1. Vụ đột nhập vào nhà thờ Công Giáo Nam Omaha được coi là 'hành động bạo lực ngẫu nhiên'

Đã xuất hiện những chi tiết mới sau vụ đột nhập vào nhà xứ của một nhà thờ Công Giáo phía nam Omaha vào sáng Chúa Nhật. Phát ngôn nhân của cảnh sát địa phương nói rằng đây là một hành động bạo lực ngẫu nhiên.

Cảnh sát Omaha cho biết một người phụ nữ đã đột nhập vào nhà xứ của Nhà thờ Công Giáo St. Frances Cabrini ngay sau 6 giờ sáng Chúa Nhật 3 Tháng Ba. Người phụ nữ bị cáo buộc đâm cha sở ngay trong nhà ngài và cố gắng đốt cháy ngài và nhà xứ.

Sơ Mary Ann Meagher cho biết cha sở của nhà thờ, là Cha Damian Zuerlein.

Cảnh sát cho biết Cha Zuerlein, sống tại nhà xứ, đang ở nhà khi vụ đột nhập xảy ra. Ngài tự nhốt mình trong một căn phòng trên lầu trước sự hung hăng của người phụ nữ và sau đó trốn thoát qua cửa sổ.

Cảnh sát cho biết người phụ nữ đã đột nhập được vào căn phòng mà cha Zuerlein vừa trốn ra, mang theo một con dao ngay khi lực lượng cứu hỏa đang đưa Cha Zuerlein xuống trên một cái thang.

Sơ Meagher nói: “Thật đáng sợ khi nghe điều này, không chỉ đối với ngài mà còn đối với tất cả mọi người khi sự việc như thế này đang diễn ra.

Các bức ảnh cho thấy sự hư hại bên trong nhà xứ: đồ đạc bị xé nát, sách vở bị vứt bỏ, và hầu hết đồ đạc cá nhân của Cha Zuerlein bị phá hủy.

Vụ đột nhập vào nhà xứ của nhà thờ St. Frances Cabrini diễn ra chưa đầy ba tháng sau khi Cha Stephen Gutgsell bị đâm chết tại nhà xứ của Nhà thờ Công Giáo St. John the Baptist ở Fort Calhoun.

Cảnh sát Omaha cho biết nghi phạm đã bị bắt giam.


Source:wowt.com

2. Thảm trạng nhân đạo bi thảm tại Ukraine

Theo phúc trình của Cao Ủy tị nạn Liên Hiệp Quốc, công bố ngày 05 tháng Ba vừa qua, tình hình nhân đạo tại Ukraine tiếp tục ở mức độ thê thảm: khoảng 40% dân chúng tiếp tục cần được nâng đỡ về nhân đạo và bảo vệ, nhưng khả năng tài chánh chỉ có thể đáp ứng 13% nhu cầu.

Đối với nhiều người, đây là kinh nghiệm đầu tiên về chiến tranh và tị nạn. Tuần này là kỷ niệm mười năm bắt đầu chiến tranh tại miền Đông Ukraine. Hiện nay, gần 6 triệu 500.000 người Ukraine đang tị nạn tại nước ngoài, trong khi đó 3,7 triệu người tản cư trong nội địa nước này.

Phúc trình cho biết hai năm sau chiến tranh rộng lớn, 65% người Ukraine tị nạn ra nước ngoài và 72% những người tản cư nội địa mong ước có thể trở về nhà vào một ngày nào đó. Nhưng tỷ lệ này giảm bớt, vì nhiều người tỏ ra không chắc chắn vì chiến tranh vẫn đang tiếp diễn.

Phúc trình của Cao Ủy tị nạn Liên Hiệp Quốc mang tựa đề: “Cuộc sống bị ngưng lại: ý hướng và viễn tượng của những người tị nạn, những người hồi hương và di tản trong nội địa Ukraine”. Phúc trình và nghiên cứu này dựa trên các cuộc phỏng vấn khoảng 9.900 gia đình Ukraine tị nạn, tản cư nội địa và những người từ trong và ngoài nước trở lại gia cư của họ: tỷ lệ những người Ukraine tị nạn hy vọng trở về nước giảm bớt so với thời kỳ cách đây một năm, tức là từ 77 xuống còn 65%. Cùng xu hướng như vậy đối với những người di tản nội địa về vấn đề có thể trở lại gia cư của họ hay không, từ 84% xuống còn 72%.

Cuộc điều tra cho thấy ưu tiên của những người liên hệ được hỏi là sửa chữa lại nhà của họ ở Ukraine làm sao để họ có thể ở lại gia cư của họ. Cho đến nay đã có hơn 27.500 nhà được sửa chữa.

