài” (1: 18; 2: 14). Xem ra anh mù Ba-ti-mê đã trở thành môn đệ của Ngài, và chắc chắn vì lý do đó mà tên anh đã vẫn lưu lại trong ký ức của các Ki tô hữu tiên khởi.

Như vậy, câu chuyện anh mù thành Giê-ri-cô là dịp làm chứng về đức tin đầy tâm huyết và kiên vững trái ngược với thái độ không hiểu và cứng tin của các Tông Đồ; câu chuyện nầy cũng đã đánh dấu việc vén mở bí mật Mê-si-a, chuẩn bị cho việc dân chúng hân hoan đón tiếp Ngài vào thành thánh Giê-ru-sa-lem.

Một lần nữa, chúng ta thấy nghệ thuật kể chuyện của Mác-cô đã đạt đến độ hoàn hảo. Trong bốn tác giả Tin Mừng, thánh Mác-cô là người kể chuyện với nhiều chi tiết sinh động nhất và phong phú nhất.