TƯỜNG THUẬT VỀ NGÀY NHẠC SĨ 3.9.2006

SÀIGÒN -- Như đã loan tin, ngày 3 tháng 9 hàng năm kính thánh giáo hoàng tiến sĩ Grêgôriô Cả được báo THÁNH NHẠC NGÀY NAY chọn làm NGÀY NHẠC SĨ. Ngày 3 tháng 9 năm nay là NGÀY NHẠC SĨ đầu tiên. Buổi sáng trời nắng tốt sau cơn mưa nhẹ lúc gần rạng đông, hơn 50 nhạc sĩ và một số đông khách mời tấp nập đến tham dự.

9 giờ sáng, đoàn đồng tế tiến vào nhà thờ do đan viện phụ nhạc sĩ Tùng Ngân chủ lễ cùng với các linh mục nhạc sĩ như lm Thiện Cẩm, lm Phạm Liên Hùng, lm Vương Diệu, lm Nguyễn Như, lm. Thiên Ý, lm. Tiến Lộc, lm Oanh Sông Lam, lm Thái Nguyên, lm. An Đức, lm Thiên Cung… bắt đầu thánh lễ trang nghiêm cầu cho các nhạc sĩ quá cố qua phong cách dẫn lễ (MC phụng vụ) và điều khiển hát phụng vụ rất điêu luyện của nhạc sĩ Nguyễn Bách và phong cách đệm đàn truyền thống của nhạc sĩ Tiến Linh.

Bài giảng là một chia sẻ nhiều ý tưởng lẫn kinh nghiệm rất bổ ích của lm Thiện Cẩm cho các nhạc sĩ trẻ. Thánh lễ làm xúc động bằng những bài hát cũ của các nhạc sĩ quá cố, nhất là bộ lễ De Angelis (Bình ca Grêgôriô); nhưng có lẽ gây nhiều xúc động là lúc đọc văn tế và niệm hương: nhạc sĩ lão thành Duy Tân, tác giả bài Trời cao bất hủ, đứng đầu đoàn “văn tế”, tất cả mặc áo thụng khăn xếp, nghiêm chỉnh đọc “Văn tế các nhạc sĩ thánh nhạc Công giáo Việt Nam”, với giọng đọc có khí chất và truyền cảm của nhạc sĩ Xuân Quang thỉnh thoảng điểm vài tiếng chiêng và trống, bài văn tế tạo được bầu khí tưởng niệm tốt; rồi kết thúc văn tế bằng xướng danh các nhạc sĩ quá cố, nghe thật xúc động. Sau bài văn tế, mọi người xếp hàng đi lên niệm hương trước bài vị của các nhạc sĩ quá cố. Nói chung toàn cảnh đã tạo được niềm cảm xúc nhớ thương và ghi ân các nhạc sĩ đã qua đời theo đúng truyền thống dân tộc.

10 giờ 30 sau đó, các nhạc sĩ tham gia buổi hội thảo. Lm Tiến Lộc chia các nhạc sĩ thành 3 nhóm, mỗi nhóm có một nhạc sĩ điều khiển và một linh mục nhạc sĩ. làm cố vấn để thảo luận nhiều vấn đề về thánh nhạc. Tuy đề tại dự kiến là “Vào ngày này chúng ta làm gì cho nhau”, nhưng trong một giờ, vì nhiệt thành hay vì từ lâu sống với nỗi băn khoăn trăn trở, các nhạc sĩ đã sôi nổi đưa ra nhiều vấn đề nóng sốt khác như sáng tác lời ca thế nào cho đúng, kiểm duyệt thánh ca, nâng cao kiến thức và kỹ năng sáng tác… nói chung, những ý kiến hôm nay được nêu lên chẳng qua là những niềm thao thức, trăn trở, bức xúc, thắc mắc, mong chờ đến nôn nóng đã từ lâu không nói được với ai, nay có dịp là trút cạn nỗi lòng đến nỗi thời gian một hai giờ đồng hồ trở nên quá ngắn ngũi. 11g30 tập họp tất cả lại cạnh bờ sông Bình Triệu để đúc kết, lm Thiện Cẩm góp thêm nhiều ý kiến xây dựng rất hay và bổ ích cho các nhạc sĩ nhất là nhạc sĩ trẻ. Thời gian tưởng chừng quá ít so với nỗi lòng thao thức của các nhạc sĩ..

