Cha Raymond J. de Souza trên The Catholic Thing ngày 16 tháng 3, 2024 cho rằng ở một mức độ bất thường, việc trình bày trước công chúng về triều giáo hoàng hiện tại, đánh dấu kỷ niệm 11 năm thành lập vào tuần này, đã được ủy thác cho nhiều nhà bình luận khác nhau.

Giáo triều Rôma dưới thời Đức Giáo Hoàng Phanxicô thiếu những nhân vật thời Đức Gioan Phaolô như các Hồng Y Joseph Ratzinger, Benardin Gantin, Camillo Ruini, Phanxicô Arinze, và Eduardo Pironio (đã được phong chân phước), những người có tầm vóc và khả năng đưa ra những giải thích có thẩm quyền.

Dưới thời Đức Phanxicô, các cách giải thích có thẩm quyền chính thức – ít nhất bằng tiếng Anh – được giao cho các nhân vật độc lập như Austen Ivereigh (Anh), Michael Sean Winters (Mỹ), Massimo Faggioli (Ý) và (bằng mọi ngôn ngữ) Cha Antonio Spadaro. Tuy nhiên, trong những tháng gần đây, một sự thất vọng nào đó dường như đã xuất hiện, được thể hiện rõ ràng qua những bình luận gần đây của Đức Phanxicô về việc Ukraine giương cao “cờ trắng” đàm phán, gây ra sự mất tinh thần sâu xa trong lòng người Công Giáo Ukraine.

Tôi cung cấp để làm ví dụ nguồn ưa thích của tôi đối với phương pháp giải thích thân thiện với Đức Phanxicô: Where Peter Is (Phêrô đang ở đâu), một trang web do Mike Lewis điều hành. Ông thành lập trang mạng này vào năm 2018 để đưa ra “một phương thức hộ giáo” bênh vực Đức Phanxicô trước những người chỉ trích ngài. Tôi coi ông là một mẫu mực tốt đẹp cho cuộc đối thoại mà Đức Giáo Hoàng kêu gọi.

Lewis viết: “Chúng tôi đã giải thích rất chi tiết về cách hiểu truyền thống của Công Giáo về quyền tối thượng và quyền lực của giáo hoàng. Chúng tôi đã nhiều lần làm rõ những gì Giáo hội dạy về vai trò của Huấn quyền sống động. Đối với nhiều câu hỏi gây tranh cãi, chúng tôi đã nhiều lần trả lời rất chi tiết với quan điểm của Giáo hội về mọi khía cạnh được tranh luận của một vấn đề. Sáu năm trước, chúng tôi muốn thành lập một trang web giúp giải thích về Đức Giáo Hoàng Phanxicô cho những người đồng đạo Công Giáo của chúng tôi, những người cho rằng họ “bối rối” về ngài và những lời dạy của ngài. Chúng tôi đã ủng hộ những lời giảng dạy của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong suốt thời gian này.”

Các bài bình luận của Phêrô đang ở đâu rất nghiêm túc, được nghiên cứu kỹ lưỡng và cẩn thận. Ví dụ, các bài đăng gần đây về việc đồng tế và những người theo chủ nghĩa truyền thống, hoặc tính không vượt trội về mặt hữu thể học của các linh mục đều có tính toàn diện, có thẩm quyền về mặt thần học và công bằng. Phêrô đang ở đâu có quan điểm riêng nhưng thường chứng tỏ sự tôn trọng đối với những người bị chỉ trích. Điều đó luôn luôn nằm trong góc độ ủng hộ Đức Giáo Hoàng, nhưng đó không phải là điều xấu khi nói về người Công Giáo – và trong môi trường mà triều đại giáo hoàng này đã tạo ra điều đó là điều dễ hiểu. Tính đảng phái rất phổ biến.

Đối với những người muốn theo dõi những điều kỳ quặc đang diễn ra trong khu vực internet hoang dã của những người thực sự bị Đức Giáo Hoàng Phanxicô làm cho bối rối, Phêrô đang ở đâu có đủ kiên nhẫn và kiên trì để báo cáo về điều đó.

Vì vậy, điều đáng chú ý là vào tháng 12, trong khi bảo vệ Fiducia Supplicans về việc ban phép lành cho các cặp vợ chồng bất hợp pháp và đồng tính, Lewis đã đề xuất một dốc lòng cho năm mới “bắt đầu lại với Đức Giáo Hoàng Phanxicô”. Ông gợi ý rằng đã đến lúc quay lại và bắt đầu lại với Evangelii gaudium, vốn gây ảnh hưởng sâu xa đối với Lewis.

Lewis viết, “Nếu tuần này trong Giáo hội cho thấy bất cứ điều gì, thì đó là nhiều người Công Giáo đơn giản là không hiểu Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Đặc biệt ở Hoa Kỳ – mặc dù những rạn nứt rõ ràng cũng đã xuất hiện ở Đức, Châu Phi và Đông Âu – vẫn có sự mất kết nối giữa Đức Giáo Hoàng và nhiều người dân, thậm chí sau mười năm. Nó không chỉ ảnh hưởng đến những người công khai nổi loạn hoặc chỉ trích ngài. Tôi đã thấy nhiều người bày tỏ rằng họ nghĩ ngài có thiện chí nhưng lại cảm thấy ngài ngây thơ, lạc lõng hoặc đang nghe theo những cố vấn tồi”.

Sau khi gửi đi hàng trăm nghìn lời lẽ trong sáu năm để giải thích về sự vĩ đại của triều giáo hoàng, Lewis cảm thấy thất vọng vì bằng cách nào đó nó không được thông suốt. Vì vậy, đã đến lúc phải bắt đầu lại từ đầu, vì chắc chắn lần thứ hai sẽ thuyết phục được người ngoan cố.