Cuộc khủng hoảng của người tị nạn Ukraine phần lớn do sự chia cách gia đình ở mức độ rộng lớn. Nhiều người nam Ukraine ở lại trong nước, với những khó khăn đi kèm đối với người buộc lòng phải rời bỏ nước và người còn ở lại, họ không được sự nâng đỡ của gia đình. Phúc trình này cho thấy rằng sự đoàn tụ gia đình là một trong những nhân tố thúc đẩy người tị nạn trở về nhà luôn. Một số lớn những người tị nạn trở về Ukraine trong một thời gian ngắn - khoảng 50% so với 39% hồi năm ngoái và cũng với mục đích kiểm điểm tài sản của họ và nhất là viếng thăm thân nhân. Cao Ủy tị nạn Liên Hiệp Quốc khuyên các nước tiếp cư hãy duy trì một thái độ uyển chuyển đối với những người Ukraine tị nạn, đối với những cuộc viếng thăm quê hương dưới ba tháng và làm sao để qui chế pháp lý tị nạn của họ với các quyền lợi đi kèm tại nước tiếp cư, không bị ảnh hưởng vì những chuyến về thăm gia đình như vậy. Sự bảo vệ và những nhu cầu của người tị nạn phải được bảo đảm cho đến khi họ tự ý hồi hương, trong an ninh và phẩm giá.

3. Hồng Y ẩn danh 'Demos II' đề xuất chương trình nghị sự cho giáo hoàng tiếp theo

Vào tháng 3 năm 2022, cố Hồng Y George Pell đã xuất bản một bài phê bình ẩn danh vào thời điểm đó đối với triều đại giáo hoàng của Đức Giáo Hoàng Phanxicô dưới bút danh “Demos”.

Giờ đây, một vị Hồng Y khác, người tự nhận mình là “Demos II,” đã công bố một bản phê bình ẩn danh khác. Tuy nhiên, bản mới này có tính chất hướng tới tương lai hơn và đưa ra bảy nhiệm vụ được đề xuất cho người kế vị tiếp theo của Thánh Phêrô.

Vị Hồng Y ẩn danh đã công bố văn bản của mình, có tựa đề “Ngày mai của Vatican,” bằng sáu thứ tiếng trên trang web “Bussola Quotidiana” tức là “La bàn hàng ngày” của Ý.

Mở đầu, tài liệu viết: “Vào tháng 3 năm 2022, một văn bản ẩn danh xuất hiện - được ký dưới bút danh 'Demos' và có tựa đề 'Vatican Ngày Nay' - đã đặt ra một loạt câu hỏi và chỉ trích nghiêm chỉnh về triều đại giáo hoàng của Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Các điều kiện trong Giáo hội kể từ khi văn bản đó xuất hiện đã không thay đổi cụ thể, càng không được cải thiện nhiều,”

Demos II nhận xét rằng có những khía cạnh tích cực của triều đại giáo hoàng hiện tại, chẳng hạn như mối quan tâm của Đức Thánh Cha Phanxicô dành cho những người yếu thế nhất và nghèo nhất, cùng với các vấn đề môi trường, nhưng “những thiếu sót của nó cũng rõ ràng như nhau”.

Những thiếu sót đó bao gồm “một phong cách quản lý chuyên quyền, đôi khi có vẻ mang tính thù hận; sự bất cẩn trong vấn đề pháp luật; không khoan dung đối với những bất đồng thậm chí những bất đồng ấy mang tính tôn trọng; và - nghiêm trọng nhất - một mô hình mơ hồ trong các vấn đề đức tin và luân lý gây ra sự nhầm lẫn giữa các tín hữu.

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy

Khuôn mạo vị Giáo Hoàng tiếp theo

Hai năm sau khi văn bản được ký tên 'Demo' (sau này được tiết lộ là của Đức Hồng Y Pell), một tài liệu ẩn danh mới, được liên kết với tài liệu đầu tiên, xác định bảy ưu tiên của Mật nghị tiếp theo nhằm sửa chữa sự nhầm lẫn và khủng hoảng do vị Giáo hoàng hiện nay tạo ra.

“La bàn hàng ngày” cho công bố một tài liệu độc quyền bằng sáu thứ tiếng, nhằm mục đích lưu hành giữa các Hồng Y nhân mật nghị sắp tới và giữa các tín hữu như một nguồn suy nghĩ về các ưu tiên của Giáo hội. Văn bản chủ yếu được viết bởi một Hồng Y sau khi ngài đối chiếu những đề xuất của các Hồng Y và giám mục khác. Các ngài đã chọn giấu tên vì những lý do được giải thích trong thư.