12 giờ mọi người dùng tiệc buffet được tổ chức thịnh soạn để ân cần thết đãi các nhạc sĩ. 13 giờ mọi người lần lượt ra về trước khi hẹn nhau ngày này năm sau.

“Lần thứ hai đi dự họp với anh chị em đang sinh hoạt trong môi trường thánh nhạc, tôi rất “ấn tượng”, vì thấy rằng đúng là “hậu sinh khả úy”. Anh chị em tạo ra được một bầu không khí rất mới và sinh động. Điều mà tôi mong muốn là anh chị em thể hiện được tinh thần hiệp nhất, để chúng ta không chỉ sống cho mình, mà phục vụ Giáo hội. Chúc anh chị em luôn duy trì được tinh thần liên đới và niềm vui phụng sự Chúa bằng lời ca tiếng hát.”. Đó là những dòng của lm Thiện Cẩm ghi lại trong quyển Cảm tưởng lưu lại mà ban tổ chức đã dùng để xin ý kiến của các nhạc sĩ tham dự giúp ban tổ chức làm tốt hơn lần sau. Lmns. Gioan Minh tuy bận đột xuất, nhưng vẫn ghé lại dự cho xong giờ đọc văn tế mới ra về. Thân nhân của vài nhạc sĩ quá cố như nhạc sĩ Hùng Lân, nhạc sĩ Thy Yên cũng để lại những cảm tưởng tốt đẹp.

Rất nhiều lời động viên, được các nhạc sĩ gửi đến ban tổ chức bằng mọi cách cho đến tận lúc chia tay, đã giúp ban tổ chức –ban Biên tập nguyệt san THAN1H NHẠC NGÀY NAY- học hỏi và rút thêm kinh nghiệm, đồng thời giúp họ không còn thấy mệt, bởi vì tổ chức NGÀY NHẠC SĨ CÔNG GIÁO VN lần thứ I là một việc “vừa làm vừa thể nghiệm” vì phải tạo nếp chứ chưa hề có khung sẵn, ví dụ nghi thức đón tiếp các nhạc sĩ đến tham dự: khi một nhạc sĩ vừa đến, việc đầu tiên, nhạc sĩ được ban tổ chức nhận diện, xướng tên rồi trân trọng quàng lên cổ dây đeo có bảng tên nằm ngay trước ngực giúp mọi nhận ra nhau không cần phải hỏi tên; sau đó mời nhạc sĩ ký tên vào khung ảnh lớn có tựa đề THỦ BÚT CỦA CÁC NHẠC SÕ CÔNG GIÁO VIỆT NAM, tiếp theo, nhạc sĩ được hướng dẫn vào nơi chụp ảnh để lưu lại chân dung, hình bóng của mình trong kho tàng sử liệu của nền thánh nhạc Việt Nam. Theo dự tính lúc ban đầu, một họa sĩ sẽ ký họa chân dung từng nhạc sĩ để có thêm một góc nhìn khác; rất tiếc! giờ cuối họa sĩ Lê Thanh ngã bệnh đành chờ đến năm sau.

Để kết luận, ban tổ chức tự xem mình chỉ là người hầu bàn cho nền thánh nhạc VN nói chung, quý nhạc sĩ nói riêng”, lấy tư cách cá nhân gửi thiệp mời đến mọi nhạc sĩ trong và ngoài nước, không phân biệt và bằng đủ mọi cách, tuy không được hết mọi nhạc sĩ đón nhận (mặc dù số lượng nhạc sĩ tham dự đủ xem như một thông báo đầy khích lệ), nhưng nỗi niềm “thà thắp lên một ngọn nến hơn ngồi rủa bóng tối” (danh ngôn thế giới), “có khởi đầu mới có kết thúc” (gm. Tri Bửu Thiên), “con trong nhà hễ thấy nhà có rác tự lấy chỗi ra quét không đợi phân công” (lm Tiến Lộc), sau NGÀY NHẠC SĨ lần I, đã tự tin càng thêm xác tín rằng mình đang làm một việc cần phải làm.