Những nhà phê bình Đức Giáo Hoàng có trách nhiệm về việc không hề nhận thức được vẻ đẹp của Niềm Vui Tin Mừng. Đơn giản là họ không thấy tính cấp bách của việc truyền giáo được phản ánh, chẳng hạn, trong tiến trình thượng hội đồng về tính đồng nghị đối với một Giáo hội đồng nghị.

Hãy nhớ lại rằng vào năm 2013, George Weigel đã viết rất đầy đủ trên tờ Wall Street Journal rằng Evangelii gaudium là “một lời kêu gọi rõ ràng về một sự thay đổi mang tính quyết định trong sự tự hiểu biết của Giáo Hội Công Giáo...sự chuyển đổi lịch sử vĩ đại từ Công Giáo duy trì thể chế sang Giáo hội Tân Phúc âm hóa.”

Tuần này Weigel quay lại những trang đó với một đánh giá sâu sắc về phương thức “cờ trắng” của Giáo hoàng Phanxicô đối với quan hệ quốc tế. Vấn đề khiến Lewis và những người khác thất vọng không phải là mọi người không chú ý đúng mức mà là quá nhiều. Vì vậy, Lewis đã kết luận vào tháng trước rằng ác ý – và tệ hơn – hẳn là vấn đề.

Lewis bực tức viết: “Thiệt hại do những người trong phong trào lạc hậu [indietrist] gây ra là có thật, nhưng không một cá nhân nào có thể ngăn chặn nó. Cách duy nhất để họ thay đổi là họ đáp ứng sự thúc giục của Chúa Thánh Thần trong lòng họ. Sự thật đau lòng là chúng ta không thể đối thoại với ma quỷ. Và phần lớn sự phản đối giáo huấn của Đức Giáo Hoàng Phanxicô đến thẳng từ đáy địa ngục... Và cuối cùng tôi đã nhận ra rằng đã đến lúc tôi phải nói, theo lời của Cha Jacques Hamel, ‘Biến đi, hỡi Satan.’”

Vụ nổi giận đó không phải là đặc điểm của Lewis. Tất nhiên, không thiếu những ác ý được tìm thấy ở những góc cạnh giận dữ hơn trên Internet. Nhưng vấn đề không nằm ở chỗ đó. Câu hỏi mà các giám mục Châu Phi, Ukraine, Hà Lan và Châu Á (và Mỹ) đặt ra không phải là Phêrô ở đâu – Đức Phanxicô là Phêrô ở Rôma – mà là Phêrô của Evangelii gaudium đã đi đâu.

Không thể tưởng tượng rằng sau 11 năm trong triều giáo hoàng của Đức Gioan Phaolô lại có người nghiêm túc nghĩ rằng đã đến lúc phải bắt đầu lại để hình dung ra ngôi vị giáo hoàng. Đức Gioan Phaolô không phải đối đầu với một mạng lưới giận dữ, nhưng ngài đã phải đối đầu với hàng trăm nhà thần học hàng đầu ký vào Tuyên bố Cologne, bao gồm những nhân vật hàng đầu như các Cha Eduard Schillebeeckx, Johann Baptist Metz, Hans Küng, Norbert Greinacher, Ottmar Fuchs và Bernard Häring. Tuyên bố tháng 1 năm 1989 là một cuộc bỏ phiếu rõ ràng về sự bất tín nhiệm đối với Đức Giáo Hoàng.

Đức Gioan Phaolô đã không quay lại từ đầu. Ngài tiếp tục nhiệm vụ trước mắt. Cuối năm đó Chủ nghĩa Cộng sản Châu Âu bị đánh bại; ba năm sau, Sách Giáo lý được xuất bản và năm 1993 Veritatis Splendor được ban hành.

Một thông dịch viên nổi bật khác của Đức Phanxicô là Michael Sean Winters của tờ National Catholic Reporter, người đã xuất bản một bài suy tư kỷ niệm trong tuần này với tựa đề “Giáo hoàng tuyệt vời của chúng ta đã sai lầm khủng khiếp về Ukraine”, trong đó đã gộp Đức Giáo Hoàng vào nhóm với Neville Chamberlain trong cách tiếp cận của ngài với các thế lực thù địch.

Ông viết về Đức Giáo Hoàng Phanxicô, “Chứng tá Kitô giáo [của các giám mục Công Giáo Ukraine] không nên bị coi thường hoặc bị gián đoạn bởi sự lựa chọn ngôn từ bất cẩn trong một cuộc phỏng vấn.”

Một lần nữa, quả là một tuyên bố đáng chú ý. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã không ngừng nói về Ukraine trong hơn hai năm. Kể từ cuộc xâm lược đầu tiên vào năm 2014, đây là cuộc khủng hoảng chính sách đối ngoại quan trọng nhất trong thế kỷ này. Để nhận được “sai lầm khủng khiếp” đó sau ngần ấy thời gian là một lời cáo trạng khá tai hại từ một người bạn. Và việc “bất cẩn” trước một vấn đề nghiêm trọng như vậy đã khiến Winters khuyên Đức Giáo Hoàng “thực hiện ít cuộc phỏng vấn hơn đi".

Vì vậy, lễ kỷ niệm 11 năm đến với một số lo lắng trong số những người tận tâm nhất với chương trình của Đức Giáo Hoàng. Bất chấp sự thất vọng của mình, Lewis vẫn thề sẽ tiếp tục. Tôi sẽ tiếp tục đọc Phêrô đang ở đâu để thu được lợi lớn.