Vatican ngày mai

Vào tháng 3 năm 2022, một văn bản ẩn danh xuất hiện – ký tên là “Demo” và có tựa đề là “Vatican Ngày Nay” – đã nêu ra một số câu hỏi và chỉ trích nghiêm trọng liên quan đến triều giáo hoàng của Đức Phanxicô. Các điều kiện trong Giáo hội kể từ khi bản văn đó xuất hiện không có thay đổi gì về mặt thực chất, càng không được cải thiện nhiều. Vì vậy, những suy nghĩ được đưa ra ở đây nhằm xây dựng trên những suy tư ban đầu đó theo nhu cầu của Vatican trong tương lai.

Những năm cuối cùng của một triều giáo hoàng, bất cứ triều giáo hoàng nào, là thời gian để đánh giá tình trạng của Giáo hội trong hiện tại cũng như những nhu cầu của Giáo hội và các tín hữu trong tương lai. Rõ ràng điểm mạnh của triều giáo hoàng Phanxicô là sự nhấn mạnh thêm mà ngài dành cho lòng cảm thương đối với những người yếu đuối, tiếp cận những người nghèo và bị gạt ra ngoài lề xã hội, quan tâm đến phẩm giá của sáng thế và các vấn đề môi trường phát sinh từ nó, cũng như những nỗ lực để đồng hành cùng những người đau khổ và bị vong thân trong những gánh nặng của họ.

Những nhược điểm của nó cũng rõ ràng như thế: phong cách quản lý chuyên quyền, đôi khi có vẻ mang tính thù hận; sự bất cẩn trong vấn đề pháp luật; không khoan dung đối với cả những bất đồng đầy tôn trọng; và – nghiêm trọng nhất – một mô hình mơ hồ trong các vấn đề đức tin và luân lý gây ra sự nhầm lẫn giữa các tín hữu. Sự mơ hồ lẫn lộn sinh ra sự chia rẽ và xung đột. Nó làm suy yếu niềm tin vào Lời Thiên Chúa. Nó làm suy yếu chứng tá Tin Mừng. Và kết quả ngày nay là một Giáo hội bị rạn nứt hơn bao giờ hết trong lịch sử gần đây của mình.

Do đó, nhiệm vụ của triều đại giáo hoàng tiếp theo phải là phục hồi và tái lập những sự thật đã dần bị che khuất hoặc đánh mất nơi nhiều Kitô hữu. Những điều này bao gồm nhưng không giới hạn ở những điều cơ bản như sau: (a) không ai được cứu ngoại trừ và chỉ nhờ Chúa Giêsu Ki-tô, như chính Người đã nói rõ; (b) Thiên Chúa là Đấng thương xót nhưng cũng công bằng, và quan tâm mật thiết đến sự sống của mỗi con người, Người tha thứ nhưng Người cũng bắt chúng ta phải chịu trách nhiệm, Người vừa là Cứu Chúa vừa là Đấng xét xử; (c) con người là tạo vật của Thiên Chúa, không phải tự sáng chế ra, một tạo vật không chỉ có cảm xúc và ham muốn mà còn có trí hiểu, ý chí tự do và số phận vĩnh cửu; (d) những sự thật khách quan không thay đổi về thế giới và bản chất con người hiện hữu và có thể nhận biết được thông qua Mặc khải Thần Linh và việc vận dụng lý trí; (e) Lời Chúa, được ghi lại trong Kinh thánh, đáng tin cậy và có hiệu lực vĩnh viễn; (f) tội lỗi là có thật và hậu quả của nó là chết người; và (g) Giáo hội của Người có cả thẩm quyền lẫn nghĩa vụ “làm cho muôn dân trở thành môn đệ”. Việc không vui vẻ đón nhận công cuộc truyền giáo, tình yêu cứu độ đó sẽ gây ra nhiều hậu quả. Như Thánh Phaolô đã viết trong 1 Cr. 9:16, “khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng”.

Một số quan sát thực tế xuất phát từ nhiệm vụ và danh sách ở trên.

