1. Số tín hữu Chính thống Nga tại Ukraine giảm sút mạnh

Hiện nay số tín hữu Chính thống Nga, thuộc Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa ở Ukraine giảm sút mạnh so với trước chiến tranh.

Theo phúc trình của Trung tâm Ukraine nghiên cứu kinh tế chính trị, hiện nay có 42% dân Ukraine tuyên bố mình thuộc Giáo hội Chính thống Ukraine độc lập và chỉ có 5,6% thuộc Tòa Thượng phụ Chính thống ở Mạc Tư Khoa bên Nga. Từ sau cuộc tấn công xâm lăng của Nga chống Ukraine cách đây gần hai năm, tỷ lệ tín hữu Chính thống Nga tại Ukraine suy giảm mau lẹ.

Theo trung tâm Razumkov, trước khi Nga tấn công Ukraine, hồi tháng Hai năm 2021, có 13,6% dân Ukraine tuyên bố mình thuộc Tòa Thượng phụ Chính thống Mạc Tư Khoa, nhưng đến cuối năm nay chỉ còn lại 5,6%, tức là giảm hơn một nửa. Còn Giáo hội Chính thống Ukraine độc lập khỏi Chính thống Nga, hồi năm 2021, có 20% tuyên bố mình thuộc Giáo hội này, nhưng nay con số đó tăng lên gối đôi, tức là 42%.

Trong số các tín hữu Chính thống tại Ukraine, 69.4% tuyên bố mình có liên hệ với Giáo hội Chính thống Ukraine, 9.2% liên hệ với Giáo hội Chính thống Ukraine thuộc Tòa Thượng phụ Chính thống Mạc Tư Khoa, và 20,7% nói là mình theo Chính thống giáo, nhưng không thuộc Tòa Thượng phụ nào.

55,5% dân Ukraine tin rằng cần phải cấm đoán các hoạt động của Giáo hội Chính thống thuộc Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa, vì họ tin là có sự liên kết chặt chẽ của Giáo hội này với Giáo hội Chính thống Nga, và do đó có trách nhiệm về cuộc chiến tranh xâm lược của Nga tại Ukraine.

Cũng theo trung tâm nghiên cứu Razumkov, có 11% dân Ukraine cho biết mình thuộc Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương, 1.2% thuộc Công Giáo Latinh, và 1,4% là tín hữu các Giáo hội Tin lành. 0,1% theo Do thái giáo và con số tương tự là tín hữu Hồi giáo.

2. Bộ Phong thánh cứu xét phép lạ của chân phước Takayama Ukon

Bộ Phong thánh đang cứu xét một phép lạ của chân phước Justus Takayama Ukon và nếu được công nhận, Giáo hội sẽ có vị hiển thánh đầu tiên xuất thân từ một kiếm sĩ-Samurai, Nhật Bản.

Theo tin của hãng CBCP News thuộc Hội đồng Giám mục Philippines, Đức Hồng Y Thomas Aquinas Manyo Maeda, Tổng giám mục Giáo phận Osaka, Nhật Bản, cho biết như trên, hôm 22 tháng Mười Hai vừa qua, nhân dịp hướng dẫn 30 tín hữu người Nhật tham dự cuộc hành hương hằng năm tại Manila, từ ngày 18 đến ngày 22 tháng Mười Hai vừa qua, tại nơi chân phước Takayama lưu vong và qua đời.

Chân phước Justo Takayama Ukon, cũng gọi là Cao San Hữu Cận, sinh năm 1552, được rửa tội năm lên 12 tuổi và được các cha Dòng Tên hướng dẫn. Ông cũng là một kiếm sĩ Samurai. Đến thời tướng quân Toyotomi Hideyoshi ra lệnh cấm đạo Kitô, các kiếm sĩ khác đều tuân hành, ngoại trừ Takayama Ukon. Ông bị tước hết chức tước và quyền lợi dành cho hàng quý tộc và phải cùng với 300 đồng đạo lưu vong sang Manila, và qua đời tại đây, ngày 04 tháng Hai năm 1615, thọ 63 tuổi.