Thứ nhất: Thẩm quyền thực sự bị tổn hại bởi những biện pháp độc đoán trong quá trình thực thi nó. Đức Giáo Hoàng là Người Kế Vị Thánh Phêrô và là người bảo đảm sự hiệp nhất của Giáo Hội. Nhưng ngài không phải là người chuyên quyền. Ngài không thể thay đổi tín lý của Giáo hội, và ngài không được phát minh hay thay đổi kỷ luật của Giáo hội một cách tùy tiện. Ngài điều hành Giáo hội một cách tập thể cùng với các giám mục anh em của mình tại các giáo phận địa phương. Và ngài luôn làm như vậy trong sự tiếp tục trung thành với Lời Chúa và giáo huấn của Giáo hội. “Những mô hình mới” và “những con đường mới chưa được khám phá” đi chệch khỏi một trong hai đều không phải của Thiên Chúa. Một Giáo hoàng mới phải khôi phục khoa giải thích liên tục trong đời sống Công Giáo và khẳng định lại sự hiểu biết của Vatican II về vai trò đúng đắn của giáo hoàng.

Thứ hai: Chính vì Giáo hội không phải là một chế độ chuyên chế, cũng không phải là một chế độ dân chủ. Giáo Hội thuộc về Chúa Giêsu Kitô. Giáo Hội là Giáo hội của Người. Giáo hội là Nhiệm Thể của Chúa Kitô, gồm có nhiều chi thể. Chúng ta không có thẩm quyền sửa đổi những lời dạy của Giáo hội để phù hợp hơn với thế giới. Hơn nữa, cảm thức đức tin của Công Giáo không phải là vấn đề khảo sát ý kiến hay thậm chí là quan điểm của đa số những người đã được rửa tội. Nó chỉ xuất phát từ những người thực sự tin tưởng và tích cực thực hành, hoặc ít nhất là chân thành tìm cách thực hành đức tin và giáo huấn của Giáo hội.

Thứ ba: Sự mơ hồ không mang tính Tin mừng hay chào đón. Đúng hơn, nó nuôi dưỡng sự nghi ngờ và nuôi dưỡng những xung động ly giáo. Giáo hội là một cộng đồng không chỉ Lời Chúa và bí tích, mà còn cả tín ngưỡng. Những gì chúng ta tin tưởng sẽ giúp xác định và duy trì chúng ta. Vì vậy, các vấn đề giáo lý không phải là gánh nặng do những “tiến sĩ luật” vô cảm đặt ra. Chúng cũng không phải là những màn biểu diễn phụ của đời sống Ki-tô hữu. Ngược lại, chúng rất quan trọng để sống một đời sống Kitô hữu đích thực, bởi vì chúng đề cập đến việc áp dụng sự thật, và sự thật đòi hỏi sự rõ ràng, chứ không phải sắc thái nước đôi. Ngay từ đầu, triều giáo hoàng hiện tại đã chống lại sức mạnh Tin Mừng và sự trong sáng về mặt trí thức của những triều tiền nhiệm. Việc dỡ bỏ và tái sử dụng Viện Nghiên cứu Hôn nhân và Gia đình Gioan Phaolô II của Rôma cũng như việc loại bỏ các văn kiện như Veritatis Splendor cho thấy sự đề cao “lòng cảm thương” và cảm xúc bất chấp lý trí, công lý và sự thật. Đối với một cộng đồng tín ngưỡng, điều này vừa không lành mạnh vừa cực kỳ nguy hiểm.

Thứ tư: Giáo Hội Công Giáo ngoài Lời Chúa, bí tích, tín điều còn là một cộng đồng luật pháp. Giáo luật sắp đặt trật tự cho đời sống Giáo hội, hài hòa các thể chế và thủ tục của Giáo hội, đồng thời bảo đảm các quyền lợi của các tín hữu. Trong số các dấu hiệu của triều giáo hoàng hiện tại là sự phụ thuộc quá mức vào tự sắc như một công cụ quản trị và sự bất cẩn và chán ghét nói chung đối với các chi tiết giáo luật. Một lần nữa, cũng như sự mơ hồ về tín lý, việc coi thường giáo luật và thủ tục giáo luật thích hợp sẽ làm suy yếu niềm tin vào sự trong sạch của sứ mệnh Giáo hội.

Thứ năm: Giáo hội, như Đức Gioan XXIII đã mô tả rất hay, là mater et magistra, “mẹ và thầy” của nhân loại, chứ không phải là người tận tụy đi theo; người bảo vệ con người trong tư cách chủ thể của lịch sử chứ không phải đối tượng của lịch sử. Giáo hội là cô dâu của Chúa Kitô; bản chất của Giáo hội có tính bản vị, siêu nhiên và thân mật, chứ không chỉ đơn thuần là thể chế. Giáo hội không bao giờ có thể bị thu gọn vào một hệ thống đạo đức linh hoạt hoặc phân tích và tái lên khuôn xã hội học để phù hợp với bản năng và ham muốn (và những nhầm lẫn về tình dục) của một thời đại. Một trong những sai sót chính của triều giáo hoàng hiện tại là việc rút lui khỏi “thần học thân xác” đầy thuyết phục và thiếu một nền nhân học Kitô giáo hấp dẫn... chính vào thời điểm mà các cuộc tấn công vào bản chất và bản sắc con người, từ chủ nghĩa chuyển phái tính đến chủ nghĩa chuyển nhân bản [transhumanism], đang gia tăng.

Thứ sáu: Việc tông du hoàn cầu đã phục vụ một mục tử như Giáo hoàng Gioan Phaolô II rất tốt vì những thiên phú bản thân độc đáo của ngài và tính chất của thời đại. Nhưng thời thế và hoàn cảnh đã thay đổi. Giáo hội ở Ý và khắp châu Âu – ngôi nhà lịch sử của đức tin – đang gặp khủng hoảng. Bản thân Vatican rất cần một cuộc đổi mới tinh thần, thanh lọc các thể chế, thủ tục và nhân sự, cũng như một cuộc cải cách toàn diện về tài chính để chuẩn bị cho một tương lai đầy thách thức hơn. Đây không phải là những điều nhỏ nhặt. Chúng đòi sự hiện diện, sự chú ý trực tiếp và sự tham gia đích thân của bất cứ vị Giáo hoàng mới nào.

Thứ bảy và cuối cùng: Hồng Y đoàn hiện hữu để cung cấp cố vấn cấp cao cho Giáo hoàng và bầu người kế vị sau khi ngài qua đời. Việc phục vụ đó đòi hỏi những con người có đức tính trong sạch, được đào tạo thần học vững chắc, kinh nghiệm lãnh đạo trưởng thành và sự thánh thiện bản thân. Nó cũng đòi hỏi một Giáo hoàng sẵn sàng tìm kiếm lời khuyên và sau đó lắng nghe. Không rõ điều này được áp dụng ở mức độ nào trong triều giáo hoàng của Đức Phanxicô. Triều giáo hoàng hiện tại đã nhấn mạnh vào việc đa dạng hóa Hồng Y đoàn, nhưng đã thất bại trong việc tập hợp các Hồng Y trong các công nghị thường kỳ được thiết kế để thúc đẩy tinh thần hiệp đoàn thực sự và sự tin tưởng giữa các anh em. Kết quả là nhiều cử tri bỏ phiếu trong mật nghị bầu Giáo hoàng tiếp theo sẽ không thực sự biết nhau và do đó có thể dễ bị thao túng hơn. Trong tương lai, nếu Hồng Y đoàn phục vụ mục đích của mình thì các Hồng Y ở đó cần nhiều thứ hơn là một chiếc zucchetto màu đỏ và một chiếc nhẫn. Hồng Y đoàn của ngày hôm nay, nên chủ động tìm hiểu nhau để hiểu rõ hơn quan điểm cụ thể của họ về Giáo hội, hoàn cảnh giáo hội địa phương và nhân cách của họ - những điều ảnh hưởng đến việc họ cân nhắc về vị giáo hoàng tiếp theo.

Người đọc sẽ khá hợp lý khi hỏi tại sao bản văn này lại ẩn danh. Câu trả lời hẳn phải rõ ràng từ xu hướng chung của môi trường Rôma ngày nay: Sự thẳng thắn không được chào đón và hậu quả của nó có thể khó chịu. Tuy nhiên, những suy nghĩ này có thể tiếp tục trong nhiều đoạn văn nữa, đặc biệt lưu ý đến sự phụ thuộc nặng nề của giáo hoàng hiện tại vào Dòng Tên, công việc có vấn đề gần đây của Đức Hồng Y Victor Manuel Fernández của Bộ Giáo lý Đức tin, và sự xuất hiện của một tổ chức đầu sỏ nhỏ gồm những người thân tín có ảnh hưởng quá mức trong nội bộ Vatican – tất cả bất chấp những chủ trương tản quyền của tính đồng nghị, trong số những điều khác.

Chính vì những vấn đề này nên những suy nghĩ thận trọng được nêu ở đây có thể hữu ích trong những tháng tới. Người ta hy vọng rằng sự đóng góp này sẽ giúp hướng dẫn những cuộc đối thoại rất cần thiết về việc Vatican sẽ trông như thế nào trong triều giáo hoàng tiếp theo.


Source:Catholic News Agency