Ông được tôn phong chân phước ngày 07 tháng Hai năm 2017 tại Osaka, trong thánh lễ tại Osaka, do Đức Hồng Y Angelo Amato, Tổng trưởng Bộ Phong thánh, đại diện Đức Thánh Cha chủ sự. Trong bài giảng, Đức Hồng Y đã ca ngợi vị tân chân phước là “Người thăng tiến không biết mệt mỏi công cuộc loan báo Tin mừng tại Nhật Bản. Người thực là chiến sĩ của Chúa Kitô, không phải bằng võ khí, nhưng bằng lời nói và gương lành. Chân phước đã được giáo dục về sự tôn trọng danh dự và lòng trung thành, đã trưởng thành trong lòng trung thành với Chúa Giêsu, lòng trung thành này mạnh mẽ đến độ đã an ủi người trong cảnh lưu vong và bị bỏ rơi.” “Tuy nhiên, sự mất mát địa vị đặc ân và lâm vào một cuộc sống nghèo khổ, thầm lặng không làm cho người sầu muộn, nhưng trái lại, làm cho người thanh thản, vui tươi, vì trung thành với những lời hứa khi chịu phép rửa tội”.

Về phần Đức Thánh Cha Phanxicô, trong buổi đọc kinh Truyền tin, trưa Chúa nhật, ngày 08 tháng Hai năm 2017, ngài nhận định rằng: “Thay vì chiều theo những thỏa hiệp, chân phước Takayama Ukon đã từ bỏ những vinh dự và cuộc sống tiện nghi sang trọng, chấp nhận tủi nhục và lưu đày. Người trung thành với Chúa Kitô và Tin mừng, vì thế, người là tấm gương đáng ca ngợi về sự vững mạnh trong đức tin và lòng tận tụy trong đức bác ái.”

3. Sau vụ tấn công dã man vào Ukraine, Nga còn tìm cách vu cáo Ukraine

Hôm Chúa Nhật 31 Tháng Mười Hai, thống đốc vùng Bryansk ở Nga, giáp Ukraine, cho biết một đứa trẻ đã thiệt mạng trong các cuộc tấn công vào “các các cơ sở hạ tầng dân sự” ở hai thị trấn. Alexander Bogomaz không nêu rõ thời điểm các cuộc tấn công diễn ra.

Bogomaz cho biết: “Những kẻ khủng bố Ukraine đã pháo kích vào các làng Kister và Borshchovo, quận Pogarsky.”

“Hơn 10 quả đạn pháo đã được bắn từ hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt vào các mục tiêu dân sự. Thật không may, một đứa trẻ sinh năm 2014 đã chết vì một vụ tấn công khủng bố. Tôi xin gửi lời chia buồn chân thành tới gia đình người đã khuất. Mọi sự hỗ trợ cần thiết cho gia đình sẽ được cung cấp.”

Bộ Quốc Phòng Nga cũng cho biết họ đã phá hủy một thuyền không người lái của Ukraine đang di chuyển về phía bán đảo Crimea.

4. Quân đội Ba Lan sẽ tìm kiếm các bộ phận của một hỏa tiễn đến cuối ngày Chúa Nhật

Tư Lệnh quân đội Ba Lan, Tướng Wiesław Kukuła cho biết: “Các lực lượng vũ trang Ba Lan đang gia hạn hoạt động tìm kiếm các bộ phận của một hỏa tiễn của Nga đã vi phạm không phận chúng ta vào sáng thứ Sáu.”

“Chúng tôi thông báo đã thông báo rằng vào ngày 30 tháng 12… một cuộc tìm kiếm trên mặt đất sẽ được thực hiện tại Lublin Voivodeship để tìm các thành phần có thể có của hỏa tiễn đã vi phạm không phận Ba Lan hôm Thứ Sáu. Cuộc tìm kiếm sẽ kết thúc vào tối Chúa Nhật”

“Mục đích của việc tìm kiếm là xác nhận chắc chắn rằng không có phần nào của vật thể còn sót lại trên lãnh thổ Ba Lan.”

Các quan chức quân sự Ba Lan hôm thứ Sáu cho biết vật thể này đã rời khỏi không phận nước này trong vòng ba phút sau khi đi vào hướng biên giới với Ukraine.

Ông cho biết khoảng 480 binh sĩ của Lực lượng Phòng vệ Lãnh thổ sẽ tham gia cuộc tìm kiếm gần thành phố Zamosc ở phía đông nam Ba Lan.

Vào tối thứ Sáu, Bộ Ngoại giao Ba Lan đã triệu tập đại biện Nga, yêu cầu giải thích về việc hỏa tiễn dẫn đường xâm phạm không phận của nước này.